Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 22.06.2021 Vietnam Airlines sắp được bơm 4,000 tỷ đồng vốn ưu đãi

Nhận định Thị trường hàng ngày 22/06/2021    18742

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 22/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trung Quốc đối mặt khủng hoảng thừa thịt lợn, giá giảm một nửa trong 6 tháng
– Giá thịt lợn ở Trung Quốc đang giảm chóng mặt, khi việc giết mổ ồ ạt gây lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sắp rơi vào cảnh thừa nguồn cung thịt lợn, khiến giá lợn hơi giao sau tại sàn giao dịch Đại Liên giảm mạnh. Kể từ khi ra mắt vào tháng 1 năm nay, giá hợp đồng lợn hơi giao sau – một phương thức cho phép nhà đầu tư đặt cược vào diễn biến tương lai của thịt lợn – hiện đã giảm hơn 30%.
– Theo tờ Financial Times, diễn biến này trái ngược với những gì xảy ra ở Trung Quốc – nước sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới – trong phần lớn thời gian của hai năm qua, khi dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn của nước này sụt giảm và giá thịt tăng vọt.
– Trong khoảng thời gian đó, nhà chức trách Trung Quốc khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc chăn nuôi lợn và tìm mọi cách nhanh nhất có thể để làm đầy dự trữ thịt lợn quốc gia. Những biện pháp này xem ra đang phản tác dụng, khi tốc độ giảm giá thịt lợn ở Trung Quốc càng bị đẩy nhanh hơn do người nông dân lo ngại lợn càng để càng mất giá nên ồ ạt cho lợn xuất chuồng. Tình hình thêm phần tồi tệ khi nhiều nông dân đã vỗ béo những con lợn khổng lồ có trọng lượng lên tới 300-400 kg, to ngang với gấu Bắc Cực, thay vì chỉ từ 100-200 kg như bình thường.
– HIện tại, giá thịt lợn bán buôn ở Trung Quốc đã giảm khoảng 50% từ đầu năm đến nay, còn 23,57 Nhân dân tệ/kg, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2019. Giá thịt lợn là một thành tố quan trọng trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Biến động giá thịt lợn là nhân tố chính chi phối chỉ số này trong 1 năm qua, và mức sụt giảm vào cuối năm ngoái đã đẩy lạm phát ở Trung Quốc xuống ngưỡng âm lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ.

• Vaccine Covid-19 đang giúp hàng không Mỹ phục hồi chóng mặt
– Với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, ngành hàng không của Mỹ đang được hưởng lợi rõ rệt. Ngay cả khi mà hoạt động du lịch và đi lại quốc tế chưa nối lại, số lượng người đi qua các sân bay của Mỹ đã vượt 2 triệu người mỗi ngày – ngưỡng ở thời điểm tháng 3/2020.
– Theo đại diện các hãng hàng không và quản lý sân bay, vaccine và việc các biện pháp phong tỏa được nới lỏng sẽ giúp cho nhu cầu đi lại tăng lên, tuy nhiên tốc độ và quy mô giờ đây đã cao vượt kỳ vọng của họ.
– Các hãng hàng không Mỹ dự kiến sẽ có phục vụ 88 triệu chỗ trong tháng 7/2021, tăng 32% so với thời điểm tháng 4/2021. Con số này vẫn thấp hơn so với năm 2019, tuy nhiên các hãng hàng không đang tăng cường năng lực vận chuyển nhanh hơn so với trong quá khứ.
– Nhu cầu tăng nhanh chóng đã hấp thụ hết các chỗ mới được bổ sung. Trung bình mỗi chuyến bay đầy đến 83% và thậm chí còn đầy hơn trong những giai đoạn đông đúc cao điểm. Trong năm ngoái, các hãng hàng không đua nhau giảm giá.
– Giờ đây giá vé máy bay đang tăng rất nhanh. Bộ Lao động Mỹ công bố vào tuần trước rằng chỉ số giá vé máy bay tăng 7% trong tháng 5/2021 sau khi tăng đến 10,2% trong tháng 4/2021. Nhiều hãng hàng không cho biết nhu cầu đi lại du lịch giải trí nhiều khả năng sẽ có thể vượt ngưỡng cùng kỳ của năm 2019.
– Với tỷ lệ tiêm vaccine vượt 50% toàn dân số, kinh tế Mỹ đang trải qua giai đoạn phục hồi thần tốc. Ngành hàng không trước đó là một trong những khu vực khó khăn nhất và phải được Chính phủ Mỹ cứu trợ 54 tỷ USD giờ đang trên quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

2. Thông tin Việt Nam

• Lần đầu Trung Quốc vượt Hàn Quốc để trở thành thị trường cung cấp linh kiện điện tử, máy tính lớn nhất cho Việt Nam
– Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu hàng hóa đạt 26,19 tỷ USD, giảm 1,3%, tương đương với 357 triệu USD, so với tháng 4. Các mặt hàng giảm so với tháng trước bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 513 triệu USD, tương ứng 16,8%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 228 triệu USD, tương ứng 6%.
– Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất khẩu đạt 131,13 tỷ USD, tăng 30,9%, tương đương 30,96 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 6,22 tỷ USD, tương đương 73,1%. Ngoài ra, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,22 tỷ USD, tương đương 27,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,46 tỷ USD, tương đương 18,9%.
– Trong 5 tháng đầu năm, các thị thị trường chính nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Việt Nam trong 5 tháng là Mỹ với 4,88 tỷ USD, tăng 40,1%; Trung Quốc 4,03 tỷ USD, giảm 6,2%; EU 2,84 tỷ USD, tăng 42,7%; Hàn Quốc 1,66 tỷ USD, tăng 56 so với cùng kỳ năm trước.
– Tổng Cục Hải quan cũng tuyên bố, lần đầu tiên, Trung Quốc vượt Hàn Quốc trở thành thị trường lớn nhất cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam trong 5 tháng qua, đạt xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 54,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc đạt 7,3 tỷ USD, tăng 11%. Tính chung, nhập khẩu nhóm hàng này trong 5 tháng vừa qua đạt tới 27,83 tỷ USD, tăng 26,5%, tương đương tăng 5,83 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
– Đối với mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với tổng trị giá đạt 6,88 tỷ USD, chiếm 90,8% tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này. Trong đó từ Trung Quốc là 3,67 tỷ USD, tăng 51,6%; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 3,21 tỷ USD, tăng 48,1 so với cùng kỳ năm 2020.

• Việt Nam nhập siêu lên đến hơn 2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 36% so với cùng kỳ
– Bộ Công Thương công bố trong 5 tháng qua, các doanh nghiệp đã đẩy rất mạnh nhập khẩu linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu và nông sản để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Chỉ riêng trong tháng 5, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại 5 tháng đầu năm đảo chiều sau một thời gian dài xuất siêu. Tính tổng thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
– Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh phần lớn đến từ các doanh nghiệp FDI với kim ngạch đạt 85,5 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Nguyên nhân chính đến từ việc thiếu các nguồn cung từ công nghiệp hỗ trợ. Thực trạng này đã kéo dài trong thời gian dài, cho thấy nhiều ngành nghề của Việt Nam chỉ trở thành khâu “trung gian” dịch vụ thương mại thay vì sản xuất và cung ứng.
– Số liệu của Tổng cục Hải quan công bố cách đây ít ngày cho thấy, nhập siêu đang diễn ra với ngành nông nghiệp. Nhập khẩu điều 5 tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 1,4 triệu tấn với giá trị hơn 2,2 tỷ USD, tăng hơn 247% về lượng và tăng 281% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Điều nhập khẩu tăng cao bất thường cũng khiến lần đầu tiên ngành luôn dẫn đầu về xuất khẩu nông sản này rơi vào tình thế nhập siêu với giá trị hơn 1 tỷ USD.
– Về lâu dài, nếu duy trì mô hình xuất khẩu như hiện nay, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu. Mỗi năm ngành hàng điện tử xuất khẩu đạt kim ngạch 100 tỷ USD; dệt may xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; da giày 20 tỷ USD. 3 ngành hàng này xuất khẩu đạt 170 tỷ USD mỗi năm. Dù chiếm kim ngạch rất lớn trên tổng kim ngạch 270 tỷ USD xuất khẩu của cả nước nhưng giá trị gia tăng thu được thực tế không hề cao. Cụ thể, với ngành dệt may, nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh đến trên 20%. Riêng vải may mặc đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 30,9%.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Tái cơ cấu nội bộ, Vincom Retail sáp nhập hai công ty con
– CTCP Vincom Retail thông báo đã sáp nhập hai công ty con thuộc sở hữu 100% nhằm tái cơ cấu sở hữu nội bộ.
– Bên nhận sáp nhập là Công ty TNHH Vincom Retail Miền Bắc thành lập từ năm 2013, có trụ sở tại Khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tính đến cuối năm 2020, doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 5.780 tỷ đồng.
– Bên bị sáp nhập là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hà Thành, trụ sở tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội. Công ty được thành lập năm 2018, với vốn điều lệ trước sáp nhập là 380 tỷ đồng.
– Ngành nghề hoạt động chính của cả hai doanh nghiệp này đều là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
– Sau khi sáp nhập, Công ty Hà Thành chấm dứt tồn tại và Công ty TNHH Vincom Retail Miền Bắc kế thừa toàn bộ tài sản cũng như các khoản nợ chưa thanh toán, các nghĩa vụ khác của Hà Thành. Doanh nghiệp mới sẽ có vốn điều lệ 6.160 tỷ đồng.
– Theo báo cáo tài chính tính quý I của Vincom Retail, công ty có 4 công ty con thuộc sở hữu. Ngoài 2 công ty trên, Vincom Retail đang sở hữu toàn bộ cổ phần tại công ty TNHH Vincom Retail Miền Nam, đồng thời nắm giữ 97% vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển Đô Thị Suối Hoa.
– Về kết quả kinh doanh quý I, theo đà phục hồi chung của thị trường bất động sản bán lẻ, Vincom Retail tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong hoạt động kinh doanh. Doanh thu hợp nhất đạt 2.226 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020, ghi nhận tăng trưởng ở cả mảng cho thuê bất động sản và chuyển nhượng bất động sản. LNST của công ty đạt 781 tỷ đồng, tăng 58,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với tình hình cả nước đang phải chống đỡ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, một doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng không thiết yếu như Vincom Retail sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian này, đặc biệt khi một số thành phố có sự hiện diện nhiều trung tâm thương mại của Vincom Retail như TPHCM phải giãn cách xã hội 1 tháng.

• SeABank, MSB và SHB sẽ cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng
– Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 3 tổ chức tín dụng gồm SeaBank, MSB và SHB có cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN, với kỳ vọng hoàn thành các thủ tục đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân dự kiến vào đầu tháng 7.
– Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tình hình hoạt động sụt giảm nghiêm trọng của lĩnh vực hàng không do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 sau 5 tháng đầu năm. Cụ thể, Vietnam Airlines dự kiến lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, sau khi đã lỗ 4.800 tỷ ở quý 1.
– Hiện tại số nợ phải trả quá hạn của VNA lên tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn. Từ cuối tháng 3, hãng hàng không quốc gia được Quốc hội và Chính phủ đồng ý gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng từ vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng. Nghiêm trọng hơn, Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng. Vietcombank đang là ngân hàng cho vay nhiều nhất với tổng cộng 7.500 tỷ đồng, tiếp theo là BIDV với tổng cộng 2.600 tỷ đồng.
– Gói tín dụng 4000 tỷ đồng này được xem như phao cứu sinh khẩn cấp cho Vietnam Airlines nhằm giúp doanh nghiệp được bổ sung nguồn thanh khoản cần thiết. Tuy nhiên, chặng đường trước mắt của Vietnam Airlines vẫn còn rất dài khi thị trường hàng không quốc tế, vốn chiếm 65% doanh thu vận chuyển của hãng, chưa có dấu hiệu được phục hồi trong tương lai gần khi vaccine vẫn chưa được triển khai trên diện rộng.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0