Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 25.03.2021 – Fubon FTSE Vietnam ETF “cháy hàng” ngay khi IPO, chuẩn bị đổ hơn 8.000 tỷ vào TTCK VN

Nhận định Thị trường hàng ngày 25/03/2021    2781

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Trung Quốc đối diện khoản nợ tiềm ẩn hơn 2 nghìn tỷ USD có khả năng tăng cao hơn nữa

– Theo nhóm nghiên cứu hợp tác với chính phủ Trung Quốc, chính quyền các địa phương của nước này năm ngoái có khoản nợ tiềm ẩn lên đến 14,8 nghìn tỷ CNY (2,3 nghìn tỷ USD). Con số này thậm chí có thể còn tăng cao hơn trong năm nay. Theo Liu Lei – nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD), chính quyền các địa phương Trung Quốc đã chịu áp lực trong việc gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng để vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra. Theo đó, khoản vay nợ ngoài đã tăng thêm 6% từ mức thấp gần đây là 13,9 tỷ CNY trong quý III/2019.
– Khoản nợ tiềm ẩn bao gồm các khoản tiền do các thực thể được nhà nước hậu thuẫn huy động cho dự án cơ sở hạ tầng và các dự án công khác. Khoản vay này được đảm bảo chính thức về việc hoàn trả. Ngoài ra, trái phiếu được các LGFV (công cụ tài trợ của chính quyền địa phương) phát hành là một trong những ví dụ về việc chính quyền cấp tỉnh huy động vốn để tăng chi tiêu nhưng không đưa vào bảng cân đối kế toán chính thức.
– Trong năm nay, chính quyền Trung Quốc thông báo sẽ ổn định tỷ lệ đòn bẩy vĩ mô và giảm tỷ lệ nợ công để kiềm chế rủi ro. Dẫu vậy, Liu cho biết, mục tiêu này khó có thể đạt được vì chi tiêu ngân sách không đủ để thực hiện các khoản đầu tư cần thiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đến năm 2035. Trong một cuộc phỏng vấn, Liu cho hay: “Chính quyền các địa phương sẽ tìm cách gia tăng khoản nợ tiềm ẩn, bởi họ đang chịu áp lực với việc mở rộng đầu tư. Về dài hạn, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn bao gồm sự bất ổn từ bên ngoài và tình trạng dân số già.”

Mỹ thâm hụt tài khoản vãng lai cao nhất 12 năm

– Bộ Thương mại Mỹ ngày 23/3 cho biết thâm hụt tài khoản vãng lai – thước do dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vào/ra khỏi một quốc gia – tăng 34,8% lên 647,2 tỷ USD trong năm 2020. Đây là mức thâm hụt lớn nhất kể từ năm 2008. Thâm hụt hiện tại tương đương 3,8% GDP Mỹ năm 2020, lớn nhất kể từ năm 2020, và tăng so với mức 2,2% năm 2019. Mức thâm hụt cao hiện tại khó gây rắc rối cho Mỹ, phần nào nhờ vị thế đồng tiền dự trữ của USD.
– “Số liệu đầu năm 2021 cho thấy thương mại tiếp tục phục hồi trong quý I nhưng cần thêm thời gian để trở lại như thời tiền Covid-19 bởi đại dịch vẫn chưa kết thúc, các chuỗi cung ứng bị kéo căng cản trở tiến triển”, Oren Klachkin, kinh tế gia Mỹ hàng đầu tại Oxford Economics, New York, nói.“Chúng tôi dự báo thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng thêm một chút, trung bình tương đương 3,5% GDP trong năm 2021 bởi các động lực phục hồi kinh tế cùng gói kích thích tài khóa đang duy trì lực kéo nhập khẩu mạnh còn xuất khẩu phục hồi chậm hơn”. Tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay dự báo vượt 7% nhờ gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD từ Nhà Trắng. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984, sau khi suy giảm 3,5% – tệ nhất 74 năm – trong năm 2019.

2. Tin tức Việt Nam

Thủ tướng: Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN và 37 thế giới

Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ Chính phủ tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết những đột phá chiến lược là ưu tiên trong trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong đó đột phá về hạ tầng mang tính dẫn dắt cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước. Việt Nam đang đầu tư mới 654 km đường bộ cao tốc Bắc – Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống… Những dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt 3 sân bay như Long Thành, Nội Bài và Tân Sơn Nhất; Chính phủ còn tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G…
Về đột phá nhân lực, Chính phủ tập trung nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo. Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2020 xếp thứ 42/131). Chỉ số phát triển con người (HDI) có sự tăng tiến mạnh mẽ (về giáo dục, y tế, phụ nữ,…
Ngoài ra, về đột phá thể chế, Chính phủ đã có thêm 7 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngoài việc thảo luận tại các phiên họp thường kỳ
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã tập trung vào các ưu tiên và tập trung nguồn lực cho thực hiện, tháo gỡ các ách tắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hội nhập của hệ thống pháp luật. Chất lượng văn bản hướng dẫn được nâng lên. Hiện còn 12 văn bản nợ đọng, thấp nhất trong nhiều nhiệm kỳ. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để rà soát chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội.
Về chỉ đạo điều hành, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm những cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ cũng chỉ đạo theo dõi sát tình hình, nhận diện thời cơ, thách thức, chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế và đề ra các đối sách, giải pháp kịp thời, phù hợp.
Việc điều hành các chính sách vĩ mô đồng bộ, chủ động, linh hoạt; phối hợp hài hòa giữa các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư và các chính sách khác. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên được tập trung phân bổ, tăng cường phòng chống “tín dụng đen”. Thị trường chứng khoán, thị trường vốn, tài chính vi mô được thúc đẩy phát triển.
Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước được siết chặt, gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm; Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn, chuyển dần từ vay nước ngoài sang vay trong nước với kỳ hạn dài hơn và chi phí thấp hơn. Đồng thời, thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân.
“Có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016-2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19”, Thủ tướng nói.
Theo nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, xếp hạng của Việt Nam ngày càng được nâng hạng. Ngày 18/3, tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức “tích cực”, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch Covid-19.
Trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhất là do dịch Covid-19, Việt Nam đã vừa phát triển thị trường 100 triệu dân vừa thúc đẩy xuất khẩu thông qua các FTA thế hệ mới để đa dạng hóa, không để quá phụ thuộc vào một thị trường. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 328 tỷ USD năm 2015 lên 517 tỷ USD năm 2019 và đạt 545 tỷ USD năm 2020 với 5 năm liên tục có thặng dư thương mại ngày càng tăng.
Trong nhiệm kỳ qua và trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng kịp thời chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh và trật tự an toàn xã hội, phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”. Tăng trưởng kinh tế năm vừa qua tăng 2,91%, Việt Nam trở thành nền kinh tế duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2019 của nền kinh tế đạt 6,8%, con số này giai đoạn 2016-2020 và 2011-2015 lần lượt là 5,99%, và 5,91%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Năm 2020, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.
“Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045”, Thủ tướng nói.

Đường nhập lậu vẫn là mối nguy lớn với ngành mía đường Việt Nam

– Sau khi các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan có hiệu lực, ngành mía đường Việt Nam đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, đường nhập lậu vẫn là mối nguy hại hiện hữu với sự phát triển ngành mía đường trong nước. Việt Nam là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ đường lớn trên thế giới và trong khối ASEAN. Năng lực sản xuất trung bình của Việt Nam hằng năm đạt 1-1.3 triệu tấn đường trong khi nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và cho sản xuất chế biến là khoảng hơn hai triệu tấn/năm.
– Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020 đạt hơn 1.5 triệu tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020 nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể.Tháng 1/2021, đường nhập khẩu vẫn tiếp tục đạt mức cao, đạt 113,000 tấn, do các doanh nghiệp chủ động tăng nhập khẩu để dự trữ nguồn hàng trước khi quyết định áp thuế phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương có hiệu lực
– Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện tại khó khăn lớn nhất vẫn là việc kiểm soát đường nhập lậu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ, đường nhập lậu sẽ gây lũng đoạn giá đường trong nước. Đường các nhà máy sản xuất trong nước sẽ không tiêu thụ được, doanh nghiệp mía đường sẽ tiếp tục gặp khó khăn như những năm trước đây. “Bên cạnh đó việc nhập khẩu đường từ Thái Lan qua nước khác rồi nhập về Việt Nam cũng khó được kiểm soát sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại”, ông Tam nói.

3. Các kênh đầu tư

Fubon FTSE Vietnam ETF “cháy hàng” ngay khi IPO, chuẩn bị đổ hơn 8.000 tỷ vào chứng khoán Việt Nam

– Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF dự kiến huy động tối đa 10 tỷ Tân Đài Tệ (tương đương gần 8,100 tỷ đồng). Đáng chú ý hơn, lượng chứng chỉ quỹ dự kiến phát hành đã được nhà đầu tư đặt mua hết trước khi đợt huy động vốn bắt đầu vào ngày 24/03, theo nguồn tin từ trang Mirror Media. Thông tin Fubon huy động vốn để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt không chỉ làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn, mà nhà đầu tư Đài Loan cũng đổ xô đăng ký mua chứng chỉ quỹ. Lời quảng bá “thị trường Việt Nam trông giống như Đài Loan 40 năm về trước” rõ ràng đang thu hút ánh nhìn của nhiều người dân xứ Đài.
– Một nhà đầu tư Đài Loan cho biết anh không thể đăng ký mua chứng chỉ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF nên đành phải chờ đến khi chứng chỉ quỹ được niêm yết lên sàn vào giữa tháng 4/2021. Anh bày tỏ sự lạc quan về tình hình phát triển kinh tế tại đất nước hình chữ S và lên kế hoạch nắm giữ chứng chỉ quỹ trong một khoảng thời gian dài (nếu mua được). Một nhà đầu tư khác cho biết lượng chứng chỉ quỹ của Fubon FTSE Vietnam ETF đã được đăng ký mua hết trước khi đợt huy động vốn bắt đầu. Thật khó để biết chắc rằng nhà đầu tư sẽ không mua đuổi sau khi chứng chỉ quỹ này được niêm yết lên sàn chứng khoán. Yang Yining – nhà quản lý quỹ Fubon FTSE Vietnam Index – chỉ ra rằng thị trường Việt Nam giờ trông như Đài Loan của thập niên 80. Với việc đầu tư vào quỹ, nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ đà phát triển kinh tế của đất nước hình chữ S, ông Yining cho biết.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.