Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 20.08.2021 | Dự thảo thông tư mới của NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ

Nhận định Thị trường hàng ngày 20/08/2021    42461

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Fed công bố biên bản họp tháng 7
– Tại cuộc họp ngày 27 – 28/7, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, đã dự tính giảm quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng trước cuối năm, biên bản cuộc họp công bố ngày 18/8 cho thấy. Tuy nhiên, các thành viên muốn nêu rõ rằng việc siết hỗ trợ không phải là chỉ báo cho một đợt tăng lãi suất cận kề. “Một số” người còn muốn chờ đến đầu năm 2022 mới bắt đầu siết chính sách.
– “Về trước mắt, hầu hết thành viên lưu ý rằng, với nền kinh tế nhìn chung tăng trưởng như kỳ vọng, họ kết luận có thể phù hợp để bắt đầu giảm quy mô mua tài sản trong năm nay”, biên bản viết, bổ sung rằng mục tiêu lạm phát đã đạt và “sắp thỏa mãn” về tăng trưởng việc làm.
– Các thành viên FOMC nhìn chung nhất trí việc làm chưa đạt tiêu chí “tăng trưởng bền vững hơn nữa” mà Fed đặt ra để cân nhắc tăng lãi suất.
– Các quan chức Fed từng nhiều lần khẳng định việc siết hỗ trợ sẽ diễn ra trước và không tăng lãi suất cho đến khi quá trình phục hồi hoàn tất, ngân hàng trung ương Mỹ không tăng quy mô bảng cân đối thêm nữa.
– Kết thúc cuộc họp cuối tháng 7, FOMC vẫn giữ nguyên lãi suất ở 0 – 0,25% như dự đoán trên thị trường. Fed giảm lãi suất về 0 – 0,25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ.

• Giá quặng sắt chạm đáy 5 tháng
– Giá quặng sắt tương lai tại Trung Quốc ngày 18/8 giảm 4% so với ngày 17/8 và xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/3 vì tồn kho tại cảng tăng và chính phủ Trung Quốc hạn chế sản xuất thép.
– Cụ thể, giá thép trên sàn Đại Liên giao tháng 1/2022 ở mức 124,4 USD/tấn, giảm 4,6% so với ngày 17/8. Giá quặng 62% Fe tại cảng Thiên Tân ở mức 157,5 USD/tấn, giảm 2,2% so với ngày 17/8. Trong khi đó, tồn kho tại 45 cảng của Trung Quốc ở mức 127 triệu tấn, tăng 260.000 tấn so với tuần trước.
– Giá quặng giảm trong bối cảnh Trung Quốc yêu cầu các nhà máy thép hạn chế sản xuất để sản lượng thép năm nay không vượt quá 2020. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm sản lượng thép của Trung Quốc tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo mục tiêu đề ra, sản lượng thép của nước này trong 6 tháng cuối năm nay phải giảm 12% so với cùng kỳ năm trước mới đủ bù đắp việc sản lượng đã tăng gần 12% trong 6 tháng đầu năm.
– Các dữ liệu cho thấy sản lượng thép của Trung Quốc đã giảm trong tháng 7. Theo thông tin từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nước này sản xuất 86,8 triệu tấn thép thô trong tháng 7, giảm 7,6% so với tháng 6 và 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, Trung Quốc tạo ra 649,3 triệu tấn thép, vẫn cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Trước diễn biến về sản lượng thép của Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng, có nhiều khả năng ngành thép nước này sẽ tập trung cắt giảm mạnh sản lượng vào quý IV năm nay.

2. Thông tin Việt Nam

• Nhập siêu: “Gam màu xám” trong bức tranh xuất nhập khẩu
– Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2021 (từ ngày 1/8 đến ngày 15/8/2021) đạt 24,1 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 5,31 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 7/2021.
– Lũy kế từ đầu năm hết ngày 15/8/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 399,27 tỷ USD, tăng 28,6%, tương ứng tăng 88,83 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 275,82 tỷ USD, tăng 32,3% (tương ứng tăng tới 67,31 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 123,45 tỷ USD, tăng 21,1% (tương ứng tăng 21,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
– Trong kỳ 1 tháng 8/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,36 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 3,88 tỷ USD. Cụ thể về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 8/2021, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 11,37 tỷ USD, giảm 24,2% (tương ứng giảm 3,63 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 7/2021. Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 8/2021 giảm so với kỳ 2 tháng 7/2021 ở một số nhóm hàng chủ lực như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 782 triệu USD, tương ứng giảm 25,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 524 triệu USD, tương ứng giảm 24,5%; hàng dệt may giảm 321 triệu USD, tương ứng giảm 21,9%; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 266 triệu USD, tương ứng giảm 41,6%…
– Tính chung từ đầu năm đến hết 15/8/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 197,7 tỷ USD, tăng 23,3% tương ứng tăng 37,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 7,56 tỷ USD, tương ứng tăng 54,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 3,76 tỷ USD, tương ứng tăng 14,8%; sắt thép các loại tăng 3,35 tỷ USD, tương ứng tăng 121,5%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 3,29 tỷ USD, tương ứng tăng 11,4%… so với cùng kỳ năm 2020.
– Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 8/2021 đạt 8,37 tỷ USD, giảm 24%, tương ứng giảm 2,64 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 7/2021. Tính đến hết ngày 15/8/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt hơn 145 tỷ USD, tăng 27,9%, tương ứng tăng 31,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,3% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
– Từ chiều ngược lại, trong kỳ 1 tháng 8/2021, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam đạt 12,73 tỷ USD, giảm 11,7% (tương ứng giảm 1,68 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2021. Tính đến hết ngày 15/8/2021, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 130,82 tỷ USD, tăng 37,5% (tương ứng tăng 35,64 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 64,9% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
– Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương đưa ra nhận định, nhìn chung hoạt động xuất khẩu của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng trong những tháng qua vẫn đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng này có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam.

• Dự thảo thông tư mới của NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ
– Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
– So với Thông tư 03/2021 – văn bản sửa đổi Thông tư 01/2020 hiện nay, dự thảo có sửa đổi theo hướng nới phạm vi thời gian các khoản nợ được cơ cấu lại.
– Dự thảo quy định Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Thứ nhất là phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Hiện nay, Thông tư 03/2021 đang quy định thời điểm là trước 10/6/2020. Thứ hai là phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/06/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021 như Thông tư 03 hiện nay. Thứ ba, số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi thuộc một trong các trường hợp gồm số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021; số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021 và quá hạn từ ngày 17/7/2021 đến trước ngày dự thảo Thông tư có hiệu lực thi hành (thay vì ngày 17/5/2021).
– Dự thảo Thông tư mới cũng cho phép TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định. Trong đó, TCTD sẽ được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đối với số dư nợ; giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày khoản nợ bị chuyển quá hạn; và giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày thực hiện miễn, giảm lãi lần đầu đối với số dư nợ quy định.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Phiên đáo hạn phái sinh đầy kịch tính
– Trong phiên giao dịch 19/08, mặc dù vẫn chịu áp lực chốt lời ở đầu phiên, tuy nhiên sau đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đồng thuận hồi phục, giúp chỉ số VN-Index đảo chiều tăng gần 14 điểm về cuối phiên. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 13.91 điểm (tăng 1.02%), đóng cửa ở mức 1,374.85. Thanh khoản trên HOSE tiếp tục duy trì ở mức cao với giá trị hơn 25,500 tỷ đồng (tăng 5%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (218 mã tăng/ 161 mã giảm). Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 750 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào SSI, và NVL.
– Dòng tiền lan tỏa đều khắp các nhóm cổ phiểu. Tuy nhiên, nổi trội nhất phải kể đến VIC, khi nhận mức tăng hơn 6%, tác động làm tăng VN-Index đến hơn 5.5 điểm. Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, và vật liệu xây dựng đều ghi nhận mức tăng tích cực trong phiên.
– Với phiên tăng mạnh 19/08, các chỉ số kỹ thuật tiếp tục củng cố xu hướng tăng điểm của thị trường, nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ có cơ hội kiểm định ngưỡng kháng cự 1,375-1,380 điểm trong phiên 20/08 tới. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, thép, bất động sản hay nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công kỳ vọng tiếp tục thu hút được dòng tiền trong thời gian tới.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Viettel Construction (CTR) đạt doanh thu 682 tỷ đồng trong tháng 7, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước
– Theo tin từ Viettel Construction (Mã CK: CTR), trong tháng 7, công ty đạt doanh thu 682 tỷ đồng, tăng trưởng 35,1% so với cùng kỳ. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 gây không ít khó khăn cho hoạt động trong và ngoài nước của công ty.
– Trước đó trong 6 tháng đầu năm, Viettel Construction ghi nhận 3.546 tỷ đồng, tăng 32% và lợi nhuận sau thuế 153 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ 2020.
– Về kết quả kinh doanh tháng 7, khối thị trường nước ngoài có sự bứt phá mạnh khi đem về doanh thu 76,4 tỷ đồng, tăng trưởng 72,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Myanmar ghi nhận doanh thu 44 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ; Thị trường Campuchia đạt 24,7 tỷ đồng tăng trưởng 1.430% so với cùng kỳ; Và 8 tỷ là kết quả doanh thu đến từ Mozambique, Peru.
– Lĩnh vực hạ tầng cho thuê (Towerco) đạt doanh thu 18 tỷ đồng trong tháng 7, tăng trưởng cao hơn tháng 6, đến từ các mảng BTS, DAS, truyền dẫn và năng lượng mặt trời. Lũy kế thi công triển khai DAS hoàn thành 19 tòa nhà, phát sóng 17 tòa thi công xong thuộc các nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone. Viettel Construction cho biết đã ký hợp đồng với nhà mạng thứ 2 tại 13 vị trí, thuộc 03 tỉnh (Bình Dương, Hà Nam, Cà Mau). Hoạt động tìm kiếm mái bán điện cho chủ mái được đẩy mạnh, 15 tỉnh có hoạt động triển khai cụ thể.
– Lĩnh vực vận hành khai thác ghi nhận 386,7 tỷ đồng trong tháng 7 từ hoạt động vận hành khai thác trong Tập đoàn. Ngoài ra, lĩnh vực mới dịch vụ kỹ thuật Home Services (sửa chữa điều hòa, tủ lạnh, máy giặt…), Tower/Fiber Care, Solar Services, IT Support đạt doanh thu 14 tỷ đồng. Trong đó Tower/Fiber Care nổi bật với kết quả 1,8 tỷ đồng, tăng trưởng 528,4% so với cùng kỳ.
– Với lĩnh vực xây dựng, Viettel Construction đã hoàn thành thi công lắp đặt cosite 134 trạm tại Hà Nội, tích hợp phát sóng, bổ sung tài nguyên cell lưu lượng cao, hoàn thành thi công 502 giải pháp trong tháng. Bảo dưỡng vượt tiến độ với 25/24 trạm BTS Trường Sa.
– Với lĩnh vực giải pháp tích hợp, dựa trên cơ sở Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chưa ban hành chính sách giá mua điện áp mái mới, Viettel Construction đã nhanh chóng đưa ra giải pháp quản lý điện mặt trời Zero Export. Giúp các chủ đầu tư, hộ gia đình quản lý lượng điện không phát lên lưới, bước đầu ghi nhận kết quả 400KWp của khách hàng đã áp dụng hệ thống, tạo tiền đề mở rộng khách hàng lắp mới trong giai đoạn nửa cuối năm.
– Viettel Construction cho biết kết quả kinh doanh tháng 7 là nền tảng để hiện thực hóa doanh thu đạt ngưỡng 7.000-8.000 tỷ đồng trong năm 2021.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0