Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 25.09.2020 – Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm xuống rất thấp

Nhận định Thị trường hàng ngày 25/09/2020    657

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm xuống rất thấp

1. Vĩ mô Quốc tế

Australia sửa luật phá sản để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ dịch

Ngày 24/9, Australia đã công bố những điều chỉnh trong luật phá sản nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, cũng như cứu người dân Australia khỏi tình trạng mất việc làm. Những điều chỉnh này là lớn nhất đối với luật phá sản của Australia trong vòng 30 năm qua.

Cụ thể, các doanh nghiệp có khoản nợ dưới 1 triệu AUD (708.000 USD) sẽ tiếp tục được hoạt động trong khi xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nợ, thay vì phải đặt dưới sự quản lý của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, Australia cũng đã công bố các gói kích thích kinh tế trị giá 314 tỷ AUD (222 tỷ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động từ khủng hoảng Covid-19.

Tập đoàn JPMorgan Chase tìm cách chuyển 230 tỉ USD từ Anh sang Đức phòng Brexit

Hãng tin Bloomberg cho biết, tập đoàn tài chính Mỹ JPMorgan Chase đang tìm cách chuyển 230 tỉ USD tài sản từ Anh sang Đức trước thời điểm hoàn tất thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo đảm rằng có thể phục vụ khách hàng trước viễn cảnh các công ty đặt trụ sở ở Anh, không giữ được “quyền chuyển khẩu” (passporting rights) – tức họ chỉ đăng ký tại Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) để thực hiện kinh doanh mà không cần cấp phép thêm từ mỗi nước sở tại.

Trước viễn cảnh Brexit, JPMorgan hồi tuần trước đã thông báo tới hơn 200 nhân viên chi nhánh London chuẩn bị di chuyển tới các thành phố ở châu Âu như Paris, Frankfurt, Milan và Madrid.

Trung Quốc đứng sau khoản nợ hàng tỷ USD của Angola?

Trong báo cáo tài chính về Angola được công bố vào ngày 21/09, IMF cho biết việc tái cấu trúc nợ sẽ “giảm bớt áp lực tài chính và nhu cầu tài chính” đối với đất nước đang chìm ngập trong nợ nần này. Nền kinh tế Angola đang trong tình trạng suy thoái năm thứ 5 liên tiếp. Với việc dầu mỏ chiếm 95% xuất khẩu và 2/3 nguồn thu của Chính phủ, nền kinh tế của quốc gia châu Phi này cũng lao đao vì giá dầu trượt dốc. IMF dự báo tỷ lệ nợ công của nước này sẽ chạm mức tương đương 123% GDP vào cuối năm nay.

IMF từ chối nêu cụ thể chủ nợ được đề cập trong báo cáo của mình, nhưng các chuyên viên phân tích cho biết các thỏa thuận liên quan đến các ngân hàng Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (CEB), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC).

Standard Chartered: Singapore sẽ không dùng tiền mặt trong một thập kỷ tới

Theo khảo sát của công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng Standard Chartered, gần 80% số người được khảo sát tại Singapore cho rằng, ‘đảo quốc Sư tử’ này sẽ hoàn toàn không dùng tiền mặt trong một thập kỷ tới.

Kết quả trên do người tiêu dùng Singapore đang thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển sang giao dịch ngân hàng và mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời cũng chuyển sang cách quản lý tiền bạc và chi tiêu hợp lý hơn.

80% số người Singapore được khảo sát cho biết, họ trở nên thận trọng hơn với chi tiêu của mình. Trong đó, những người từ 45 tuổi trở lên nên thận trọng hơn so với những người từ 18-44 tuổi. Họ chi tiêu nhiều hơn cho hàng tạp hóa, thiết bị số và chăm sóc sức khỏe, và chi tiêu ít hơn cho quần áo, đi lại và nghỉ dưỡng so với trước dịch bệnh.

Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU)

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) mới đây cho biết, trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), vị trí trước đây thuộc về Mỹ. Cụ thể, nhập khẩu của EU từ Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập của EU từ Mỹ trong cùng kỳ giảm 11,7%. Theo Eurostat, xuất khẩu của EU sang Trung Quốc giảm nhẹ 1,8% trong khi xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 9,9%.

2. Vĩ mô Việt Nam

Hiệp hội Điện gió Toàn cầu: Việt Nam cần sớm gia hạn biểu giá FIT đối với điện gió

Ngày 23/9, liên minh ngành công nghiệp điện gió, đứng đầu là Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) đã gửi thư kêu gọi Chính phủ Việt Nam gia hạn biểu giá FIT áp dụng cho điện gió.

GWEC cho biết, Việt Nam là thị trường phát triển năng lượng gió nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với công suất lắp đặt trong đất liền và trên biển đạt 500 MW, cùng với 4 GW sẽ được kết nối thêm từ nay tới năm 2025.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng trong phát triển điện gió ở Việt Nam đã chậm lại đáng kể trong năm 2020. Lý do là các dự án điện gió trên bờ thường yêu cầu 2 năm để phát triển, trong khi biểu giá điện FIT hiện tại chỉ áp dụng cho các dự án hoàn thành trước tháng 11/2021.

Việc chưa có kế hoạch rõ ràng về giá FIT từ năm 2022 trở đi khiến các nhà đầu tư lo ngại đến những bất định nếu cam kết đầu tư vào các dự án điện gió mới. Điều này sẽ đẩy lùi mục tiêu của Việt Nam về một tương lai có nguồn điện sạch, đáng tin cậy và giá cả phải chăng. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần tránh làm chậm các khoản đầu tư thực sự cần thiết cho ngành công nghiệp này, bằng cách gia hạn thời gian áp dụng biểu giá FIT. Từ đó đảm bảo các khoản đầu tư dài hạn được thực hiện; tạo ra hàng chục nghìn việc làm với lao động có tay nghề cao; cung cấp năng lượng sạch, cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam”.

Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc tăng đột biến hơn 1.800%|

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Trong 8 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,9 triệu tấn sắt thép, riêng Trung Quốc mua 2 triệu tấn. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc tăng mua đột biến, khoảng 1.860%.

Một số thị trường khác cũng tăng nhập sắt thép các loại từ Việt Nam như Brazil tăng 195% đạt 16.602 tấn; Đức tăng 143% đạt 2.305 tấn; Thái Lan tăng 89,5% đạt 469.212 tấn.

Hiện, sắt thép xuất khẩu của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn về số lượng của Formosa (Hà Tĩnh). Từ giữa năm 2018, Formosa bắt đầu vận hành cả 2 lò cao, sắt thép xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh từ đầu năm 2019. Trong năm 2020, bất chấp bối cảnh dịch bệnh gia tăng, sắt thép xuất đi của Việt Nam không có dấu hiệu chững lại.

Ngoài sắt thép, Trung Quốc cũng tăng mua gấp đôi số dầu thô từ Việt Nam, với khoảng 1,68 triệu tấn.

Theo báo Nikkei (Nhật Bản), Trung Quốc trong 2 đến 3 năm trở lại đây đang tăng cường tích trữ các năng lượng và nguyên liệu thô quý hiếm nhằm dự trữ cho quốc gia và tránh các bất ổn về giá cả cũng như nguy cơ xung đột thương mại với nhiều nước.

3. Các kênh đầu tư

Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm

Vừa qua, nhiều ngân hàng đã có động thái giảm tiếp lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống mức rất thấp. Cụ thể như Vietcombank giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3.3%/năm, kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 3.6%/năm, 6 tháng còn 4.2%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 6%/năm. HDBank hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-5 tháng là 3.8%/năm, kỳ hạn từ 6-11 tháng là 5.8%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng, với số tiền gửi tiết kiệm từ 100 tỷ đồng trở lên là 7.4%/năm, số tiền dưới 100 tỷ đồng áp dụng mức lãi suất 6.4%/năm. Eximbank cũng giảm 0.2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng tại kỳ điều chỉnh ngày 18/09/2020, chỉ còn 6.3%/năm.

Trước động thái này, các chuyên gia dự đoán lãi suất tiền gửi vẫn còn dư địa giảm trong tháng 9, thanh khoản tiền tệ trong hệ thống ngân hàng nhiều khả năng vẫn duy trì trạng thái dồi dào. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại và nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam những tháng cuối năm 2020. Hơn nữa, ngày 14/08/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư 08/2020/TT-NHNN lùi 01 năm đối với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Thông tư này góp phần làm giảm áp lực tăng lãi suất tiền gửi, các NHTM sẽ có thêm nguồn lực để mở rộng các gói tín dụng trung và dài hạn cho khách hàng. Tăng trưởng tín dụng vẫn dự báo ở mức thấp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, lãi suất có thể tăng nhẹ trở lại vào những tháng cuối năm do nhu cầu thanh toán cao (yếu tố mùa vụ cuối năm tài chính). Như vậy, dự đoán lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn còn dư địa giảm nhẹ trong tháng 9 trước khi có thể tăng nhẹ vào tháng cuối năm 2020, nhưng mặt bằng chung vẫn ở mức thấp.