Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 22.12.2021 | Chỉ số cước vận tải biển thấp nhất 8 tháng dù giữa mùa cao điểm

Nhận định Thị trường hàng ngày 22/12/2021    89413

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Fed và PBOC: Khác biệt trong giai đoạn chính sách mới
– Khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang đẩy mạnh hỗ trợ kinh tế đang chịu áp lực từ thị trường bất động sản suy thoái thông qua cắt giảm lãi suất cho vay lần đầu tiên sau 20 tháng.
– Lãi suất của Mỹ cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu ở Mỹ, trong khi Trung Quốc chỉ hỗ trợ – thay vì kích thích – nền kinh tế đang suy yếu. Tăng trưởng giữa hai nền kinh tế có thể bắt đầu hội tụ nếu Mỹ theo sau sự suy giảm của Trung Quốc vào năm 2021, mặc dù biến thể omicron là một mối lo ngại mới đối với cả hai ngân hàng trung ương.
– Hiện tại, dự đoán Fed sẽ sớm chấm dứt mua lại tài sản và thực hiện 3 đợt tăng lãi suất vào năm 2022. Trong khi đó, PBOC kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng sau gần một năm chậm lại và tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
– Đại dịch đã đặt chính sách tiền tệ của Trung Quốc trái ngược hẳn với phần còn lại của thế giới. Là nền kinh tế đầu tiên bước vào giai đoạn sụt giảm do tình trạng đóng cửa vào năm ngoái, Trung Quốc cũng là nền kinh tế đầu tiên bắt đầu phục hồi trong khi phần còn lại của thế giới vẫn đang vật lộn để thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên, lo ngại rằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ gây rủi ro tài chính, Trung Quốc giảm bớt kích thích và thắt chặt quy định cho vay bất động sản, gây ra các vụ vỡ nợ, sụt giảm doanh số bán nhà khiến tăng trưởng kinh tế suy yếu.
– Nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang ở trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh tế. Trung Quốc đã dẫn đầu với việc thắt chặt chính sách trong năm nay và năm tới nước này sẽ bắt đầu thúc đẩy nhu cầu trong nước và tăng trưởng dự kiến sẽ ổn định. Mặt khác, Mỹ sẽ bắt đầu chậm lại vào năm tới, nhưng vẫn sẽ duy trì trên tốc độ tăng trưởng theo xu hướng.

• Chỉ số cước vận tải biển thấp nhất 8 tháng dù giữa mùa cao điểm
– Chỉ số cước vận tải biển Baltic đang ở mức thấp kể từ giữa tháng 4 do cước thuê phân khúc tàu trọng tải nhỏ panamax và supramax giảm. Cụ thể, chỉ số cước vận tải hàng khô, rời biển Baltic, bao gồm cước thuê các loại tàu capesize, panamax và supramax, ngày 20/12 giảm 8 điểm, tương đương 0,3%, xuống 2.371, mức thấp nhất kể từ ngày 15/4.
– Trong đó, chỉ số cước tàu capesize tăng 80 điểm (2,9%) lên 1.807, kết thúc 8 phiên giảm liên tiếp. Như vậy, giá thuê tàu capesize – trọng tải 150.000 tấn hàng (thường chở quặng sắt và than) hàng ngày đã tăng 670 USD lên 23.283 USD
– Cước vận tải tàu capersize tăng xuất phát từ giá quặng sắt tăng nhờ hoạt động mua mạnh xuất phát từ tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu nguyên liệu thép trong ngắn hạn sau khi có những dấu hiệu cho thấy nước sản xuất thép lớn nhất thế giới – Trung Quốc – khôi phục công suất sản xuất thép trong tháng này. Giá quặng sắt Trung Quốc cũng tăng liên tiếp 4 tuần qua, đạt mức cao nhất trong vòng 7 tuần.
– Ở chiều ngược lại, cước tàu panamax ngày 20/12 giảm 88 điểm, tương đương 3,6%, xuống 2.356, là mức thấp nhất trong vòng một tháng. Cước trung bình ngày của tàu panamax, chở 60.000 – 70.000 tấn, thường là than hoặc ngũ cốc, cũng giảm 790 USD xuống 21.204 USD. Chỉ số cước phí tàu supramax giảm tương ứng 33 điểm xuống 2.436, mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tuần.
– Xu hướng cước vận tải thủy giảm đang có dấu hiệu giảm nhanh sau thời gian hồi phục. Tuần vừa qua (kết thúc vào ngày 17/12), chỉ số cước vận tải hàng khô, rời biển Baltic đã giảm mạnh nhất trong vòng gần 3 năm, với mức giảm lên đến 27,3%, trong đó riêng chỉ số cước phí tàu capersizer mất 119 điểm, tương đương 4,8%, chính thức chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái. Dù vậy, giá cước vận tải biển vẫn đang cao hơn so với thời điểm đầu năm hơn 300%, cho thấy cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng chỉ tạm thời đang nguội dần sau thời gian tăng nóng và chưa điều chỉnh về mức bình thước trước đại dịch

2. Thông tin Việt Nam

• Thủ tướng phê duyệt Dự án đầu tư sân bay Quảng Trị trị giá 5,822 tỷ đồng
– Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP, có thời gian thực hiện 50 năm và có quy mô đầu tư theo quy hoạch là sân bay cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II; công suất theo quy hoạch 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là tàu bay code C hoặc tương đương (Airbus320/321 hoặc tương đương); với tổng số vị trí đỗ tàu bay là 5 vị trí code C.
– Dự án được phân kỳ theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ xây dựng các công trình cơ bản của cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác là 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.
– Trong giai đoạn 2, Dự án sẽ đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại cảng hàng không năm 2029; mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2019 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm.
– Tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn của Dự án là 5.822,9 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 2.913,6 tỷ đồng bao gồm: vốn do Nhà đầu tư huy động là 2.680,5 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 380 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 2.300,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư là 233,103 tỷ đồng.
– Dự án đầu tư xây dựng sân bay nằm trong lộ trình thúc đẩy đầu tư công làm động lực phát triển kinh tế của Việt Nam. Việc đầu tư sân bay không chỉ tác động tích cực lên nền kinh tế mà còn đến các nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và hàng không, vốn chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh.

• Ngành thủy sản xuất siêu 6,2 tỷ USD trong 11 tháng
– Theo số liệu thống của Tổng cục Hải quan, tháng 11, xuất khẩu thủy sản tăng tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 910,9 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng 10 và 23% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch đạt 7,99 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Trong 11 tháng qua, thủy sản xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm 23,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, đạt trên 1,87 tỷ USD. Thị trường Nhật Bản chiếm 15,2%, đứng thứ hai về kim ngạch, đạt trên 1,21 tỷ USD. Xếp thứ ba là thị trường EU, đạt 914,1 triệu USD, chiếm 11,4%. Tiếp theo là Trung Quốc, chiếm 10,8%.
– Ở chiều ngược lại, Việt Nam chi 1,79 tỷ USD để nhập khẩu từ các thị trường. Ấn Độ, Na Uy, Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản là các thị trường chủ yếu cung cấp thủy sản cho Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ dẫn đầu về kim ngạch, đạt 287,5 triệu USD, chiếm 16% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước. Thị trường xếp thứ hai là Na Uy với 203,5 triệu USD. Tiếp đến là các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản. Như vậy trong 11 tháng, ngành thủy sản xuất siêu 6,2 tỷ USD.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vinamilk chốt danh sách cổ đông chi 2.900 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền
– Ngày 11/1/2022, CTCP Sữa Việt Nam sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền tỷ lệ 14%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.400 đồng với thời gian thanh toán từ 25/2/2022. Như vậy với gần 2,09 tỷ cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Vinamilk sẽ chi khoảng 2.900 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.
– Năm 2021 Vinamik đặt mục tiêu đạt 62.160 tỷ đồng doanh thu và 11.240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh thu đi ngang, đạt 45.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 6,4% xuống còn 8.420 tỷ đồng. Như vậy sau 3 quý, Vinamilk đã hoàn thành khoảng 73% kế hoạch doanh thu và 75% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
– Trước đó Vinamilk từng thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào 31/12/2021, tuy vậy đã quyết định lùi ngày sang tháng 1/2022. Thời gian chi trả và tỷ lệ chi trả không thay đổi.
– Đáng chú ý, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) đã đăng ký bán hết toàn bộ 900.000 cổ phiếu VNM đang sở hữu. Tuy nhiên do biến động thị trường nên không bán được cổ phiếu nào. Số cổ phiếu này nếu giữ đến 11/1/2022, SCIC sẽ nhận thêm 1,26 tỷ đồng cổ tức từ Vinamilk.

• Lợi nhuận PNJ tháng 11 tiếp tục cải thiện
– Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) công bố doanh thu tháng 11 đạt 2.160 tỷ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng, tăng 18%. So với tháng 10, doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 4% và 16,7%. Lũy kế 11 tháng, doanh thu thuần 16.755 tỷ đồng, tăng 9% và thực hiện 80% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 837 tỷ đồng, giảm 10% và thực hiện 68% kế hoạch năm.
– Doanh thu kênh bán lẻ lũy kế 11 tháng duy trì đà tăng 8,4% bất chấp nhu cầu chung của nền kinh tế giảm, doanh thu online tăng 137% so với cùng kỳ năm trước. PNJ cho biết các chương trình thúc đẩy bán hàng như Black Friday, ưu đãi đặc quyền VIP trong tháng 11 đều vượt kế hoạch. Doanh thu vàng miếng cũng tăng 22,2% nhưng doanh thu bán sỉ lũy kế giảm 7%. Biên lợi nhuận gộp tháng 11 đạt 18,3%, giảm so với mức 20,3% cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp lũy kế 11 tháng giảm từ 19,8% xuống 18,4%.
– Tại thời điểm cuối tháng 11, doanh nghiệp kinh doanh vàng có 342 cửa hàng. Đơn vị mở mới 21 cửa hàng gồm 20 cửa hàng PNJ Gold và 1 cửa hàng PNJStyle, trong khi giảm 18 cửa hàng PNJ Silver và 1 cửa hàng CAO. Nhãn hàng Pandora đạt 12 cửa hàng và PNJ Style đạt 7 cửa hàng ở thành phố lớn.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index vẫn chưa thể bứt tốc trong bối cảnh có nhiều thông tin tiêu cực về biến chủng Omicron tại các quốc gia. Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/12/2021, VN-Index tiếp tục giằng co và dành phần lớn thời gian trong phiên sáng giao dịch dưới mức giá tham chiếu. Tuy nhiên, về cuối phiên sáng, với đà tăng đến từ các cổ phiếu nhóm Large Cap và Small Cap, VN-Index đã lấy lại sắc xanh và tăng hơn 6 điểm trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. Sang phiên chiều, VN-Index nới rộng thêm 2 điểm tăng nữa trước khi quay đầu. Sự điều chỉnh của nhóm Large Cap chính là nguyên nhân khiến VN-Index thu hẹp dần sắc xanh trong phần còn lại của phiên chiều. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index chỉ tăng nhẹ 1.41 điểm, đạt mức 1,478.74 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VHM, MSN, DIG và NVL là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Riêng VHM đã góp tới gần 3 điểm tăng cho chỉ số này. Trong khi đó, GAS, HPG và VIC là những mã có tác động tiêu cực nhất.
– Về giao dịch khối ngoại, khối ngoại giao dịch khá cân bằng trong phiên ngày 21/12/2021. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã VHM với 265 tỷ đồng. CTG và VNM đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 50 tỷ đồng và 30 tỷ đồng. Trong khi đó, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 119 tỷ đồng. MSN và NVL bị bán ròng lần lượt 51 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.
– Về nhóm ngành, chứng khoán là ngành giảm điểm mạnh nhất trong phiên. Các mã như HCM, MBS, SHS cùng giảm hơn 2%, SSI, VCI cũng giảm gần 2%. Nhóm bất động sản có phiên giao dịch khá tích cực. Các mã như DIG, CEO, TCH đều kết phiên trong sắc tím. Ông lớn VHM cũng tiến tốt với mức tăng 2.99%, NLG, KBC cùng tăng hơn 4%.
– Ở nhóm sản xuất nhựa – hoá chất, nhóm cổ phiếu phân bón có phiên dậy sóng khi nhiều mã bật tăng rất ấn tượng. Nổi bật trong đó là PMB, DPM, các mã này cùng tăng kịch trần. Một số cổ phiếu khác như DCM leo dốc tăng 6%, SFG tiến tốt 4.4%. Nhiều doanh nghiệp phân bón nhận định, với tình hình dịch bệnh và nguồn cung nguyên liệu khan hiếm như hiện nay, giá phân bón sẽ còn tăng cao vào đầu năm 2022. Đây là thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng của nhóm cổ phiếu này.này nếu giữ đến 11/1/2022, SCIC sẽ nhận thêm 1,26 tỷ đồng cổ tức từ Vinamilk.
– Chỉ số VN-Index đang có tín hiệu diễn ra sự phân hóa dòng tiền mạnh. Dù thị trường chung đi ngang nhưng không khó để nhận ra dòng tiền tăng điểm vẫn duy trì ở một vài nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Bất động sản vẫn là nhóm dẫn đầu trong thời gian gần đây và hôm nay cũng không ngoại lệ. Chúng tôi cho rằng, diễn biến của thị trường đang tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên mua đuổi, kiên trì với danh mục có sẵn, các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục hoặc tích lũy thêm cổ phiếu.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall