Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 21.03.2022 – Bình Dương động thổ KCN hơn 6.400 tỷ, trao chứng nhận đầu tư nhà máy hơn 1 tỷ USD cho LEGO

Nhận định Thị trường hàng ngày 21/03/2022    34564

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 21/03/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Fed nâng lãi suất thêm 0,25%, dự kiến còn 6 lần tăng nữa trong năm 2022
Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 – 16/3, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,25 – 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 12/2018, đánh dấu sự khởi đầu của sự kết thúc của các chính sách tiền tệ đã được áp dụng kể từ những ngày đầu của đại dịch.
FED dự kiến tăng lãi suất 25 điểm phần trăm tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay, đồng nghĩa với việc đưa lãi suất về khoảng 1,75 – 2% và có thể tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm 2023 và không tăng lần nào trong năm tiếp theo.
Tình trạng lạm phát tăng vọt của Mỹ lên mức cao nhất 40 năm khi mà nhu cầu hàng hóa sau đại dịch tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy… và càng rõ ràng hơn dưới tác động của cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đè nặng lên hoạt động kinh tế” ở Mỹ, là một trong những nguyên nhân chính buộc FED phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Việc FED sẽ thực hiện các đợt tăng lãi suất trong năm 2022 không phải là thông tin bất ngờ, bởi việc này đã được nhiều chuyên gia và các tổ chức kinh tế dự báo từ trước do tình trạng lạm phát gia tăng mạnh tại Mỹ thời gian qua. Đây là một động thái mạnh mẽ của Fed nhằm giải quyết cú sốc lạm phát đang ngày một tăng cao tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Động thái này của FED làm tăng lãi suất cơ bản và sẽ kéo theo chi phí đi vay lên cao hơn, có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại trong năm nay.

• Chuỗi cung ứng toàn cầu tổn thất vì cách chống dịch của Trung Quốc
Theo New York Times, giới chức Trung Quốc đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Thách thức lớn chưa từng có đối với chiến lược chống dịch của Trung Quốc khi chỉ hơn 1 tuần, các ca bệnh trên toàn quốc đã tăng từ 300 ca/ngày lên tới hơn 3.000 ca/ngày.
Thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông – tỉnh chiếm 11% GDP, 23% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc – và là nơi tụ họp của nhiều gã khổng lồ công nghệ như Tencent, Holdings, Huawei, Foxconn và các công ty tài chính lớn đều phải ngừng sản xuất và cung cấp dịch vụ trực tiếp, khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ bị đình trệ. Không chỉ vậy, Thâm Quyến cũng là nơi có cảng Diêm Điền – cửa ngõ thông thương quan trọng thứ hai ở Trung Quốc, chỉ sau cảng Thượng Hải. Mỗi tháng, cảng Diêm Điền xử lý khoảng 10% lượng container vận chuyển từ Trung Quốc.
Trung Quốc với tư cách là “công xưởng sản xuất” của thế giới, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với xuất khẩu từ Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung, từ đó có thể làm tăng lạm phát trên quy mô quốc tế. Các công ty nhỏ hơn phụ thuộc vào linh kiện và thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

• Lạm phát Nga chạm mức cao nhất kể từ năm 2015
Bộ Kinh tế Nga cho biết lạm phát tại nước này đã tăng lên mức 12,54% trong 12 tháng tính đến ngày 11/3. Trong khi lạm phát trong tháng 2 của nước này đã lên mức 9.17%. Hiện tại, đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 2015.
Giá của hầu hết hàng hóa, từ đồ ăn cho trẻ em đến dược phẩm, đều tăng mạnh trong tuần trước. Trong đó, giá đường và cà chua tăng hơn 12%. Lạm phát tăng mạnh khi đồng ruble giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay và nhu cầu đối với một loạt mặt hàng, từ thực phẩm thiết yếu đến ô tô, có dấu hiệu gia tăng. Để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất chủ chốt lên 20% vào cuối tháng 2. Đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2015 đến nay.
Đứng trước hàng loạt các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây, chúng tôi cho rằng mặc dù ngân hàng trung ương Nga đã sử dụng chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ, tuy nhiên khó có thể ngăn cản lạm phát của quốc gia này vượt mức 20% trong năm nay.

• Bình Dương: Khởi công KCN VSIP III, nhà máy LEGO 1 tỷ USD dự kiến khởi công năm nay
Ngày 19/3 đã diễn ra lễ động thổ dự án KCN Việt Nam – Singapore III. Đây là dự án thứ 3 mang thương hiệu VSIP tại Bình Dương và là dự án thứ 11 của Tập đoàn VSIP đầu tư tại Việt Nam.
VSIP III sở hữu vị trí đắc địa, liền kề các VSIP hiện hữu ở Bình Dương và trung tâm thành phố mới Bình Dương, nằm trên trục đường Vành đai 4, dễ dàng tiếp cận đường cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn, dễ dàng di chuyển đến các cảng và sân bay cũng như kết nối đến các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tập đoàn LEGO sẽ xây dựng nhà máy sản xuất trên diện tích 44 ha tại khu công nghiệp VSIP III, với tổng mức vốn đầu tư là 1 tỷ USD. Đây là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và nhà máy thứ 2 ở châu Á của LEGO. Công trình dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay và đi vào hoạt động vào 2024. Nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy phụ trách công tác làm khuôn và đóng gói phục vụ cho thị trường châu Á của LEGO, bên cạnh nhà máy tại Giang Tô, Trung Quốc. Đây sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO khi sử dụng năng lượng tại chỗ từ pin mặt trời.
Dự án Lego cho thấy quan điểm Việt Nam là trung tâm sản xuất trong tương lai của Đông Nam Á không thay đổi. Đây là tin tức tích cực cho nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, xây dựng và dịch vụ cho khu công nghiệp.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng trong tháng 02/2022
Lãi suất liên ngân hàng duy trì đà tăng trong tháng 2, đặc biệt đối với các kỳ hạn dài. Theo Bloomberg, tính đến ngày 28 tháng 2, lãi suất qua đêm ở mức 2,3%/năm, tăng 26 điểm cơ bản so với mức cuối T1/2022.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng tăng 18-34 điểm cơ bản so với cuối T1/2022 trong khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 2 tháng đến 1 năm tăng 47-66 điểm cơ bản.
Chúng tôi cho rằng, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trong tháng 02/2022 do (1) tín dụng tăng 2,5% so với đầu năm vào ngày 25/02/2022, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng 0,7% trong 2 tháng 2021; (2) tiền gửi có tốc độ tăng chậm hơn so với tín dụng, chỉ tăng 1,3% kể từ đầu năm vào ngày 25/02/2022 (so với mức tăng 1,0% kể từ đầu năm trong 2T21); và (3) áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng đáng kể trong những tháng tới trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

3. Kênh cổ phiếu

• Cổ phiếu tiêu điểm
– MBB dự kiến lãi 5.500 tỷ trong quý 1 năm 2022, được nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới
NHNN đã đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng tạm thời năm 2022 đối với MBB là 15%, tuy nhiên MBB kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng là 20% hoặc cao hơn. Tín dụng của ngân hàng từ đầu năm đến nay là đã tăng trưởng 10% YTD, năm 2021 tăng 25%.
Với giả định hỗ trợ thành công một “ngân hàng 0 đồng”, MBB sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông lớn Viettel: dự kiến hoàn tất trong 6 tháng đầu năm.-Theo ban lãnh đạo, với kịch bản cơ sở là tăng trưởng tín dụng và huy động đạt lần lượt ở mức 15% và 6,8%, lợi nhuận trước thuế MB có thể tăng 20% lên 19.800 tỷ đồng.

– Thế Giới Di Động lập liên doanh với nhà bán lẻ công nghệ Erajaya, thành lập thương hiệu “Era Blue”
Việc hợp tác với Erafone sẽ giảm thiểu rủi ro và thời gian so với việc tự mình triển khai ở một thị trường mới hoàn toàn, đúng với triết lý đẩy nhanh tốc độ mở chuỗi cửa hàng của Thế Giới Di Động.
Indonesia là 1 thị trường tiềm năng với dân số nhiều thứ 4 thế giới cùng với đó là xu hướng tiêu dùng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong các năm gần đây.
Dự kiến cửa hàng Era Blue đầu tiên sẽ được mở cửa vào giữa năm 2022 tại Jarkar.

– FRT đặt kế hoạch lãi 720 tỷ đồng, chia cổ tức 55%, dự kiến mở thêm 300 nhà thuốc Long Châu
Năm 2022, FPR Retail đặt kế hoạch doanh thu là 27.000 tỷ đồng, LNTT là 720 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20% và 30% so với năm 2021.
FRT dự kiến mở mới 70-100 cửa hàng FPT Shop, nâng tổng số lên 717 cửa hàng.
Với Long Châu, dự kiến sẽ nâng thành 700 cửa hàng trên toàn quốc cùng với đó là 50 sản phẩm độc quyền, nhãn riêng trong năm 2022. Năm 2021 đánh dấu mốc nhà thuốc Long Châu chính thức có lãi; doanh thu gấp 3,3 lần so với năm 2020, đạt 3.977 tỷ đồng.
FRT dự kiến trình cổ đông phương án trả cổ tức năm 2021 tổng tỷ lệ 55%. Trong đó, trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50% và bằng tiền với tỷ lệ 5% (500 đồng/cp).

– DXG: Cập nhật cuộc họp với nhà đầu tư
Ngày 14/03 DXG đã tổ chức cuộc họp với nhà đầu tư cập nhật một số điểm chính
Tích cực mở rộng quỹ đất: Ban lãnh đạo cho biết tổng quỹ đất hiện tại của DXG đạt 4.148ha, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước nhờ bổ sung các dự án khu đô thị quy mô lớn đang được nghiên cứu như Gem Diamond Bay tại Ninh Thuận (915ha), DXH Opal Green City tại Bình Phước (300ha), Gem City Riverside tại Quảng Nam (278ha). DXG cũng chuyển hướng tập trung sang phân khúc trung và cao cấp với chất lượng bất động sản cao hơn thay vì phân khúc bình dân như trước đây.
Kế hoạch bán dự án: DXG sẽ tiếp tục bán các căn còn lại từ Gem Skyworld và dự kiến mở bán trở lại Gem Riverside sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý. Ngoài ra, DXG dự kiến triển khai 2 dự án mới tại Bình Dương và TP. HCM trong nửa năm 2022. DXG đặt mục tiêu bán khoảng 9.000 căn trong năm 2022.
Kế hoạch lợi nhuận 2022: mục tiêu LNST công ty mẹ là 1.4 nghìn tỷ đồng (+21% so với cùng kỳ).

– CEO, DIG: Lãi nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính, lợi nhuận khác
Theo báo cáo tài chính 2021 cho thấy 2 doanh nghiệp này dù kết quả kinh doanh khởi sắc nhưng lại nhờ những hoạt động ngoài ngành cốt lõi
Năm 2021, CEO Group ghi nhuận doanh thu 902 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kì, tuy nhiên doanh thu từ hoạt động tài chính tăng đột biến gấp 3.36 lần, lên mức 330 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi từ khoản đầu tư 297 tỷ đồng. Kết quả lãi ròng 2021 đạt 93 tỷ đồng (2020 lỗ 67 tỷ đồng).
Năm 2021, doanh thu thuần của DIC Corp đạt 2.569 tỷ đồng, lãi ròng 953 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 3% và 49% so với năm 2020. Nhưng điểm nhấn chính lại từ khoản lợi nhuận khác gần 786 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Theo giải trình, DIC Corp đã ghi nhận chênh lệch do đánh giá tài sản dùng để góp vốn là 861 tỷ đồng.

4. Kênh tài sản khác

• Hậu COVID-19: Mặt bằng kinh doanh trên đất vàng bỏ trống
Đã qua nửa năm trở lại trạng thái bình thường mới nhưng mặt bằng kinh doanh ở khu vực trung tâm TPHCM vẫn bỏ trống vì không có khách, dù giá cho thuê đã giảm mạnh.
Ngày 17/3, trên trục đường được mệnh danh là “đất vàng” phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) có rất nhiều mặt bằng trống treo bảng cho thuê.
Một căn nhà phố bỏ không trên đường Nguyễn Huệ, có diện tích 4×16 m gồm 1 trệt 2 lầu đang được rao giá cho thuê 11.000 USD/tháng. Trước khi có dịch, căn nhà này được cho thuê với số tiền 14.000-15.000 USD/tháng nhưng sau đó cửa hàng kinh doanh ế ẩm nên phải đóng. “Giờ giá đã giảm sâu mà tìm hoài cũng không có khách.
Shophouse là loại hình bất động sản vừa có thể ở, vừa kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng nên thời gian qua được giới đầu tư ưa chuộng. Tuy nhiên dịch COVID-19 đã khiến tình hình kinh doanh shophouse bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cửa hàng đang dần làm quen với việc kinh doanh online, không còn ưu tiên lấy địa điểm đẹp bằng mọi giá nữa. Do ảnh hưởng của thương mại điện tử, các doanh nghiệp đang chú trọng hơn vào kênh trực tuyến và giảm quy mô cửa hàng vật lý. Dẫn đầu xu hướng này là các doanh nghiệp thuộc ngành ẩm thực như Starbucks, The Coffee House, Phúc Long… đã đóng hàng loạt cửa hàng.

• Giá vàng giảm mạnh do kỳ vọng đàm phán hòa bình và ảnh hưởng từ FED nâng lãi suất
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay lùi 1,14% xuống 1.920,56 USD/oz, chịu sức ép bởi đồng USD mạnh hơn. Hợp đồng vàng tương lai mất 1,2% còn 1.919,60 USD/oz.
Chỉ số đồng USD đã tăng, làm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài.
Vàng đã giảm 2,8% trong tuần này khi sự lạc quan về các cuộc đàm phán hòa bình đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư trên các thị trường tài chính, làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn.
Giá vàng ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong gần 4 tháng vào ngày thứ Sáu (18/3), sau khi nhu cầu trú ẩn an toàn bị ảnh hưởng bởi những hy vọng về tiến triển trong đàm phán hòa bình Nga-Ukraine cũng như ảnh hưởng từ việc Mỹ nâng lãi suất. Giá vàng điều chỉnh trong ngắn hạn do tâm lý lo ngại căng thẳng chiến tranh leo thang không còn. Trong trung và dài hạn, khả năng giá vàng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực do kế hoạch nâng lãi suất của FED ảnh hưởng đến chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0