Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 22.07.2021 | MB báo lãi 6 tháng tăng gấp rưỡi cùng kỳ, nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh gần 60%

Nhận định Thị trường hàng ngày 22/07/2021    26113

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm 2021
– Các chuyên gia kinh tế cho hay sau khi đạt mức đỉnh trong quý 2/2021, tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu chậm lại trong quý 3 giữa lúc chuỗi cung ứng bị hạn chế và có nhiều lo ngại về lạm phát.
– Bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America nhận định kinh tế Mỹ có thể đã vượt qua mức “đỉnh” của tăng trưởng và lạm phát, và điều này hoàn toàn không gây bất ngờ bởi tốc độ tăng trưởng và tình hình lạm phát hiện nay cho thấy không bền vững. Kỳ vọng hiện tại của nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức trung bình trong những tháng tới.
– Bank of America cũng hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 của Mỹ xuống 6,5%, thấp hơn so với ước tính tăng 7% trước đó trong bối cảnh các hoạt động của nền kinh tế dường như “bị hạn chế hơn” so với dự đoán. Điều này được thể hiện trong hai dấu hiệu là sản xuất hàng hóa bị hạn chế do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và chi tiêu dịch vụ hạn chế do thiếu lao động.
– Khảo sát cuối tuần trước của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ngày càng lan rộng tại Mỹ, bao gồm tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu và lao động, giao hành chậm trễ và lượng hàng hóa tiêu dùng trong kho dự trữ thấp.
– Bộ Lao động Mỹ tuần trước công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 6 đã tăng 0.9% so với tháng trước đó. Số liệu CPI của Mỹ trong tháng 6 cũng tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng lớn nhất tính theo năm trong gần 13 năm qua.
– Trong khi đó, tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Conference Board ước tính tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ ở mức khoảng 9% trong quý 2, cao hơn so với mức tăng 6,4% trong quý 1, và đưa ra dự phóng tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến sẽ chậm lại còn 7,8% trong quý 3 và giảm tốc xuống 4,2% trong quý 4/2021

2. Thông tin Việt Nam

• Bộ Xây dựng: Phải giải ngân hết 605 tỷ đồng đầu tư công trong 5 tháng tới
– Bộ Xây dựng vừa có chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm nay. Trong đó, Bộ Xây dựng yêu cầu đến ngày 31/12/2021, các đơn vị trực thuộc phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm nay.
– Từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm nay (đợt 1) cho các dự án đầu tư đủ điều kiện với số vốn là 322,52 tỷ đồng. Số vốn còn lại (353,719 tỷ đồng) sẽ được giao ngay sau khi Quốc hội khóa XV phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân phần vốn đầu tư công đã được phân bổ là 22% kế hoạch, tương đương hơn 70,5 tỷ đồng.
– Như vậy, trong 5 tháng cuối năm Bộ Xây dựng phải giải ngân được hơn 252 tỷ đồng phần vốn đã được bố trí và hơn 605,7 tỷ đồng nếu tính cả đợt 2 sắp được giao tới đây. Con số vừa nêu tương đương hơn 3,6% vốn đầu tư công mà Chính phủ giao các bộ ngành trong năm nay theo Quyết định 2185/2020.
– Con số vừa nêu có thể không lớn nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội được thực hiện ở nhiều nơi, khiến động lực tăng trưởng từ đầu tư công càng trở nên quan trọng. Đồng thời, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước mới đạt 34%. Trong bối cảnh vừa nêu, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn theo từng tháng. Đến ngày 30/9, những dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% sẽ bị điều chuyển vốn sang dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn.
– Với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện phương án phân bổ vốn chi tiết, hoàn thành công tác thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn dự kiến là 3.006,9 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng đã gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư để thẩm định.
– 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Tổng dự toán vốn nước ngoài được giao từ nguồn ngân sách trung ương về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho các bộ, ngành là 16.636,75 tỷ đồng.

• Nửa đầu tháng 7, Việt Nam nhập siêu 1,82 tỷ đô
– Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 7/2021 đạt 27,39 tỷ đô, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020 (32,3 tỷ đô). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu là 14,6 tỷ đô, tăng gần 700 triệu đô so với nửa cuối tháng 6/2021 nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2020 (36,8 tỷ đô).
– Trong nửa đầu tháng 7, các sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu cao nhất với kim ngạch gần 3 tỷ đô. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng gần 2,1 tỷ đô.
– Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của nửa đầu tháng 7 chỉ đạt 12,78 tỷ đô, giảm mạnh hơn 2 tỷ đô so với nửa cuối tháng 6/2021 và giảm tới 13,9% so với nửa đầu tháng 7/2020 (28 tỷ đô).
– Trong 15 ngày qua có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ đô là: Điện thoại và linh kiện, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhóm hàng máy móc thiết bị và nhóm hàng dệt may.
– Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 345,45 tỷ đô, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu 171,22 tỷ đô và tổng kim ngạch nhập khẩu 174,23 tỷ đô. Như vậy, trong 15 ngày đầu tháng 7 Việt Nam đã nhập siêu 1,82 tỷ đô, và từ đầu năm đến giữa tháng 7 nhập siêu 3,01 tỷ đô.
– Nguyên nhân tình hình xuất khẩu hàng hoá bị sụt giảm trong nửa đầu tháng 7/2021 là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Ngoài ra, tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển trầm trọng do thiếu container và các hãng tàu tăng chi phí vận chuyển.
– Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù xu hướng nhập siêu đã quay trở lại, song mức độ nhập siêu của Việt Nam vẫn là con số khá nhỏ. Việt Nam là quốc gia đang phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp nên phải nhập khẩu nhiều linh phụ kiện, nguyên phụ liệu. Bởi vậy, nhập khẩu vượt xuất khẩu một chút không phải vấn đề lớn.
– Trong trường hợp các yếu tố tác động ở mức như hiện tại hoặc thuận lợi hơn, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay được Bộ Công Thương dự báo có thể đạt khoảng 308 tỷ đô, tăng 9% so với năm 2020. Về nhập khẩu, căn cứ tiến độ trong những tháng đầu năm, khả năng kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 306 tỷ đô, tăng 16,5% so với năm 2020. Cán cân thương mại xuất siêu ở mức khoảng 2 tỷ đô.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• MB báo lãi 6 tháng tăng gấp rưỡi cùng kỳ, nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh gần 60%
– Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021. Tính đến hết quý 2 năm nay, ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 523 nghìn tỷ đồng, tăng 5,65% so với cuối năm 2020. Trong đó cho vay khách hàng đạt dư nợ hơn 325 nghìn tỷ đồng, đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Cả chứng khoán đầu tư lẫn chứng khoán kinh doanh ở MB đều tăng mạnh, trong đó chứng khoán đầu tư tăng 10,3% với tổng dư nợ hơn 110 nghìn tỷ đồng còn chứng khoán kinh doanh tăng 40% lên hơn 4.200 tỷ. Huy động vốn khách hàng tăng 10,3% đạt hơn 343 nghìn tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 4% lên trên 52 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, các giao dịch trên liên ngân hàng của MB 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, và tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước cũng giảm.
– Tất cả các mảng kinh doanh trọng yếu của MB đều tăng trưởng mạnh ở quý 2 và 6 tháng đầu năm nay. Trong đó thu nhập lãi thuần riêng quý 2 tăng xấp xỉ 42% so với cùng kỳ, đạt hơn 6.562 tỷ đồng; luỹ kế 6 tháng tăng 34,2% đạt hơn 12.500 tỷ. Lãi thuần từ dịch vụ quý 2 tăng gần 8,9% đạt 1.029 tỷ đồng trong khi 6 tháng tăng 24% đạt hơn 2.095 tỷ đồng.
– Tổng thu nhập từ hoạt động của MB trong quý 2 tăng 35,8% đạt hơn 8.924 tỷ đồng và 6 tháng tăng 40% đạt hơn 18.117 tỷ. Tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất quý 2 tăng 16,5% đạt 3.406 tỷ đồng, 6 tháng tăng 56% đạt 7.986 tỷ.
– Đáng chú ý, chi phí hoạt động của MB tăng cao trong năm nay với quý 2 tăng 25% và 6 tháng tăng 34%. Riêng chi phí cho nhân viên trong 6 tháng đầu năm tăng 23%, với thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên là 30,64 triệu đồng/người/tháng.
– Về chất lượng tín dụng, ngân hàng có tổng cộng 2.530 tỷ đồng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6/2021, chiếm 0,76% trên tổng dư nợ, giảm 22% so với cùng kỳ. Trong đó nợ nhóm 3 tăng 30% nhưng nợ nhóm 4 và nhóm 5 lại giảm. Riêng nợ nhóm 5 – tức là các khoản nợ có khả năng mất vốn giảm tới 56% so với cùng kỳ.
– Tuy nhiên, trong khi nợ xấu giảm thì ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng rủi ro tại MB trong quý 2 năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và luỹ kế 6 tháng tăng 56%. Với mức tăng mạnh dự phòng rủi ro, đến hết quý 2, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu của MB đạt tới 310%, mức cao nhất toàn hệ thống.
– Tại thời điểm 30/6/2021, MB có vốn chủ sở hữu hơn 55.900 tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm, trong đó lợi nhuận chưa phân phối là hơn 16.400 tỷ đồng, tăng 26,1% so với đầu kỳ.

• HSG: Quý 3 lợi nhuận sau thuế 1.701 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 3.371 tỷ đồng, tăng 381% so với cùng kỳ
– Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 niên độ tài chính 2020-2021 (từ 01/4/2021 đến 30/6/2021). Theo đó, sản lượng tiêu thụ ước đạt 615.425 tấn, doanh thu ước đạt 12.986 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.701 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 56%, 90%, 435% so với cùng kỳ niên độ 2019 – 2020 và 13%, 20%, 64% so quý 2 vừa qua. Riêng tháng 6, sản lượng tiêu thụ ước đạt 175.763 tấn, doanh thu ước đạt 3.870 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 562 tỷ đồng.
– Lũy kế 9 tháng, sản lượng tiêu thụ ước đạt 1.694.155 tấn, doanh thu ước đạt 32.932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.371 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 54%, 72%, 381% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Hoa Sen đã thực hiện được 94% kế hoạch sản lượng, 99,8% kế hoạch doanh thu và 225% kế hoạch lợi nhuận niên độ 2020-2021.
– Đại diện Hoa Sen cũng cho biết sản lượng xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh ở cả các thị trường truyền thống đến các thị trường mới khai thác, đặc biệt tại các thị trường đang có nhu cầu cao về tôn mạ như Bắc Mỹ và Châu Âu. Hoa Sen đã ký các hợp đồng xuất khẩu với khách hàng đến hết tháng 11/2021, với sản lượng xuất khẩu trung bình trên 120.000 tấn/tháng. Hệ thống 536 chi nhánh – cửa hàng bán lẻ phân bổ rộng khắp các vùng miền và 10 nhà máy phân bổ gần các cảng quốc tế đã đảm bảo việc sản xuất và cung ứng hàng hoá trong mọi điều kiện.
– Vì vậy, dù thị trường nội địa bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi dịch Covid-19, nhưng Hoa Sen vẫn duy trì được sản lượng bán hàng ổn định ít nhất 160.000 – 170.000 tấn/tháng, mang về doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng/tháng. Trên cơ sở lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đã đạt 3.371 tỷ đồng và chiến lược chủ động ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, Hoa Sen hoàn toàn tự tin lợi nhuận sau thuế niên độ 2020 – 2021 sẽ vượt 4.000 tỷ đồng.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0