Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 24.03.2021 – Mỹ cân nhắc kế hoạch kinh tế 3.000 tỷ USD

Nhận định Thị trường hàng ngày 24/03/2021    2228

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 24/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Mỹ cân nhắc kế hoạch kinh tế 3.000 tỷ USD

– Đề xuất sẽ được trình lên Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này. Nguồn tin trên cho biết chương trình sẽ bao gồm các nỗ lực về cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu. Chính quyền Biden cũng đang nhắm đến việc chi khoảng 400 tỷ USD cho môi trường.
– Kế hoạch còn đề cập đến đầu tư vào vốn nhân lực, với việc giảm học phí và các sáng kiến chăm sóc y tế cho nhóm thiểu số. Nguồn tin khác khẳng định với Bloomberg rằng sẽ còn có khoản dành cho chăm sóc người già, trẻ nhỏ. Không như chương trình cứu trợ khẩn cấp trong Covid-19, kế hoạch này dài hạn hơn và sẽ bao gồm nỗ lực tăng nguồn thu cho chính phủ. Trong đó, chính sách nâng thuế với doanh nghiệp và người giàu sẽ là trọng tâm. Đây có thể là đợt tăng thuế lớn nhất kể từ thập niên 90.
– Trước đó, Washington Post và New York Times đã đưa tin về chương trình 3.000 tỷ USD này. Gói này có khả năng chia làm 2 gói nhỏ để giảm rào cản tại Quốc hội. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa lâu nay vẫn khẳng định sẽ không ủng hộ nâng thuế và chi mạnh tay cho năng lượng tái tạo.

Chủ tịch Fed: Kinh tế Mỹ còn lâu mới phục hồi hoàn toàn

– “Đà hồi phục diễn ra nhanh hơn dự báo chung và trông ngày càng mạnh hơn”, ông Powell cho biết trong một bài phát biểu chuẩn bị sẵn cho buổi điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ. “Thế nhưng, đà hồi phục còn lâu mới đạt tới mức 100%, vì vậy, Fed sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế”.
– Ông Powell sẽ điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong ngày 23/03. Cả hai nhà quyết sách này được cho sẽ điều trần một lần nữa trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ trong ngày 24/03.
– Chủ tịch Fed ca ngợi những động thái hỗ trợ kinh tế của Quốc hội Mỹ, hy vọng các điều kiện tài chính sẽ trở lại bình thường trong năm nay, khi ngày càng nhiều người dân Mỹ được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.
– “Chúng tôi hoan nghênh những bước tiến của nền kinh tế, nhưng sẽ không bỏ qua hàng triệu người dân Mỹ vẫn còn đang bị tổn thương từ đại dịch”, ông Powell nói.
– Trong dự báo công bố hồi tuần trước, các quan chức Fed cho rằng GDP Mỹ sẽ tăng trưởng 6.5% trong năm 2021. Nếu đúng như thế, đây sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1983.
– Fed cũng cho biết sẽ giữ lãi suất ngắn hạn gần 0% cho đến khi thị trường lao động chạm mức toàn dụng nhân công và lạm phát tăng lên 2% và có thể vượt nhẹ ngưỡng này trong một khoảng thời gian.

Sẽ có áp lực về giá cả hàng hóa

– Theo Thomas Barkin, Chủ tịch Fed khu vực Richmond, kinh tế Mỹ sắp có năm tăng trưởng mạnh khi đại dịch lắng xuống và điều này sẽ thúc đẩy lạm phát tăng. Tuy nhiên, vẫn chưa có cấu hiệu lạm phát sẽ tăng lên mức không mong muốn hoặc cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ.
– “Chúng ta sắp có 1 năm tăng trưởng cực mạnh và tôi nghĩ đà tăng trưởng này sẽ gây ra áp lực giá cả”, ông Barkin cho biết trong ngày 21/03. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng lạm phát không phải là một hiện tượng chỉ xuất hiện trong 1 năm mà phải kéo dài nhiều năm”.
– Lạm phát – được đo lường bằng chi số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – được dự báo ở mức 2.4% vào cuối năm 2021. Hồi tháng 1/2021, PCE chỉ mới ở mức 1.5%.
– Ông cho biết, để lạm phát tăng lên mức không mong muốn, kỳ vọng về đà tăng của giá cả tương lai sẽ bắt đầu dịch chuyển và phản ánh vào các quyết định của doanh nghiệp và lương bổng của nhân viên. “Chúng tôi chưa thấy điều đó”, ông nói.
– Ông Barkin là một trong những quan chức Fed được phép bỏ phiếu biểu quyết trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) trong năm nay.

2. Tin tức Việt Nam

Các ngân hàng được cấp bao nhiêu ‘room’ tín dụng năm nay?

– Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến 17/3, tín dụng tăng 1,2%, cả quý I ước tăng 2% so với cuối năm trước. Con số này cao hơn quý I/2020 quanh 0,68%. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.
– Trước đó, vị này cho biết NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 – 8%. Trong 3 kịch bản, cơ quan quản lý kỳ vọng tăng trưởng tín dụng kịch bản 1 nhưng kịch bản 2 có khả năng xảy ra, kịch bản 3 gần như không mong muốn xảy ra nhưng cần phải đưa ra.
– Vụ trưởng Tín dụng cho hay các ngân hàng đã được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm đợt một. NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng (TCTD), để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu linh hoạt.
– Theo nguồn tin từ Người Đồng Hành, các ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được NHNN cấp cho các TCTD thấp hơn so với năm trước.
– Trong 3 năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm. Thực tế, nhiều TCTD đã sử dụng hết hạn mức từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi NHNN xét duyệt nới thêm đợt hai.
– Chia sẻ với báo chí, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng NHNN nên bãi bỏ biện pháp hành chính này và thay bằng biện pháp thị trường khác phù hợp. Vị này cho rằng NHNN nên điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt bằng hệ số an toàn vốn (CAR), thông qua ràng buộc giữa vốn chủ sở hữu và tín dụng – đầu tư.

Dự báo đến nửa cuối năm 2022 ngành dệt may mới phục hồi

– Chủ tịch Vinatex cho rằng nhanh phải đến quý III/2022, ngành dệt may mới có thể trở lại ngưỡng tiêu thụ của năm 2019. Hiện tại, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 4.
– Năm 2020, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng -10,5%, đạt 35 tỷ USD. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm hơn 22% từ 740 tỷ USD xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, mức sụt giảm của ngành dệt may Việt vẫn thấp hơn nhiều mặt bằng chung thế giới.
– Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết ngành dệt may Việt Nam vừa trải qua năm suy giảm đầu tiên trong lịch sử 25 năm mở ra thị trường xuất khẩu thế giới. Đến năm 2021, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, tuy số lượng và đơn giá chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019.
– “Với dệt may, để trở lại ngưỡng tiêu thụ của năm 2019, thì theo dự báo sáng nhất cũng phải đến quý III/2022. Còn theo kịch bản phục hồi chậm, thì hết năm 2023”, ông Trường nói.
– Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Vinatex đã có đơn hàng đến hết tháng 4. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8.
– Bên cạnh việc bị thiệt hại trong cam kết tài chính với khách hàng, trong dài hạn, vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng lung lay và có thể bị thay thế (nhất là trong bối cảnh hiện nay, quy trình tái bố trí lại chuỗi cung ứng đã đẩy nhanh hơn). Năm 2021, ngành dệt may trong nước dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD ra thị trường nước ngoài, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đề ra, các doanh nghiệp dự kiến phải tìm kiếm, mở rộng thị trường, trong đó các FTA được coi là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

3. Các kênh đầu tư

[Quy tắc đầu tư vàng] “Warren Buffett của Nhật Bản” chia sẻ bí quyết số 1 để thành công trên thị trường chứng khoán, giàu có và hạnh phúc trong cuộc sống.

Khi bạn đang làm những gì bạn yêu thích và đam mê nhất, bạn sẽ liên tục nhận được những cơ hội mới thú vị. Ông nhấn mạnh rằng “Chứng khoán cũng vậy”…
Wahei Takeda (sinh năm 1933 – mất năm 2016)) là một tỷ phú, nhà đầu tư và đồng thời là nhà từ thiện nổi tiếng người Nhật Bản . Được mệnh danh là “Warren Buffet của Nhật Bản”, Takeda là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng và thành công nhất ở đất nước mặt trời mọc.
Năm 2006, ông đầu tư cổ phiếu, nắm giữ cổ phần tại hơn 100 công ty trị giá trên 30 tỷ JPY, trở thành nhà đầu tư cá nhân số 1 tại Nhật Bản tại thời điểm đó. Takeda cũng là người sáng lập Takeda Conf Candy với thương hiệu bánh Tamago Boro, nổi tiếng với chiếc bánh quy trứng sữa có hình dáng giống như những quả trứng nhỏ. Điều thú vị làm nên thương hiệu này lại là câu chuyện đằng sau quá trình tạo ra nó.
Sau thành công của Takeda trong lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo, ông quyết định dành nhiều thời gian hơn để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, đầu tư cổ phiếu vào các doanh nghiệp tốt và được biết đến như một “nhà từ thiện của công chúng”.
Trong suốt sự nghiệp phi thường của mình, Takeda đã truyền cảm hứng cho hàng nghìn người để họ nỗ lực, cống hiến nhiều hơn, cởi mở hơn về sự được – mất trong cuộc sống của họ.
Để thành công trong đầu tư nói riêng và cuộc sống nói chung, theo ông ta nên cần trở nên đam mê và tràn đầy năng lượng hơn để hoàn thành những việc quan trọng đối với bản thân.
Điều này làm cho chúng ta có thể suy xét trực quan hơn và giúp ta có thể chọn cách tốt nhất để sống cuộc sống. Khi bạn đang làm những gì bạn yêu thích nhất, bạn sẽ liên tục nhận được những cơ hội mới thú vị. Ông nhấn mạnh rằng “Chứng khoán cũng vậy”.
Takeda đưa quan điểm rằng “Sự giàu có và tiền bạc chỉ là trò chơi không bao giờ có hồi kết” và so sánh nó với bóng chày. Ngay cả khi bạn đang thắng ở cuối hiệp thứ 9, điều đó không đảm bảo bạn sẽ thắng chung cuộc. Trò chơi tiền bạc cũng vậy. Ngay cả khi bạn giàu có ở độ tuổi 30 hoặc 40, điều đó không có nghĩa điều thảm khốc không thể xảy ra và khiến bạn trở nên nghèo túng.
Ông tin rằng, chính lòng tốt và sự hào phóng là chìa khóa của hạnh phúc và thịnh vượng. Để thành công, bạn cần trở nên đam mê và tràn đầy năng lượng hơn để hoàn thành những việc quan trọng đối với bạn. Điều này làm cho bạn trực quan hơn và giúp bạn có thể chọn cách tốt nhất để sống cuộc sống của bạn. Và vì bạn đang làm những gì bạn yêu thích nhất, bạn sẽ liên tục nhận được những cơ hội mới thú vị.
Thực tế đã chứng minh được bản thân ông là một nhà đầu tư thành công bậc nhất Nhật Bản, tạo ra nguồn lợi nhuận vững chắc và đồ sộ, đồng thời gây dựng nên đế chế tài chính vững mạnh cho tới tận bây giờ.
Các phương pháp mà ngài Takeda đưa ra được đúc kết ngắn gọn như sau:

1. Thị trường tài chính – chứng khoán luôn ở trong tình trạng bất ổn và biến động mạnh.

Vì thế khi chọn tham gia vào 1 đoạn thị trường, nhà đầu tư phải nghĩ ra trước càng nhiều kịch bản càng tốt. Chúng ta kiếm lợi nhuận bằng cách chiết khấu những điều chắc chắn và đánh cược vào những điều bất ngờ.

2. Nói “không” với các khoản nợ lớn.

Đối với bậc Takeda ông luôn bảo toàn quan điểm hầu hết những nhà đầu tư thành công thường là những người có ý định đầu tư lâu dài và chuyên tâm vào những cổ phiếu đã chọn. Họ dần có thói quen bỏ ra lượng tiền ít hơn vốn đang có để đầu tư và tránh xa việc vay nợ. Đầu tư một cách căn cơ sẽ tạo ra lợi nhuận trong dài hạn, trong khi vay nợ để đầu tư mang lại kết quả ngược lại.
Tuy nhiên quan điểm của ông cũng không có nghĩa những nhà đầu tư huyền thoại không bao giờ dùng chiến thuật đòn bẩy (leverage) nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ quá trình đầu tư của họ. Ông khuyên các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường hãy luôn tuân thủ các quy định tự đề ra nghiêm ngặt ngay từ đầu, như việc thoát khỏi thị trường ở một mức giá được đặt ra ngay từ khi mua cổ phiếu.

3. Nhà đầu tư nên rót vốn vào những trường hợp rủi ro được đánh giá thấp hơn mức trung bình trên thị trường. Giữ cho các khoản phí giao dịch và thuế ở mức thấp cũng là một nguyên tắc. Qua thời gian, đồng vốn ở những cổ phiếu tốt sẽ sinh lời, và lượng vốn càng được duy trì ổn định, lợi nhuận càng có thể tăng cao.
Ông chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp mà ông thấy thực sự hiểu biết và liên tục tìm kiếm các lựa chọn mới.
Một khi đã tìm được các lựa chọn như vậy, thông thường là tài sản bị đánh giá thấp hơn giá trị thực, lúc đó việc nhà đầu tư cần làm là sẽ mua đến hết khả năng nhằm tối đa hóa lợi nhuận về sau.

4. Liên tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới đáp ứng được các tiêu chuẩn của mình, đồng thời thực hiện công việc nghiên cứu một cách tích cực. Cơ hội luôn ở xung quanh ta mỗi thời điểm, đừng bao giờ bỏ lỡ, hãy chú trọng việc học hỏi quan sát hàng ngày và mạnh dạn vào lệnh khi cảm thấy chắc chắn.

5. Trong đầu tư, hãy cứ im lặng mà làm! Đầu tư chính là bản thân mỗi cá nhân đang giao dịch với cả một thị trường lớn, thế nên ta không cần phải khoa trương danh mục của mình. Hãy học cách giữ kín thông tin về việc đang làm và rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ, thay vì lặp lại các sai lầm đó.
Ngày nay, khi nhắc đến ông, người ta đều nhớ đến câu nói nổi tiếng ” Nếu đầu tư là một hoạt động giải trí để bạn tìm thấy niềm vui, thì có lẽ bạn sẽ không kiếm được tiền. Đầu tư luôn là một công việc nghiêm túc chỉ vốn dành phần thưởng cho những người đam mê hết lòng”.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.