Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 22.09.2020 – Các hãng công nghệ hàng đầu Hàn Quốc có lợi nhuận tăng dù dịch bệnh

Nhận định Thị trường hàng ngày 22/09/2020    504

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Các hãng công nghệ hàng đầu Hàn Quốc có lợi nhuận tăng dù dịch bệnh

1. Vĩ mô Quốc tế

Trung Quốc lập thêm 3 vùng tự do thương mại thí điểm thu hút đầu tư nước ngoài

Nội các Trung Quốc thông báo kế hoạch lập 3 vùng tự do thương mại (FTZ) thí điểm tại Bắc Kinh, tỉnh miền nam Hồ Nam và tỉnh miền đông An Huy nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thương mại.

FTZ thí điểm ở Bắc Kinh sẽ bao gồm ba khu vực dành cho khoa học và đổi mới công nghệ, dịch vụ doanh nghiệp quốc tế và các ngành cao cấp. Bắc Kinh còn thiết lập các trung tâm giao dịch tài sản trí tuệ, khuyến khích công ty đa quốc gia đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đây.

Trung Quốc những năm gần đây thiết lập nhiều FTZ tại các tỉnh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thương mại và phát triển khu vực.

Đức nỗ lực ngăn chặn làn sóng phá sản do dịch Covid-19

Nhằm ngăn chặn làn sóng phá sản doanh nghiệp do dịch Covid-19, Đức sẽ nới lỏng các quy định về phá sản, với điều kiện các công ty bị ảnh hưởng phải xây dựng một mô hình kinh doanh mạnh mẽ.

Theo dự thảo cải cách liên quan vấn đề này, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2021, thời hạn để các doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản sẽ được kéo dài tới 6 tuần, thay vì 3 tuần như hiện tại.

Cơ quan chức năng sẽ áp dụng các tiêu chuẩn nới lỏng hơn khi kiểm tra và đánh giá tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.

Với sự hỗ trợ của các biện pháp này, trong nửa đầu năm nay, số doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ ở Đức đã giảm 6,2% xuống còn 9.006 công ty so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hãng công nghệ hàng đầu Hàn Quốc có lợi nhuận tăng dù dịch bệnh

Kết quả của cuộc khảo sát do công ty tài chính Yonhap Infomax thuộc hãng thông tấn Yonhap công bố ngày 20/9 dự báo các hãng công nghệ hàng đầu Hàn Quốc sẽ có thu nhập quý 3/2020 cao hơn kỳ vọng. Cụ thể, Samsung Electronics Co. dự kiến sẽ có lợi nhuận kinh doanh trong quý 3/2020 sẽ tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước; trong khi LG Electronics Inc. sẽ tăng hơn 7% so với cùng kỳ 2019.

Nguyên nhân Samsung kinh doanh tốt bất chấp những lo ngại về tác động xấu của đại dịch COVID-19 là nhờ hãng có thể cắt giảm chi phí tiếp thị khi nhiều người mua hàng trực tuyến hơn.Thêm nữa do lệnh phong tỏa kéo dài và các lệnh giãn cách xã hội trên toàn cầu khiến các gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc có thể bán được nhiều tivi cao cấp hơn.

2. Vĩ mô Việt Nam

TP HCM lấy ý kiến cử tri về thành lập thành phố Thủ Đức vào ngày 3/10

Người dân đăng ký thường trú tại ba quận 2, 9 và Thủ Đức từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị pháp luật hạn chế quyền bầu cử sẽ được nêu ý kiến đồng ý hay không đồng ý về hai nội dung gồm việc sắp xếp 3 quận thành đơn vị hành chính cấp huyện mới và tên đơn vị hành chính cấp huyện mới lấy tên là thành phố Thủ Đức. Ngoài ra, người dân cũng có quyền có ý kiến khác.

Sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, đề án sáp nhập này sẽ được thông qua Hội đồng nhân dân cấp phường và cấp huyện của ba quận này. Và sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp tới.

Việt Nam vượt Brazil trở thành nhà cung ứng cà phê hàng đầu vào Nhật Bản

Khi ngày càng có nhiều người Nhật Bản phải làm việc tại nhà do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tăng lên. Điều này dẫn đến nhu cầu về hạt cà phê Robusta – nguyên liệu để sản xuất cà phê hòa tan cũng tăng theo.

Ngoài ra, doanh số bán hạt cà phê Arabica vào các chuỗi cà phê ở Nhật đã giảm đi. Xu hướng này đã giúp cho Việt Nam – quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất trên thế giới, trở thành nhà cung cấp hạt cà phê Robusta lớn nhất của Nhật Bản, theo sau là Brazil.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản tổng lượng là 67.392 tấn cà phê Robusta, tăng 26% so với cùng kỳ. Đồng thời, Nhật Bản nhập khẩu cà phê từ Brazil – quốc gia sản xuất hạt cà phê Arabica lớn nhất thế giới, giảm 40% so với cùng kỳ, ở mức 63.850 tấn.

ATIGA và Covid-19 khiến ngành mía đường chồng chất khó khăn

Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đối với các nước ASEAN. Như vậy, mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam là 0% cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến cho việc sản xuất kinh doanh và tiêu thụ đường của nhiều doanh nghiệp càng trở nên khó khăn.

Thống kê từ Bộ Công thương, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, trong 7 tháng năm 2020 đạt gần 820.000 tấn, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm gần 92% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. (Chính phủ Thái Lan đến ngày 30/6 đã thống nhất tài trợ cho ngành đường Thái Lan 10 tỷ Bath, tương đương 317 triệu USD)

Trước đây, ngành mía đường có 300.000 ha với khoảng 41 nhà máy thì vụ ép mía đường 2019-2020 chỉ còn 157.000 ha và 28 nhà máy hoạt động.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam tự tin rằng năng lực của ngành mía đường nếu được đưa về điều kiện ngang bằng với các nước sẽ đủ sức cạnh tranh. Nhưng cũng phải đề cập với hiện trạng “dòng thác” đường nhập khẩu tràn vào như hiện nay, cộng với các yếu tố ảnh hưởng năng suất khác như hạn hán…, thì ngành mía đường Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn.