Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 20.01.2022 | Trung Quốc lần đầu hạ lãi suất trung hạn kể từ tháng 4/2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 20/01/2022    94628

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 20/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Trung Quốc lần đầu hạ lãi suất trung hạn kể từ tháng 4/2020
– Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa có đợt cắt giảm lãi suất chủ chốt lần đầu tiên sau gần 2 năm nhằm cứu tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế mất đà vì những đợt bùng dịch Covid nối tiếp nhau bất chấp chiến lược zero Covid. Cụ thể, lãi suất cho vay trung hạn 1 năm được PBOC hạ về 2,855 từ mức 2,95%, trong khi lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày giảm về 2,1% từ 2,2%.
– Theo Bloomberg, quyết định hạ lãi suất 0,1 điểm phần trăm được công bố ngay trước khi Tổng cục Thống kê Trung Quốc báo cáo mức tăng trưởng GDP 4% trong quý 4/2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn dự báo tăng 3,3% cho cả năm, nhưng giảm mạnh so với mức tăng 4,9% đạt được trong quý 3.
– Một nguyên nhân khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm tốc là tiêu dùng giảm chóng mặt trong tháng 12, khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống theo chiến lược zero Covid. Đợt bùng dịch do biến chủng Omicron trong tháng 1, bao gồm ở thủ đô Bắc Kinh, được dự báo sẽ tiếp tục khiến người tiêu dùng Trung Quốc bi quan. Doanh thu bán lẻ tháng 12/2021 – thước đo chi tiêu tiêu dùng tại quốc gia đông dân nhất thế giới – tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 3,9% so với tháng 11.
– Động thái hạ lãi suất của PBOC nằm ngoài dự báo của nhiều chuyên gia và đặt ngân hàng trung ương này vào vị thế đối lập với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Nhiều ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Fed, đang chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với sự leo thang của lạm phát.
– Ngoài ra, PBOC còn bơm thêm thanh khoản bằng cách cung cấp 700 tỷ Nhân dân tệ (110 tỷ USD) vốn vay trung hạn, vượt con số 500 tỷ Nhân dân tệ vốn đáo hạn; cộng thêm 100 tỷ Nhân dân tệ bơm thông qua nghiệp vụ mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày, vượt con số 10 tỷ Nhân dân tệ đáo hạn.
– Điều này phản ánh việc Trung Quốc đang ở trong giai đoạn khác của chu kỳ kinh tế so với thế giới. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể là tín hiệu tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nhưng sự hiệu quả còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc chấp nhận theo đuổi zero Covid đến bao giờ.

• Giá dầu lên ngưỡng cao nhất kể từ năm 2014
– Giá dầu Brent chạm mốc 87,54 USD/thùng, tăng 1,06 USD/thùng so với phiên đóng cửa trước đó. Tới chiều nay, giá dầu Brent có thời điểm tăng 1,6% lên mức giá 87,85 USD một thùng. Đây là mức giá cao nhất trong 7 năm qua, kể từ ngày 30/10/2014 – thời điểm dầu Brent được giao dịch ở mức giá 87 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng tăng 2% lên 85,53 USD – mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2014.
– Nguyên nhân khiến giá dầu tăng mạnh đến từ bất ổn ở Trung Đông, khi lực lượng Houthi hôm 17/1 đã dùng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các sân bay và cơ sở dầu mỏ ở UAE làm cháy ba xe bồn chở dầu, khiến ba công nhân làm việc cho tập đoàn dầu khí ADNOC của UAE thiệt mạng. Phiến quân Houthi còn cảnh báo sẽ tiến hành tấn công nhiều mục tiêu quan trọng ở UAE nếu nước này có hành động làm leo thang quân sự ở Yemen.
– Giới phân tích nhận định, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng. Bởi ngoài yếu tố bất ổn ở Trung Đông, thời tiết giá lạnh tại nhiều nước cũng làm tăng nhu cầu nhiên liệu để sưởi ấm. Bên cạnh đó, căng thẳng về cung – cầu dầu mỏ hiện vẫn chưa thể sớm được giải quyết. Ngoài ra, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh chưa thể đưa sản lượng dầu lên mức 400,000 thùng/ngày khi các nước nhỏ hơn trong liên minh chưa thể tăng sản lượng tương ứng.
– Nếu căng thẳng địa chính trị vẫn diễn ra và các nước OPEC+ không thể tăng sản xuất thêm 400.000 thùng mỗi ngày, giá dầu có thể bị đẩy lên 100 USD/thùng. Các doanh nghiệp dầu khí, vốn đã bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn trong năm vừa qua, sẽ được hưởng lợi rất lớn nhờ mức tăng mạnh của giá dầu.

2. Thông tin vĩ mô Việt Nam

• Miền Bắc đối diện nguy cơ thiếu điện trầm trọng mùa nóng năm 2022, EVNNPC đề xuất đầu tư nâng cập hạ tầng điện
– Theo báo cáo của EVNNPC – Tổng công ty điện lực miền bắc, nhu cầu phụ tải miền Bắc dự báo tăng trưởng rất mạnh mẽ, năm 2021 tăng trưởng 9,31%, nhưng trong năm 2022, riêng phụ tải công nghiệp tăng trưởng dự kiến tăng 24%. Do vậy, nhu cầu đầu tư cho lưới 110 kV và xuất tuyến trung áp là rất cao. Về cơ bản, dịch COVID-19 được kiểm soát, tình hình sản xuất, tiêu dùng tăng trưởng trở lại dự báo sẽ khiến việc cung cấp điện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt căng thẳng trong mùa nóng năm 2022 này.
– Trong những năm qua, khu vực miền Bắc, đặc biệt là EVNNPC về tiếp nhận lưới điện nông thôn và tiếp nhận lưới điện các khu vực thủy nông, quân đội, nông thôn miền núi với khối lượng rất lớn. Hiện trong 5.286 xã, đơn vị đã tiếp nhận hơn 90%, với số công tơ chiếm 47% tổng số công tơ của EVNNPC, đường dây hạ áp chiếm 42%.
– Chủ tịch EVNNPC cho biết tình trạng lưới điện này rất kém, hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn do vậy khi nhu cầu gia tăng công suất không đáp ứng được. Trong khi đó, tổng công ty Điện lực miền Bắc trong năm qua do điều kiện đầu tư hạn hẹp nên chỉ sửa chữa tối thiểu để có thể đáp ứng cơ bản điều kiện kỹ thuật vận hành. Còn để đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân thì phải cải tạo, nâng cấp thêm rất nhiều. Theo đó, EVNNPC gửi kiến nghị đề nghị EVN xem xét cấp vốn vay ưu đãi cho EVNNPC để tiến hành đầu tư nâng cấp hạ tầng điện miền Bắc trong thời gian sớm.
– Có thể thấy, nhu cầu nâng cấp hạ tầng điện khu vực miền Bắc đang rất thiết yếu. Đây cũng là triển vọng cho các công ty xây lắp điện hoạt động tại miền Bắc trong thời gian tới.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• PNJ báo lãi năm 2021 hơn 1000 tỷ đồng – giảm 3.7% so với năm 2020
– Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố ghi nhận doanh thu thuần trong năm 2021 đạt 19.593 tỷ đồng, tăng 12% và hoàn thành 93,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.030 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước đó và mới đạt 84% mục tiêu năm 2021. Mặc dù vậy, trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước giảm 3,8% so với năm trước, doanh thu kênh lẻ của PNJ vẫn tăng trưởng 10,5% so với năm 2020. Còn đối với mảng doanh thu sỉ cả năm 2021 của doanh nghiệp giảm 5,5% so với cùng kỳ. Doanh thu vàng miếng tăng trưởng 25% so với cùng kỳ.
– Tính riêng tháng 12/2021, doanh thu thuần của PNJ đạt 2.834 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, tăng 43,4% so với cùng kỳ.
– Tổng số cửa hàng của PNJ tính tới cuối năm 2021 là 341 cửa hàng. Lũy kế 12 tháng, PNJ Gold đã mở mới 20 cửa hàng , Style by PNJ mở thêm một cửa hàng độc lập và tăng 17 cửa hàng SiS.
– Ngoài ra, PNJ đã nâng cấp chuyển đổi vị trí một cửa hàng CAO Fine Jewellery và tăng hai cửa hàng CFJ SiS. PNJWatch tăng hai cửa hàng SiS, nhãn hàng Pandora mở 12 điểm bán trong các cửa hàng của PNJ ở các thành phố lớn.
– Có thể thấy, 2021 là một năm rất khó khăn với PNJ do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài, song song với đó là người dân bị ảnh hưởng bởi thu nhập dẫn đến nhu cầu chi tiêu mặt hàng không thiết yếu thấp. Tuy vậy PNJ vẫn đạt được kết quả tương đối khả quan. Trong năm 2022, với đường hướng toàn dân sống chung an toàn với dịch, kỳ vọng kết quả kinh doanh của PNJ sẽ tăng trưởng trở lại nhờ tích cực mở rộng thị phần trong mùa dịch.

