Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 21.12.2020 – Trung Quốc trả giá cho thành tích xóa nghèo bằng những quả cầu tuyết nợ

Nhận định Thị trường hàng ngày 21/12/2020    641

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ bác bỏ cáo buộc “thao túng tiền tệ” của Hoa Kỳ

Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Thomas Jordan đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ khi gán cho nước này là “kẻ thao túng tiền tệ”. Jordan nói rằng cả SNB và Thụy Sĩ đều không thao túng giá trị của đồng franc Thụy Sĩ một cách có chủ đích. “Chính sách tiền tệ chúng tôi áp dụng là cần thiết, nó hợp pháp, và chúng tôi đang có tỷ lệ lạm phát rất thấp – thậm chí là đang âm vào thời điểm này – vì vậy chúng tôi phải chống lại tình trạng giảm phát này, và đồng franc Thụy Sĩ rất mạnh, vì nó được đánh giá cao trên danh nghĩa trong 12 năm qua, cả so với đồng euro và so với đô la Mỹ”, ông nói.

SNB từ lâu đã duy trì quan điểm sẵn sàng can thiệp mạnh mẽ hơn vào thị trường ngoại hối và đã kiên quyết phủ nhận việc thao túng đồng franc Thụy Sĩ. Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp can thiệp của Thụy Sĩ tổng cộng chiếm 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Để bị coi là kẻ thao túng tiền tệ, các quốc gia phải có thặng dư thương mại song phương trên 20 tỷ USD với Mỹ, can thiệp ngoại tệ vượt quá 2% GDP và thặng dư tài khoản vãng lai cao hơn 2% GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin giải thích động thái trên, rằng Bộ của ông đã thực hiện một “bước đi mạnh mẽ” để “đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế và cơ hội phát triển cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ”. Tuy nhiên, việc chọn bà Janet Yellen vào vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể dẫn đến việc xem lại vấn đề này, khi bà thực hiện báo cáo tiền tệ đầu tiên của mình, dự kiến ​​vào tháng 4/2021.

Nikkei: Nhật sẽ siết quy định để ngăn Trung Quốc tham gia TPP-11

Với xuất phát điểm ban đầu là thỏa thuận thương mại giữa 4 nước khu vực Thái Bình Dương bao gồm Brunei, Chile, Singapore và New Zealand, TPP-11 đã trở thành một hiệp định mà quá nhiều nước đang chạy đua để tham gia. Chủ tịch TPP của năm tới, Nhật, sẽ trở thành nước có những nguyên tắc khắt khe nhất, theo nhận định của Nikkei. Trước đây được biết đến với cái tên CPTPP, giờ đây là TPP-11, gần đây hiệp định đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nước trong đó có Anh. Anh đã thể hiện sự quan tâm với TPP-11 từ năm sau, ngoài ra phải kể đến Thái Lan và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi vào ngày thứ Ba nhấn mạnh rằng nhóm các nước TPP-11 đặt ra tiêu chuẩn cao đối với các quy định về thương mại điện tử, bản quyền trí tuệ và doanh nghiệp nhà nước: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng bất kỳ thành viên mới nào cũng cần phải đáp ứng được các tiêu chí này”.

Việc duy trì những tiêu chuẩn như hiện tại sẽ là “phép thử” quan trọng với cam kết của Trung Quốc trong việc gia nhập hiệp định. Ví dụ, hiệp định quy định cấm đối xử đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước nhằm đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, đồng thời cũng để ngăn tình trạng thừa thép cũng như các sản phẩm khác khi doanh nghiệp Trung Quốc quá đẩy mạnh đầu tư. Quy định với việc công bố mã nguồn mở cũng sẽ khiến cho phía Trung Quốc “gặp khó”. Giáo sư tại đại học Kansai, ông Yorizumi Watanabe, nhận xét: “Nhật cần phải đảm bảo rằng họ sẽ không nới lỏng các quy định hiện tại với Trung Quốc. Nhật cần phải tiếp cận theo hướng sẵn sàng từ chối Trung Quốc nếu Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chí cần thiết”.

Trung Quốc trả giá cho thành tích xóa nghèo bằng những quả cầu tuyết nợ

Đầu tháng 12 này, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất công cuộc xóa nghèo đói trên phạm vi toàn quốc. Nhưng cái giá phải trả cho chiến thắng đó là những quả cầu tuyết khổng lồ dần ở những vùng nghèo nhất – nơi chính quyền địa phương đưa ra những gói trợ cấp hào phóng, nhưng lại không duy trì được phát triển bền vững.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước đoán khối nợ của chính quyền địa phương lên đến 30.900 tỉ nhân dân tệ (tệ) vào cuối năm 2018. Hãng đánh giá tín dụng địa phương China Chengxin International nói núi nợ này lên đến 43.000 tỉ tệ trong năm 2019. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Trung Quốc nói còn có khối nợ trái phiếu 21.300 tỉ tệ do chính quyền địa phương phát hành.

