Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 21.07.2020 – Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng trước năm 2023

Nhận định Thị trường hàng ngày 21/07/2020    562

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng trước năm 2023

1. Vĩ mô quốc tế và các thông tin đáng chú ý

Hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các biện pháp cứu trợ giảm bớt và các ngân hàng gánh chịu thiệt hại nhiều hơn

Piyush Gupta, CEO ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á DBS, nhấn mạnh rằng các gói kích thích ở nhiều nước đang giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, khi các gói kích thích này kết thúc, nhiều công ty sẽ không thể tồn tại nổi.

“Nếu nhiều công ty chết, bạn sẽ có một câu hỏi hàng triệu USD về việc làm sao để đối phó với những doanh nghiệp xác sống này. Bạn có sẵn sàng tiếp tục bỏ tiền, sử dụng tài chính công để hỗ trợ những công ty này hay để cho chúng sụp đổ và được thay thế bằng những mô hình mới tiên tiến hơn. Đây là thách thức đặc biệt nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm tới”, Gupta cho biết.

Theo vị CEO ngân hàng DBS, chính phủ các nước sẽ gặp hàng loạt khó khăn trong việc tiếp tục duy trì các hình thức hỗ trợ này về dài hạn. Điều đó đồng nghĩa rằng nhiều doanh nghiệp sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong trường hợp đó, hiệu ứng tiêu cực sẽ tràn sang các lĩnh vực tài chính.

Đối với các ngân hàng, bảng cân đối kế toán của họ sẽ chịu nhiều tác động. Tuy nhiên, điều an ủi là hệ thống ngân hàng toàn cầu bước vào cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra với nền tảng vững chắc hơn và có thể giảm thiểu được nhiều nỗi đau so với cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra hơn một thập kỷ trước.

Dư nợ thẻ tín dụng Mỹ giảm thấp kỷ lục 10 năm

Theo báo cáo Nợ tiêu dùng mới nhất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lần đầu tiên kể từ cuộc đại suy thoái tháng 5.2011, dư nợ thẻ tín dụng nước này đã giảm xuống mức dưới 1.000 tỉ USD trong tháng 5.2020. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp dư nợ tín dụng Mỹ giảm sút.

Theo ước tính của Cục phân tích kinh tế BEA, thu nhập cá nhân đã giảm 874,2 tỉ USD – tương đương giảm 4,2% trong tháng Năm và thu nhập cá nhân khả dụng giảm 911,1 tỉ USD (4,9%). Nói cách khác, khi có ít tiền để tiêu thì số tiền người tiêu dùng chi tiêu sẽ ít hơn.

BEA cũng nhận thấy tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã tăng gấp đôi trong tháng Năm (23,2%), trong khi con số ghi nhận trong tháng Ba là 12,6%. Điều này cho thấy nhiều người tiêu dùng đang cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu.

Trước dịch, chính quyền liên bang đã ước tính mỗi hộ gia đình Mỹ đã dùng khoảng 3.000 USD/năm cho việc đi ăn ngoài. “Khi kinh tế bất ổn vì dịch bệnh, chắc chắn chúng ta sẽ tiêu xài ít hơn cho những gì không cần thiết,” Howard Dvorkin, chủ tịch của trang quản lý nợ Debt.com nhận định.

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu trả tiền cho các doanh nghiệp để chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc trở về quê nhà hoặc rời đến Đông Nam Á

Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hoá chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào.

Chưa rõ việc di dời này là một phần hay toàn bộ hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc nhưng một nửa danh sách này là các công ty đăng ký chuyển sang Việt Nam, gồm doanh nghiệp quy mô lớn, nhỏ và vừa (SME).

Đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hoà hay module điện…

2. Vĩ mô trong nước

Nhiều tập đoàn lớn có kế hoạch chuyển dịch đầu tư đến Việt Nam

Bộ Công Thương đánh giá, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Hiện nay, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.

Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng.

Theo Nikkei, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn – nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay, sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.

3. Chứng khoán và thị trường tài sản

Thị trường chứng khoán phải có bước phát triển đột phá, sớm nâng hạng

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Yêu cầu đặt ra với thị trường chứng khoán sau 20 năm hoạt động là cần có sự phát triển đột phá về quy mô và chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng với hệ thống tín dụng ngân hàng, góp phần giúp hệ thống doanh nghiệp phát triển bền vững hơn nữa. Do vậy, ngành chứng khoán phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng thành thị trường mới nổi.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng trước năm 2023

Theo Chủ tịch Ủy Ban Chứng Khoán, Trần Văn Dũng, Câu chuyện nâng hạng thị trường là quan trọng để khẳng định vị trí của chúng ta trên thị trường quốc tế. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho ngành chứng khoán phải nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2023. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta có đầy đủ cơ sở để được nâng hạng trước năm 2023 khi uy tín của Việt Nam trên thế giới và tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam ngày càng lớn. Chúng ta có nền tảng pháp lý mới trong đó sự đồng bộ Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, năm nay các văn bản hướng dẫn Luật sẽ được ban hành.

Với nền tảng mới, những chính sách cũng như rào cản với sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được gỡ bỏ một cách cơ bản, rõ ràng hơn.

Sang năm 2021 với việc đưa vào hệ thống công nghệ mới, chúng ta có đầy đủ cơ sở để triển khai các dịch vụ mới như giao dịch chứng khoán chờ về, giao dịch trong ngày, đối tác bù trừ trung tâm CCP đó là điểm quốc tế quan tâm và các trở ngại sẽ được dỡ bỏ trong năm 2021.

Tôi tin rằng TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng trước thời điểm Chính phủ đặt ra là tương đối chắc chắn.