Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 25.05.2021 Giá quặng sắt giảm mạnh sau khi Chính phủ TQ cảnh báo xu hướng đầu cơ quá đà

Nhận định Thị trường hàng ngày 25/05/2021    7355

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá quặng sắt giảm mạnh sau khi Chính phủ TQ cảnh báo xu hướng đầu cơ quá đà
– Ủy Ban Cải cách và Phát triển Quốc của Trung Quốc thông báo sẽ tập trung giải quyết tình trạng một số mặt hàng tăng quá nóng trong thời gian gần đây. Cụ thể, cơ quan phát triển chính sách kinh tế này của Trung Quốc sẽ nhắm đến các đơn vị độc quyền hàng hóa, việc truyền bá thông tin sai lệch và tình trạng tích trữ thừa hàng hóa với các biện pháp ngăn chặn việc tăng giá hàng hóa, gây ảnh hưởng đến giá cả hàng tiêu dùng. Cơ quan này cũng cảnh báo các doanh nghiệp không tham gia thao túng thị trường khi các yếu tố đầu cơ quá đà đang khiến giá hàng hóa tăng mạnh trong thời gian gần đây.
– TQ là quốc gia tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, và giá nguyên liệu thô ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất. Giá tại các nhà máy ở TQ đã tăng 7% trong tháng 4 sau khi giảm đều trong năm 2020.
– Tuyên bố trên khiến thị trường hàng hóa giảm mạnh ngày hôm nay. Hợp đồng tương lai quặng trên sàn GD Shanghai sắt giảm 8%, hay 163 đô/tấn. Tính từ thời điểm lập đỉnh hồi đầu tháng 5, HĐTL quặng sắt đã giảm 20%. Các mặt hàng khác như thép thanh, thép HRC hay thép CRC đều đã giảm hơn 10% so với giá đỉnh hồi đầu tháng 5.
– Ngoài cam kết sẽ tăng sản lượng ở một số mặt hàng như than, động thái mới nhất của Chính phủ TQ phát tín hiệu giá cả thị trường hàng hóa sẽ còn tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xây dựng vốn bị ảnh hưởng bởi chu kỳ tăng giá vừa rồi sẽ được hưởng lợi khi giá đầu vào đi xuống, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa như thép và nhôm sẽ ghi nhận sụt giảm biên lợi nhuận khá mạnh khi sản phẩm không còn bán được với mức giá quá cao như trước.

• IMF đề xuất kế hoạch 50 tỷ USD nhằm kết thúc đại dịch
– Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đề xuất kế hoạch 50 tỷ USD nhằm giải quyết dứt điểm đại dịch COVID-19, với mục tiêu có thể tiêm vaccine cho ít nhất 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021, và mục tiêu chấm dứt đại dịch vào giữa năm 2022.
– Tại Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu G20 được tổ chức trực tuyến, khoản 50 tỷ USD bao gồm 35 tỷ USD viện trợ và 15 tỷ USD từ nguồn lực của các chính phủ và tài trợ khác. Theo IMF, việc triển khai kế hoạch này không chỉ cứu hàng triệu dân số qua việc chấm dứt đại dịch mà còn mang lại lợi ích kinh tế lên đến 9,000 tỷ USD cho tổng GDP toàn cầu khi các nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do các hoạt động kinh doanh và sản xuất bị cắt giảm hoặc đình trệ.
– Ngoài ra, IMF nhấn mạnh chương trình này sẽ giúp tất cả các quốc gia tiếp cận được với vaccine sớm nhất có thể, đặc biệt là các khu vực có thu nhập thấp. “Không quốc gia nào có thể trở lại bình thường cho đến khi tất cả các nước đều trở lại trạng thái bình thường” là tuyên bố. Tính đến cuối tháng Tư vừa qua, chưa đầy 2% dân số châu Phi được tiêm chủng, trong khi hơn 40% người dân Mỹ và hơn 20% người dân châu Âu đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Cũng tại hội nghị, Pfizer và BionTech cam kết sẽ cung cấp 1 tỷ liều vaccine năm 2021 và thêm 1 tỷ liều năm 2022 với giá ưu đãi cho các nước thu nhập thấp.
– Tính đến hiện tại, chưa đầy 2% dân số châu Phi được tiêm chủng, trong khi hơn 40% người dân Mỹ và hơn 20% người dân châu Âu đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19. Kế hoạch 50 tỷ USD của IMF, nếu được hưởng ứng, sẽ giúp các hoạt động kinh tế và xã hội toàn cầu có hi vọng trở lại mức bình thường trước đại dịch vào cuối năm 2022, đồng thời giảm đáng kể khoảng cách phân hóa trong hồi phục giữa các nước giàu nghèo.

2. Thông tin Việt Nam

• Thanh khoản ngân hàng báo hiệu “mỏng” dần
– Trong thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng đang trên xu hướng tăng khá mạnh, phản ánh nhu cầu tín dụng đang tăng cao của các NHTM.
– Theo VnEconomy, nếu tính hệ số LDR (Loan to Deposit Ratio – hệ số nhằm đánh giá khả năng thanh khoản theo kỳ hạn) của các NHTM hiện tại, có đến 13/16 ngân hàng tăng chỉ số LDR, với mức tăng mạnh nhất là 6.8% ở ngân hàng MSB lên 97.5%. Theo sau là VPBank với 5% lên 129.6%, mức LDR cao nhất hệ thống.
– Hầu hết, hệ số LDR của các ngân hàng đều tiệm cận mức 100%. Điều này cho thấy tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng đều đang gần chạm hoặc vượt tổng mức tiền gửi hiện có, dẫn đến gia tăng rủi ro về khả năng tự bảo vệ các ngân hàng khỏi nguy cơ bị rút tiền gửi đột ngột.
– Mặc dù vậy, khả năng lãi suất cho vay cũng tăng tương ứng theo lãi suất liên ngân hàng là không cao, khi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là ổn định mức lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Hơn nữa, giai đoạn tháng 6 – 7 sẽ có một lượng tiền đồng lớn đổ vào hệ thống tín dụng đến từ việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, giúp bổ sung thanh khoản cho các ngân hàng và có thêm cơ sở ổn định lãi suất liên ngân hàng và thanh khoản của hệ thống.

• Bình Dương có thêm 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD
– 5 doanh nghiệp FDI vừa được trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) đợt I với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. Những doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất sản phẩm điện tử, đầu tư XD nhà kho, nhà xưởng, dịch vụ logistics và sản xuất sản phẩm polyester.
– Tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, Bình Dương đã thu hút hơn 1,25 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (bằng 159% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó có 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới (bằng 52% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 289 triệu USD (bằng 109% so với cùng kỳ năm 2020).
– Từ đầu năm, các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đã thu hút hơn 1,16 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (bằng 198% so với cùng kỳ), chiếm 92,9% tổng vốn đầu tư đăng ký toàn tỉnh, gồm 25 dự án mới, 8 dự án điều chỉnh tăng vốn và 16 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần, khiến cho tỉnh Bình Dương đứng thứ 3 toàn quốc về thu hút vốn FDI, chỉ sau TPHCM và Hà Nội, với 3.974 dự án và tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 36,5 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.
– Sau khi là nước được cả 3 tổ chức đánh giá tín dụng đánh giá triển vọng nền kinh tế tích cực, diễn biến thu hút vốn FDI ở Việt Nam vẫn tích cực trong bối cảnh các nền kinh tế khác trên thế giới vẫn đang vật lộn với cuộc chiến COVID-19.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Masan mua lại 20% Phúc Long với giá 15 triệu USD
– CTCP Tập đoàn Masan đã chính thức chi 15 triệu USD mua lại 20% cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage – đơn vị sở hữu thương hiệu trà sữa và cà phê Phúc Long – qua công ty thành viên The Sherpa.
– Thỏa thuận này sẽ hướng tới mục tiêu phát triển mô hình “Kiosk Phúc Long” thông qua mạng lưới hơn 2,200 cửa hàng VinMart trên toàn quốc và chuyển đổi mô hình các cửa hàng VinMart+ nhằm thu hút cho khách hàng mọi lứa tuổi và nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
– Theo Masan, hiện nay tổng tiêu thụ trà và cà phê tại Việt Nam ước tích là 2.3 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng hơn 10%/năm. Trong đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ trà và cà phê có thương hiệu chỉ chiếm 25% như: Highlands Coffee (trên 300 cửa hàng), The Coffee House (trên 150 cửa hàng) và Starbucks (trên 70 cửa hàng).
– Trước đó, Masan và Phúc Long đã thử nghiệm thành công 4 kiosk Phúc Long tại TPHCM trong 3 tháng vừa qua, và mục tiêu dự kiến sẽ mở 1,000 kiosk Phúc Long trên toàn quốc trong 2 năm tiếp theo.
– Trong thời gian gần đây, Masan liên tục công bố các hoạt động mua bán – sáp nhập liên quan đến mảng bán lẻ cho chiến lược Point of Life – hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ của Masan. Trước thỏa thuận với Phúc Long, Masan đã chuyển nhượng 5.5% của The CrownX – đơn vị nắm giữ VinCommerce – cho tập đoàn Alibaba với mục đích tận dụng lợi thế kênh phân phối offline để lấn sang thương mại điện tử. Với tiềm năng của dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, và nhu cầu trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ mới, Masan đang cho thấy kỳ vọng sẽ phát triển và đa dạng hóa danh mục sản phẩm để hướng tới mục tiêu cung cấp mọi nhu cầu thiết yếu đến cho tất cả các tệp khách hàng khác nhau.

• Gilimex (HoSE: GIL) vừa công bố phương án phát hành 16,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với giá chào bán 35.000 đồng/cp.
– Theo ban lãnh đạo Gilimex, mức giá 35.000 đồng/cp được đưa ra sau khi đã làm việc với đơn vị tư vấn. Doanh nghiệp muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, gắn bó trong quá trình thực hiện chuỗi khu công nghiệp, khách sạn.
– Với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Gilimex dự kiến làm ít nhất 5 khu công nghiệp. Hiện tại, KCN Phú Bài đã đền bù xong 99% tiến độ, dự kiến đến quý IV năm nay sẽ có NĐT thứ cấp vào.
– Bên cạnh làm khu công nghiệp, Gilimex cũng có công ty con đang sở hữu khu đất nằm cạnh khu công nghiệp diện tích từ 3.000 m2 trở lên. Doanh nghiệp dự tính sẽ làm khách sạn, dịch vụ xung quanh để phục vụ chuyên gia trong nước và nước ngoài đến làm việc.
– Với lĩnh vực kinh doanh hiện tại, trong năm 2021, doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng thêm ngành hàng may mặc, may gia dụng sang những vùng có chi phí lao động cạnh tranh, mục tiêu tăng năng suất sản xuất 10% mỗi năm. Cùng với đó, Gilimex muốn đầu tư nhà máy cung cấp nguyên phụ liệu để chủ động hơn nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
– Năm 2020, trong bối cảnh ngành dệt may chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19 thì Gilimex là một trong số những doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận doanh thu tăng 36% lên 3,500 tỷ đồng; LNST 309 tỷ đồng, gần gấp đôi năm trước. Phương án phát hành trên cho thấy tham vọng của ban lãnh đạo trong việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh, nhằm tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