Dịch Covid-19 làm tăng nguy cơ vỡ nợ khi ngân sách thu được giảm do doanh nghiệp đóng cửa hay phá sản. Để phòng bong bóng nợ địa phương võ, Bắc Kinh đã tăng hạn ngạch bảo hiểm trái phiếu nhằm tăng nguồn vốn cho chính quyền cấp thấp. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng trái phiếu phát hành đạt 3.200 tỉ tệ, tăng hơn 65% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc định nghĩa mức nghèo là những người có thu nhập dưới 4.000 nhân dân tệ, tương đương 612 đô la mỗi năm. Kể từ năm 2016, chính quyền trung ương đã chi hơn 530 tỉ nhân dân tệ, hơn 81 tỉ đô la, cho công cuộc chống nghèo đói. Số tiền này chủ yếu dùng cho các khu vực có thu nhập thấp như Vân Nam, Tứ Xuyên và các tỉnh sâu trong đất liền. Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đã định ra lằn ranh nghèo đói quá thấp. Ngân hàng Thế giới (WB) xem những người sống với 1,9 đô la mỗi ngày là mức cực nghèo. Mức này tương đương với con số 693,5 đô la một năm, cao hơn 80 đô la so với mức Trung Quốc đưa ra.

2. Vĩ mô Việt Nam

Hiệp hội Điện gió Toàn cầu hạ dự báo công suất lắp đặt điện gió mới tại Việt Nam

Mới đây, Hiệp hội Điện gió Toàn cầu GWEC đã cảnh báo, việc giảm nhẹ giá FIT sẽ đảm bảo đủ thời gian để các dự án đi vào hoạt động ổn định, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng ngành điện gió. Nhưng nếu giảm giá mạnh mà không tính đến các thách thức liên quan, thị trường điện gió Việt Nam có thể sẽ rơi vào chu kỳ “bùng nổ-phá sản” như các quốc gia châu Âu, châu Mỹ trước đây. Hiệp hội này cho rằng các nhà đầu một mặt chịu nhiều ảnh hưởng do Covid-19, mặt khác lại gặp thách thức chung trong giai đoạn đầu phát triển dự án. Khi giá mua bán điện gió giảm mạnh, họ khó có thể cân đối tài chính, từ đó dẫn đến “phá sản”. Việc dừng giá FIT có thể làm giảm tới 80% việc lắp đặt điện gió mới vào năm 2023, và tiếp tục giảm 25% mỗi năm sau đó.

GWEC Market Intelligence đã hạ 75% dự báo công suất lắp đặt điện gió mới đến năm 2020 xuống còn 125 megawatt (MW) do sự chậm trễ trong việc thực thi Luật Quy hoạch và sự gián đoạn từ Covid-19. Điều này sẽ khiến công suất điện gió tích lũy chỉ còn 472MW vào cuối năm nay, có nghĩa là Việt Nam sẽ bỏ lỡ mục tiêu 800 MW công suất điện gió vào năm 2020, theo Quy hoạch phát triển điện VII, giảm 41%.

Trước đó, hồi tháng 9, hiệp hội này đã phát đi một thông cáo từ Singapore, kêu gọi Chính phủ Việt Nam gia hạn biểu giá FIT áp dụng cho điện gió. Tổ chức này lập luận rằng, Việt Nam đang là thị trường điện gió phát triển nhanh nhất trong khu vực, với công suất khoảng 500 MW trên bờ và ngoài khơi đang được lắp đặt. Dự kiến ít nhất 4GW sẽ được vận hành vào năm 2025.

Đề xuất phương án đầu tư cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ trị giá 3,112 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai sử dụng vốn đầu tư công sẽ được phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Cụ thể, dự án sẽ có tổng mức đầu tư mới là 3.112,9 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này được xây dựng trên cơ sở cập nhật tổng mức đầu tư đã được phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi là 3.271 tỷ đồng, bỏ chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.

UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đề xuất phân kỳ đầu tư dự án chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I, dự án thực hiện năm 2021 – 2023 sẽ giải phóng mặt bằng với quy mô hoàn chỉnh với nền đường rộng 17m; chiều rộng mặt đường 11m, gồm 2 làn xe cơ giới. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn I là  2.653 tỷ đồng. Giai đoạn II dự án sẽ thực hiện sau năm 2025 sẽ đầu tư hoàn chỉnh với quy mô theo chủ trương được duyệt tại Quyết định số 1768 khi được bố trí vốn với chi phí khoảng 459,970 tỷ đồng.

Trong giai đoạn I, UBND tỉnh Tuyên Quang đề xuất vốn ngân sách Trung ương là 2.100 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,16% tổng mức đầu tư giai đoạn I, trong đó đã bố trí 500 tỷ đồng thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; vốn ngân sách địa phương 553 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20,84% tổng mức đầu tư giai đoạn I.

Khách đi hàng không năm 2020 giảm hơn 43%

Theo Cục Hàng không, do ảnh  hưởng bởi dịch COVID-19 và tình hình thời tiết năm 2020 bất lợi (mưa bão miền Trung), hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, sản lượng điều hành bay đạt 340 nghìn chuyến (giảm hơn 31,9% so với năm 2019). Sản lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam chỉ đạt 66 triệu khách (giảm 43,5%). Sản lượng hàng hoá đạt 1,3 triệu tấn (giảm 14,7%).

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết bất lợi, công tác đảm bảo an toàn hàng không gặp một số nguy cơ ảnh hưởng, như: đội tàu bay của các hãng hàng không dừng bay trong thời gian dài; phụ tùng vật tư để phục vụ công tác bảo dưỡng dừng bay diện rộng không đầy đủ ảnh hưởng đến khai thác tàu bay, huấn luyện định kỳ cho phi công…

Trong năm 2021, dự báo dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nên Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không, các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn, quy trình khai thác theo hướng dẫn của ICAO; tăng cường giám sát an toàn bay; nâng cao chất lượng sát hạch và cấp phép cho nhân viên hàng không…