Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 23.07.2021 | PNJ: Lợi nhuận 6 tháng tăng 67% lên 736 tỷ đồng, kênh online tăng đột biến

Nhận định Thị trường hàng ngày 23/07/2021    26725

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• ECB tiếp tục duy trì lãi suất chủ chốt ở mức thấp kỷ lục
– Ngày 22/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên các lãi suất chủ chốt và các chính sách kích thích kinh tế trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến số ca mắc mới tại châu Âu tăng mạnh. Theo thông báo của ECB, các mức lãi suất quan trọng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục được duy trì ở mức thấp kỉ lục.
– Cụ thể, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%. Các mức lãi suất chủ chốt này sẽ được duy trì cho tới khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Các thống đốc ECB cũng nhất trí giữ nguyên chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD).
– Đây là cuộc họp đầu tiên của ECB kể từ khi thể chế tài chính này công bố kết quả của đợt đánh giá chính sách kéo dài 18 tháng, đánh dấu lần điều chỉnh mục tiêu và công cụ lớn nhất từ trước đến nay của tổ chức tài chính quyền lực nhất châu Âu này.
– Thay đổi lớn nhất đó là ECB quyết định nâng mục tiêu lạm phát lên mức 2% trong trung hạn, thay vì mục tiêu trước đây là “thấp hơn hoặc gần 2%” – một mục tiêu đã được thống nhất vào năm 2003 khi giá cả tăng nhanh gây ra nhiều quan ngại.
– Ngày 7/7 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng mạnh dự báo tăng trưởng của Eurozone lên lần lượt 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022, cao hơn so với mức 4,3% và 4,4% đưa ra hồi tháng 5.
– Bên cạnh đó, EC cũng nâng dự báo lạm phát của 19 nước trong Eurozone, song cho rằng giá tiêu dùng sẽ tăng chậm hơn. Cụ thể, lạm phát của Eurozone có thể lên mức 1,9% trong năm nay, tăng so với mức 1,7% đưa ra trong dự báo hồi tháng 5.
– Tuy nhiên, EC cũng cảnh báo lạm phát có thể cao hơn dự báo nếu tình trạng hạn chế nguồn cung kéo dài hơn và áp lực giá cả đẩy giá tiêu dùng tăng mạnh hơn.

• Các nhà đầu tư ở thị trường mới nổi đổ tiền vào trái phiếu vì biến thể delta lan rộng
– Các nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi đã và đang đổ tiền vào trái phiếu và cắt giảm vào cổ phiếu theo xu hướng ngày càng gia tăng khi biến thể delta tàn phá các nền kinh tế đang phát triển với tỷ lệ tiêm chủng thấp.
– Theo dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tại các thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc, kênh trái phiếu đã chứng kiến dòng vốn ròng trong 11 tháng liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ đầu năm 2018. Dòng vốn vào trái phiếu đã tăng lên mức ròng 99,2 tỷ USD sáu tháng đầu năm nay so với dòng vốn rút ròng từ cổ phiếu là 2,2 tỷ USD.
– Tại các thị trường mới nổi, kênh đầu tư cổ phiếu đã không thu hút được nhiều tiền hơn kênh đầu tư trái phiếu kể từ tháng 11/2020 khi tiến trình tiêm chủng vắc xin bắt đầu và việc ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống Mỹ, đã thúc đẩy sự lạc quan đối với nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ.
– Paul Sandhu, người đứng đầu bộ phận giải pháp đa tài sản tại BNP Paribas Asset Management Asia cho biết, bức tranh này sẽ không sớm thay đổi vì rủi ro của biến thể delta đối với các thị trường mới nổi vẫn chưa được phản ánh đầy đủ vào giá.
– Chỉ số MSCI thị trường mới nổi đã giảm gần 9% so với mức đỉnh vào giữa tháng 2 của năm nay, trong khi chỉ số JPMorgan về trái phiếu bằng đồng USD đã tăng 5% so với mức thấp vào đầu tháng 3.
– Chiến lược gia Sandhu cho biết: “Trái phiếu vẫn là yếu tố đa dạng hóa danh mục quan trọng đối với nhiều nhà đầu tư và nợ thị trường mới nổi mang lại lợi suất rất hấp dẫn. Ngược lại, dòng vốn vào cổ phiếu chủ yếu tập trung cao độ vào các thị trường Mỹ hơn là các thị trường mới nổi”.

2. Thông tin Việt Nam

• Chi phí đẩy đè nặng lên lạm phát 6 tháng cuối năm
– Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, những yếu tố bất ổn như doanh nghiệp tư nhân kiệt quệ, xuất khẩu mờ nhạt, đầu tư công ì ạch…tiếp tục là bài toán khó trong quản lý vĩ mô.
– Trong Quý 2/2021, bức tranh kinh tế toàn cầu cho thấy những điểm sáng do sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, song nhóm nghiên cứu lo ngại, nhiều nguy cơ xảy ra do sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
– Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, nhưng lại báo hiệu tổng cầu đang thu hẹp. Là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, chỉ đạt 29% kế hoạch Chính phủ giao.
– Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, các doanh nghiệp không những gặp khó khăn trong việc sản xuất khi các biện pháp giãn cách xã hội được thông qua nhằm khống chế đại dịch, mà còn phải đối mặt với sự gia tăng trong chi phí sản xuất.
– Tính từ tháng 4/2020, giá hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh. Cụ thể tính đến tháng 6/2021, giá hàng hóa phi nhiên liệu, bao gồm nguyên vật liệu nông nghiệp thô và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, tăng 38,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 68,6% so với cùng kỳ và giá nguyên vật liệu nông nghiệp thô tăng 28,44%. Giá nhiên liệu tăng 108,28% chủ yếu do nguồn cung bị cắt giảm.
– Mặt khác, giá thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, giá thuê đất trong Quý 2/2021 trung bình tại các tỉnh phía Bắc là 107 USD/m2, tăng 8,1% so với cùng kỳ và tại các tỉnh phía Nam là 111 USD/ m2, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, giá cước vận tải biển vào cuối tháng 6/2021 đã tăng khoảng 4 – 8 lần so với cùng thời điểm năm 2020.
– Trong 6 tháng cuối năm, theo các chuyên gia, bất lợi cực kỳ lớn do tình hình kinh tế thế giới và biến thể Delta làm cuộc chiến chống đại dịch trở nên gian nan. So với năm 2021, sự nguy hiểm của biến chủng virus có những khác biệt. Đó là, tốc độ, khả năng lây lan của virus. Diễn biến dịch nặng nề, số lượng người mắc bệnh tăng lên khủng khiếp, đe dọa sự chịu đựng của hệ thống y tế.
– Gần đây, dịch bệnh lần này tấn công vào trung tâm kinh tế sản xuất công nghiệp của các tỉnh thành, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng như Bắc Ninh, Bắc Giang. Khi dịch bệnh vừa được đẩy lùi, dịch bệnh tấn công mạnh vào đầu tàu kinh tế cả nước là TP. HCM, địa phương chiếm một phần ba ngân sách cho cả nước.
– Một trong những động lực của nền kinh tế là đầu tư công, sau 6 tháng, mới chỉ đạt 29% kế hoạch Chính phủ giao. Động lực tăng trưởng khác, là xuất khẩu chưa đạt được tốc độ tăng trưởng để ra, vì phụ thuộc vào các đối tác, một phần nhập siêu, vai trò xuất khẩu mở nhạt. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Tiêu dùng nội địa, đầu tư tư nhân ảnh hưởng nghiêm trọng.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Hóa chất Đức Giang lên kế hoạch lãi 400 tỷ quý III, tăng 70%
– Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) lên kế hoạch doanh thu hợp nhất quý III đạt 2.260 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 400 tỷ đồng; lần lượt tăng 45% và 70% so với cùng kỳ năm trước. Nếu thực hiện được, đây sẽ là kỷ lục lợi nhuận mới của tập đoàn vượt qua con số ghi nhận trong quý II (333 tỷ đồng).
– Trong quý II, doanh thu tăng 29% đạt 2.039 tỷ đồng; lãi sau thuế 333 tỷ đồng, tăng 24%. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu tăng 29% lên 3.988 tỷ đồng và lãi sau thuế tăng 35% lên 625 tỷ đồng. Doanh nghiệp hoàn thành 53% chỉ tiêu doanh thu và 67% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
– Hóa chất Đức Giang cho biết sản lượng tiêu thụ của hầu hết các mặt hàng như phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón đều tăng giúp doanh thu tăng. Đồng thời, sự đổi mới về công nghệ giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng, chi phí nguyên liệu đầu vào như quặng apatit, than.
– Trong quý III, doanh nghiệp dự kiến chi khoảng 195 tỷ cho đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó, 120 tỷ để khởi công xây dựng nhà máy phospho đỏ, 50 tỷ bồn chứ HPO và đường ống tại Đình Vũ, 15 tỷ dây chuyền xử lý supe lân giàu và 10 tỷ hoàn chỉnh dây chuyền HPO điện tử.

• PNJ: Lợi nhuận 6 tháng tăng 67% lên 736 tỷ đồng, kênh online đột biến với mức tăng trưởng 317%
– Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) thông báo doanh thu thuần lũy kế 6 tháng đạt 11.637 tỷ đồng, tăng 50%; lãi sau thuế 736 tỷ đồng, tăng 67,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp đã hoàn thành 60% kế hoạch lợi nhuận năm.
– Doanh thu kênh bán lẻ của PNJ tăng 47%, kênh bán sỉ tăng 29% và vàng miếng tăng 73% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, tỷ trọng kênh vàng miếng đóng góp trong tổng doanh thu tăng từ 23% lên 26,6%, bán lẻ giảm từ 58% xuống 57%, bán sỉ giảm 16,6% xuống 14,2%. Theo đó, biên lợi nhuận gộp PNJ lũy kế nửa đầu năm đạt 18,6% giảm so với mức 19,7% của năm 2020 do tỷ trọng vàng miếng tăng mạnh.
– Riêng tháng 6, doanh thu thuần đơn vị đạt 1.011 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 51 tỷ đồng, giảm 36,3% do tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội tại nhiều địa phương.
– Trong bối cảnh dịch bệnh, PNJ đã triển khai dịch vụ giao hàng 4h (PNJ4H) tại nhiều khu vực, rút ngắn tối đa khoảng cách giữa mua sắm online và offline. Doanh nghiệp cho biết nhờ vậy, trong tháng 6, doanh thu kênh online tăng trưởng 317% so với cùng kỳ năm trước.
– Tính đến cuối quý II, PNJ có 337 cửa hàng trên toàn quốc gồm 311 cửa hàng PNJ Gold, 19 cửa hàng PNJ Silver, 3 cửa hàng CAO, 3 cửa hàng PNJ Art và 1 cửa hàng Style. Ngoài ra, doanh nghiệp có 69 cửa hàng PNJ Watch theo mô hình shop in shop.
– Riêng tháng 6, doanh nghiệp mở thêm 2 cửa hàng Gold và đóng 8 cửa hàng PNJ Silver. Tính chung 6 tháng, đơn vị mở mới 12 cửa hàng PNJ Gold, đóng 14 cửa hàng PNJ Silver và 1 cửa hàng CAO.

• Digiworld (DGW): iPhone và Xiaomi tiếp tục thúc đẩy LNST nửa đầu năm tăng 139% lên 223 tỷ đồng
– CTCP Thế giới số (Digiworld, DGW) đã công bố BCTC quý 2/2021 với tổng doanh thu đạt 4.218 tỷ đồng, tăng 63% và lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng điện thoại di động tiếp tục tăng trưởng 87% doanh thu, đạt 2.146 tỷ đồng nhờ sự liên tục gia tăng thị phần của Xiaomi trên thị trường và sự đóng góp doanh thu từ các dòng Iphone.
– Ngược lại, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng có sự chậm lại do quý 2 là quý thấp điểm, cùng với sự tăng trưởng vượt bậc của quý 2/2020 do sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến mức nền so sánh cao. Ghi nhận, doanh thu kỳ này chỉ tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 1.330 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng của tất cả các nhãn hàng hiện có và sự đóng góp của 2 nhãn mới là Apple và Huawei.
– Mảng thiết bị văn phòng ghi nhận doanh thu đạt 663 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 122% nhờ sự đa dạng và phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng của các sản phẩm IOT đến từ các thương hiệu Xiaomi, Huawei và Apple, doanh thu từ các sản phẩm này ngày càng tăng và trở thành động lực tăng trưởng chính của mảng Thiết bị văn phòng trong thời gian tới.
– Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty đã đạt doanh thu 9.225 tỷ đồng, tăng trưởng 88%, lợi nhuận sau thuế đạt 223 tỷ đồng, tăng trưởng 139%, tương đương thực hiện 61% kế hoạch năm về doanh thu và 74% kế hoạch năm về lợi nhuận sau thuế.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0