Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.08.2020 – GDP Nhật Bản giảm kỷ lục từ năm 1980 đến nay

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/08/2020    540

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: GDP Nhật Bản giảm kỷ lục từ năm 1980 đến nay

1. Vĩ mô thế giới

GDP Nhật Bản giảm kỷ lục từ năm 1980 đến nay

Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết trong quí 2, GDP nước này suy giảm 7,8% so với quí trước và giảm đến 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm kỷ lục kể từ các thống kê hiện đại về GDP Nhật Bản bắt đầu được thực hiện kể từ năm 1980.

Yếu tố tích cực duy nhất đối với Nhật Bản là các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đang phục hồi nhanh hơn so với Mỹ và châu Âu. Đối với những nước láng giềng như Nhật Bản, điều này có nghĩa là xuất khẩu có thể tăng nhanh trở lại.

Ngay trong tháng 6, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đã quay trở lại ngang mức cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đối với thiết bị viễn thông đã đóng góp lớn cho xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong tháng trước.

Các ‘ông lớn’ dầu khí buông dự án mới vì giá dầu ảm đạm

Ngày càng có nhiều tập đoàn dầu khí lớn ở châu Âu cho biết họ có thể không bao giờ khai thác ở các dự án có trữ lượng dầu mỏ được định giá hàng tỉ đô la Mỹ. Nguyên nhân chính là họ lo ngại giá dầu thấp sẽ kéo dài do tác động của đại dịch Covid-19 và sự chuyển đổi trên thị trường năng lượng.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy nhanh sự chuyển hướng sang năng lượng sạch hơn trên toàn cầu, nhiên liệu hóa thạch có thể rẻ hơn hơn dự báo trong những thập kỷ tới, trong khi đó, chi phí cho công nghệ thu giữ khí thải carbon sẽ ngày càng lớn. Hai giả định đơn giản này khiến một số mỏ dầu không còn tính khả thi kinh tế.

Tập đoàn dầu khí BP (Anh) tuyên bố sẽ không thăm dò dầu khí ở những quốc gia mới. Ngành dầu mỏ toàn cầu đang xoay sở ứng phó với sự chuyển đổi năng lượng, nguồn cung dồi dào và các dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu đã đạt đỉnh khi dịch Covid-19 lan rộng.

Singapore bơm thêm 5,8 tỷ USD cứu kinh tế

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat hôm qua (17/8) thông báo về gói cứu trợ mới cho nền kinh tế trong đại dịch. “Hậu quả của đại dịch với kinh tế là rất nghiêm trọng”, Heng cho biết. Ông đánh giá nền kinh tế toàn cầu “vẫn còn rất yếu” và đà phục hồi này phụ thuộc vào mức độ các quốc gia ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Phần lớn các chính sách trong gói cứu trợ mới với quy mô 8 tỷ đôla Singapore (5,8 tỷ USD) là để gia hạn các chương trình hiện tại. Theo đó, trợ cấp tiền lương sẽ kéo dài thêm 7 tháng, cho đến tháng 3/2021. Những người thất nghiệp, người thu nhập thấp cũng sẽ được hỗ trợ tiền mặt. Con số trợ cấp cụ thể sẽ tùy thuộc vào mức độ phục hồi trong từng lĩnh vực.

Singapore cũng chi thêm 136,5 triệu USD để cứu hàng không. Ngoài ra, nước này cũng dành hơn 230 triệu USD cho chương trình “tín dụng du lịch” nhằm khuyến khích người dân đi du lịch nội địa.

Tập đoàn khai khoáng lớn nhất Australia BHP vừa công bố kế hoạch loại bỏ hoạt động khai thác than nhiệt trên phạm vi toàn cầu, cũng như chấm dứt hoạt động của một số mỏ luyện kim ở bang Queensland của Australia

Giám đốc điều hành BHP, Henry nói triển vọng BHP “từ bỏ” hoàn toàn lĩnh vực than nhiệt – loại than được sử dụng để sản xuất năng lượng – là nhằm hướng tới mục tiêu tái cấu trúc lại hoạt động của tập đoàn, để phù hợp hơn với nhu cầu và môi trường thực tế.

Ông đánh giá triển vọng của than nhiệt như một thách thức và BHP sẽ không sản xuất thêm, vì xác định ưu tiên tăng trưởng cho các mặt hàng gắn liền với sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

2. Vĩ mô trong nước

Việt Nam đã vượt qua Bangladesh về xuất khẩu hàng dệt may, may mặc trong 6 tháng đầu năm 2020

Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh, từ tháng 7 năm 2019 đến tháng 6 năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh là 27 tỷ đô la Mỹ, và xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 30 tỷ đô la Mỹ.

Việt Nam đã vượt qua Bangladesh để trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.

Bangladesh chủ yếu xuất khẩu quần áo giá rẻ. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu quần áo giá cao. Xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh đã giảm 18,12% do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Doanh thu xuất khẩu từ hàng dệt may của Việt Nam cũng giảm 3,09% trong cùng giai đoạn.

Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Chính sách Bangladesh cho biết: “Có nhiều lý do khiến Việt Nam vượt Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc. Điển hình là Việt Nam đã tích cực đa dạng hoá các sản phẩm trong ngành dệt may”.

Thực thi EVFTA, xuất khẩu thủy sản sang EU tăng 10% so với tháng trước

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù làn sóng thứ 2 của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đang có nhiều dấu hiệu lạc quan, một phần do tác động tích cực của Hiệp định EVFTA.

Thống kê sơ bộ cho thấy, dù dịch bệnh Covid-19 đang “nóng” trên thế giới trong đó có Việt Nam, nhưng số lượng đơn hàng từ đầu tháng 8/2020 đến nay sang thị trường EU tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lợi thế của Việt Nam là tôm và mực.

Thép bán ra tháng 7 tăng mạnh do đầu tư công, xây dựng được thúc đẩy

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng, đầu tư công hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng được xem là quốc gia ASEAN duy nhất được dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020. 2 yếu tố này có tác động tích cực đến tình hình sản xuất và tiêu thụ thép trong tháng 7.

Tính riêng trong tháng 7, sản xuất thép các loại trong nước đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 7,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ 2019.

Thép các loại bán ra đạt gần 1,956 triệu tấn, tăng 11,25% so với tháng 6 nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 424,7 tấn, tăng 41,37% so với tháng trước và tăng 16,2% so với tháng 7/2019.

2020 được dự báo là năm có nhiều triển vọng đối với ngành thép. Trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định như CPTPP, EVFTA, ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Hiệp hội Hàng không đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 -  4 năm

Bên cạnh đó, Hiệp hội Hàng không kiến nghị với Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại với những nước đã kiểm soát được dịch bệnh, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không, qua đó cho phép khách du lịch nhập cảnh Việt Nam nếu họ đáp ứng những yêu cầu phòng, chống dịch.

Kéo dài thời gian miễn giảm phí dịch vụ hàng không (quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT) đến hết năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo Bộ GTVT và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70%, ít nhất là 50% thuế bảo vệ môi trường đôi với nhiên liệu bay đến hết năm 2021. Xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc sửa chữa, nâng cấp đường băng, đường lăn Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

3. Các kênh đầu tư

Lãi suất có thể giảm tiếp trong thời gian từ giờ đến cuối năm

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng trì trệ và các doanh nghiệp đang tiếp tục lao đao vì làn sóng Covid-19 thứ 2, NHNN đã ban hành văn bản số 5596/NHNN-VP yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất với cả các khoản vay hiện hữu và vay mới.

Lãi suất tiền gửi sau các đợt giảm mạnh và đồng loạt trong tháng 6, 7 hiện đang chững lại ở mức 3,15-4,25%/năm với kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng; 4,4-6,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng; 5,0-7,3%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.

Giới chuyên gia dự báo từ giờ đến cuối năm, lãi suất có thể giảm tiếp khoảng 0,5-0,7 điểm% ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,2-0,3 điểm% ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.