Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 25.01.2022 | FDI toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, vượt mức trước đại dịch trong năm 2021

Nhận định Thị trường hàng ngày 25/01/2022    93694

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 25/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• FDI toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, vượt mức trước đại dịch trong năm 2021
– Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), FDI toàn cầu tăng 77% trong năm 2021, từ mức 929 tỷ USD năm 2020 lên ước tính 1.650 tỷ USD và vượt qua mức trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
– Trong đó, các nền kinh tế phát triển ghi nhận mức tăng vốn FDI mạnh nhất từ trước đến nay, với ước tính quy mô lên tới 777 tỷ USD trong năm 2021. Ở châu Âu, hơn 80% vốn FDI gia tăng là nhờ sự thay đổi lớn trong các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Mỹ đã tăng hơn gấp đôi do sự gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&A).
– Ở chiều ngược lại, các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất, ghi nhận mức tăng trưởng phục hồi khiêm tốn hơn. Dòng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 30% lên 870 tỷ USD, trong đó Đông và Đông Nam Á tăng 20%, còn khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận sự phục hồi gần mức trước đại dịch. Dòng tiền đầu tư vào châu Phi cũng tăng, song hầu hết các nước nhận đầu tư ở châu lục này chỉ nhận định FDI tăng vừa phải.
– UNCTAD nhấn mạnh sự phục hồi của dòng vốn đầu tư vào các nước đang phát triển là điều đáng khích lệ, tuy nhiên bày tỏ lo ngại về sự trì trệ đầu tư mới ở các nước kém phát triển nhất trong các ngành quan trọng đối với năng lực sản xuất và các lĩnh vực phát triển bền vững như điện, thực phẩm hoặc y tế.
– Theo báo cáo, FDI toàn cầu có thể tăng trưởng trong năm 2022, nhưng khó có thể lặp lại tốc độ tăng trưởng phục hồi như của năm 2021. Nguồn vốn dự án quốc tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục tạo động lực tăng trưởng FDI. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn vẫn là nguy cơ làm giảm sút mạnh dòng tiền đầu tư. Ngoài ra, các rủi ro quan trọng khác ảnh hưởng đến dòng vốn FDI năm 2022 bao gồm tắc nghẽn trong thị trường lao động và chuỗi cung ứng, giá năng lượng và áp lực lạm phát gia tăng.

2. Thông tin Việt Nam

• Hơn 60 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển Việt Nam trong tháng đầu năm
– Theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 1, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt hơn 60 triệu tấn, giảm nhẹ 2% cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng hàng container ước đạt 2 triệu TEU.
– Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng từ giữa năm 2020 đến nay, nền kinh tế thế giới hồi phục mạnh mẽ, thị trường vận tải đường biển cũng trở nên sôi động. Nếu đầu năm 2020, đơn đặt đóng mới tàu container chỉ chiếm 8,5% sức chở đội tàu hiện có thì hiện nay con số này chiếm đến 23-24%. Theo thống kê của Alphaliner, số lượng tàu đóng mới sức chở 8.000-24.000 TEU chiếm tới gần 22%, tương đương với 1/4 số tàu đóng mới đã từ 8.000 TEU trở lên.
– Theo dự báo, sự phấn khích trong thị trường vận tải container sẽ kéo dài đến hết năm 2022. Đội tàu container phát triển và xu thế tăng trọng tải tàu sẽ là cơ hội lớn cho cảng biển Việt Nam, trọng tâm là các cảng cửa ngõ: Cái Mép – Thị Vải tại miền Nam và và cụm cảng Lạch Huyện tại Hải Phòng.
– Trong năm 2021, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 706 triệu tấn, khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển đạt 24 triệu TEU. Khối lượng hàng hóa tháng đầu năm chưa ghi nhận sự tăng trưởng mạnh một phần do hoạt động giao thương kinh tế còn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, và một phần do đợt cao điểm nhập khẩu hàng hóa dịp năm mới của Mỹ, châu Âu mới kết thúc khiến thị trường vận tải biển chững lại.

• Việt Nam lần đầu tiên có quỹ logistics tỷ USD
– GLP vừa thành lập GLP Vietnam Development Partners I (GLP VDP I) tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD. Đây là một trong những quỹ phát triển logistics đầu tiên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á.
– Quỹ đầu tư này sẽ tập trung phát triển các cơ sở logistics hiện đại và thân thiện với môi trường tại khu vực Hà Nội mở rộng và TP HCM mở rộng. Khởi điểm là 6 dự án với tổng diện tích đất gần 900.000 m2 và nhiều dự án tiềm năng phát triển trong tương lai.
– GLP là nhà quản lý đầu tư và phát triển hàng đầu thế giới trong lĩnh vực logistics, cơ sở hạ tầng dữ liệu, năng lượng tái tạo và các công nghệ liên quan. Tập đoàn này hiện quản lý danh mục tài sản với tổng trị giá hơn 120 tỷ USD trong lĩnh vực bất động sản và vốn tư nhân.
– Theo báo cáo chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021 của Agility, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường logistics mới nổi hàng đầu với chỉ số 5,67 và tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến 7% trong giai đoạn 2021-2026, cho thấy tiềm năng của Việt Nam để thu hút dòng vốn FDI trong mảng logistics.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Kinh Bắc dự kiến tăng vốn 60% thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và chào bán riêng lẻ
– Theo tài liệu kỳ họp ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức ngày 10/2, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) ước tính kết quả kinh doanh 2021 với tổng doanh thu hợp nhất tăng 70% lên 4.190 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế ở mức 900 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với mức thấp năm 2020. Phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 730 tỷ đồng, gấp 3,2 lần thực hiện năm trước.
– Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, doanh nghiệp đặt mục tiêu 9.800 tỷ đồng tổng doanh thu và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt gấp 2,3 lần và gấp 5 lần so với kết quả ước đạt tại năm ngoái.
– Theo đó, HĐQT Kinh Bắc trình cổ đông kế hoạch phát hành tối đa gần 192 triệu cổ phiếu thưởng tại kỳ họp bất thường sắp tới. Sau đó, doanh nghiệp dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 150 triệu cổ phần cho dưới 100 nhà đầu tư, tương đương 26,33% số cổ phiếu hiện đang lưu hành (569 triệu đơn vị). Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 36 tháng với nhà đầu tư chiến lược và 18 tháng với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Số tiền thu được sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu nợ vay, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết. Nếu các đợt phát hành hoàn tất, vốn điều lệ có thể gấp 1,6 lần lên tối đa 9.177 tỷ đồng.
– So với kế hoạch năm, KBC chỉ hoàn thành 70% chỉ tiêu doanh thu và 45% mục tiêu lợi nhuận, do các địa bàn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TP HCM có các khu công nghiệp và khu đô thị nằm trong kế hoạch ghi nhận doanh thu năm 2021 đều bị phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên thời điểm hiện tại, công ty đang đẩy nhanh tiến trình xin cấp phép và giải quyết các thủ tục pháp lý dự án, cùng với các công ty con, công ty liên kết đang thành lập các dự án khu công nghiệp mới.

• PV Gas báo lãi quý IV/2021 tăng 21% nhờ giá dầu Brent đi lên
– Theo BCTC hợp nhất quý IV/2021, Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas, HoSE: GAS) ghi nhận doanh thu thuần hơn 20.177 tỷ đồng, tăng 30%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp tăng 35% đạt 3.526 tỷ đồng.
– Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 5% lên hơn 303 tỷ đồng, song chi phí hoạt động này gấp 4 lần lên gần 114 tỷ đồng do tăng lãi tiền vay và lỗ chênh lệch tỷ giá. Kết quả, lợi nhuận sau thuế tăng 21% lên 2.029 tỷ đồng, phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ đạt gần 1.964 tỷ đồng, tăng 17%.
– Lũy kế cả năm, doanh thu tăng 23% đạt 78.992 tỷ đồng, phần lớn là doanh thu bán và vận chuyển khí. Song các chi phí đều tăng như chi phí tài chính hơn gấp đôi do tăng lãi vay từ 101 tỷ lên 304 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 92% khi phát sinh thêm gần 248 tỷ đồng phí sử dụng thương hiệu, 195 tỷ đồng chi phí phòng dịch Covid-19 và 368 tỷ đồng chỉ phí dự phòng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 11% đạt 8.851 tỷ đồng và thực hiện 126% kế hoạch năm.
– Doanh nghiệp cho biết sản lượng khí tiêu thụ giảm 31% và sản lượng LPG giảm 8% trong quý cuối năm. Tuy nhiên, do giá dầu Brent bình quân tăng 81%, tương ứng 35,6 USD/thùng, cộng với sản lượng condensate tiêu thụ tăng 28% nên lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.

• Digiworld lãi kỷ lục trong quý IV nhờ cải thiện biên lợi nhuận từ laptop, tablet
– Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld) (HOSE: DGW) vừa công bố BCTC quý IV/2021 với 7.922 tỷ đồng doanh thu thuần và 327 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 97% và gấp 3,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số doanh thu và lợi nhuận kỷ lục theo quý kể từ khi Digiworld được thành lập.
– Cụ thể, trong quý IV, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng đóng góp 3.340 tỷ đồng vào tổng doanh thu, tương đương 42% và gấp 2,78 lần cùng kỳ. Sự tăng trưởng này đến từ việc hạ nhiệt của các biện pháp giãn cách xã hội, Digiworld có thể đáp ứng được lượng cầu tắt nghẽn trong quý III/2021 và cả lượng đơn hàng lớn của thời điểm học sinh quay trở lại trường học trong quý IV.
– Với ngành hàng điện thoại di động, đây là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho quý IV cũng như cả năm 2021 nhờ việc ra mắt các sản phẩm mới của các hãng như Xiaomi, Apple, Huawei với các sản phẩm Mi, Redmi 11, iPhone 13. Trong quý IV/2021, Xiaomi giữ vững vị trí thứ 3 với thị phần 13%, tăng 3% so với cùng kỳ và Apple đạt xấp xỉ 8,5% thị phần.
– Ngoài ra, hai mảng thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng cũng chứng kiến mức tăng lần lượt là 95% và 15% nhờ vào nhu cầu hồi phục
– Sang 2022, Digiworld cho biết cũng vẫn sẽ duy trì, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng 25% mỗi năm. Hiện công ty chưa công bố cụ thể kế hoạch 2022. Tính chung cả năm, doanh thu thuần của Digiworld đạt 20.971 tỷ đồng, tăng hơn 67%. Hoạt động tài chính cũng đem về hơn 180 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá và chiết khấu thanh toán được hưởng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế gần 658 tỷ, tăng 146% so với cùng kỳ.
– Năm 2021, công ty đề ra mục tiêu 15.200 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận. Với kết quả trên, công ty đã vượt 38% kế hoạch doanh thu thuần và 119% lợi nhuận sau thuế cả năm.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Trái ngược với kỳ vọng thị trường sẽ ít biến động trước kỳ nghỉ Tết, VN-Index mở cửa giảm hơn 6 điểm. Trong khi nhóm ngân hàng tăng tốt xuyên suốt cả ngày giao dịch thì các cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh nhất thị trường. VN-Index sau những phút đầu giảm nhẹ đã có nhiều đợt rung lắc, có lúc giảm xuống gần 18 điểm ở phiên sáng. Bước vào giờ nghỉ trưa, VN-Index tạm dừng chân với mức giảm 8.64 điểm. Qua phiên chiều, nhiều cổ phiếu ngân hàng không thể giữ được sắc xanh dưới tâm lý bi quan của thị trường chung, đẩy VN-Index lao dốc nhanh chóng. Kết thúc phiên giao dịch ngày, VN-Index mất hơn 30 điểm, quay về mức 1,439.71 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB nổi bật lên hẳn khi đóng góp gần 5 điểm tăng cho VN-Index. Nhưng nỗ lực của VCB là không đủ nếu so với áp lực bán từ hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, HPG, MSN hay GVR (tổng cộng khoảng 10 điểm giảm).
– Cổ phiếu chứng khoán la liệt giảm sâu, cả ngành giảm trung bình hơn 7% khi kết phiên ngày 24/01/2022. Rất nhiều cái tên được nhà đầu tư quan tâm như VND, HCM, FTS, TVS hay VCI đều không thể thoát khỏi cảnh giảm kịch sàn.
– Nhóm vật liệu xây dựng sụt giảm gần 6%. Cổ phiếu thép gây thất vọng lớn cho nhiều nhà đầu tư. Cổ phiếu HPG sụt mất 6%, POM giảm 6.02%, NKG giảm sàn,… Sự tiêu cực còn lan sang các cổ phiếu xi măng như HT1, BCC hay BTS.
– Về giao dịch khối ngoại, riêng sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp nhưng giá trị giảm 80% so với phiên trước và còn 224 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 9,8 triệu cổ phiếu.
– Thị trường tiếp tục có thêm một phiên đầu tuần đỏ lửa sau phiên thứ 2 tuần trước. Mức giảm trong phiên hôm nay (-2,3%) là thấp hơn mức giảm của phiên 17/1 (-2,9%) do thị trường đã về vùng giá thấp hơn. Tâm lý nghỉ Tết đang tạo ra những ảnh hưởng trên thị trường, biểu hiện qua việc thanh khoản khớp lệnh 7 phiên liên tiếp dưới mức trung bình và áp lực bán để rút tiền ra trước Tết đang áp đảo bên mua cổ phiếu. Với phiên giảm hôm nay, VN-Index lại rơi về vùng hỗ trợ 1.400-1.450 điểm, tương ứng với vùng đáy thị trường trong tháng 1/2021.
– Hầu hết các cổ phiếu giảm sàn trong phiên đã hoàn thành đủ một vòng T+3, cho thấy lực cầu bắt đáy từ tuần trước phản ánh sự lướt sóng bắt đáy ngắn hạn. Hơn nữa, việc thanh khoản chỉ dao động quanh vùng 25,000 tỷ cho thấy sự kém hào hứng của dòng tiền trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần thị trường sẽ bước vào giai đoạn nghỉ Tết. Nhà đầu tư nên tránh giao dịch đầu cơ trong giai đoạn hiện tại khi sự bi quan đang bao trùm thị trường và dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại. Đồng thời, nhà đầu tư nên theo sát dòng tiền ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khi nhóm ngân hàng có sự đóng góp tích cực giúp kìm hãm đà giảm quá sâu cho chỉ số trong phiên hôm nay.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall