Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 23.04.2021 – Ngân hàng Nhà nước: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp

Nhận định Thị trường hàng ngày 23/04/2021    5371

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 23/04/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

• Goldman Sachs: Kinh tế Trung Quốc đã hoàn tất phục hồi hình chữ V
– Nền kinh tế Trung Quốc đang trở lại với xu hướng tăng trưởng dài hạn, vì sự phục hồi hình chữ V sau đợt sụt giảm vì Covid-19 đã hoàn tất bằng tốc độ tăng kỷ lục trong quý 1 năm nay – một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định. “Kinh tế Trung Quốc có vẻ đã đi qua một bước ngoặt”, báo cáo ngày 20/4 của Goldman Sachs được hãng tin Bloomberg trích dẫn. “Trọng tâm chính sách của Trung Quốc cũng dịch chuyển từ làm lành vết thương kinh tế do Covid-19 gây ra sang giải quyết những vấn đề dài hạn về ổn định và tăng trưởng”.
– Quý 1 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Goldman Sachs, phía sau con số tăng trưởng ấn tượng này là sự khác biệt lớn về tốc độ hồi phục của các khu vực khác nhau trong nền kinh tế. Báo cáo đã tiến hành so sánh với năm 2019 để tránh những bóp méo do sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 do đại dịch, qua đó thấy rằng xuất khẩu và doanh số bất động sản vẫn đang là những khu vực vượt trội. Ngược lại, số nhà mới khởi công và đầu tư vào sản xuất là những khu vực cho thấy sự đuối sức.
• Ngân hàng Trung ương Canada phát tín hiệu rút dần kích thích tiền tệ
– Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã thực hiện bước đi lớn nhất chưa từng có của một nền kinh tế lớn để giảm mức độ kích thích tiền tệ khẩn cấp khi kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn mong đợi từ đại dịch. Hôm thứ Tư (21/4), các nhà hoạch định chính sách do Thống đốc Tiff Macklem đứng đầu cho biết rằng, họ sẽ giảm quy mô mua trái phiếu chính phủ của họ xuống còn 3 tỷ đô la Canada (2,4 tỷ USD) và đẩy nhanh thời gian biểu để có thể tăng lãi suất.
– Sự lạc quan của BOC hướng tới quan điểm quay trở lại chính sách bình thường hơn trái ngược với các ngân hàng trung ương khác bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Theo đó, đồng đô la Canada đạt mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2020 sau phát biểu của BOC. Simon Harvey, một nhà phân tích ngoại hối cấp cao tại Monex Canada cho biết: “Đây là một thông điệp khá thận trọng được đưa ra bởi Ngân hàng Trung ương Canada. Họ có vẻ khá tự tin rằng một khi làn sóng lây nhiễm hiện nay giảm bớt thì sự phục hồi kinh tế sẽ rất mạnh mẽ”. Trong các dự báo kinh tế hàng quý mới, BOC đã điều chỉnh cao hơn ước tính tăng trưởng kinh tế Canada cho năm 2021 lên 6,5%.
– “Dựa trên dự báo mới nhất của BOC, việc tăng lãi suất hiện dự kiến sẽ xảy ra vào nửa cuối năm 2022”, BOC cho biết trong Báo cáo chính sách tiền tệ mới nhất của mình. Tại một cuộc họp báo sau đó, Thống đốc Macklem nhấn mạnh rằng, cam kết của ngân hàng trung ương là không tăng lãi suất trước khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn và bất kỳ mức tăng nào trong tương lai sẽ phản ánh điều kiện kinh tế vào thời điểm đó. Ngược lại, Fed cho biết họ sẽ không giảm tốc độ mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng cho đến khi thấy “tiến bộ đáng kể hơn nữa” về việc làm và lạm phát. Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát trước cuộc họp tháng 3 của Fed cũng cho biết không mong đợi điều đó xảy ra cho đến năm 2022. Trước đó, các nhà đầu tư cũng đã dự đoán rằng BOC sẽ quyết liệt hơn Fed trong lộ trình bình thường hóa chính sách tiền tệ. Sự đồng thuận của thị trường là BOC sẽ giảm bớt việc mua trái phiếu chính phủ theo hướng dẫn mới của ngân hàng mà không làm thay đổi kỳ vọng về việc không tăng lãi suất trước năm 2023.

2. Thông tin Việt Nam

• Malaysia đưa thép cuộn cán nguội của Việt Nam vào “tầm ngắm”
– Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia đã thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá áp dụng với sản phẩm thép cuộn cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Quyết định rà soát được đưa ra trên cơ sở đơn yêu cầu của doanh nghiệp nước này là Mycron Steel SRC Sdn. Bhd. Sản phẩm bị rà soát là thép cuộn cán nguội, hợp kim và không hợp kim, có độ dày từ 0,2mm tới 2,6mm, chiều rộng từ 700mm tới 1.300mm
– Tới đây, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các bên liên quan. Trong trường hợp không nhận được thông tin từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia, các bên liên quan có thể liên hệ với Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia bằng văn bản, bằng fax hoặc email để tìm hiểu thông tin, nhận bản câu hỏi điều tra. Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia cũng khuyến nghị các bên liên quan gửi bản trình bày quan điểm, lập luận bằng văn bản về vụ việc tới Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia, bằng cách trả lời bản câu hỏi điều tra hoặc cung cấp các bằng chứng liên quan tới vụ việc. Thời hạn để các bên quan tâm gửi yêu cầu tham gia cuộc điều tra này, nhận bản câu hỏi điều tra là trong vòng 15 ngày kể từ ngày Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia ban hành thông báo, tức là trước ngày 27/4/2021.
• Ngân hàng Nhà nước: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
– Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo công bố vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Đào Minh Tú -Phó Thống đốc NHNN, cho biết, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng (TCTD), qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay. Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020. Thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt.
– Về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận ngồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 02/2021 giảm khoảng 0,1%/năm so với tháng 12/2020. Thống kê đến 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến 05/4/2021, các TCTD cũng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tính đến 05/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456,6 nghìn khách hàng.
– Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, NHNN điều hành CSTT sẽ tiếp tục triển khai theo định hướng tại Chỉ thị 01/CT-NHNN; chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen…

3. Tin tức doanh nghiệp niêm yết

HPG: Quý 1 lãi sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, tăng cổ tức lên 40%
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ quý I, tập đoàn đạt doanh thu 31.000 tỷ đồng, tăng 63% và lãi sau thuế 7.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Trong đó, riêng lãi từ hoạt động kinh doanh 6.500 tỷ đồng và lãi từ thoái vốn công ty nội thất 500 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức năm 2021 tăng lên 40% trong đó 35% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.
Hòa Phát lên kế hoạch triển khai dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất dự kiến 5,6 triệu tấn/năm và phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.
HPG có kế hoạch sản xuất 500,000 TEU container/năm nhằm tham gia vào chuỗi giá trị ngành vận tải, vốn đang bị thiếu hụt nguồn cung container do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, công ty đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận đầu tư dự án nhà máy sản xuất vỏ container đầu tiên tại KCN Phú Mỹ II (gần cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải). Nhà máy được kỳ vọng sẽ được khởi công trong tháng 6/2021 và vận hành thương mại trong quý 2/2022. HPG có lợi thế khi chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vỏ container. Do vỏ container yêu cầu sức chịu đựng với thời tiết và trọng tải nặng tốt, được sản xuất từ thép (một sản phẩm của HRC). Theo ước tính, nguyên liệu thép chiếm khoảng 55% giá thành sản xuất container. Do đó, ban lãnh đạo HPG tin rằng sản phẩm container của công ty có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu khác nhờ việc chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong thời gian tới bao gồm 1) lợi nhuận bất thường từ mảng nội thất nếu được bên khác mua lại và 2) hiệu quả của các mảng kinh doanh mới (sản xuất vỏ container, mua mỏ khoáng sản và đội tàu mới) nhằm phát triển chuỗi giá trị. Rủi ro giảm giá là tăng trưởng nhu cầu thép thấp hơn dự kiến.

• Thế giới Di động (MWG): Trình phương án chia cổ tức tỷ lệ 2:1, lợi nhuận dự tăng trưởng 12% lên 4.750 tỷ đồng
Thế giới Di động (MWG) đặt mục tiêu trở lại đà tăng trưởng hai chữ số, trong đó hoạt động bán lẻ thiết bị di động và điện máy vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính. Song song, chuỗi Bách Hóa Xanh dự kiến đóng góp 25% doanh thu, đặt mục tiêu có lời ở cấp độ Công ty.
Bên cạnh đó,MWG cũng lên phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50% và 15% bằng tiền mặt, nguồn chia từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tương ứng, tổng khối lượng phát hành là 237,7 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ MWG dự kiến tăng lên 7.131 tỷ đồng.
Năm 2021, công ty đưa ra kế hoạch doanh thu thuần là 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 12% so với kết quả năm 2020. Ban lãnh đạo MWG đánh giá thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình hình dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Công ty đặt mục tiêu trở lại đà tăng trưởng hai chữ số mặc dù không có nền so sánh thấp trong năm 2020 như các doanh nghiệp cùng ngành.

Theo chúng tôi Bách hóa xanh sẽ đóng góp quan trọng hơn cho MWG từ 2021.Tốc độ mở mới cửa hàng BHX chậm lại trong Q4/20 khi chỉ có 96 cửa hàng mới (so với 137 cửa hàng mới trong Q3/20) để tập trung vào hiệu quả các cửa hang hiện có và đẩy mạnh triển khai các cửa hàng “Bách hóa xanh 5 tỷ”. Trong khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các sản phẩm không thiết yếu thì đây là cơ hội để các sản phẩm thiết yếu duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn 2021- 22 và chuỗi BHX của MWG sẽ là một trong những chuỗi bán lẻ có thể hưởng
lợi từ sự tăng trưởng này. BHX tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và LNR của MWG nhờ 1) MWG đã mở rộng mạnh mẽ các cửa hàng BHX trong năm 2020 và 2) khả năng đàm phán với nhà cung cấp liên tục được cải thiện giúp tăng biên lợi nhuận gộp.

• PNJ đạt lãi kỷ lục với 513 tỷ đồng, kênh online hỗ trợ đáng kể với mức tăng trưởng hơn 400%
CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố BCTC quý 1/2021 với doanh thu thuần tăng 44% lên 7.182 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp thu về 1.325 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 1/2020, lãi sau thuế gần 513 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi lớn nhất theo quý của doanh nghiệp.
Năm nay, PNJ lên kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng tự chủ, hướng đến dòng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, mở rộng mạng lưới bán lẻ. Song song, Công ty cũng tiếp tục tái cơ cấu hàng tồn kho, tối ưu hóa giá thành… Ban lãnh đạo PNJ cũng xác định tầm nhìn mới là trở thành công ty hàng đầu châu Á về chế tác trang sức và bán lẻ sản phẩm, tôn vinh vẻ đẹp, vươn tầm thế giới.
Chúng tôi kỳ vọng tiến độ mở cửa hàng và gia tăng công suất nhanh chóng sẽ củng cố tăng trưởng của doanh nghiệp. PNJ đặt mục tiêu mở 40 đến 45 cửa hàng vàng mới trong năm 2021. Trong khi đó, sau các nâng cấp trong sản xuất kể trên, nhà máy thứ hai dự kiến sẽ tăng công suất của PNJ lên tổng cộng 4 triệu sản phẩm/năm so với 3-3,5 triệu sản phẩm/năm hiện tại (cụ thể, 2,5-3 triệu sản phẩm tại nhà máy thứ nhất và 500.000 sản phẩm tại nhà máy thứ hai). Theo ban lãnh đạo, PNJ đã sản xuất 2,7 triệu sản phẩm trong năm 2020 và hiện đi đúng tiến độ để đạt 4 triệu sản phẩm trong vòng 3 năm tiếp theo. Bên cạnh mục tiêu gia tăng công suất thuần túy, nhà máy thứ hai sẽ giúp PNJ tăng cường năng lực sản xuất trang sức bạc (chủ yếu dành cho thương hiệu Style by PNJ) cũng như trang sức vàng Ý mà PNJ đã phải nhập khẩu trước năm 2020. Do trang sức vàng Ý do PNJ sản xuất được khách hàng đón nhận, ban lãnh đạo đặt mục tiêu đưa dòng sản phẩm này vào mảng bán buôn, trong đó PNJ bán trang sức vàng truyền thống cho các cửa hàng nhỏ lẻ

———–

DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư

Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn

Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO

Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO

————

Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website: https://www.vndirect.com.vn/

Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