Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 24.12.2020 – Thêm 22 doanh nghiệp Nhật dự kiến rời Trung Quốc đến Việt Nam

Nhận định Thị trường hàng ngày 24/12/2020    724

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Ông Putin chính thức thông qua luật miễn trừ trọn đời cho cựu tổng thống Nga

Theo luật mới này, sau khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Nga sẽ không bị bắt, tạm giữ, khám xét, thẩm vấn hay truy cứu trách nhiệm hành chính và hình sự. Chỉ Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga có thể tước quyền miễn trừ của cựu nguyên thủ quốc gia sau khi người này bị Hạ viện buộc tội phản quốc hoặc phạm các tội nghiêm trọng khác. Trong trường hợp phạm các tội nghiêm trọng khác, cần có xác nhận của Tòa án Tối cao. Điều đó có nghĩa là ông Putin, cũng như các cựu tổng thống tiền nhiệm, không thể bị đưa ra tòa vì các tội hình sự hoặc hành chính sau khi rời Điện Kremlin.

Thêm vào đó, luật mới cho phép tổng thống Nga sau khi mãn nhiệm có thể trở thành thượng nghị sĩ trọn đời nếu nộp đơn đăng ký trong vòng 3 tháng sau khi mãn nhiệm. Đây là một trong những sửa đổi hiến pháp được chính quyền Tổng thống Putin đưa ra trong thời gian qua. Ông Putin nhấn mạnh các sửa đổi trên là cần thiết để đảm bảo “sự ổn định, an ninh, thịnh vượng” của nước Nga trong tương lai.

Trong năm 2020, ông Putin đã thực hiện việc sửa đổi nhiều điểm trong Hiến pháp Nga. Một trong những sửa đổi này là đưa số nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm về 0. Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tiếp tục ra tranh cử tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ 6 năm, tức có thể lãnh đạo nước Nga tới năm 2036. Đối với ông Putin, năm 2024 là năm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của ông và nếu tính luôn các nhiệm kỳ trước, đó đã là nhiệm kỳ tổng thống thứ tư. Trong cuộc họp báo thường niên được tổ chức ngày 17/12 mới đây, ông Putin cho biết ông vẫn chưa quyết định có tiếp tục tranh cử hay không.

Mỹ: Lo ngại COVID-19, lòng tin tiêu dùng và doanh số bán nhà giảm

Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Conference Board, lòng tin tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 12/2020 giảm khi số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, trong khi doanh số bán nhà trong tháng 11/2020 giảm lần đầu tiên trong sáu tháng. Các số liệu trên cho thấy đà phục hồi chưa vững của kinh tế Mỹ, khi số ca tử vong vì COVID-19 tăng lên trên 300.000 người, khiến các nghị sỹ Mỹ phải vượt qua bất đồng và thông qua gói kích thích trị giá gần 900 tỷ USD vào ngày 21/12.

Chỉ số lòng tin tiêu dùng của Mỹ giảm từ 92,9 trong tháng 11/2020 xuống 88,6 trong tháng 12/2020, tháng giảm thứ hai liên tiếp, chủ yếu do cảm nhận của người Mỹ về tình hình hiện tại xấu đi.

Giám đốc phụ trách các chỉ số kinh tế của Conference Board, Lynn Franco, cho rằng đánh giá của người tiêu dùng về tình hình hiện tại giảm mạnh trong tháng 12/2020 khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Do đó, các dự định đi nghỉ vốn có sự cải thiện đáng kể trong tháng 10/2020 đã giảm đi và người tiêu dùng không cho rằng nền kinh tế sẽ có được động lực đáng kể vào đầu năm 2021.

Theo Hiệp hội bất động sản quốc gia (NAR), doanh số bán nhà hiện có trong tháng 11/2020 giảm 2,5% so với tháng trước, chấm dứt năm tháng tăng. Trong khi lượng dự trữ nhà để bán thấp chủ yếu do bán chậm, nhà kinh tế trưởng của NAR, ông Lawrence Yun, thừa nhận đại dịch COVID-19 đã làm giảm sút lòng tin tiêu dùng. Ông Yun cho rằng lĩnh vực nhà ở vượt kỳ vọng trong bối cảnh đại dịch là điều đáng ngạc nhiên, với doanh số bán trong tháng 11/2020 tăng 25,8% so với tháng 11/2019. Theo ông Yun, tình hình chưa thể quay về bình thường như trước đại dịch COVID-19, nhưng gói kích thích mới cùng với việc vắcxin ngừa COVID-19 đang được phân phối và nhu cầu sở hữu nhà vẫn lớn, kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm 2021.

Kinh tế Anh tăng trưởng kỷ lục trong quý III

Tăng trưởng GDP của Anh trong quý III là 16%, cao kỷ lục, nhưng vẫn chưa thể bù đắp được mức sụt giảm 18,8% trong quý II.Thống kê chính thức cho thấy đà phục hồi của kinh tế Anh trong quý III sau tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn ra nhanh hơn so với dự báo.Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa mới mà chính phủ nước này đang áp đặt nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt sau khi nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể đẩy nước này rơi vào cuộc suy thoái khác.

Anh chịu tác động của đại dịch Covid-19 lớn hơn nhiều nước khác do nước này phải tiến hành phong tỏa dài hơn. Người dân thủ đô London và các khu vực lân cận cũng đang phải chịu các hạn chế mới nghiêm ngặt hơn, trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2, với tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, đã xuất hiện tại Anh. Do đó, Công ty tư vấn Capital Economics cho rằng Anh có thể rơi vào suy thoái kép nếu nước này vẫn phải duy trì các hạn chế mới nhất cho đến năm 2021.

Nền kinh tế Anh gần như chững lại trong tháng 10, và dự kiến có thể lại suy giảm trong quý cuối cùng của năm 2020 do những quan ngại về nguy cơ Anh và Liên minh châu Âu (EU) không đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào hạn chót 31/12 cùng với những tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo Capital Economics, tỷ lệ dự trữ cao trong hộ gia đình đã mang đến sự tin tưởng lạc quan rằng miễn là vaccine hiệu quả và phổ biến, GDP của Anh có thể phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2021.

2. Vĩ mô Việt Nam

Thêm 22 doanh nghiệp Nhật dự kiến rời Trung Quốc đến Việt Nam

Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Yamada Takio, Việt Nam đang đứng đầu các địa điểm khi doanh nghiệp Nhật thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản cho biết, có thêm 22 doanh nghiệp nước này thuộc chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng của chính phủ, chọn Việt Nam là điểm đến.

Ông Takio cho rằng, trong khi nhiều quốc gia đang chật vật chống Covid-19, Việt Nam đã khống chế dịch thành công và là một trong số ít những nền kinh tế có tăng trưởng dương trong 2020, ước khoảng 2,48%. Trong 11 tháng năm nay, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chính phủ Nhật Bản đang “dồn sức” giúp doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam, như gói hỗ trợ 2,3 tỷ USD của chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng là ví dụ. Trong số 81 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ của Chính phủ Nhật, có 37 doanh nghiệp quyết định chọn Việt Nam để đầu tư, tiếp đến là Thái Lan với 19 doanh nghiệp.

Vào tháng 7, Tổ chức Tạo thuận lợi Thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội xác nhận 15 trong số 30 công ty nhận hỗ trợ tài chính trong một dự án chuỗi cung ứng đa dạng ở ASEAN đã quyết định đến Việt Nam.

Đồng Nai sẽ mở thêm khu công nghiệp diện tích lớn

Thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Đồng Nai có 35 KCN. Đến nay tỉnh đã thành lập 32 KCN, trong đó có 31 KCN đã đi vào hoạt động và  KCN công nghệ cao Long Thành đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng. 3 KCN còn lại mới ở giai đoạn hoàn tất hồ sơ để mời gọi DN đầu tư hạ tầng.

Mới đây, trong hội nghị giao chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, Đồng Nai vẫn xác định công nghiệp là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế. Chính vì thế, để đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong giai đoạn tới, Đồng Nai đã đề xuất mở thêm 6 KCN mới. Trong số đó, KCN-đô thị-dịch vụ Xuân Quế (xã Xuân Quế, Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) sẽ có diện tích lớn nhất tỉnh, gần 4.000 ha. Đây sẽ là KCN tổng hợp, gồm có khu vực cho DN thứ cấp thuê làm nhà xưởng sản xuất, khu nhà ở, trung tâm thương mại, trường học… Sau khi quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt, huyện sẽ phối hợp với tỉnh hoàn thành các hồ sơ và mời gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho Báo Đồng Nai biết, đã có nhiều DN đến tìm hiểu muốn tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Xuân Quế.

Ngoài phát triển các KCN có diện tích lớn đi kèm nhiều tiện tích, tỉnh Đồng Nai cũng xây dựng huyện Long Thành trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh. Theo lãnh đạo huyện Long Thành, các KCN mở mới đều được huyện cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới. Sau khi các quy hoạch được phê duyệt, huyện sẽ thực hiện nhanh các dự án để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Song song với việc mở thêm khu công nghiệp diện tích lớn, UBND tỉnh Đồng Nai dự tính trong năm 2021 sẽ làm 4 tuyến đường giao thông kết nối qua các huyện, TP. Long Khánh và các KCN, để rút ngắn thời gian lưu thông và vận chuyển hàng hóa.

3. Tin tức tài sản đầu tư

Việt Nam cùng nhiều nền kinh tế đang phát triển tại châu Á dần ‘quay lưng’ lại với than

Theo Financial Times (Anh), các khoản đầu tư mới vào điện than tại một số nền kinh tế đang phát triển của châu Á giảm đi đáng kể khi các chính phủ áp dụng các chính sách năng lượng sạch. Cụ thể, theo những thay đổi chính sách do các bộ năng lượng và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, Indonesia, Philippines và Bangladesh, chỉ 25GW của các dự án điện than mới sẽ được phê duyệt giai đoạn lập kế hoạch trước khi xây dựng vào năm 2021.

Financial Times nhận định, một trong những thay đổi chính sách quan trọng nhất đó là chính sách tập trung năng lượng mới của Việt Nam, dự kiến triển khai vào đầu năm tới, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất châu Á. Kế hoạch này nhằm hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam từ việc tập trung vào các nhà sản xuất điện than do nước ngoài tài trợ sang việc tập trung hướng tới khí đốt tự nhiên hóa lỏng và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, tại Bangladesh, Thủ tướng đã phê duyệt chính sách loại bỏ tất cả các nhà máy than trong tương lai. Tuy nhiên, trong khi các động thái này đang thúc đẩy xu hướng chuyển đổi lâu dài từ nhiên liệu hóa thạch trong khu vực, thì trên thực tế, nhu cầu về sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực ngày càng tăng cao.