Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 24.06.2021 Vietinbank chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 29%

Nhận định Thị trường hàng ngày 24/06/2021    19440

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Kinh tế Trung Quốc đối diện áp lực suy giảm trong nửa cuối 2021
– Ngân hàng UBS công bố báo cáo nhấn mạnh, chịu ảnh hưởng của các nhân tố như nhu cầu suy yếu, xuất khẩu chậm lại, bất động sản tiếp tục bị kiểm soát, cũng như giá nguyên vật liệu tăng làm thu hẹp lợi nhuận biên của doanh nghiệp…, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối diện với áp lực suy giảm trong nửa cuối năm nay, đồng thời rủi ro địa chinh trị cũng tiếp tục gia tăng.
– Hãng tin Reuters trích dẫn báo cáo “Triển vọng đầu tư châu Á-Thái Bình Dương” kỳ mới nhất do Văn phòng Giám đốc Đầu tư quản lý tài sản của UBS phát hành cho biết, mặc dù kinh tế Trung Quốc dẫn đầu phục hồi trong dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2020 và nửa đầu năm nay, nhưng sẽ gặp thách thức trong nữa cuối năm 2021.
– Theo UBS, chính phủ Trung Quốc sẽ chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế thực có mục tiêu hơn trong nữa cuối năm 2021, những biện pháp đã công bố hoặc có thể ban hành, bao gồm Ngân hàng trung ương bơm thanh khoản cho thị trường, có thể sẽ chuyển sang mức dương từ cơ bản cân bằng trong quý II để kiểm soát lãi suất tăng đột ngột, mở rộng tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiểm soát giá hàng hóa chiến lược.
– Báo cáo cho rằng chính phủ Trung Quốc có một số biện pháp nới lỏng mang tính mục tiêu, nhưng có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách bất động sản và các nền tảng tài chính của chính quyền địa phương để ổn định nợ.
– Theo đó, năm 2020, nợ của Trung Quốc chiếm khoảng 295% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng 20 điểm phần trăm tính theo năm, nguyên nhân do nợ của chính phủ, doanh nghiệp và gia đình đều tăng nhanh trong thời kỳ dịch bệnh xuất phát từ sự nới lỏng khá mạnh. Báo cáo cho rằng, Trung Quốc quyết tâm sẽ duy trì tỷ lệ đòn bẩy dưới 300% vào cuối năm nay, do đó tầng lớp lãnh đạo một lần nữa nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc ổn định nợ.
– Tín dụng quý III năm nay sẽ duy trì tốc độ tăng tương đối chậm và ổn định trong quý IV, dự kiến mức phát hành trái phiếu cả năm sẽ tăng khoảng 11%.
– Mặc dù tồn tại thách thức trong thời gian tới, song UBS cho rằng, tăng trưởng tín dụng ổn định và chính sách nới lỏng sẽ giúp kinh tế Trung Quốc duy trì tăng trưởng. Sau khi đạt mức tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm, dự báo mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong cả năm 2021 sẽ chậm lại còn 5-6%.

• Tác động từ khủng hoảng chip bắt đầu lan rộng, người tiêu dùng sắp phải trả nhiều tiền hơn để mua laptop, smartphone
– Theo Wall Street Journal, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đang đẩy giá của các mặt hàng như laptop, smartphone hay máy in lên cao. Giá tại các nhà cung cấp và nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip tăng cao khi ngành này đang gấp rút đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và nỗ lực cải thiện những vấn đề về nguồn cung. Do đó, nhiều nhà sản xuất chip lớn trên thế giới đang phải nâng giá cho những thương hiệu sản xuất máy tính và các thiết bị khác.
– Điển hình, đầu tháng 6, một chiếc laptop chơi game của Asus tăng từ 900 lên 950 đô, trong khi một chiếc laptop Chromebook của HP tăng từ 220 lên 250 USD, phản ánh việc tăng giá diễn ra do tình trạng thiếu linh kiện và chi phí gia tăng.
– Tuy nhiên, trong khi một số thiết bị điện tử đang có mức giá cao hơn, thì tác động đối với người tiêu dùng lại khó có thể đánh giá. Đó là bởi các nhà bán lẻ có thể quyết định xem liệu họ có nên chuyển áp lực chi phí cho khách hàng hay không.
– Tình trạng thiếu hụt do nhiều yếu tố và trở nên trầm trọng khi chuỗi cung ứng gặp gián đoạn vì đại dịch. Người tiêu dùng đã mua số lượng laptop cao kỷ lục để làm việc và học tập tại nhà trong thời gian đại dịch diễn ra. Nhu cầu về thiết bị y tế tăng cao và sự phát triển nhanh của mạng 5G đã thúc đẩy người tiêu dùng mua smartphone.
– Giá hợp đồng của chip máy tính đã tăng khoảng 34% kể từ đầu năm ngoái, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu TrendForce. Số lượng chip bán ra trên thế giới trong tháng 4 đạt mức kỷ lục, gần 100 tỷ chiếc. Trong đó, khoảng 73 tỷ chiếc được vận chuyển vào tháng 1/2020, phản ánh nhu cầu khủng khiếp cũng như tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất chip trong thời gian qua.

2. Thông tin Việt Nam

• Rủi ro pha loãng khi giá trị phát hành tăng vốn đạt kỷ lục hơn 100 nghìn tỷ đồng.
– Theo FiinGroup, các công ty niêm yết có kế hoạch phát hành tăng vốn chủ gần 103.000 tỷ đồng trong năm nay, mức cao nhất trong lịch sử, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục.
– Kể từ đầu năm, hơn 20.000 tỷ đồng vốn cổ phần đã được phát hành thành công, tức còn hơn 80.000 tỷ đồng vốn cổ phần nữa sẽ được phát hành từ nay đến cuối năm.
– Theo FiinGroup, hình thức huy động vốn cổ phần được các doanh nghiệp ưa chuộng nhất là chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ. Tổng giá trị phát hành dự kiến trong năm 2021 của hai hình thức này lần lượt là 54.100 tỷ đồng và 47.800 tỷ đồng.
– Ngân hàng và Bất động sản là hai nhóm ngành dự kiến sẽ phát hành tăng vốn nhiều nhất, lần lượt 21.900 tỷ đồng và 15.800 tỷ đồng. Các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay khách hàng và tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, trong khi doanh nghiệp bất động sản cần nâng cao năng lực tài chính để phát triển các dự án quy mô lớn. Ngoài ra, nhóm Dịch vụ tài chính (các công ty chứng khoán) cũng có kế hoạch phát hành 14.800 tỷ đồng nhằm mở rộng quy mô hoạt động, bao gồm cho vay margin.
– Việc tăng vốn trong bối cảnh này là cần thiết nhằm phục vụ kinh doanh, tuy nhiên điều này cũng sẽ làm cho rủi ro pha loãng tăng cao, do việc tăng số lượng cổ phiếu thông qua phát hành sẽ làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành, trong khi lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn đó chưa tăng kịp tương ứng sau ngày chốt quyền. Hệ quả là tính hấp dẫn của các chỉ số đánh giá theo lợi nhuận của các doanh nghiệp phát hành sẽ giảm trong ngắn hạn.
– Yếu tố này rất đáng theo dõi trong bối cảnh cổ đông nội bộ có xu hướng bán ra cổ phiếu mạnh. Khả năng hấp thụ lượng cổ phiếu này ra sao bởi các nhà đầu tư cá nhân sẽ là yếu tố rủi ro đến xu hướng chung của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh số lượng nhà đầu tư F0 trên thị trường đang tăng nhanh chóng mặt và là nguồn hấp thụ số lượng lớn cổ phiếu bán ra bởi nhà đầu tư ngoại.

• Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn “dậm chân tại chỗ”.
– Theo báo cáo gần đây của Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn thoái là 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong tháng 5, nhà nước không thoái vốn đơn vị nào, con số 2.165 tỷ đồng vẫn là số luỹ kế của 4 tháng đầu năm.
– Trong đó, thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty tại 9 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, NXB Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng. Thoái vốn nhà nước của 3 đơn vị còn lại với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng.
– Tình trạng chậm trễ đã khiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2021 chỉ dừng ở mức 228 tỷ đồng; mặc dù, số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ nộp vào Ngân sách năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
– Để khắc phục tình trạng chậm trễ trên, trong tháng 5/2021 Bộ Tài chính đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”.
– Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, đề án án mới sẽ gắn trách nhiệm của các bộ, ngành cụ thể và chặt chẽ hơn. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• VietinBank chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ hơn 29%.
– Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam vừa công bố sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ của năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức tiền mặt của năm 2019. Tổng tỷ lệ cổ tức chi trả cho 3 năm này là 29,0695%. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 8/7/2021.
– Trong thông báo hồi cuối tháng 5, khi VietinBank chính thức được Chính phủ phê duyệt Phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước gần 7.000 tỷ đồng, ngân hàng cho biết sẽ hoàn thành việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức trong quý III, quý IV/2021. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng thêm 10.824 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng.
– Quý I, chi phí dự phòng giảm 69% xuống 1.350 tỷ đồng do không còn cần trích lập trái phiếu VAMC, đẩy lãi trước thuế VietinBank tăng 171% đạt 8.060 tỷ đồng.

• Thaiholdings của Bầu Thụy bất ngờ đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu LPB.
– Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB) vừa công bố thông tin liên quan đến giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Theo đó, Công ty cổ phần Thaiholdings (nơi ông Nguyễn Đức Thụy – phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank đang sở hữu hơn 24,5% vốn) đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ 1,86% vốn của ngân hàng này. Thời gian đăng ký mua từ 29/6 đến 28/7/2021 thông qua hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
– Thông tin này được đưa ra đúng 1 ngày sau khi LienVietPostBank thông báo Thaiholdings vừa bán hết toàn bộ 719,4 nghìn cổ phiếu LPB mà công ty này sở hữu trong ngày 16/6, ước tính thu về khoảng 20,4 tỷ đồng.
– LienVietPostBank cũng công bố, ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) đang nắm hơn 30,5 triệu cổ phiếu LPB, con số này cao hơn gần 10 triệu cổ phiếu so với trước ngày 8/6 – thời điểm Bầu Thụy bắt đầu đăng ký mua cổ phiếu LPB.
– Như vậy, trong thời gian từ 8/6 đến nay, Bầu Thụy đã mua vào gần 10 triệu cổ phiếu LPB, trong tổng số hơn 32,5 triệu cổ phiếu mà ông này đăng ký mua như đã thông báo. Từ nay đến ngày 8/7, ông Thụy cần mua thêm hơn 20 triệu cổ phiếu LPB nữa.

• Nhiệt điện Phả Lại (PPC) dự chi hơn 400 tỷ đồng trả tiếp cổ tức đợt 4/2020
– Ngày 16/7 tới đây CTCP Nhiệt điện Phả Lại sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 4/2020 bằng tiền tỷ lệ 12,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.250 đồng. Thời gian thanh toán 4/8/2021.
– Trước đó Nhiệt điện Phả Lại đã 3 lần tạm ứng cổ tức năm 2020 cũng bằng tiền, trong đó lần 1 tỷ lệ 3,5%, lần 2 tỷ lệ 11,5% và lần thứ 3 là 18,94%. Như vậy tính chung cả 4 lần Nhiệt điện Phả Lại chia cổ tức năm 2020 tổng tỷ lệ 46,44% cho cổ đông.
– Trước đó tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Nhiệt điện Phả Lại đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, trong đó dành 1.890 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chia cổ tức cho cổ đông tổng tỷ lệ 58,94%. Như vậy, nếu đợt chi trả này thành công, cổ đông PPC sẽ còn nhận được phần cổ tức từ các đợt chi trả tiếp với tổng tỷ lệ còn thiếu 12,5%.
– Năm 2021 Nhiệt điện Phả Lại đặt mục tiêu doanh thu 5.658,11 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 414,59 tỷ đồng, mức cổ tức dự kiến là 15%. Kết thúc 3 tháng đầu năm, PPC ghi nhận doanh thu giảm mạnh hơn 1 nửa xuống còn 1.078,7 tỷ đồng và mới hoàn thành 19% mục tiêu cả năm; nhờ khoản doanh thu tài chính tăng mạnh 5,8 lần lên hơn 119 tỷ đồng nên LNTT của công ty chỉ giảm 12% xuống còn 148,7 tỷ đồng và đã hoàn thành gần 36% chỉ tiêu về lợi nhuận. LNST tăng nhẹ 2,4% lên 138,5 tỷ đồng.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0