Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 26.02.2021 -“Ngáo ộp” lạm phát, nhìn từ đà tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ

Nhận định Thị trường hàng ngày 26/02/2021    569

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 26/02/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

“Ngáo ộp” lạm phát, nhìn từ đà tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ

– Sau một thời gian say mê với đà tăng giá mạnh mẽ của các loại tài sản nhờ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và những gói kích cầu khổng lồ, giờ là lúc nhà đầu tư trên toàn cầu bừng tỉnh vì mối lo mới: lợi suất trái phiếu tăng và nguy cơ trở lại của lạm phát.

– Xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã bắt đầu từ cuối tháng 1, dẫn tới lo ngại rằng các điều kiện vay vốn sẽ dần bị thắt chặt, lãi suất sẽ nâng lên, đảo ngược môi trường tài chính thuận lợi mà các chính phủ và ngân hàng trung ương đã cố gắng tạo ra để đưa nền kinh tế toàn cầu hồi phục từ đại dịch Covid-19. Triển vọng lạm phát và lãi suất như vậy cũng có thể chặn đứng xu hướng tăng kéo dài của thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là chứng khoán Mỹ – nơi cả ba chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq liên tục lập đỉnh cao mới thời gian gần đây.

– Thị trường chứng khoán Mỹ gần đây đã có những phiên “run rẩy” khi lợi suất trái phiếu lập đỉnh, giá tiền ảo Bitcoin – một trong những tài sản hưởng lợi nhiều nhất từ môi trường lãi suất thấp và kích cầu – sụt giá. Trái lại, giá hàng hóa cơ bản – một lớp tài sản thường được xem như công cụ tốt để chống lại lạm phát – tăng lên mức cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây.

– Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase vào đầu tháng nói rằng hàng hóa cơ bản có vẻ như đã bắt đầu một siêu chu kỳ mới – một thời kỳ kéo dài trong đó giá hàng hóa sẽ cao hơn nhiều so với xu hướng dài hạn. Nhận định này trùng hợp với quan điểm của các tổ chức dự báo khác như ngân hàng Goldman Sachs. Trong vòng 100 qua, giá hàng hóa cơ bản đã trải qua 4 siêu chu kỳ như vậy.

Deutsche Bank: Phố Wall sắp đón thêm dòng tiền 170 tỷ USD

– Khảo sát đối với nhà đầu tư cá nhân cho thấy những người trả lời dự định dành 37% khoản hỗ trợ tiền mặt nhận được vào cổ phiếu, nhóm chiến lược gia tại Deutsche Bank nhận định. Tổng số tiền hỗ trợ dự kiến là 465 tỷ USD, đồng nghĩa Phố Wall có thể đón nhận thêm 170 tỷ USD.

– Phe Dân chủ đang chạy đua để thông qua gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, bao gồm chi 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ chịu ảnh hưởng của Covid-19, mà không cần sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa. Quốc hội Mỹ trước đó cho phép triển khai hai lần hỗ trợ trực tiếp hồi tháng 3/2020 và cuối tháng 12/2020.

2. Tin vĩ mô Việt Nam

Xuất khẩu tăng kỷ lục

– Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2021, xuất khẩu cả nước đã tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái..
– Úc là một trong những thị trường xuất khẩu nổi bật và nhiều triển vọng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1, xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc tăng tới 62,08% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 392 triệu USD.
– Bên cạnh Úc thì Mỹ và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường xuất khẩu hàng hóa đứng đầu của Việt Nam với kim ngạch lần lượt 7,5 tỉ USD và 5,8 tỉ USD. Tiếp đến là EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, Mỹ là nơi tiếp nhận nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm: hàng điện thoại và các loại linh kiện có giá trị xuất khẩu 6,1 tỉ USD, tăng 1,49 tỉ USD so với tháng trước và tăng 3,4 tỉ USD so với cùng kỳ; dệt may xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,3 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó mặt hang xuất khẩu rau quả và sản phẩm gỗ tiếp tục có sự tăng trưởng cao.

Đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 16-20% GDP vào 2025

– Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến 2025. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ này vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15-20% và tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) trên thế giới đạt 50 trở lên.

– Hiện tốc độ tăng trưởng của ngành logistics đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP và chi phí logistics khoảng 21% GDP, theo Ngân hàng Thế giới.

– Kế hoạch hành động vừa được ban hành chỉ rõ từng mốc thời gian gắn với việc tổ chức thực hiện như 2020-2021 là giai đoạn rà soát tình hình thực hiện, tiếp tục triển khai nhiệm vụ năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics. Năm 2022 tiếp tục duy trì việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ dịch vụ logistic. Đến 2023 sẽ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045

3. Các kênh đầu tư

JPMorgan: “Không phải Bitcoin, Fintech mới là tương lai của nền kinh tế thế giới”

– Theo JPMorgan, Bitcoin chỉ đang phản ánh một mặt của thị trường. Các công ty công nghệ tài chính (fintech) mới là tương lai của nền kinh tế thế giới.

– Các nhà đầu tư đã đưa ra những so sánh giữa Bitcoin và vàng. Cuối cùng, họ tin rằng Bitcoin là một kho lưu trữ tài sản kỹ thuật số mới có tiềm năng phát triển lớn vì sở hữu nguồn cung hạn chế. Tổng số Bitcoin trên toàn cầu hiện ở mức 21 triệu BTC.

– Với việc có khả năng trở thành một tài sản an toàn chống lại sự lạm phát của thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không chấp nhận Bitcoin và các loại tiền điện tử khác là tài sản chính thống vì không có giá trị nội tại. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây do Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức thực hiện đã chỉ ra rằng các nhà đầu tư coi Bitcoin là bong bóng dễ vỡ nhất trên thị trường tài chính ở thời điểm hiện tại.

– “Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng truyền thống và fintech đang ngày càng gay gắt, trong đó Big Tech sở hữu các nền tảng kỹ thuật số mạnh nhất nhờ quyền truy cập vào kho dữ liệu khách hàng khổng lồ của họ”, người đại diện của JPMorgan chia sẻ.

4. Câu chuyện đầu tư

“Tầm nhìn quyết định số mệnh”

Trong cuộc đời, có những người khi vừa đối diện với núi cao hiểm trở thì đã sợ khó, sợ khổ ngừng chân đứng lại. Lại có những người lại vượt qua gai góc bụi bẩn ven đường và trở thành một con người khác.
Hãy tiết kiệm đầu tư từ sớm
Gió có thể làm tắt lửa, nhưng cũng lại làm lửa cháy bùng lên. Vấn đề là bạn lựa chọn mình là ngọn lửa nào?
Đường phía trước có còn xa hay không? Những lời này không phải là hỏi đôi chân, mà là muốn hỏi nội tâm của bạn. Mỗi bước đi của bạn, đều là từ nơi sâu thẳm trong tâm cũng muốn bước đi, tầm nhìn của bạn có thể hướng tới phương xa, vậy thì cuối cùng bạn cũng có thể đi tới được nơi đó.
Có một thứ ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ tương lai. Giả sử, 30 năm nữa bạn đang là một ông/ bà lão đã đến tuổi sức gần cùng, lực gần tận. Thay đổi tương lai dường như đã là điều không thể. Ông/ bà lão (bạn) muốn quay lại thì thầm với chính bạn, người đang trẻ hơn 30 tuổi đó vài lời, bạn sẽ nói điều gì?
Nếu bạn đã từng xem bộ phim “Shawshank redemtion” (Nhà tù Shawshank – bộ phim nổi tiếng nhất mọi thời đại) có kể về nhân vật Red, người tù đã bị giam ở đó 40 năm vì tội giết người năm 18 tuổi, đã nuối tiếc trả lời rằng, “tôi ước gì mình quay lại thì thầm vào thằng nhóc trẻ trâu, về tội phạm ngu ngốc, để chính nó giờ đây, là một ông già 60 tuổi, cả một cuộc đời trong nhà tù này. Nhưng điều đó là không thể!”.
Vậy thì, bạn sẽ làm gì ngày hôm nay? Bạn sẽ ưu tiên thực hiện việc gì nhất trong 24 tiếng có mỗi ngày? 30 năm nữa, nếu bạn muốn có
• Gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt: Hãy luôn nâng niu chăm sóc từ những điều nhỏ nhặt nhất, nuôi dạy con tốt hơn.
• Cuộc sống sung túc, an tâm tuổi già: Hãy tiết kiệm đầu tư từ sớm, và nên nhớ đừng bỏ cuộc chỉ vì tạm thời thua lỗ, và khi bạn đã xác định con đường mình cần phải đi.
• Thông thái, là người dẫn đường chỉ lối cho thế hệ sau? Hãy tích lũy kiến thức mỗi ngày, học một kỹ năng mới hay đơn giản đọc một quyển sách.
Tương lai ngày mai ra sao phụ thuộc vào cách bạn đối xử với chính mình tại thời điểm hiện tại.