Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 23.09.2021 | Bloomberg: Evergrande đã thỏa thuận với trái chủ để tránh vỡ nợ

Nhận định Thị trường hàng ngày 23/09/2021    54038

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/09/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Bloomberg: Evergrande đã thỏa thuận với trái chủ để tránh vỡ nợ
– Ngày 22/09, Evergrande cho biết họ đã tiến tới thỏa thuận với các trái chủ trong nước và nhờ đó, Tập đoàn bất động sản này sẽ tránh vỡ nợ đối với một số trái phiếu định danh bằng Nhân dân tệ.
– Trong một tuyên bố gửi tới sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, đơn vị bất động sản Hengda thuộc Evergrande cho biết đã đàm phán về kế hoạch trả lãi coupon 232 triệu Nhân dân tệ cho các trái phiếu lãi suất 5.8% đến hạn vào năm 2025. Tuy nhiên, Công ty không đề cập tới việc trả lãi đối với trái phiếu bằng ngoại tệ. Hengda cho biết nhà đầu tư “đã mua và nắm giữ trái phiếu trước ngày 22/09/2021 sẽ được trả tiền lãi trong đợt này”.
– Với núi nợ hơn 300 tỷ USD, Evergrande rõ ràng đang chìm sâu vào cuộc khủng hoảng thanh khoản. Họ đang gấp rút huy động vốn để trả nợ cho chủ nợ và nhà cung cấp. Evergrande có nghĩa vụ thanh toán 83.5 triệu USD lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 23/09.
– Trước đó, Tập đoàn này cũng đã khởi động kế hoạch trả nợ bằng bất động sản. Theo kế hoạch của Evergrande, nhà đầu tư có thể lựa chọn nhận tiền mặt “trả góp” từ Evergrande hoặc nhận thanh toán một lần bằng các bất động sản của công ty. Nhà đầu tư có thể hưởng chiết khấu lớn 28-52% nếu chọn thanh toán bằng bất động sản như căn hộ, cửa hàng và chỗ để xe.
– Ngày 22/09, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm 120 tỷ Nhân dân tệ (18.6 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng thông qua hợp đồng repo ngược. Tính cả những hợp đồng hết hạn trong ngày 22/09, PBoC đã bơm ròng 90 tỷ Nhân dân tệ, gần tương đương với lượng tiền bơm vào trong ngày 17/09 và thấp hơn so với ngày 18/09. Tâm lý nhà đầu tư cũng được củng cố sau khi đơn vị bán bất động sản thuộc Evergrande tiết lộ kế hoạch trả lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 23/09.

2. Thông tin Việt Nam

• ADB lần thứ 3 hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam
– Mới đây nhất ngày 22/9, ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) ADB dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng trưởng 3,8%, thấp hơn rất nhiều so với con số 6,7% so với hồi đầu năm. Tương tự, GDP Việt Nam 2022 được dự báo tăng trưởng 6,5% thay vì 7% được công bố trong báo cáo hồi đầu năm. Đây là lần thứ 3 ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
– ADB cho rằng khác với xu hướng phục hồi nửa đầu năm, tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm đã chậm lại, do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh và thị trường lao động.
– Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định rằng đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm nay và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng”.
– Trong trung và dài hạn, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Ngân hàng này nhận định rằng: Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
– Cuối cùng, ADB cũng cho rằng Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc loại bỏ các rào cản hành chính đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đại dịch và hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm nay và năm tới.

• Xuất khẩu năm 2021 kỳ vọng vượt mốc 315 tỷ USD
– Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng tính từ đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 213,52 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trên cơ sở kết quả của 8 tháng và tình hình thị trường, dự báo xuất khẩu 4 tháng cuối năm và cả năm 2021 có thể diễn biến theo hai kịch bản.
– Kịch bản thứ nhất (tích cực): Nếu Covid-19 cơ bản được kiểm soát từ tháng 10, kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng tháng trong 4 tháng cuối năm 2021 có thể bằng mức của tháng 8/2021, thì tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng cuối năm đạt 108,8 tỷ USD và cả năm 2021 đạt 322 tỷ USD, tăng 14,3% so với 2020, cao gấp đôi tốc độ tăng tương ứng 7% của năm 2020.
– Kịch bản thứ hai (thấp hơn kịch bản thứ nhất): Nếu Covid-19 cơ bản được kiểm soát muộn hơn vào cuối năm, thì kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm tiếp tục giảm, dự báo đạt 102,7 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2020; cả năm 2021 đạt 316 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2020 và vẫn là kết quả tích cực trong điều kiện Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4.
– Như vậy, dù dự báo theo kịch bản thấp, thì năm 2021, xuất khẩu vẫn vượt mốc 315 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và tăng 2 chữ số so với năm 2020. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này không dễ và phải có nhiều giải pháp quyết liệt.
– Có thể thấy, tốc độ tăng xuất, nhập khẩu so với cùng kỳ liên tục chậm lại trong những kỳ gần đây và xu hướng còn tiếp tục trong những tháng còn lại. Tám tháng qua, xuất khẩu có quy mô thấp hơn so với nhập khẩu, tốc độ tăng cũng thấp hơn (21,8% so với 33,7%), nên Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu (trên 2,6 tỷ USD).
– Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm, trước hết, phải kiểm soát được Covid-19 không chỉ ở những địa bàn “nóng” hiện nay, mà cả ở những địa bàn khác. Bên cạnh đó phải đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, giảm thiểu gia công, lắp ráp; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu về cơ chế, chính sách và tài chính.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index tăng khá tốt ngay từ đầu phiên nhưng với mức biến động mạnh trong thời gian gần đây cộng với những rủi ro tài chính toàn cầu đang hiện hữu, đã có những tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư. Sau những phút khởi đầu hứng khởi, chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm điểm và có lúc giao dịch dưới mức giá mở cửa 4 điểm. Tuy nhiên dòng tiền bắt đáy quay trở lại giúp chỉ số VN-Index duy trì đà tăng đến cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay chỉ VN-Index tăng 10.84 điểm, đạt mức 1,350.68 điểm.
– VNM, VCB và MSN là 3 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index, với tổng cộng hơn 4 điểm. Trong khi đó, VIB và CTG là những cổ phiếu kìm hãm đà tăng của thị trường nhiều nhất.
– Dòng vốn ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi tiếp tục bán ròng 202 tỷ đồng. VPH đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE với 62 tỷ đồng. VIC và CTG bị bán ròng lần lượt 48 tỷ đồng và 41 tỷ đồng. Chiều ngược lại, MBB được mua ròng mạnh nhất 88,5 tỷ đồng. VCB và VNM được mua ròng lần lượt 58 tỷ đồng và 41 tỷ đồng.
– Toàn sàn HoSE ghi nhận 60 cổ phiếu tăng hết biên độ, về mặt số lượng, là kỷ lục từ đầu tháng 2/2021. Đại đa số các mã trần nằm ở nhóm đầu cơ nhỏ. Điều này tiếp tục cho thấy sự hấp dẫn của hoạt động đầu cơ trong bối cảnh dòng tiền tiếp tục suy yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
– Mặc dù chiều nay đà phục hồi và kéo chỉ số chủ đạo diễn ra trong rổ VN30 nhưng nhóm này lại không nhiều thanh khoản. Giá trị khớp lệnh tăng thêm chỉ có 2.620 tỷ đồng, tương đương chiều hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE hôm nay giảm 21% so với phiên trước, tương đương mức giảm tuyệt đối 4.658 tỷ đồng chỉ còn 17.291 tỷ đồng, nhưng nhóm smallcap chỉ giảm 9%, tương đương 370 tỷ. Như vậy dòng tiền đầu cơ không suy giảm quá nhiều, nhưng các giao dịch ở phần còn lại trên thị trường thì giảm.
– Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã lấy lại thành công ngưỡng 1.350 điểm mở ra cơ hội để hướng tới đỉnh tháng 8 nếu vùng hỗ trợ 1.330-1.340 điểm được giữ vững. Tuy vậy với việc dòng tiền suy giảm ở nhóm vốn hóa lớn, khả năng VN-Index sẽ tiếp tục dao động đi ngang trong vùng 1.330-1.360.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• PNJ báo lỗ tháng thứ 2 liên tiếp
– Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã chứng khoán PNJ) thông báo doanh thu lũy kế 8 tháng đạt 12.288 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 625 tỷ đồng, tăng 14,2%. Doanh thu kênh lẻ tăng 21%, bán sỉ tăng 3,6% và vàng miếng tăng 25% so với 8 tháng 2020.
– Riêng tháng 8, PNJ báo cáo doanh thu 162 tỷ đồng, giảm 87%; lỗ 78 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước lãi 52 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp ghi nhận lỗ từ đầu năm đến nay, trong đó tháng 7 công ty lỗ 32 tỷ đồng.
– PNJ lý giải tháng 8 tiếp tục là tháng đặc biệt ngoại lệ, đơn vị phải tạm đóng hơn 270 cửa hàng trên toàn hệ thống trong hầu hết thời gian của tháng để thực hiện nghiêm chỉnh việc giãn cách xã hội. Biên lợi nhuận gộp tháng 8 đạt 13,3% giảm so với mức 17,7% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 19,2% về 18,5%.
– Tại thời điểm cuối tháng 8, PNJ có 336 cửa hàng trên toàn quốc. Đơn vị mở mới 1 cửa hàng PNJ Gold và đóng 2 cửa hàng PNJ Silver. Doanh nghiệp cho biết vẫn duy trì hệ thống giao hàng online và vận hành các cửa hàng không bị ảnh hưởng do chính sách dãn cách xã hội từ một số địa phương ngoài TP HCM.

• PV Trans ước lãi 93 tỷ quý III, giảm 58%
– PV Trans (HoSE: PVT) công bố doanh thu 9 tháng ước đạt 5.430 tỷ đồng, thực hiện 91% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 651 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu ước tăng 3,4% và lợi nhuận tăng 10,7%.
– Nửa đầu năm, doanh nghiệp báo cáo doanh thu 3.581 tỷ đồng, tăng 5,6%; lợi nhuận trước thuế 558,5 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 354 tỷ đồng, tăng 35,6%.
– Như vậy nếu tính riêng quý III, doanh thu đạt khoảng 1.849 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế 93 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh của PV Trans cũng bị ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến TP HCM và nhiều tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội.
– Từ đầu năm đến nay, PV Trans đã tiếp nhận 4 tàu mới. 3 tàu tiếp nhận trước đó gồm tàu chở khí hoá lỏng lạnh lớn nhất thế giới, tàu PVT Azura đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thị trường Bắc Mỹ và PVT Dawn khai thác thị trường Trung Đông – Bắc Á. Điều này tạo tiền đề đón đầu sự phục hồi của thị trường vận tải biển quốc tế dự kiến phục hồi vào năm 2022 sau khi đại dịch Covid 19 được khống chế trên quy mô toàn cầu.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0