Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 20.10.2020 – Trung Quốc thông qua luật xuất khẩu mới, căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục leo thang

Nhận định Thị trường hàng ngày 20/10/2020    862

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/10/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Trung Quốc thông qua luật xuất khẩu mới, căng thẳng Mỹ – Trung tiếp tục leo thang

Trong ngày thứ Bảy (17/10/2020), giới chức hàng đầu Trung Quốc đã thông qua luật kiểm soát xuất khẩu, như vậy chính phủ Trung Quốc sẽ cấm xuất khẩu một số loại nguyên liệu chiến lược cũng như công nghệ cao cấp đến danh sách một số nhóm công ty nhất định, quy định cấm này tương ứng với quyết định mà Bộ Thương mại Mỹ đưa ra mới đây.

Việc Trung Quốc thông qua luật kiểm soát xuất khẩu mới có thể coi như động thái trả đũa làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Gần đây, tình thế đối đầu giữa hai bên ngày một gay gắt hơn sau những lệnh trừng phạt bị áp với Huawei Technologies. Luật mới của Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12/2020, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Gần đây, xuất hiện ngày một nhiều lo lắng về khả năng Trung Quốc có thể hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Thị phần của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu lên đến 60%. Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sẽ gây ra tác động trên toàn cầu.

Tiếp tục hồi phục mạnh mẽ trong Quý III, Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Theo số liệu Bắc Kinh mới công bố, GDP quý III của Trung Quốc tăng 4,9% so với 1 năm trước. Con số này thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế, nhưng vẫn tăng mạnh hơn mức 3,2% ở quý II. Trong khi đó, doanh số bán lẻ tăng 3,3% trong tháng 9, sản xuất công nghiệp tăng 6,9% trong tháng 9 và tăng trưởng đầu tư cũng tăng tốc với mức 0,8% tính đến cuối quý III.

Dù số liệu GDP tăng yếu hơn dự kiến, nhưng sản lượng tăng 0,7% từ đầu năm đến nay. Điều này có nghĩa là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hồi phục hoàn toàn sau mức giảm mạnh trong nửa đầu năm vừa qua.

Sự hồi phục diễn ra trong bối cảnh lượng vay nợ của chính phủ bị hạn chế tương đối và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không có biện pháp nới lỏng mạnh mẽ như những ngân hàng trung ương khác. Thay vào đó, chính phủ tập trung vào việc hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp, trái ngược với phản ứng từng đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

2. Vĩ mô Việt Nam

Mức lương tối thiểu được ấn định theo tháng và giờ từ năm 2021

Bộ Luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2019, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, trong đó có thay đổi quy định về lương tối thiểu . Hiện theo Điều 91 Bộ Luật Lao động năm 2012 , mức lương tối thiểu vùng được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

Tuy nhiên, tại Bộ Luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu chỉ còn được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng và giờ (bỏ quy định xác lập theo ngành và ấn định theo ngày so với quy định cũ).

Mức lương tối thiểu được Bộ Luật Lao động 2019 định nghĩa là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.

Nhu cầu điện tiêu dùng tăng hơn 13% sau khi nền kinh tế phục hồi trong tháng 9

Theo báo cáo “Tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2020” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố, nhu cầu tiêu thụ điện trong tháng 9/2020 đã tăng trở lại (chủ yếu do sản xuất công nghiệp và tiêu dùng, riêng dịch vụ thương mại vẫn giảm).

Cụ thể, sản lượng điện sản xuất bình quân đạt 710,7 triệu kWh/ngày. Trong 9 tháng đầu năm, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 104,21 tỷ kWh, chiếm 56,22% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Tính riêng trong tháng 9/2020, sản lượng điện truyền tải đạt 17,62 tỷ kWh, trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng Trung – Bắc và Trung – Nam.

EVN cũng đặt ra một số mục tiêu, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm 2020. Đáng chú ý, liên quan đến đầu tư xây dựng nguồn điện, Tập đoàn phấn đấu hoàn thành phát điện 2 tổ máy dự án Thủy điện Thượng Kon Tum và dự án Điện mặt trời Sê San 4. Đối với các dự án: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I và dự án cơ sở hạ tầng dùng chung cho Nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp Dung Quất I, III, sẽ được lựa chọn nhà thầu, gói thầu để khởi công trong thời gian tới.

World Bank: GDP Việt Nam năm nay có thể tăng 2.5 – 3%

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 10. Theo đó, tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 3% trong năm nay

Theo đánh giá của tổ chức này, tốc độ phục hồi kinh tế Việt Nam vững chắc hơn do tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gấp đôi trong tháng 9 so với tháng 8. Kinh tế phục hồi trong quý III với mức tăng trưởng đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng 0,39% của quý II, dù Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Khu vực đầu tư nước ngoài có khả năng phục hồi tốt do thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 16,9 tỷ đôla Mỹ 9 tháng đầu năm, trong khi cam kết vốn FDI tăng từ 720 triệu USD tháng 8 lên khoảng 1,5 tỷ USD vào tháng 9.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, WB cũng cảnh báo Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro mà lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính đang phải đối mặt, do những bất ổn trong bối cảnh trong nước và quốc tế

Xuất khẩu thủy sản sang EU dự kiến đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2020

Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ông Lê Thanh Hoà nhấn mạnh, tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020 đã phục hồi.

Cụ thể, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.

Song, dự báo cả năm 2020, kim ngạch x“uất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sẽ giảm 20% so với năm 2019, đạt khoảng 1,037 tỷ USD. Trong 5 năm tới, ước tính xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng trưởng tốt hơn nếu thẻ vàng IUU được tháo gỡ, cùng với việc tận dụng tốt ưu đãi thuế quan theo hiệp định EVFTA. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 năm tới đạt 1,2 – 1,5 tỷ USD/năm.