Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 21.12.2021 | Ngành xây dựng dự báo tăng trưởng mạnh trong quý IV

Nhận định Thị trường hàng ngày 21/12/2021    88942

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Hàng loạt quốc gia châu Âu thắt chặt hạn chế để kiểm soát biến thể Omicron
– Trước sự bùng nổ của Omicron, hàng loạt quốc gia châu Âu đang tăng cường những biện pháp để kiểm soát dịch bệnh.
– Ngày 19/12, Đức chỉ định Anh là “khu vực biến thể Omicron” và áp đặt các quy định đi lại khắt khe nhất đối với quốc gia này. Kể từ ngày 20/12, chỉ có các công dân Đức và hành khách quá cảnh từ Anh được phép nhập cảnh vào Đức. Ngoài ra, hạn chế đi lại mới cũng được áp dụng với những người đến từ Đan Mạch, Pháp và Na Uy.
– Áo – quốc gia vừa áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, chỉ cho phép những người đã được tiêm phòng nhập cảnh, bắt đầu từ ngày 20/12. Những người chưa được tiêm mũi tăng cường sẽ phải làm xét nghiệm để được nhập cảnh.
– Chính phủ Hà Lan đóng cửa tất cả các quán bar, cửa hàng không thiết yếu, rạp chiếu phim và phòng tập cho đến 14/1/2022, hạn chế số người tham gia các sự kiện thể thao chuyên nghiệp và các gia đình chỉ có thể mời tối đa 4 khách vào lễ Giáng sinh.
– Ireland sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm vào lúc 20h tối với các quán rượu và nhà hàng từ ngày 20/12. Giới chức y tế cảnh báo Ireland có thể chứng kiến 20.000 ca mắc mới mỗi ngày.
– Có thể thấy, các quốc gia Châu Âu đang chủ động ngăn chặn đợt bùng phát Omicron quyết liệt hơn so với những đợt bùng phát dịch trước bất chấp nhu cầu giao thương và đi lại trong dịp cận kề cuối năm. Đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh mũi tiêm thứ 3 chưa được triển khai đủ rộng rãi để có thể tiếp tục trạng thái sống chung với Covid.
• Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc tăng bơm thêm tiền trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới rục rịch tăng lãi suất
– Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) công bố đã hạ lãi suất cho vay cơ bản thời hạn 1 năm giảm từ 3,85% xuống 3,8%. Lần cuối cùng PBoC cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản với cả các khoản vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm là tháng 4/2020.
– Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cắt giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, tăng cung tiền trong nền kinh tế và là lần thứ 2 trong năm Trung Quốc giảm tỷ lệ tiền mặt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.
– Động thái nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh diễn ra trái ngược với bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã và đang rục rịch tăng lãi suất. Trước đó, trong cuộc họp tháng 12, Fed đã công bố đẩy nhanh mua lại trái phiếu chính phủ nhằm sớm mở đường cho việc có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Ngay sau đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã bất ngờ thông báo việc tăng lãi suất nhằm đối phó lạm phát.
– Điều này cho thấy nỗ lực kích thích kinh tế của Trung Quốc khi thị trường bất động sản đóng băng trong khi sản lượng sản xuất và doanh số bán lẻ bị ảnh hưởng do chính sách “Zero Covid”, nên việc nới lỏng tiền tệ thành công sẽ là cú hích tăng trưởng trở lại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, lạm phát sản xuất nhà máy ở Trung Quốc đang tăng mạnh, nên việc Trung Quốc giảm lãi suất cần phải được theo dõi kỹ hơn khi Trung Quốc có thể chứng kiến lạm phát tăng nhanh trong thời gian tới.

2. Thông tin Việt Nam

• Ngành xây dựng dự báo tăng trưởng mạnh trong quý IV
– Theo báo cáo tổng kết năm 2021 và định hướng năm 2022, Bộ Xây dựng nhìn nhận đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến ngành Bất động sản. Hầu hết dự án trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị.
– Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10, các địa phương dần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, ngành xây dựng cũng ghi nhận sự phục hồi khi giá trị tăng thêm trong quý cuối năm dự kiến tăng 33% so với quý III.
– Trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dận dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%. Tuy có sự tăng trưởng khá trong quý IV, nhưng ảnh hưởng các tháng đầu năm lớn nên giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2021 dự kiến chỉ tương đương so với năm 2020.
– Chỉ số giá xây dựng trong năm 2021 ước tăng 3,65% so với năm trước. Trong đó, tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như giá thép xây dựng tăng mạnh 30-40%; giá nhựa đường tăng 9-10%; giá xi măng tăng 3-5%
– Bước sang năm 2022, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng đạt khoảng 4,96-5,56%. Tỉ lệ đô thị hóa toàn quốc vào mức 41,5-42%. Ngoài ra, Bộ Xây dựng khẳng định, trong quý IV, ngành Xây dựng sẽ có đà tăng trưởng và phục hồi mạnh mẽ khi các hoạt động xây dựng được triển khai mạnh mẽ trở lại.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• MWG – Bắt tay F88 cho vay tiền mặt tại chỗ và mở thêm chuỗi sản phẩm bà mẹ trẻ em
– Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di Động đã bắt tay với F88 cung cấp dịch vụ tài chính. Cụ thể, khách hàng của F88 có thể đến các cửa hàng của Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh để vay tiền mà không cần phải mua hàng.
– Thời gian giải ngân nhanh chóng chỉ trong 15 phút, thủ tục và hồ sơ đơn giản, khách hàng chỉ cần cung cấp: Chứng minh thư hoặc căn cước công dân, Cà vẹt xe đứng tên khách hàng. Số tiền vay có thể tối đa là 10 triệu, với gốc, chi phí vay trả đều trong vòng 12 tháng và lãi suất 7,5%/tháng.
– Trước MWG, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan (MSN) cũng sớm công bố chiến lược Point of Life (POL) – điểm mua sắm tất cả trong một, thậm chí cả hai kênh offline và online. Giai đoạn đầu, MSN đã ra mắt điểm Fresh&Chill – có Phúc Long, có VinMart, có Techcombank và cả nhà thuốc Phano. Động thái này của MWG được đánh giá là phù hợp với xu hướng mới, tức bán lẻ không chỉ còn là bán lẻ, mà bán cả dịch vụ tài chính, và trải nghiệm khách hàng.
– Ngoài ra, Thế giới Di động (MWG) vừa lộ diện thêm chuỗi AVA Kids – chuyên bán các sản phẩm cho bà mẹ và trẻ em. Động thái này nằm trong chiến lược mở rộng ngành hàng mà ban lãnh đạo đã công bố trước đó bao gồm các chuỗi: Topzone, Blueji,..vv
– Kết thúc tháng 10, chuỗi điện thoại và điện máy ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, một phần nhờ những mảng mới khai thác. Ngược lại, Bách Hoá Xanh đang gặp áp lực từ việc người dân lần lượt rời bỏ các ‘thủ phủ’ xí nghiệp nhà máy phía Nam cũng như Tp.HCM sau khi nới lỏng giãn cách. Ước tính, phải mất 6 tháng đến 1 năm Bách Hoá Xanh mới có thể lấy lại mức doanh thu trước đó.
– Việc bắt tay với F88 là bước đi mới nhất trong kế hoạch đa dạng hóa chiến lược kinh doanh nhằm “gồng gánh” tăng trưởng mảng điện thoại và điện máy trong giai đoạn chuẩn bị bão hoà. Đặc biệt trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch khiến bức tranh kinh doanh MWG chịu áp lực lớn. Do đó, ban lãnh đạo MWG cho thấy sự linh động và sáng tạo hết sức nhằm đảm bảo doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
• Hòa Phát vừa rót 2.400 tỷ xây nhà máy sản xuất Container tại Bà Rịa – Vũng Tàu
– Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD, trong đó có dự án nhà máy sản xuất container chở hàng của Hòa Phát.
– Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Sản xuất Container Hòa Phát, việc chọn Bà Rịa – Vũng Tàu để đặt nhà máy sản xuất nhờ vị trí trong khu vực động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ, gần các cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải.
– Ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thiếu hụt container khiến giá vận tải liên tục leo thang, dự kiến nhà máy sản xuất container còn tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn HRC mỗi năm – sản phẩm mũi nhọn của HPG hiện tại. Từ đó, không những tận dụng được “cây nhà lá vườn” để đảm bảo được nguyên vật liệu sản xuất đầu vào, mà nhà máy còn là một nguồn tiêu thụ HRC lớn đối với tập đoàn.
– Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, dự kiến đầu quý II/2022, những sản phẩm container rỗng đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch đầu tuần với tâm lý hưng phấn hơn sau phiên thứ 6 đóng cửa ở mức 1,480 điểm. Tuy nhiên, với thông tin Omicron lan rộng và các nước trên thế giới đang bắt đầu thắt chặt hạn chế đẻ kiếm soát dịch bệnh, chỉ số không giữ được sắc xanh trong lâu. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 4.3 điểm, dù rằng độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 536 mã giảm và 330 mã tăng. Bước sang đầu giờ chiều, thị trường bất ngờ cho thấy tâm lý yếu hơn khi các chỉ số quốc tế đều giảm mạnh và có thời điểm VN-Index giảm hơn 11 điểm. Tuy nhiên, mức giảm này không kéo dài quá lâu, càng về cuối phiên VN-Index càng rút ngắn gần như toàn bộ 11 điểm giảm trước. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12/2021, VN-Index chỉ còn giảm nhẹ 2.46 (-0.17%) và tạm thời dừng chân ở mức 1,477.33 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, MSN, VIB và POW là những mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index. Trong khi đó, VIC, GAS và VHM lại là những đối trọng ở bên kia chiến tuyến, khi cùng nhau kéo giảm VN-Index hơn 4 điểm.
– Về giao dịch khối ngoại, khối ngoại giao dịch khá cân bằng trong phiên ngày 20/12/2021. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong những phiên tới thì khả năng thị trường lao dốc sẽ được hạn chế.
– Về nhóm ngành, với thông tin giá dầu thô đồng loạt giảm trước các dữ liệu tiêu cực về dịch Covid-19, nhiều cổ phiếu dầu khí cũng có những diễn biến giảm tương tự. Do vậy, nhóm ngành khai khoáng là ngành giảm mạnh nhất thị trường phiên ngày 20/12/2021, giảm hơn 2%. Nhóm chứng khoán sau thời gian nghỉ ngơi lấy sức, đã quay trở lại đà tăng của mình. Gần như toàn bộ 25 cổ phiếu chứng khoán đều tăng điểm, qua đó giúp cả ngành này tăng mạnh gần 3%. Ngoài ra, nhóm bất động sản vừa và nhỏ tiếp tục hút dòng tiền mạnh, với tiêu điểm là các cổ phiếu VCR, LDG, NHA
– Chỉ số VN-Index đang có tín hiệu diễn ra sự phân hóa dòng tiền mạnh, và phiên hôm nay sự phân hóa diễn ra nổi bật nhất. Dòng tiền đang cho thấy sự ưa thích với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi phần lớn nhóm cổ phiếu blue chips tiếp tục bị thị trường lạnh nhạt khi thanh khoản không được cải thiện ngoại trừ một số cổ phiếu tiêu biểu như MSN hay POW. Nhà đầu tư trong giai đoạn này cần cẩn trọng khi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và đặc biệt là vốn hóa nhỏ mang tính chất đầu cơ cao và không có mức độ bền vững lâu dài. Áp lực chốt lãi cuối năm cũng là điều nhà đầu tư cần lưu ý khi giải ngân mới tại thời điểm này, nên hành động được ưu tiên hơn là hạ bớt tỷ trọng vay ký quỹ nếu có, và quan sát diễn biến các phiên sắp tới, đặc biệt khi dịch bệnh Covid đang ngày càng trở nên dáng lo ngại với số lượng ca nhiễm tăng cao trở lại.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall