Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.11.2020 – Trái phiếu Hàn Quốc hấp dẫn các quỹ đầu tư toàn cầu

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/11/2020    568

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Trái phiếu Hàn Quốc hấp dẫn các quỹ đầu tư toàn cầu

Các quỹ toàn cầu mua nhiều khoản nợ nhất của Hàn Quốc trong năm nay kể từ năm 2010, một minh chứng cho sự hấp dẫn của chứng khoán quốc gia này như nơi trú ẩn an toàn. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 55,4 tỷ USD trái phiếu Hàn Quốc niêm yết trong năm tính đến ngày 16/11, theo dữ liệu từ Dịch vụ Giám sát Tài chính. Ngược lại, họ đã rút gần 20 tỷ USD từ trái phiếu Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.

Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Hàn Quốc có mức lãi suất khoảng 1,6%, đây là mức phí quá đắt so với lợi suất dưới 0 của khoản nợ gần 17.000 tỷ USD trên toàn thế giới. Quốc gia này được xếp hạng AA bởi A&P Global Ratings, hạng đầu tư cao thứ ba. Trong số các thị trường trái phiếu Châu Á, quốc gia duy nhất có dòng vốn rót vào nhiều hơn là Trung Quốc, do được đưa vào các chỉ số toàn cầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Lợi tức dự kiến vẫn duy trì ở mức cao bất chấp dòng tiền đổ vào, một phần do nguồn cung nợ chính phủ kỷ lục và tiến độ phát triển vắc xin COVID-19. Kim Sanghoon, chiến lược gia tại KB Securities cho biết lợi suất 10 năm có thể chạm mức 1,8% trong năm tới. Còn chuyên gia của NH Investment dự báo sẽ đạt mức này vào tháng 4 năm sau.

AirAsia Nhật Bản xin phá sản, thành “nạn nhân” mới nhất của đại dịch COVID-19

Theo tin từ Bloomberg, AirAsia Japan Co., chi nhánh của tập đoàn AirAsia tại Nhật Bản, vừa đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Quận Tokyo District Court, hơn một tháng sau khi tuyên bố dừng hoạt động tại nước này do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Tập đoàn AirAsia, có trụ sở ở tại Malaysia, đang chịu áp lực lớn trước cú sốc gây ra bởi đại dịch Covid-19 khi hàng loạt máy bay phải nằm không và lượng hành khách lao dốc. Trong quý 2/2020, AirAsia báo lỗ kỷ lục 238 triệu USD, so với mức lãi 4,3 triệu USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý của tập đoàn này giảm tới 96% xuống còn 28,9 triệu USD do lượng hành khách giảm tới 98%.

Trước đó, tập đoàn AirAsia đã ngừng đầu tư cho chi nhánh AirAsia Ấn Độ, khiến tương lai của chi nhánh này phụ thuộc vào cổ đông lớn – tập đoàn Tata Group. AirAsia X Bhd., chi nhánh chuyên các chặng bay đường dài của AirAsia, cũng không khá khẩm hơn khi hồi đầu tháng phải trình đề xuất tái cơ cấu nợ mới cho các chủ nợ.

Trước khi tuyên bố phá sản, AirAsia Nhật Bản đã hủy tất cả các chuyến bay, bao gồm chặng bay từ Nagoya đi Đài Bắc. Tuy nhiên, các đường bay đi và đến Nhật do những chi nhánh khác của AirAsia, bao gồm AirAsia Thái Lan và AirAsia Philippines, không bị ảnh hưởng. Các chặng quốc tế đến Nhật Bản từ Malaysia, Thái Lan và Philippines sẽ tiếp tục hoạt động sau khi chính phủ Nhật nới lỏng lệnh hạn chế đi lại và mở lại biên giới.

2. Vĩ mô Việt Nam

Hàn Quốc dẫn đầu về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2020, Hàn Quốc đã có khoảng 8.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 70,4 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020.

Việt Nam hiện có 49 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 35,24 triệu USD. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ba quý đầu năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đã suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Hàn Quốc đạt 47,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu đạt 14,5 tỷ USD, giảm 2,1% và nhập khẩu đạt 33 tỷ USD, giảm 6,5%.

Foxconn Quảng Ninh sẽ xuất khẩu 1 triệu ti vi và màn hình Made in Vietnam, thu về hàng nghìn tỷ đồng vào năm 2021

Tại Việt Nam, sau khi đầu tư vào Bắc Ninh, Bắc Giang (năm 2007), năm 2019, Foxconn tiếp tục mở rộng kế hoạch đầu tư của mình và tìm đến Quảng Ninh. Dự án của Foxconn tại Quảng Ninh mang tên “Dự án S-Việt Nam”, là nơi có nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng và ti vi, khởi công từ cuối tháng 9/2019 với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 26 triệu USD trên diện tích đất 100.000 m2 tại KCN Đông Mai.

Chỉ sau 1 năm, Foxconn tại Quảng Ninh đã xuất xưởng lô sản phẩm đầu tiên. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, nhà máy của Foxconn tại KCN Đông Mai sẽ sản xuất khoảng 20.000 màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao. Sản phẩm của nhà máy chủ yếu dành cho xuất khẩu với tổng giá trị khoảng 250.000 USD.

Trong năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng và ti vi với giá trị xuất khẩu kim ngạch khoảng 250 triệu USD và sẽ tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo.

Foxconn đã chuyển một số hoạt động sản suất ra khỏi Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington leo thang vào năm 2018. Công ty này muốn bảo vệ hoạt động sản xuất của mình khỏi thuế quan trừng phạt mà Mỹ áp đặt để chống lại hàng sản xuất tại Trung Quốc.

Hiệp hội taxi 3 miền tố Grab lên Quốc hội

Mới đây, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM gửi văn bản đến Chủ tịch Quốc hội, đề nghị xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab. Văn bản nêu rõ, sau 6 tháng Nghị định 10 có hiệu lực thi hành (ngày 1/4), hoạt động của Grab chưa có gì thay đổi và còn nhiều sai phạm, bất cập.

Cụ thể, các hiệp hội cho rằng Grab đang hoạt động trái phép khi chưa được một sở giao thông vận tải nào cấp giấy phép kinh doanh vận tải mà vẫn ngang nhiên hoạt động và mở rộng đến nhiều tỉnh, TP.

Ngoài ra, sự bất cập trong giá cước của Grab cũng được chỉ ra trong văn bản kiến nghị. Các đơn vị này nhận định, mặc dù Grab hoạt động như taxi (người dân vẫn quen gọi là taxi công nghệ) nhưng không phải kê khai giá, dẫn đến tình trạng giá cước tăng giảm liên tục 200-300% trong ngày tùy theo khung giờ.

Một điểm bất bình đẳng khác được các hiệp hội đưa ra là các tài xế chạy Grab được nộp thuế khoán với mức 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân. Còn các doanh nghiệp vận tải khác nộp theo mức 10% thuế GTGT và 20% thuế TNDN.

3. Tin tức tài sản đầu tư

Bitcoin tiến sát 18,000 USD, những người bắt trúng đáy tháng 3 đã lãi 350%

Theo dữ liệu trên các sàn giao dịch, giá đồng tiền số Bitcoin tăng mạnh trong thời gian qua và hiện đã lên mức 17.700 USD, tương đương giá trị vốn hóa khoảng 328 tỷ USD. Trên một chợ giao dịch Bitcoin, đồng tiền số này đang được rao bán ở mức 413 triệu đồng/1 Bitcoin, còn chiều bán ra là 407 triệu đồng.

Như vậy, chỉ trong 2 ngày giá Bitcoin đã tăng thêm gần 2.000 USD và chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 2.000 USD nữa. Đỉnh của Bitcoin là gần 19.700 USD, lập được vào ngày 17/12/2017 và sau khi chạm mốc này, Bitcoin liên tục bị bán ra và tròn 1 năm sau tạo đáy ở khoảng 3.100 USD. Đến giữa năm 2019, đã có lúc Bitcoin hồi phục lên sát 13.000 USD, nhưng đến tháng 3 năm nay tụt xuống dưới 4.000 USD. So với mức giá hồi tháng 3, Bitcoin đến nay đã tăng khoảng 350%.

Bitcoin tăng giá thời gian gần đây trùng với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi ông Biden nhiều khả năng sẽ vượt qua ông Trump. Các nhà đầu tư tin rằng, Bitcoin có tính chất như một hầm trú ẩn nếu tình hình tài chính thế giới có biến động mạnh. Mặc dù vậy, giới đầu tư cũng tin rằng Bitcoin là loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.