Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 24.05.2022 – FPT: Lãi 2.418 tỷ đồng sau 4 tháng, doanh thu dịch vụ Cloud gấp 4 lần cùng kỳ

Nhận định Thị trường hàng ngày 24/05/2022    701

Chia sẻ

1. THÔNG TIN VĨ MÔ

  • Kinh tế Trung Quốc trì trệ, ASEAN đối mặt với nhiều khó khăn
  • Nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước hàng loạt khó khăn, từ những đợt bùng phát dịch Covid-19 cho đến đến cơn suy thoái trong lĩnh vực bất động sản rộng lớn, đe dọa mục tiêu tăng trưởng hàng năm “khoảng 5,5%” của chính phủ nước này.
  • Tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc sẽ gây ra một số sóng gió đối với các nền kinh tế ASEAN. Do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009 và chiếm 18% tổng giá trị hàng hóa giao dịch của khối vào năm 2019, theo Ban Thư ký ASEAN. Trong khi đó, ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
  • Các thành viên sáng lập ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan sẽ chịu tác động lớn hơn ở các liên kết chuỗi cung ứng do tình trạng gián đoạn bắt nguồn từ các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc. Các ngành sản xuất, dệt may, thực phẩm và nguyên vật liệu thô của ASEAN sẽ bị tác động đặc biệt nghiêm trọng.
  • Dữ liệu công bố hồi đầu tuần này cho thấy các chỉ số chính đo lường sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đều không đạt được kỳ vọng, với sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm.
  • Việc kinh tế của Trung Quốc chậm lại do tác động của các lệnh phong toả nghiêm ngặt để kiểm soát đại dịch Covid-19 khiến các nước ASEAN phải đối mặt với một môi trường thương mại khó khăn hơn, trong đó có Việt Nam. Dù Mỹ đang thúc đẩy hợp tác với ASEAN nhưng nỗ lực này khó có thể bù đắp nhu cầu giảm từ Trung Quốc.

 

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

  • Tiến độ triển khai chậm, GDP đạt 8-8.5% là một thách thức lớn
  • Trong phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, mục tiêu tăng trưởng năm 2022 phải đạt 8 – 8,5%
  • Gói đầu tư với quy mô lớn, lên tới gần 350.000 tỷ đồng, được coi như phao cứu sinh vực dậy nền kinh tế. Theo tính toán của Chính phủ, chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.
  • Theo đánh giá nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, nếu thực hiện hiệu quả, các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023; nếu thực hiện kém hiệu quả, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 30% năm 2022 và 40% năm 2023.
  • Tuy nhiên đến nay mới chỉ có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế trước bạ ô tô,… được thực hiện. Còn nhiều chính sách đến nay mới dừng lại ở việc rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến. Tình trạng giải ngân đến thời điểm hiện tại đang rất chậm.
  • Các gói đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất lớn, nhưng nếu chậm trễ triển khai sẽ khiến chi phí tăng, từ đó tác động lan tỏa sang những ngành/lĩnh vực khác cũng sẽ không đạt kỳ vọng.
  • Để thực hiện thành công chương trình, trước hết phải khẩn trương hoàn thành các hướng dẫn, để kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến người dân và doanh nghiệp. Yêu cầu quan trọng để đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng là phải hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.

 

  • Siết vốn vào bất động sản ở Việt Nam: Cung giảm khiến giá neo cao
  • Theo Thông tư 22 của NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn xuống còn 34% từ tháng 10/2021 và 30% từ tháng 10/2022. Do đó, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã chậm lại từ 26% năm 2018 xuống còn 12% năm 2021 và có thể giảm xuống 9 – 10% năm 2022.
  • Tính đến hết quý I, dư nợ tín dụng BĐS chỉ đạt 2,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,24% so với đầu năm nhưng thấp hơn mức tăng trên 5% dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế.
  • Cùng với đó, nguồn phát hành trái phiếu cũng bị kiểm soát vì vậy mà trong tháng 4, không có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu.
  • Nguồn cung giảm khiến giá bán các sản phẩm bất động sản đều tăng. Cụ thể, quý I, giá căn hộ TP HCM tăng khoảng 8%, với mức 57 triệu đồng/m2 còn Hà Nội khoảng 40 triệu đồng/m2, tăng 13% so với cùng kỳ. Giá biệt thự liền kề tại Hà Nội cũng tăng mạnh, tăng từ 39% trở lên, cá biệt tại huyện Gia Lâm tăng tới 82% so với cùng kỳ, đạt trên 180 triệu đồng/m2. TP HCM cũng tăng tới 60%.
  • Việc “siết chặt” cả nguồn vốn tín dụng và vốn trái phiếu khiến thị trường bất động sản gặp khó khăn, rủi ro khi nguồn cung trên thị trường trở nên khan hiếm. Các dự án đang triển khai bị chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên mặt tích cực nó giúp đẩy lùi tình trạng “bong bóng bất động sản” và làm dòng chảy vốn hoạt động tích cực, trong sạch hơn.

 

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

  • FPT: Lãi 2.418 tỷ đồng sau 4 tháng, doanh thu dịch vụ Cloud gấp 4 lần cùng kỳ
  • Theo thông tin từ Tập đoàn FPT, doanh thu trong 4 tháng đầu năm đạt 12.991 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 1.682 tỷ đồng và 1.854 đồng, tăng 35,1% và 34,5%.
  • Đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận của FPT là mảng xuất khẩu phần mềm đạt mức doanh thu 5,540 tỷ đồng, tăng 29%, trong đó ở thị trường Mỹ tăng 67% và APAC tăng 40%. Hệ sinh thái Made-by-FPT ghi nhận tăng trưởng doanh thu 85,5% lên 336 tỷ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng của FPT trong dài hạn. Mảng Công nghệ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, lần lượt đạt 7.376 tỷ đồng và 1.045 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 27,5% và 26,5%.
  • Bên cạnh đó, dịch vụ Chuyển đổi số tăng trưởng mạnh, hơn 90% vơí doanh thu đến chính từ dịch vụ đám mây (Cloud) tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ (305
  • Với tình hình kinh doanh tốt, FPT dự kiến trả cổ tức tiền mặt 10% và cổ tức bằng cổ phiếu 20% trong tháng 6 và tháng 7.

 

  • PNJ báo lãi 4 tháng tăng hơn 45%
  • Theo báo cáo của PNJ, kết quả kinh doanh tháng 4 với doanh thu thuần là 2.770 tỷ đồng, lãi sau thuế 145 tỷ đồng, lần lượt tăng 49,6% và 70,5% so với tháng 4 năm 2021. Lũy kế 4 tháng, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 12.912 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 866 tỷ đồng; tăng lần lượt 42,9% và 44,9% so với 4 tháng đầu năm 2021.
  • Trong đó, doanh thu mảng bán lẻ tăng 45,4% so với cùng kỳ; doanh thu online tăng 152%; doanh thu sỉ lũy kế 4 tháng tăng 11,9%. Đặc biệt, doanh thu vàng miếng đã tăng 63,6% trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu vẫn chưa hạ nhiệt và tỷ lệ lạm phát tiếp tục neo ở mức cao.
  • Theo đó, năm 2022, PNJ đặt kế hoạch doanh thu thuần hơn 25.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.300 tỷ. Như vậy, sau 4 tháng, công ty đã hoàn thành 50% mục tiêu doanh thu và gần 67% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
  • Hiện hệ thống của PNJ có 343 cửa hàng độc lập. Kế hoạch năm nay PNJ có thể mở từ 35 đến 40 cửa hàng, và sẽ phát triển theo từng phân khúc, chia từng nhãn hiệu khác nhau và mục tiêu là tấn công ở thị trường nông thôn.

