Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 22.11.2021 – Việt Nam chính thức đón khách du lịch quốc tế quay trở lại

Nhận định Thị trường hàng ngày 22/11/2021    24604

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/11/2021

1. Thông tin vĩ mô

• Lạm phát Hàn Quốc, nước đầu tiên nâng lãi suất, tiếp tục tăng lên mức cao nhất kể từ 2012
Nỗi lo lạm phát đang gia tăng ở Hàn Quốc, khi CPI tháng 10 tăng 3.2% YoY, mức cao nhất kể từ năm 2012, và PPI tháng 10 tăng 8.9%, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Giá các loại hàng hóa than và dầu tăng 85.6% so với cùng kỳ 2020 là yếu tố chính khiến chỉ số PPI nhảy vọt. Trong khi đó, mức 3.2% của CPI có phần đóng góp lớn của giá xăng khi mặt hàng này tăng đến 27.3% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên nâng lãi suất, khi lãi suất cơ bản tăng 0.25% lên 0.75% vào cuối tháng 8. Mặc dù vậy, việc giá dầu tăng mạnh trong quý III và khủng hoảng chuỗi cung ứng kéo dài đang khiến Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc phải cân nhắc tiếp tục tăng lãi suất lần thứ hai trong một năm nhằm kiểm soát lạm phát.
Hàn Quốc là mô hình các Ngân hàng Trung ương khác sẽ theo dõi để ứng phó, khi bức tranh lớn hơn cho thấy áp lực rủi ro lạm phát rất lớn và khó có thể coi là tạm thời nữa. Nhiều khả năng các Ngân hàng Trung ương sẽ sớm hành động nếu Hàn Quốc phải cần đến hai lần nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
• Trung Quốc trở thành quốc gia có giá trị tài sản lớn nhất
Từ 2000 đến 2020, giá trị tài sản toàn cầu đã tăng gấp 3 lần lên 514 nghìn tỷ USD. Trong đó, mức tăng trưởng tại Trung Quốc đóng góp đến hơn 30% khi giá trị tài sản từ 7 nghìn tỷ USD vào năm 2000 lên hơn 120,000 nghìn tỷ USD tại năm 2020.
Mỹ mất vị trí dẫn đầu vào tay Trung Quốc chủ yếu do mặt bằng giá bất động sản không tăng nhiều, trong khi bất động sản Trung Quốc có một thập kỷ 2010 rực rỡ.
68% tài sản toàn cầu nằm trong bất động sản, cho thấy loại tài sản này không chỉ hấp dẫn mà còn mang lại hiệu suất đầu tư cao đối với nhà đầu tư.
• Việt Nam quay trở lại xuất siêu sau 5 tháng liên tiếp nhập siêu
Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư tháng thứ hai liên tiếp, giúp Việt Nam quay trở lại xuất siêu 160 triệu USD tại tháng 10 năm 2021. Cụ thể, thặng dư thương mại trong tháng 10 đạt 2.85 tỷ USD, với hoạt động xuất khẩu tăng 5.7% so với cùng kỳ 2020. Tăng trưởng nhập khẩu giảm từ 10.2% YoY trong tháng 9 xuống 8.1% YoY trong tháng 10. Lũy kế 10 tháng, cán cân thương mại thâm hụt 1.45 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2020 nền kinh tế xuất siêu 19.63 tỷ USD.
Cán cân thương mại sau 10 tháng phản ánh việc giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu xuất siêu trở lại từ tháng 9 do các hoạt động sản xuất kinh doanh được dần dần mở cửa trở lại là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đang bắt đầu quá trình hồi phục, và sẽ cần thời gian để đạt 100% công suất khi tình hình thiếu hụt lao động chưa được giải quyết. Tuy nhiên, nền quý III/2021 thấp sẽ là yếu tố cần chú ý, khi các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm 2022.
• Việt Nam chính thức đón khách du lịch quốc tế quay trở lại
Đà Nẵng đã đón những khách quốc tế quay trở lại Việt Nam lần đầu tiên theo chương trình hộ chiếu vaccine sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Hoạt động đón du khách quốc tế quay trở lại đang được triển khai dồn dập tại những địa phương thí điểm mô hình bong bóng du lịch, bao gồm Phú Quốc, Đà Nẵng Khánh Hòa và Quảng Ninh. Trong tháng 11, hàng trăm khách du lịch chủ yếu từ Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ di chuyển đến Việt Nam.
Nhu cầu du lịch quốc tế bị dồn nén kể từ khi các quốc gia trên thế giới phải hạn chế nhập cảnh vì COVID-19. Với việc Việt Nam đã tiêm hơn 100 triệu liều vaccine và chuyển đổi sang trạng thái sống chung với COVID-19, đây là tín hiệu tích cực cho các hoạt động di chuyển, mua sắm và dịch vụ dần quay trở lại mức bình thường.
Việc vaccine ngày càng phổ biến và được triển khai trên diện rộng là cú hích lớn cho các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và dịch vụ dần dần phục hồi trở lại.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Lãi suất tiếp tục đi ngang ở vùng thấp, chịu áp lực tăng đầu 2022
Nhóm Ngân hàng thương mại nhà nước: lãi suất tiết kiệm giữ nguyên, cao nhất ở mức 5.6% tại VietinBank. 3 ngân hàng còn lại VCB, Agribank và BIDV ở mức 5.5%/năm đối với các kỳ hạn dài từ 12-36 tháng.
Nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần: tăng lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng. Sacombank tăng lãi suất tiết kiệm tại quầy từ 0.1-0.3%; Eximbank tăng 0.1% lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0.1-0.2 %/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng.
Lãi suất chỉ tăng nhẹ cục bộ. Tuy nhiên, năm 2022, dự báo lạm phát có thể tăng mạnh lên 3.5 – 4%. Người dân sẽ tăng cường bảo vệ tài sản, rút tiền khỏi ngân hàng nếu lãi suất không đạt kỳ vọng. Các ngân hàng sẽ chịu áp lực tăng lãi suất đầu vào, nhất là những ngân hàng nhỏ, tính thanh khoản yếu, vốn ít trong thời gian tới.
• Ngân hàng tăng cường vay vốn nước ngoài
Trong bối cảnh cạnh tranh lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng, nhiều ngân hàng tìm đến các dòng vốn rẻ khác, trong đó có các định chế tài chính quốc tế.
VPBank và SMBC ký khoản vay hợp vốn của 4 ngân hàng quốc tế và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giá trị 300 triệu USD.
TCB huy động khoản vay hợp vốn nước ngoài 800 triệu USD (600 triệu USD kỳ hạn 3 năm và 200 triệu USD kỳ hạn 5 năm).
HDBank nhận khoản vay hợp vốn 71 triệu USD do Mega Bank thu xếp và 50 triệu USD từ Proparco – Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp.
Vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp trong khi VND giữ giá trị là yếu tố thuận lợi đối với các ngân hàng Việt. Tuy nhiên, các ngân hàng có xếp hạng tín nhiệm tốt đáp ứng các chuẩn mực quốc tế sẽ nhận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn.
• Chính thức siết quy định Ngân hàng rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp.
3 trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp gồm:
+ Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.
+ Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.
+Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Quy định siết chặt hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cùng việc HNX đang tập trung nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, vừa bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư vừa chia sẻ gánh nặng huy động vốn trung và dài hạn dồn lên vai ngân hàng.

3. Kênh cổ phiếu

• Triển vọng “ngọt” cho ngành đường năm 2022
Giá đường thế giới tăng 49% YoY và 10% so với quý trước do nguồn cung đường giảm tại Brazil trong khi tăng tại Thái Lan. Dự báo tình trạng thiếu cung trong niên vụ 2021-2022 nằm trong khoảng 3-4 triệu tấn.
Tại thị trường nội địa, các công ty sản xuất đường vừa công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3/2021 nhờ giá bán trong nước tăng do được hỗ trợ bởi giá đường thế giới và tác động từ thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp.
Với việc gia tăng các biện pháp phòng vệ áp dụng với đường nhập khẩu từ Thái Lan tạo triển vọng rõ rệt cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và mở ra câu chuyện tăng trưởng ngành đường trong dài hạn.
• PNJ – Triển vọng tươi sáng trở lại từ tháng 10
PNJ báo cáo doanh thu sơ bộ tháng 10.2021 tăng trưởng ở mức 12-15% YoY, củng cố đà phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn giãn cách xã hội.
PNJ vẫn là một doanh nghiệp xứng đáng để đầu tư với một số luận điểm (1) thị phần trang sức hơn 30% và tiếp tục mở rộng sau đại dịch; (2) các chiến lược của PNJ sẽ hỗ trợ tăng trưởng bán lẻ của doanh nghiệp trong tương lai; (3) tăng cường số hóa đẩy mạnh bán hàng đa kênh; (4) trạng thái “bình thường mới” – sau đại dịch.
Kỳ vọng PNJ có thể tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh mẽ, đạt 60,7% YoY/22,6% YoY trong năm 2022-2023.

4. Kênh tài sản khác

• Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng, ai được lợi?
Giá nguyên vật liệu tăng liên tiếp các tháng gần đây, trong đó giá thép đã tăng 40-50%, xi măng, cát đá tăng 10% kể từ đầu năm.
Các nguyên vật liệu trên tăng giá dẫn đến chi phí xây dựng tăng lên 1.25-1.4 lần, khiến nhiều nhà thầu bị lỗ, không thể tiếp tục thi công.
Đối với các hợp đồng xây dựng trọn gói, thường thi công với giá cố định theo dự toán, do đó tổng mức đầu tư không điều chỉnh.
Dòng vốn đầu tư công giải ngân lớn cộng thêm việc tắc nghẽn nguồn cung bất động sản được tháo gỡ sau khi bị đình trệ 3 năm trở lại, dự báo giá nguyên vật liệu sẽ tiếp tục tăng.
Chi phí nguyên liệu chiếm khá lớn trong giá thành sản phẩm bất động sản, chi phí tăng thúc đẩy giá bán tăng. Căn hộ có chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn bị ảnh hưởng tiêu cực hơn. Doanh nghiệp với dự án đang hoặc sắp mở bán với sản phẩm đất nền, liền kề chi phí xây dựng chiếm tỷ trọng thấp hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.
• Thủy sản Việt Nam ảnh hưởng nặng bởi suy giảm từ thị trường Trung Quốc
Trung Quốc nằm trong 3 nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, chiếm gần 17% giá trị thủy sản xuất khẩu.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc tương đối tiêu cực trong năm nay khi xuất khẩu sang thị trường này giảm 11-50% (tùy tháng) so với năm ngoái.
Đáng chú ý, trong quý III xuất khẩu sang trung Quốc giảm mạnh, trong đó tháng 8 giảm 36%, tháng 9 giảm 51%.
Hai sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề là cá tra và tôm giảm 20% và 23% so với cùng kỳ 9 tháng.
Theo đuổi chính sách zero COVID, Trung Quốc mạnh tay áp dụng các biện pháp kiểm soát với mặt hàng đông lạnh nhập khẩu dẫn đến hàng hóa bị ách tắng và doanh nghiệp bị đình chỉ suất khẩu sang Trung Quốc do bao bì sản phẩm xuất hiện COVID.
Sản xuất gián đoạn, chi phí tăng do tình hình COVID tại nội địa trong khi thị trường tiêu thụ chính bị ảnh hưởng lớn, kết quả kinh doanh quý IV.2021 của doanh nghiệp thủy sản ANV, IDI có thể bị ảnh hưởng.
• Đầu tư trái phiếu cùng dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Trend năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).
Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về NLTT Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện, có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.
Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành các mã trái phiếu với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm, 9 năm phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Khi tham gia trái phiếu doanh nghiệp Trung Nam Group, lãi suất trái phiếu tương đối cao từ 9,3 – 9,7%/năm, Trái phiếu được cam kết mua lại định kỳ, giảm thiểu rủi ro cho trái chủ, tài sản đảm bảo có giá trị lớn, hơn 130% giá trị phát hành là dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á đã hoàn thiện pháp lý ký hợp đồng mua bán điện, vốn đầu tư tối thiểu từ 100 triệu đồng.

5. Câu chuyện đầu tư

Hình bóng công ty vĩ đại – Thám hiểm Nam Cực
Năm 1911, hai đoàn cùng đi thám hiểm Nam Cực là đoàn Nauy dẫn đầu bởi Roald Amundsen; và đoàn người Anh dẫn đầu bởi Robert Falcon Scott.
Chiến thắng dành cho đội Amundsen. Họ đến sớm hơn 1 tháng và về nhà an toàn. Ngược lại, đội của Scott cũng đến được đích, nhưng cả đoàn đã bị thiệt mạng trên hành trình trở về.
CÂU CHUYỆN DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO? Tại sao lại có sự vượt trội giữa Amundsen VS Scott?
Roald Amundsen: Dành nhiều năm tím kiếm kiến thức. Sống với người Eskimo để quan sát, dùng chó để tránh đổ mồ hôi, thử nghiệm với nhiều loại thức ăn khác nhau, mang nhiều đồ ăn hơn cần thiết, cẩn thận đánh dấu bằng cờ đen.
Robert Falcon Scott: Không dành đủ thời gian để tìm hiểu đủ rủi ro gặp phải, dùng ngựa, chưa quan tâm đúng mức đến rủi ro gặp phải, mang vừa đủ thức ăn cho số ngày dự kiến; không có Plan B.
Ứng dụng trong đầu tư
1. Việc nghiên cứu kỹ thị trường sẽ làm giảm rủi ro gặp phải. Ngoài ra, nhiều nguồn dự trữ sẽ giảm đảm bảo xác suất thành công cao hơn.
2. “Đạn nhỏ đi trước, đại bác theo sau” là chiến lược mà những công ty vĩ đại hay làm. Họ thử nghiệm ở quy mô nhỏ trước khi nhân rộng.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0