Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 22.10.2021 | Hòa Phát lãi 10.350 tỷ đồng quý III, đầu tư lớn vào mảng điện gia dụng

Nhận định Thị trường hàng ngày 22/10/2021    68121

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Lạm phát ở châu Âu tăng lên 3,6% trong tháng 9, cao nhất 10 năm qua
– Hãng thông tấn Séc đưa tin, lạm phát ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Báo cáo của cơ quan thống kê Eurostat cho thấy, tỷ lệ lạm phát ở khu vực EU trong tháng 9 ở mức 3,6%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tháng 8. Lạm phát ở các quốc gia thanh toán bằng đồng Euro tăng tương tự trong một tháng, lên tới 3,4%.
– Sự gia tăng lạm phát chủ yếu là do giá năng lượng tăng cao bởi nhu cầu cao và sự thiếu hụt nguồn cung. Giá tiêu dùng trong tháng 9 tại 25 quốc gia thuộc EU tăng so với tháng 8. Chỉ có duy nhất chỉ số lạm phát tại Bỉ là giảm, còn tại Bồ Đào Nha là không đổi.
– Malta có mức lạm phát thấp nhất, ở mức 0,7%. Tiếp theo là Bồ Đào Nha (1,3%) và Hy Lạp (1,9%). Giá cả tăng nhanh nhất ở các nước Baltic như Litva và Estonia, nơi tỷ lệ lạm phát lên tới 6,4%. Ở Cộng hòa Séc, chỉ số giá tiêu dùng là 4%, tức là tăng 0,91 điểm so với tháng 8.
– Lạm phát trong tháng 9 đã vượt ước tính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng thứ hai liên tiếp, với dự định giữ tăng trưởng giá ở mức 2% mỗi năm để phục hồi nền kinh tế. Cho đến nay, ECB vẫn giữ mức dự báo lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro sẽ là 2,2% trong cả năm, mặc dù Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã thừa nhận vào cuối tháng 9 rằng lạm phát có thể còn cao hơn.
– Trong năm tới, ECB dự kiến lạm phát sẽ trở lại dưới 2% và giá năng lượng sẽ giảm dần.

2. Thông tin Việt Nam

• Dự báo thị trường vật liệu xây dựng quý IV/2021: Giá cát sẽ tăng nhẹ 3 – 5%
– Theo Viện Kinh tế Xây dựng cho biết, do các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện giãn cách từ tháng 5/2021, nên giá cát xây dựng sẽ tăng nhẹ 3 – 5% trong quý IV/2021.
– Các địa phương tại khu vực Bắc Trung Bộ, Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện giãn cách từ tháng 5/2021, nên giá cát xây dựng giảm từ 6 – 20% so với quý II/2021. Các chuyên gia của Viện Kinh tế Xây dựng dự báo quý IV/2021, các hoạt động khai thác cát, đá triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cung sẽ tăng, giá cát sẽ tương đối ổn định, chiều hướng tăng nhẹ 3 – 5%.
– Về phần giá thép, trong nước tăng nhanh cùng thế giới và khu vực từ quý IV/2020 đến tháng 05/2021. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2021, nhu cầu giảm khi thời tiết bước vào mùa mưa, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều công trình phải ngừng thi công do lệnh giãn cách xã hội và sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất thép hàng đầu trong nước, giá thép trong nước quý III/2021 giảm nhẹ 5 – 10%.
– 3 tháng cuối năm 2021 khi dịch Covid-19 được kiểm soát trong tháng 9, các hoạt động xây dựng được phép triển khai tiếp tục trên cả nước, các chuyên gia dự báo lượng cầu sẽ tăng trong quý IV/2021, do nguồn cung đáp ứng nên giá thép ổn định và hình thành mặt bằng giá mới.
– Về giá bán xi măng trong quý III/2021, do nguồn cung luôn đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nên giá xi măng cơ bản ổn định so với quý II/2021. Theo báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng cho biết, nguyên nhân tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa giảm là do tác động của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công trình xây dựng phải tạm dừng hoạt động.
– Bên cạnh đó, việc giá các nguyên liệu không ngừng leo thang trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Dự báo giá bán xi măng trong quý IV/2021, khi các hoạt động xây dựng được triển khai tiếp tục trên cả nước, lượng cầu sẽ tăng và giá xi măng ổn định trên cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index chịu áp lực bán mạnh trong phiên ATC, đã khiến cho chỉ số này đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên 21/10 tại 1.384 điểm tương ứng với mức giảm hơn 9 điểm và giảm 0,65 % so với phiên trước đó. Một điểm đáng chú ý là thị trường bị bán mạnh vào cuối phiên 21/10 nhưng thanh khoản khớp lệnh lại có phần sụt giảm khi giá trị giao dịch giảm 10% đạt mức gần 20.000 tỷ trong phiên 21/10.
– Về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, bộ đôi VIC, VHM và GAS là ba mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 3 điểm của chỉ số. Trong khi đó, HPG, OCB, MSB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của những mã này không quá lớn.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 790 tỷ đồng, giảm 42% so với phiên trước. Như vậy khối ngoại đã bán ròng trong 4 phiên liên tiếp với tổng giá trị 3.231 tỷ đồng trên HOSE. HPG tiếp tục bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 310 tỷ đồng. Tiếp sau đó là NLG và VIC với giá trị bán ròng lần lượt là 99 tỷ đồng và 89 tỷ đồng. Trong khi đó, VNM được mua ròng mạnh nhất với 104 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUESSVFL được mua ròng 61 tỷ đồng.
– Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đi ngược thị trường chung khi vẫn thu hút được dòng tiền và đồng loạt tăng giá, có thể kể đến như DIG (+4%), KDH (+1,4%), NTL (+6,9%), HDC (+1,6%). Bên cạnh đó cổ phiếu dệt may cũng có một phiên tích cực với VGT (+3,9%), TCM (+6,5%), TNG (+1,6%).
– Thị trường đã có biến động mạnh trong phiên ATC với áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN30 giảm khá mạnh. Tuy nhiên, hiện tượng thị trường tăng/giảm đột ngột xung quanh thời điểm các quỹ ngoại tái cơ cấu danh mục và đáo hạn hợp đồng tương lai là điều thường thấy và sẽ không gây ảnh hưởng nhiều lên xu hướng chung của chỉ số. Trạng thái của thị trường chưa thay đổi và nhịp lùi bước hiện tại vẫn đang mang tính chất ngắn hạn để kiểm tra lại dòng tiền hỗ trợ. Điểm tích cực là diễn biến phân hóa mạnh với nhiều nhóm cổ phiếu tăng tích cực bất chấp thị trường chung giảm điểm.
– Trên góc nhìn kỹ thuật, với ba phiên giảm liên tiếp nhưng chỉ số VN-Index vẫn giữ được vùng hỗ trợ trong khoảng 1.375-1.380 điểm nên khả năng để hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần 22/10 để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm là vẫn còn. Đồng thời, nếu thị trường tiếp tục biến động hẹp và chỉ số VN-Index chưa thể vượt được mức kháng cự tâm lý 1.400 điểm thì thị trường có thể sẽ bước vào giai đoạn tích lũy và dòng tiền có thể sẽ quay trở lại trạng thái phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Hòa Phát lãi 10.350 tỷ đồng quý III, đầu tư lớn vào mảng điện gia dụng
– Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông báo doanh thu quý III đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước – đây là mức cao kỷ lục trong lịch sử. Quý II, doanh nghiệp đạt lãi sau thuế 9.745 tỷ đồng.
– Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 105.800 tỷ đồng, tăng 60%; lãi sau thuế 27.100 tỷ đồng, tăng 200%. Hòa Phát vượt 45% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng. Sản lượng thép thô 9 tháng đạt 6,1 triệu tấn, tăng 50%; sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 6,3 triệu tấn, tăng 50%. Trong đó, thép xây dựng là 2,8 triệu tấn, tăng 12%; thép cuộn cán nóng 2 triệu; tôn 273.000 tấn, gấp 2,6 lần; ống thép giảm 12% xuống 498.000 tấn.
– Từ quý IV, tập đoàn đã thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát với mục tiêu đầu tư lớn, bài bản vào ngành điện máy gia dụng để đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành thương hiệu điện lạnh, hàng gia dụng số 1 Việt Nam và hướng ra xuất khẩu.
– Hòa Phát có công ty hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh là Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát. Đơn vị này thành lập 2001, chuyên sản xuất tủ lạnh, tủ đông, tủ mát thương hiệu Hòa Phát và Funiki. Điện lạnh Hòa Phát có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, 99,7% vốn thuộc sở hữu Tổng công ty sản phẩm thép Hòa Phát.
– Như vậy, với định hướng mới này, tập đoàn cơ cấu lại hoạt động trong 5 lĩnh vực gồm gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng), sản phẩm thép (ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực), nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng.

• PNJ: Lỗ tháng thứ 3 liên tiếp, quý III lỗ 158 tỷ đồng
– Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) công bố doanh thu tháng 9 đạt 226 tỷ đồng, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 48 tỷ đồng – tháng thứ 3 liên tiếp lỗ.
– Như vậy, cả quý III doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 877 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 158 tỷ đồng. Quý gần nhất đơn vị báo lỗ là quý IV/2015 với 136 triệu đồng.
– Công ty cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh với hơn 77% thời gian kinh doanh bị mất trong quý III. Đến 30/9, có 146 cửa hàng PNJ hoạt động bình thường trở lại theo quy định của Chính phủ và cơ quan chức năng. Trong 2 tuần đầu tháng 10, 94% số cửa hàng toàn quốc quay trở lại kinh doanh, khu vực trọng điểm là TP HCM cũng mở lại 93% số cửa hàng.
– Kết quả này đã kéo giảm thành quả 9 tháng. Doanh thu thuần đạt 12.514 tỷ đồng, tăng 7,3% và thực hiện 60% kế hoạch năm; lãi sau thuế 576 tỷ đồng, giảm 10% và thực hiện 47% kế hoạch năm.
– Xét theo kênh, doanh thu kênh bán lẻ 9 tháng duy trì được tăng trưởng 8%, kênh sỉ giảm 6,2% và vàng miếng tăng 13,1%. Biên lợi nhuận gộp tháng 9 đạt 16,2%, giảm so với mức 19,9% cùng kỳ năm trước; lũy kế 9 tháng đạt 18%, cùng kỳ là 18,8%.

• OCB: Lãi 3.768 tỷ đồng 9 tháng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ
– Tổng doanh thu thuần của OCB trong quý III/2021 tiếp tục tăng khá mạnh 23,3% so với cùng kỳ, đạt 6.246 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi và thu thuần ngoài lãi đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ.
– Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Năm 2021, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.500 tỷ đồng, dự kiến cổ tức 25%.
– Một trong những yếu tố giúp lợi nhuận trước thuế của OCB duy trì mức khả quan, theo lãnh đạo Ngân hàng là việc tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động (CIR) khi tỷ lệ này giảm từ 31,9% của cùng kỳ năm ngoái xuống còn 29,1% vào quý III năm nay.
– Tính đến cuối quý III/2021, tổng tài sản của OCB đạt 167.596 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái; huy động vốn trên thị trường 1 đạt 119.702 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay trên thị trường 1 đạt 99.045 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ.
– Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ mức 2,15% của cùng kỳ năm ngoái về chỉ còn 1,51% vào cuối quý III/2021.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0