Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 24.11.2021 | BVH sắp chi 667 tỷ đồng trả cổ tức 2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 24/11/2021    80007

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trái ngược Fed, PBoC sắp nới lỏng chính sách tiền tệ?
– Kể từ khi Trung Quốc vượt qua được cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm ngoái, PBoC, cũng tức là ngân hàng trung ương (NHTW) của Trung Quốc, gần như chưa thay đổi lập trường chính sách tiền tệ.
– Ở diễn biến khác, trong các tháng gần đây, tăng trưởng kinh tế của đất nước tỷ dân đã chững lại đáng kể trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường kiểm soát lĩnh vực bất động sản, nhà máy thiếu điện trên diện rộng và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm.
– Báo cáo chính sách tiền tệ quý III của Trung Quốc vừa được công bố hồi cuối tuần trước. Trong văn bản này, PBoC đã loại bỏ một số nội dung, khiến các chuyên gia tin rằng NHTW Quốc sắp nới lỏng chính sách để giúp đỡ nền kinh tế.
– Theo đó, PBoC đã xóa bỏ một cụm từ hàm ý cơ quan này sẽ không tung ra các biện pháp kích thích quy mô lớn một cách ồ ạt. Đây là thuật ngữ đã xuất hiện trong các tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh ít nhất là từ năm 2019.
– Chia sẻ với CNBC, ông Ting Lu, kinh tế trưởng tại Nomura Holdings, cho hay: “Theo quan điểm của chúng tôi, động thái xóa bỏ một số nhận định cũ của PBoC thể hiện một sự thay đổi lớn trong lập trường của NHTW Trung Quốc, đồng thời tạo tiền đề cho việc nới lỏng tiền tệ và tín dụng một cách dứt khoát hơn”.
– Tín hiệu nới lỏng chính sách của PBoC còn diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chuẩn bị giảm bớt chương trình thu mua trái phiếu, dọn đường cho kế hoạch tăng lãi suất từ năm tới.
– Bất chấp một số điều chỉnh trong báo cáo chính sách quý III, PBoC lại giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn trong tháng thứ 19 liên tiếp kể từ tháng 4/2020. Đáng chú ý, mặc cho những lo ngại ngày càng lớn về suy thoái kinh tế, PBoC vẫn duy trì lập trường nghiêm khắc đối với thị trường bất động sản cũng như các ngành liên quan. Hiện, bất động sản đóng góp khoảng 25% GDP cho nền kinh tế tỷ dân.

2. Thông tin Việt Nam

• Vốn FDI đăng ký cấp mới từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng gấp 3 lần năm ngoái, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19
– Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư vốn FDI Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD sau 10 tháng, trong đó, số dự án cấp mới là 150, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần đưa Nhật Bản trở thành 3 trên 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam sau 10 tháng, xếp sau Singapore và Hàn Quốc.
– Tính từ đầu năm đến nay, hai dự án FDI Nhật Bản có vốn đầu tư lớn được cấp phép đầu tư đó là dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ. Dự án thứ hai đó là nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina với công suất 800.000 tấn/năm và tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD. Dự án nhằm sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh phúc.
– Lũy kế đến nay, vốn FDI từ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đứng thứ 2 trên 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, tổng số dự án còn hiệu lực là 4.765 với vốn đăng ký đạt 63,94 tỷ USD. Quy mô bình quân mỗi dự án của doanh nghiệp Nhật Bản là 13,4 triệu USD, cao hơn mức 11,7 triệu USD bình quân chung của cả nước.
– Ngoài ra, báo cáo vừa công bố của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng nhận định Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Sau hơn 30 năm thu hút FDI, doanh nghiệp Nhật Bản đã có hoạt động đầu tư tại 57 trên 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, Trong đó, Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn FDI Nhật Bản nhất, với số vốn là 12,5 tỷ USD chiếm gần 10% tổng vốn FDI tại Việt Nam.
– Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng và nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh nên việc đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam tiếp tục mở rộng dù dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp trong quý II và quý III vừa qua.
– Với những kết quả đã đạt được trong 10 tháng vừa qua với sự đột biến về vốn đăng ký cấp mới, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và đứng thứ hai về đầu tư nước ngoài, thứ 3 về kim ngạch thương mại… Các con số này đã cho thấy quan hệ hết sức đặc biệt và sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nước”.

• Hàng container qua cảng biển Việt Nam tăng hơn 10%
– Tổng sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt hơn 588 triệu tấn trong 10 tháng năm 2021, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng container tăng 10%, đạt hơn 20 triệu TEU.
– Tin từ Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, thống kê 10 tháng năm 2021, số lượt tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 59.100 lượt, tăng tới 30% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, chủ yếu là tàu nhỏ dưới 200 DWT hoạt động ở khu vực Quảng Ninh.
– Số lượt tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam tăng trưởng nhẹ (3%) với hơn 52.500 lượt tàu thông qua. Lượt tàu vận chuyển hàng hóa qua cảng tăng giúp sản lượng hàng hóa qua cảng bằng tàu biển đạt hơn 368 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt phương tiện thủy nội địa thông qua cảng biển Việt Nam trong 10 tháng sụt giảm nhẹ (khoảng 6%) với 292.300 lượt. Lượt tàu thông qua bằng phương tiện VR-SB đạt 40.558 lượt, tương đương so với năm 2020. Tuy nhiên, lượng hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện VR-SB qua cảng biển vẫn tăng tới 46% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50 triệu tấn và chiếm 28% tổng khối lượng hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa.
– Việc tăng trưởng về lượng hàng chuyên chở của các khối tàu đưa tổng sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt hơn 588 triệu tấn trong 10 tháng năm 2021, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, hàng container tăng 10%, đạt hơn 20 triệu TEU.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 23/11/2021 tương đối giằng co khi tăng giảm liên tục quanh mức tham chiếu. Lực mua bắt đáy cuối phiên sáng tiếp tục hoạt động mạnh hơn ngay khi bước vào phiên chiều, dòng tiền đã nhanh chóng quay trở lại vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, kéo độ rộng nghiêng hẳn về số mã tăng, với trong đó không ít đã tăng kịch trần. Cùng với đó là sự khởi sắc đột biến ở nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán và nhiều bluechip, giúp chỉ số VN-Index tăng 16,38 điểm và đóng cửa phiên ở mức 1.463,63 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, MSN, GVR, VHM và NVL là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Những mã này góp hơn 7 điểm tăng cho chỉ số. Trong khi đó, BID, GEX và VPB là những mã có tác động tiêu cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 227 tỷ đồng (giảm 55% so với phiên trước). VHM được mua ròng mạnh nhất với 76 tỷ đồng. MSN đứng sau với giá trị mua ròng là 72 tỷ đồng. Trong khi đó, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 192 tỷ đồng. VPB và VNM bị bán ròng lần lượt 104 tỷ đồng và 73 tỷ đồng.
– Một điểm đáng chú ý khác trong phiên hôm nay đó là sức manh của nhóm cổ phiếu chứng khoán đã được thể hiện. Nếu như SSI, VND phiên sáng vẫn còn mức giá đỏ thì cuối phiên đã tăng trần mạnh mẽ, góp sức cùng các blue chips khác như MSN, GAS, GVR… kéo chỉ số thị trường tăng rất ấn tượng.
– Nhóm ngân hàng, sau phiên thăng hoa và giữ cho thị trường không giảm sâu ngày hôm qua thì phiên hôm nay đều quay đầu điều chỉnh giảm. Vai trò của nhóm ngân hàng hôm nay quay ngược lại là níu cho thị trường không tăng quá mạnh. Điểm tích cực với nhóm ngân hàng là mức điều chỉnh không lớn và khối lượng bán ra không cao.
– Thị trường hồi phục khá tốt (+1,13%) trên chỉ số VN-Index nhưng lại với thanh khoản suy giảm. Nhìn lại diễn biến giá sau khi chỉ số vượt đỉnh cũ, có đến một nửa số phiên tăng điểm nhưng thanh khoản thấp hơn phiên giảm điểm. Phiên hôm nay cùng với phiên 17/11 cũng là 2 phiên có thanh khoản thấp nhất trong 20 phiên gần đây.
– Thanh khoản thấp cũng cho thấy đây chỉ là phiên tiết cung sau 2 phiên nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa bị bán mạnh. Với tính chất tiết cung như vậy thì phiên tăng điểm hôm nay vẫn cần thêm một vài phiên xác nhận là xu hướng tăng đã quay trở lại hay chưa?
– Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền có thể sẽ tiếp tục suy yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là lực đỡ chính cho thị trường cho nên các chỉ số chính khó có thể xuất hiện nhịp giảm mạnh. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, do đó các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) chốt quyền chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 12%
– Xi măng Vicem Hà Tiên thông báo ngày 10/12 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng. Ngày thanh toán là 28/12, số tiền chi ra dự kiến 457,8 tỷ đồng.
– Năm 2020, doanh nghiệp xi măng ghi nhận 7.963 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10%; lãi sau thuế 608 tỷ đồng, giảm 18% so với năm trước. Với kết quả này, HĐQT trình và được thông qua phương án trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 12%.
– Năm 2021, Xi măng Hà Tiên lên kế hoạch doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước đạt 8.079 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 815 tỷ, tăng 6,3%. Cổ tức dự kiến 10% bằng tiền mặt.
– 9 tháng, doanh thu giảm 12% xuống 5.040 tỷ đồng; lãi trước thuế giảm 64% xuống 376 tỷ đồng. Lãi sau thuế giảm 69% về gần 317 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty hoàn thành 62% chỉ tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
– Riêng quý III, doanh nghiệp báo lỗ 20 tỷ đồng, ghi nhận quý đầu tiên báo lỗ kể từ 2013. Nguyên nhân được đơn vị lý giải là ảnh hưởng của việc giãn cách tại 19 tỉnh thành phía Nam từ tháng 7 đến hết tháng 9 đã làm sản lượng tiêu thụ xi măng giảm 55%. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu chính cho sản xuất xi măng như than, dầu, thạch cao tăng giá mạnh, trong khi công ty chưa tăng giá bán xi măng.

• BVH sắp chi 667 tỷ đồng trả cổ tức 2020
– Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) dự kiến sẽ chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt cho cổ đông vào ngày 30/11/2021. Với tỷ lệ thực hiện quyền là 8.985%/mệnh giá (01 cp được nhận 898.5 đồng), ước tính BVH phải chi cho các cổ đông gần 667 tỷ đồng tiền cổ tức năm 2020. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 08/11/2021.
– Về hoạt động kinh doanh của BVH, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của BVH đạt gần 1,333 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ, nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm không còn ghi nhận lỗ gộp. Riêng quý 3, tuy đã thoát lỗ gộp kinh doanh bảo hiểm nhưng lợi nhuận ròng của BVH vẫn giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 423 tỷ đồng.
– Năm 2021, BVH đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 1,030 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm 2020. Với lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ hơn 775 tỷ đồng, BVH đã thực hiện được 75% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall