Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 23.11.2020 – Các công ty của Nhật Bản hợp tác phát triển tiền kỹ thuật số chung

Nhận định Thị trường hàng ngày 23/11/2020    630

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Thêm 1 công ty nổi tiếng vỡ nợ dù được Chính phủ hậu thuẫn, tham vọng tách rời Mỹ của Trung Quốc bị cản trở

Theo Financial Times, một tập đoàn công nghệ Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn đã trở thành trường hợp vỡ nợ trái phiếu mới nhất của nước này. Đây là một trong những yếu tố ngăn cản tham vọng của Bắc Kinh trong việc xây dựng ngành bán dẫn “tự lực cánh sinh” và khiến thị trường trái phiếu lớn thứ 2 thế giới thêm phần náo loạn.

Trong một thông báo gửi đến sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, Unigroup International Holdings cho biết công ty sản xuất chất bán dẫn Tsinghua Unigroup không thể mua lại số trái phiếu trị giá 1,3 tỷ CNY (198 triệu USD) đáo hạn vào ngày 16/11, dẫn đến tình trạng vỡ nợ.

Tsinghua Unigroup được coi là Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn, công ty này được điều hành bởi Đại học Thanh Hoa có trụ sở tại Bắc Kinh – trường đại học kỹ thuật danh giá nhất Trung Quốc. Trước đó, công ty này đã nhận được hàng chục tỷ USD hỗ trợ của chính phủ, khi chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh nỗ lực tách rời lĩnh vực bán dẫn khỏi công nghệ của Mỹ.

Mối lo ngại về khả năng thanh toán nợ của Tsinghua Unigroup bắt đầu gia tăng vào tuần trước, sau khi một cơ quan xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc cho biết tập đoàn này có thể gặp khó khăn khi thanh toán trái phiếu và các chủ nợ không thông nhất được thời gian giãn nợ. Công ty xếp hạng tín dụng China Chengxin Credit Rating đã hạ xếp hạng đối với công ty này. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng Tshinghua Unigroup đã vỡ nợ. Hiện tại, công ty này không đưa ra bình luận về việc mua lại trái phiếu.

Mỹ tiếp tục là ổ dịch lây nhiễm virus SARS-CoV-2 lớn nhất thế giới

Mỹ ghi nhận 195.542 ca nhiễm mới và hơn 82.000 ca nhập viện trong ngày 20/11 với các mức cao kỷ lục liên tiếp bị vượt qua trong vòng 11 ngày qua. Tới nay (22.11.2020) Mỹ đã ghi nhận tổng số gần 12 triệu ca nhiễm và hơn 254.000 ca tử vong và tiếp tục là ổ dịch lớn nhất thế giới. Với những diến biến hiện nay, các chuyên gia y tế và dịch tễ học cảnh báo rằng với thời tiết lạnh và mùa nghĩ lễ đang tới gần, những gì tồi tệ nhất ở Mỹ vẫn còn ở phía trước.

Lễ Tạ ơn là một trong những dịp lễ lớn hàng năm tại Mỹ khi người dân nước này thường về thăm gia đình và tổ chức cùng người thân. Đây cũng là thời điểm nhu cầu đi lại tăng cao nhất hàng năm tại Mỹ. Khoảng 55 triệu người Mỹ di chuyển trong dịp lễ Tạ ơn năm 2019 và con số này năm nay dự kiến sẽ giảm khoảng 10%.

Công ty dược phẩm Pfizer và đối tác từ Đức BioNTech ngày 20/11 đã đệ đơn đăng ký xin Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của mình sau nhiều tháng nghiên cứu tìm cách ứng phó với dịch bệnh.

Quốc hội Nga thông qua dự thảo luật ngăn chặn Twitter, Facebook và YouTube

Reuters đưa tin, các nghị sĩ Nga đã đề xuất một dự thảo luật vào ngày 19, nếu được thông qua, sẽ cho phép chính phủ nước này hạn chế những gã khổng lồ truyền thông xã hội của Mỹ, được coi là phân biệt đối xử với truyền thông Nga.

Theo dự thảo này, các công tố viên Nga, sau khi tham khảo ý kiến ​​của Bộ Ngoại giao, có thể xác định rằng, những hạn chế về nội dung của các nền tảng Internet nước ngoài vi phạm quyền của người Nga. Các hình phạt tương ứng sẽ bao gồm tiền phạt và hạn chế một phần hoặc toàn bộ quyền truy cập vào các nền tảng vi phạm này ở Nga.

Cụ thể, các cơ quan quản lý của Nga sẽ có thể hạn chế quyền truy cập của người dùng Internet vào Twitter, Facebook và YouTube. Dự luật trước tiên cần được các nhà lập pháp của Duma Quốc gia Hạ viện Nga thông qua, sau đó được thông qua tại Thượng viện và được Tổng thống Putin ký.

2. Vĩ mô Việt Nam

Việt Nam và 5 quốc gia ASEAN kết nối đường ống dẫn khí dài gần 4,000 km

Ngày 19/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhận định, thời gian qua, các nước thành viên ASEAN đã hợp tác thực hiện hiệu quả giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng 2016-2025 (APAEC 2016-2025).

Đến nay, các quốc gia cơ bản đã đạt được những mục tiêu đề ra trong giai đoạn 1 (2016-2020). Cụ thể, hiện nay, cường độ năng lượng ASEAN đã giảm 21,4% so với năm 2005, vượt mục tiêu giảm 20% ban đầu vào năm 2020. Ngoài ra, kết nối đường ống dẫn khí đạt chiều dài 3.631km, qua 6 nước bao gồm: Việt Nam, Singapore, Myanmar, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, hình thành 9 trung tâm khí hóa lỏng LNG với tổng công suất là 38,75 triệu tấn/năm.

Đặc biệt, dự án thí điểm liên kết, trao đổi điện đa phương giữa Lào – Thái Lan – Malaysia – Singapore đã triển khai thành côn giai đoạn 1 với sự kết nối, thực hiện giao dịch mua bán điện giữa Lào và Malaysia thông qua lưới điện của Thái Lan từ tháng 1/2018.

Dự án điện gió hơn 1,600 tỷ đồng tại Gia Lai được chấp thuận chủ trương đầu tư

UBND tỉnh Gia Lai mới đây đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ia Boòng – Chư Prông của Công ty cổ phần Năng lượng Tái tạo Chư Prông. Theo đó, dự án có công suất 50 MW, sản lượng điện hằng năm ước tính là 130.640,9 MWh/năm. Đồng thời, dự án bao gồm một số hạng mục như hệ thống cáp ngầm hoặc đường dây 22(35)kV, đường dây 220kV mạch đơn đấu về thanh cái 220kV trạm 500kV Pleiku 2, 10 tuabin gió…

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.664 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 499,18 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư của dự án; vốn vay từ ngân hàng là 1.165 tỷ đồng, chiếm 70% tổng vốn đầu tư. Thời gian hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng dự án bắt đầu từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021. Thời gian xây dựng dự án từ tháng 2 đến tháng 5/2021. Thời gian vận hành sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ từ tháng 5 đến tháng 10/2021.

Thời gian vừa qua, tỉnh Gia Lai đã thu hút đáng kể từ các nhà đầu tư vào dự án điện gió. Lý do là Gia Lai sở hữu nguồn năng lượng gió dồi dào, có thể đóng góp nguồn điện đáng kể cho quốc gia cũng như tăng thu ngân sách.

3. Tin tức tài sản đầu tư

Các công ty của Nhật Bản hợp tác phát triển tiền kỹ thuật số chung

Hơn 30 công ty của Nhật Bản sẽ bắt đầu hợp tác để phát triển một loại tiền kỹ thuật số chung có khả năng liên kết với các loại tiền kỹ thuật số đang được các công ty Nhật Bản lưu hành trên thị trường hiện nay. Tiền kỹ thuật số chung sẽ được ngân hàng phát hành và bắt đầu thử nghiệm trong năm 2021.

Một đồng tiền kỹ thuật số chung sẽ tạo ra nền tảng để kết nối các dịch vụ thanh toán và các loại tiền kỹ thuật số khác nhau, được dự báo sẽ tạo ra bước đột phá lớn trong lĩnh vực thanh toán điện tử của Nhật Bản trong thời gian tới. Nhóm các công ty này cũng cho biết, loại tiền kỹ thuật số chung tư nhân hoàn toàn có thể tồn tại song hành với đồng tiền kỹ thuật số CBDC do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) phát hành.

Trước đó, BoJ đã lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số CBDC vào đầu tài khóa 2021. BoJ dự định sẽ thiết lập một hệ thống trên Internet để thử nghiệm các chức năng cơ bản của CBDC theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối cùng có sự tham gia của các cơ sở kinh doanh tư nhân và người tiêu dùng nhằm kiểm tra tính khả thi và độ an toàn của đồng tiền kỹ thuật số với tư cách là một phương tiện thanh toán song song với tiền mặt