 

  • Doanh thu Vĩnh Hoàn tháng 4 gần gấp đôi lên 1.651 tỷ đồng
  • Vĩnh Hoàn công bố doanh thu tháng 4 (đã bao gồm Sa Giang) đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 98% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20% so với tháng trước.
  • Xét theo thị trường, Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh 240% đạt 983 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và tăng 51% so tháng trước. Song, thị trường Trung Quốc và Mỹ ghi nhận giảm lần lượt 20% và 3% so với tháng 4/2021.
  • Lũy kế 4 tháng, doanh nghiệp cá tra báo cáo tổng doanh thu 4.924 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm trước.
  • Quý I, Vĩnh Hoàn ghi nhận 3.268 tỷ đồng doanh thu, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 548 tỷ đồng, gấp 4,2 lần. Kết quả này đến từ việc sản lượng và giá bán cùng tăng, hầu hết các thị trường đều hồi phục, đặc biệt là Mỹ và EU.
  • Mới đây, công ty công bố kế hoạch bán 1,4 triệu cổ phiếu quỹ để tăng nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Bằng việc được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan do các hiệp định thương mại đem lại, VHC ngày càng mở rộng sản xuất chế biến, liên tục tăng thị phần ra các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc khiến cho tốc độ tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận gia tăng nhanh chóng.

 

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán:

– Phiên giao dịch 23/05/2022, chỉ số VNINDEX mở đầu phiên sáng khi rung lắc nhẹ quanh mức tham chiếu. Nhưng đến phiên chiều gặp áp lực bán mạnh kéo VNINDEX đóng cửa mốc 1.218,81 điểm, giảm 21,9 điểm (-1,77%) so với phiên giao dịch trước đó.

– Về độ rộng thị trường, phe bán chiếm ưu thế khi có tới 358 mã giảm/91 mã tăng, số mã giảm chiếm hơn 70% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản trong phiên hôm nay tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước, đạt 13.332,638 tỷ đồng.

– Tác động nhiều nhất đến sự giảm điểm của VNINDEX hôm nay là các mã cổ phiếu VPB (-1,486điểm), BID (-1,476 điểm) và BCM (-1,287 điểm). Ở chiều ngược lại, các mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng nhẹ dưới 1 điểm như BVH, DCM và BHN. Phiên giao dịch hôm nay là phiên giảm điểm khá mạnh nên chỉ có 1/10 nhóm ngành ghi nhận sắc xanh. Đó là Nhóm ngành Năng lượng với mức tăng nhẹ 0,9%. Nhóm ngành có mức giảm sâu là Tài chính với mức 2,9% và cũng là nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn nhất hơn 3.617 tỷ đồng. Các nhóm ngành còn lại có mức giảm dưới 2%. Đứng sau giá trị giao dịch của nhóm ngành Tài chính, Bất động sản và Công nghiệp là 2 nhóm ngành có giá trị giao dịch tương đối lớn khi đạt lần lượt là 1,7 nghìn tỷ đồng và 2,3 nghìn tỷ đồng

– Khối ngoại trong phiên hôm nay tiếp tục bán ròng hơn 436,05 tỷ đồng, tập trung vào các mã SSI (-154,55 tỷ đồng), VIC (-80,3 tỷ đồng) và VNM (-49,54 tỷ đồng). Chiều mua ròng của khối ngoại là gồm các mã FUEVFVND (82,59 tỷ đồng), BSR (79,66 tỷ đồng) và DCM (51,2 tỷ đồng).

– Phiên giao dịch ngày hôm nay tuy chỉ số VNINDEX đã có lúc giảm gần 40 điểm về mốc 1.200 điểm nhưng cuối phiên đã có dòng tiền vào đỡ giá nhẹ nên mức giảm chỉ còn gần 22 điểm. Với thanh khoản chưa có sự cải thiện nhiều cùng với việc phe bán đang chiếm ưu thế, khả năng thị trường sẽ có nhịp test lại hỗ trợ quanh vùng 1.200 điểm. Nhà đầu tư có thể theo dõi dần những mã cổ phiếu đã tạo xong 2 đáy trước thị trường cùng thanh khoản giao dịch lớn, chờ đợi tín hiệu tạo nền tích lũy từ VNINDEX trước khi giải ngân để tránh trường hợp thị trường có thêm những phiên điều chỉnh mạnh.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0