• Sonadezi Châu Đức báo lãi 323 tỷ đồng cả năm, vượt 83% kế hoạch
– Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã SZC) vừa công bố Báo cáo tài chính quý 4/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, tính riêng quý 4 doanh thu thuần đạt gần 148 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 68 tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ.
– Lũy kế năm 2021 doanh thu đạt 713 tỷ đồng, tăng 64,7% so với năm 2020, doanh thu của công ty phần lớn đến từ cho thuê đất và phí quản lý. Lợi nhuận sau thuế đạt 324 tỷ đồng, tăng trưởng 74% so với cùng kỳ. EPS đạt 3.009 nghìn đồng/cổ phiếu. Với kết quả trên, công ty đã hoàn thành, vượt 22% kế hoạch doanh thu và trên 83% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
– Ngoài ra, BCTC công ty cũng ghi nhận, tính đến 31/12/2021 tổng chi phí xây dựng dở dang của công ty đạt trên 4.800 tỷ đồng, tăng khoảng 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, chủ yếu tăng giá trị tại Dự án Khu công nghiệp, KDT Châu Đức.
– Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đến cuối năm 2021 lên 2.200 tỷ đồng, tăng gần 550 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.800 tỷ đồng.
– Với động lực tăng trưởng lớn cho ngành khu công nghiệp ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu từ dòng vốn FDI lẫn các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, SZC đứng trước cơ hội tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 2022.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

VN-Index bước vào phiên giao dịch ngày 19/01/2022 hồi phục hơn 7 điểm. Sau những phút đầu hứng khởi ở đầu phiên, chỉ số dần quay trở lại giằng co quanh mức tham chiếu. Có một số thời điểm chỉ số chìm nhẹ trong sắc đỏ, nhưng VN-Index đã kịp tăng trở lại và kết phiên sáng với 6.67 điểm tăng. Sang phiên chiều, diễn biến thị trường có phần ít sôi động hơn phiên sáng, thanh khoản thị trường heo hút và VN-Index hầu như không có mức tăng giảm mạnh nào đáng chú ý. VN-Index dừng phiên ở mức tăng 3.85 điểm, đạt mức 1,442.79 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, MSN, BCM, SSI và GVR là những mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index, khi giúp thị trường tăng tổng cộng hơn 4 điểm. Trong khi đó, VCB, BID và CTG là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
– Về nhóm ngành: Ngành chứng khoán có một phiên giao dịch hết sức thành công (+5.23%), đây cũng là ngành tăng mạnh nhất trên sàn giao dịch trong phiên 19/01/2022. Hỗ trợ cho đà tăng này là do thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý 4 của hàng loạt công ty chưng khoán. Ngành bất động sản cho thấy sự phân hóa lớn giữa các cổ phiếu và kết phiên chỉ tăng nhẹ 0.52%. Ngành bán lẻ có sự phục hồi và tăng trung bình 2.45%. Kết thúc phiên 13/18 mã cổ phiếu bán lẻ trong sắc xanh tích cực.
– Khối ngoại phiên ngày 19/1 bán ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị hơn 4,970 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị gần 5 tỷ đồng. Phần lớn khối lượng bán ròng đến cổ phiếu MSN, riêng cổ phiếu này đã có mức bán ròng gần 4,892 tỷ đồng.
– Nhiều chỉ báo kỹ thuật đang cho tín hiệu không khả quan nên nhịp điều chỉnh khả năng sẽ còn tiếp diễn. Đường SMA 100 ngày và vùng 1,400 – 1,420 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 07/2021) sẽ ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho VN-Index trong thời gian tới. Hơn nữa, thanh khoản chỉ đạt gần 23,000 tỷ trong ngày hôm nay phản ánh dòng tiền yếu và chưa có lực cầu bắt đáy thật sự mạnh mẽ và quyết đoán. Với việc thanh khoản thấp đột ngột, điều này còn cho thấy diễn biến tâm lý hết sức thận trọng của thị trường sau sự thiệt hại lớn từ sự sụp đổ của làn sóng đầu cơ trong thời gian qua.
– Tuy nhiên, phiên hôm nay tiếp tục cho thấy sự dịch chuyển của dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khi giá trị giao dịch của VN30 chiếm một nửa thanh khoản của VN-Index. Nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại nên tiếp tục quan sát diễn biến thị trường, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có câu chuyện doanh nghiệp và vĩ mô hấp dẫn.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall