Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 20.04.2021 – VN DIAMOND THÊM MỚI TCM VẦ 5 CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG TRONG KỲ CƠ CẤU THÁNG 4/2021

Nhận định Thị trường hàng ngày 20/04/2021    5012

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/04/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

• Mỹ tính làm gì để giành lại vị thế thống trị ngành bán dẫn từ châu Á?
– Nếu quan tâm tới ngành sản xuất chip bán dẫn, bạn sẽ biết tới hai cái tên đình đám là TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc. Hai công ty châu Á này cộng lại chiếm tới hơn 70% thị phần sản xuất chip bán dẫn toàn cầu.
– Mỹ, từng là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này, đang bị tụt lại phía sau, sau khi các mô hình kinh doanh trong ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn có nhiều thay đổi lớn.
– Thế nhưng, chính thực trạng thiếu hụt chip trên quy mô toàn cầu, cùng với đó là những căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc đã khiến cho Mỹ quan tâm nhiều hơn tới chuỗi cung ứng sản phẩm quan trọng này, vốn đang nằm trong tay một số ít các doanh nghiệp trong ngành. Bên cạnh đó, Mỹ tỏ ra quyết tâm hơn trong công cuộc mang ngành sản xuất quay trở lại với nước Mỹ, nhằm lấy lại vị thế trước đây.
– Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD, và được cho rằng, đang tìm kiếm mối quan hệ đồng minh với nhiều quốc gia khác.
– Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đang nỗ lực tìm lại vị thế năm xưa trong lĩnh vực sản xuất và củng cố vững chắc các chuỗi cung ứng.
– Theo Paul Triolo, từ Eurasia Group: “Trong dài hạn, chính quyền Biden mong muốn tiếp tục khuyến khích các nhà sản xuất nước ngoài và nội địa mở rộng hoạt động sản xuất tại Mỹ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lực sản xuất chip tại những khu vực địa chính trị nhạy cảm như Đài Loan, và tạo ra những công việc kỹ thuật thu nhập cao cao tại Mỹ”.
– Đánh giá: Sự quan tâm tới chuỗi cung ứng chip được gia tăng bởi chính tình trạng thiếu hụt sản phẩm này trên quy mô toàn cầu, gây ra ảnh hưởng nặng nề cho ngành công nghiệp sản xuất xe hơi. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhu cầu các mặt hàng điện tử như máy tính xách tay, máy chơi game, tăng mạnh, trong khi đó lại khiến cho các hãng sản xuất xe hơi phải giảm công suất. Nhưng đà hồi phục trong lĩnh vực sản xuất, đi liền với nhu cầu sử dụng chip tăng cao, đã khiến cho tình trạng thiếu hụt diễn biến ngày càng trầm trọng. Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn “có thể đã khiến cho chính quyền Mỹ nhận ra rằng họ không thể kiểm soát được lĩnh vực vốn từng là thế mạnh của mình. Và với chính sách này, Mỹ đang cố gắng lấy lại vị thế và hình thành nên các đồng minh để hình thành nên một hệ thống nơi công tác sản xuất không tập trung ở các khu vực cụ thể, đẩy Trung Quốc ra ngoài cuộc chơi
• BFA: Kinh tế châu Á tăng trưởng tối thiểu 6,5% trong năm 2021
– Theo báo cáo được công bố tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA), có trích dẫn số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo kinh tế châu Á tăng ít nhất 6,5%, thể hiện sự phục hồi đáng kể từ mức giảm 1,7% của năm 2020.
– Khu vực Nam Á sẽ chứng kiến tăng trưởng đạt 9,7% trong năm nay – tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Trong khi đó, các nền kinh tế Đông Á dự kiến tăng trưởng 6,5%.
– Báo cáo của BFA lý giải kết quả tích cực này có được là nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, việc nối lại hoạt động sản xuất và làm việc có trật tự ở Trung Quốc và Hàn Quốc, bên cạnh các yếu tố khác.
– Các quốc gia châu Á đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong kinh tế thế giới. Nếu tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế của khu vực này dự kiến chiếm tỷ trọng gần 48% trong nền kinh tế thế giới vào năm 2021, tăng từ hơn 45% ghi nhận trong năm 2017.
– Đánh giá: Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, các nền kinh tế châu Á có nhiều thành tựu và tận dụng cơ hội phát triển. Nền kinh tế kỹ thuật số đã góp phần khôi phục sản xuất, ổn định tình hình kinh tế và trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á trong tương lai.

2. Thông tin Việt Nam

• Thống đốc: Dư nợ tín dụng/GDP trên 140%, kiểm soát vốn vay vào bất động sản, chứng khoán
– Báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề cập vấn đề tín dụng luôn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
– Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ… Kết quả cho thấy tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng (TCTD) vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.
– Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro phát sinh đối với hệ thống, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về công tác tín dụng trước đó, người đứng đầu NHNN yêu cầu các TCTD phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…
– Về những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo Thủ tướng thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Thống đốc mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo để phát triển thị trường tài chính theo hướng hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
– Đánh giá: Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140% nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Chính vì vậy, với việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán mang tính chất đầu cơ là để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, tạo lập niềm tin nhân dân, niềm tin với nhà đầu tư trong nước và niềm tin quốc tế. Giúp nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
• Savills: Căn hộ để bán tại TP HCM sẽ bứt tốc trong thời gian tới
– Savills chỉ ra tại TP HCM trong quý I, nguồn cung sơ cấp đạt hơn 4.900 căn, giảm 31% cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn cung mới đạt hơn 2.200 căn từ 2 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 8 dự án hiện hữu, giảm 38%. Trong đó, hai dự án trung cấp mới là Masteri Lumiere ở Quận 2 và King Crown Infinity ở Thủ Đức chiếm 33%. Căn hộ trung cấp dẫn đầu nguồn cung sơ cấp trong quý I với 57% thị phần, chủ yếu ở các quận 2, 7 và 9.
– Tuy nhiên, khởi đầu chậm của quý I sẽ không phải là viễn cảnh dài hạn khi thị trường được dự đoán sẽ sớm sôi động trở lại, theo Savills. Nguồn cung trong 9 tháng đầu năm sẽ đạt hơn 15.000 căn và sẽ có một sự bùng nổ lớn trong năm 2022 khi nguồn cung tăng đến hơn 30.000 căn. Đa phần nguồn cung được dự đoán sẽ đến từ phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân, tuy nhiên nguồn cung căn hộ bình dân sẽ giảm dần trong những năm tới.
– Báo cáo cũng chỉ ra khu vực trung tâm của TP HCM sẽ là nơi sôi động nhất thị trường. Dự kiến, hơn 14.600 căn hộ ở cả 3 phân khúc sẽ gia nhập thị trường, nhất là những khu vực ở phía Đông (Quận 9) và phía Nam (Quận 7) của TP HCM. Đồng thời, dự án căn hộ hàng hiệu đầu tiên của thành phố là Grand Marina sẽ đặt một mốc giá bán mới.
– Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam tin tưởng rằng phân khúc căn hộ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong năm 2021 khi TP HCM hoàn thành và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm như tuyến Metro số 1 và đường Vành đai 3. Thêm vào đó, sự cải thiện về thủ tục hành chính các cấp sẽ góp phần thu hút nhà đầu tư và người mua, khiến cho thị trường thêm sôi động. Ngoài ra, thị trường sẽ được hưởng lợi từ nền kinh tế khởi sắc với những chỉ số rất tích cực.

3. Tin tức doanh nghiệp niêm yết

• TCM, LPB, VIB, EIB, ACB và MSB chính thức lọt rổ VNDiamond trong kỳ review tháng 4
Với việc quỹ VNDiamond liên tục hút ròng được vốn trong thời gian qua thì các cổ phiếu mới được thêm vào như TCM, VIB, EIB, ACB, MSB và LPB sẽ được hỗ trợ đà tăng giá trong ngắn hạn khi quỹ này sẽ mua vào các cổ phiếu trên vào cuối tháng này.

Sở GDCK TP.HCM vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2021. Theo đó, không ngoài dự báo của các CTCK trong nước khi KDH đã bị loại ra khỏi danh mục VNDiamond trong kỳ review này.

Ở chiều ngược lại, TCM và 5 cổ phiếu ngân hàng VIB, EIB, ACB, MSB và LPB là những cái tên được thêm mới, qua đó nâng số lượng cổ phiếu trong rổ VNDiamond lên con số 18. Do quy định vốn hóa tối đa mỗi nhóm trong rổ VNDiamond chỉ là 40%, nên các cổ phiếu ngân hàng khác trong danh mục sẽ bị giảm tỷ trọng như TCB giảm 2,65%, VPB giảm 5,15%, MBB giảm 5,65%. Sau kỳ cơ cấu này, rổ VNDiamond sẽ có 10 cổ phiếu ngân hàng với tổng tỷ trọng 40%.

Dựa trên dữ liệu HoSE công bố và số liệu đóng cửa phiên 19/4,ước tính TCM sẽ chiếm tỷ trọng 2,2% trong danh mục VNDiamond Index sau kỳ cơ cấu này. Trong khi đó, ACB chiếm 6,2%, EIB chiếm 2,7%, LPB chiếm 1,8%, MSB chiếm 1,6% và VIB chiếm 2,7%.

Theo ước tính, VFM VNDiamond ETF sẽ mua mới 19,5 triệu cổ phiếu ACB, 10,57 triệu cổ phiếu EIB, 9,84 triệu cổ phiếu LPB, 7,6 triệu cổ phiếu MSB, 5,5 triệu cổ phiếu VIB và gần 2 triệu cổ phiếu TCM. Ở chiều ngược lại, quỹ cũng bán ra toàn bộ 1,71 triệu cổ phiếu KDH do loại khỏi danh mục.

Trong khi đó, VNFinLead loại bỏ VND trong kỳ review này do VND đã tạm chuyển giao dịch sang HNX để giảm tải cho HoSE. Do đó, số lượng cổ phiếu trong rổ VNFinLead sau kỳ review này giảm xuống con số 14.

Với VN30, chỉ số này sẽ không có thay đổi về thành phần danh mục trong kỳ review này.

Các quỹ ETFs VFM VNDiamond ETF, VFM VN30 ETF, SSIAM VNFinLead ETF, SSIAM VN30 ETF, MAFM VN30 ETF với tổng quy mô danh mục khoảng 22.000 tỷ đồng sẽ hoàn tất cơ cấu danh mục vào ngày 29/4 tới đây.

• Phú Tài (PTB) ước tính lợi nhuận quý I/2021 tăng 60% lên 123,4 tỷ đồng

Trong quý I/2021, PTB ước ghi nhận doanh thu là 1.408,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 123,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 60% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực đóng góp đà tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất là lĩnh vực gỗ tăng 114% lên 63,46 tỷ đồng, lĩnh vực đá đóng góp tăng trưởng 12% so với cùng kỳ lên 52,8 tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng cao trong đầu năm 2021, đà tăng này đã duy trì từ tháng 7 năm 2020 tới hiện nay, doanh thu mảng gỗ của Phú Tài nhờ đó có sự tăng trưởng tốt vượt trội.
PTB có nguồn gỗ nguyên liệu đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm là một lợi thế cho xuất khẩu sang Mỹ, EU, ứng biến với các điều tra về nguồn gốc, bán phá giá. Đồng thời, theo PTB việc khách hàng của dòng sản phẩm nhà bếp chuyển dịch từ TQ đổ về Việt Nam với những đơn hàng rất lớn, Phú Tài đã có nhà máy chế biến gỗ nguyên liệu quy mô đủ lớn để cho nhà máy chế biến sâu thành sản phẩm nội thất, đặc biệt là nhà bếp. PTB sẽ đưa vào nhà máy chế biến gỗ nội thất 5.2ha, điều này kì vọng sẽ đóng góp lớn vào KQKD từ 2021.

• SSI báo lãi riêng lẻ 528 tỷ đồng trong quý I, gấp 35 lần cùng kỳ

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (HoSE:SSI) công bố báo cáo tài chính riêng quý I. Theo đó, SSI ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 1.503 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 528,2 tỷ đồng – gấp 35 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Kết thúc quý I, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều tăng trưởng tích cực. VN-Index tăng 7,93% so với đầu năm, chạm mốc 1.191,44 điểm tại ngày 31/3. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 15,5 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng tới 302% so với cùng kỳ quý. Lượng tài khoản mở mới đạt 255.000 tài khoản (theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam – VSD). Riêng tháng 3, số tài khoản mở mới đạt mức kỷ lục 113.191 tài khoản. Trong bối cảnh dòng tiền margin từ các nhà đầu tư nội là động lực quan trọng giúp thị trường đứng vững trước áp lực bán ròng của khối ngoại. Khối lượng giao dịch gia tăng và dư nợ margin duy trì ở mức cao giúp cho các công ty chứng khoán đạt được mức doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Khi tình trạng nghẽn lệnh được khắc phục thì mức thanh khoản kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên, điều này tạo dư địa tăng trưởng cho các công ty chứng khoán trong thời gian tới. Mới đây HSC cũng ghi nhận lợi nhuận ròng 322 tỷ đồng, cao gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.

———–

DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư

Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn

Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO

Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO

————

Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website: https://www.vndirect.com.vn/

Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