Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.07.2021 – Lần đầu tiên Việt Nam lọt top 20 thế giới về thu hút vốn FDI

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/07/2021    8988

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/07/2021

1. Thông tin vĩ mô

• Kinh tế giảm tốc, GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7.9%
Trung Quốc công bố nền kinh tế mở rộng 7.9% trong quý II, thấp hơn nhiều so với số liệu quý I và mức dự báo 8.1% của Bloomberg và Reuters.
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động bán lẻ tăng 23% (Q2: 13.9%) và sản xuất công nghiệp tăng 15.9% (tháng 6: 8.3%). Mảng đầu tư tài sản cố định tăng 12.6% lên 25.59 triệu tỷ nhân dân tệ.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc vẫn đang đi đúng quỹ đạo để đạt mục tiêu tăng hơn 6% năm 2021, mức tăng trưởng giảm mạnh cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa không hồi phục như kỳ vọng và hoạt động sản xuất đang chững lại do giá nguyên liệu đang cao kỷ lục và các đợt dịch COVID-19 mới.

• Giá cả hàng hóa tại Mỹ đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong 13 năm trở lại đây
Lạm phát tháng 6 của Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008 trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ và Fed chưa có dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ.
Mức tăng lạm phát cao nhất trong 13 năm sẽ thử thách mức độ cam kết sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed. Với nền kinh tế đang mở cửa trở lại, trong khi nhu cầu tiêu dùng và đi lại tăng mạnh, lạm phát trong thời gian tới của Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng.

• Xu hướng đầu tư: 2021 là năm của ETF
488.5 tỷ USD đã chảy vào các quỹ ETF trong 6 tháng đầu năm, tương đương với 98% tổng số tiền đầu tư vào ETF năm 2020
Kể từ 2013, dòng tiền chuyển dịch sang ETF, tạo khoảng cách ngày càng lớn so với các quỹ tương hỗ truyền thống . Chỉ riêng cho 2020, ETF được 497 tỷ đổ vào, trong khi 506 tỷ bị rút ra khỏi mutual funds
Sự lên ngôi của nhà đầu tư cá nhân giúp ETF trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết nhờ chi phí rẻ hơn, dễ giao dịch hơn và mang lại lợi thế về thuế nhiều hơn so với quỹ tương hỗ truyền thống.

• Lần đầu tiên Việt Nam lọt top 20 thế giới về thu hút vốn FDI
Tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), với tổng số vốn 16 tỷ USD FDI trong năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất thế giới.
Mỹ vẫn là nền kinh tế tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới, đứng thứ hai là Trung Quốc đại lục. Tiếp theo là Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Ấn Độ, Luxembourg, Đức, Ireland, Mexico, Thụy Điển, Brazil và Israel. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 19 toàn cầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 5 bậc so với năm 2019.

2. Kênh cổ phiếu

• Dòng tiền khối ngoại “quay trở lại”
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, khối ngoại bất ngờ trở lại mua ròng hơn 6,500 tỷ đồng trên HoSE từ đầu tháng 7, trái ngược hoàn toàn so với nửa đầu năm khi khối ngoại bán ròng kỷ lục khoảng 35,000 tỷ đồng.
Fubon FTSE Vietnam ETF đã hút ròng tổng cộng khoảng 80 triệu USD (~1.900 tỷ đồng) và giải ngân toàn bộ vào cổ phiếu Việt Nam. Quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF đã lên tới hơn 12 tỷ Đài Tệ, tương ứng hơn 10,000 tỷ đồng và trở thành một trong những quỹ ngoại có quy mô lớn nhất TTCK Việt Nam.
HPG là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF với 11.08%, tiếp theo lần lượt là MSN (9.75%), VHM (9.4%), NVL (8.5%), VIC (8.19%), …
Đây là yếu tố tích cực, góp phần hỗ trợ tâm lý thị trường trong thời điểm giảm sâu.

• Sonadezi Châu Đức (HOSE:SZC): Quý 2 lãi 109 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ
SZC công bố BCTC Quý 2.2021 với những con số rất khả quan. Cụ thể: riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 224 tỷ đồng (+46% YoY) do tăng mạnh doanh thu cho thuê đất và phí quản lý, giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ nên Sonadezi Châu Đức lãi gộp gần 150 tỷ đồng, tăng 68,5% so với quý 2/2020. LNST đạt 109 tỷ đồng (+52% YoY), tương đương EPS đạt 1,094 đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, SZC đạt 403 tỷ đồng doanh thu thuần (+47% YoY), LNST đạt gần 189 tỷ đồng tăng 51,2% so với nửa đầu năm 2020. Năm 2021, SZC đặt mục tiêu doanh thu là 584 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 176 tỷ đồng, lần lượt cao hơn 27% và giảm 5% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy, kết thúc quý 2, doanh nghiệp đã hoàn thành 69% mục tiêu doanh thu và đã vượt 7% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Năm nay, SZC tiếp tục cho thuê đất tại KCN Châu Đức và bắt đầu ghi nhận Doanh thu tại KĐT Hữu Phước.

3. Kênh thu nhập cố định

• Tiền gửi Tháng 7/2021: Chưa có áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn
Nhóm NHTM nhà nước: biểu lãi suất huy động không biến động
Nhóm NHTM cổ phần: SCB giảm lãi suất huy động hầu hết các kỳ hạn 0.1 – 0.2%, các ngân hàng khác không biến động.
Ngày 14/7, NHNN chấp thuận điều chỉnh room tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng từ 3-6% (VPB tăng từ 8,5% lên 12,1%. MB tăng từ 10,5% lên 15%. VCB tăng từ 10% lên 14%).
Đầu quý 3, khoảng 175,000 tỷ đồng sẽ chảy vào hệ thống thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn USD từ đầu năm.
Đánh giá: nguồn cung tín dụng ổn định, thanh khoản hệ thống dồi dào, việc cầu tín dụng suy yếu do dịch cùng với rủi ro lạm phát ở mức thấp sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giữ ở mức thấp.

• Trái phiếu doanh nghiệp: Trái phiếu Bất động sản chiếm tỷ trọng lớn.
Tính đến 09/07/2021, trong tháng 7/2021, có 9 đợt phát hành riêng lẻ TPDN trong nước, tổng giá trị đạt 3,850 tỷ đồng.
Ngành BĐS xếp vị trí số 1 về giá trị phát hành, với 1,830 tỷ đồng, trong đó có CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) 230 tỷ đồng, lãi suất 13%/năm, bảo đảm bằng cổ phiếu PDR.
Các NHTM phát hành 1,420 tỷ đồng, trong đó có 320 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 của VIB.
Đánh giá: TTCK sau khoản thời gian tăng trưởng nóng, hiện đang dao động quanh mức 1300. NĐT có thể thận trọng hơn với cổ phiếu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ điều kiện sẽ phân bổ danh mục và có thể chú trọng quan tâm đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt với khu vực trái phiếu ngân hàng.

4. Kênh tài sản khác

• COVID-19 – cú sốc nặng nề cho thị trường nhà thuê TP. HCM
Biến động tỷ suất lợi nhuận cho thuê nhà chung cư hàng năm tại thị trường TP.HCM hiện chỉ đạt 4%, lần lượt thấp hơn mức 4.5% năm 2020 và kém hơn mức 5.2% năm 2019. Căn hộ cao cấp với suất đầu tư lớn nhưng hiệu suất lợi nhuận cho thuê chỉ đạt 3.7%, thấp hơn tỷ suất sinh lời bình quân của thị trường chung cư.
Dù có giá bán nhà phố gấp 2 – 3 lần căn hộ, tỷ suất sinh lời của nhà phố cho thuê thậm chí đã hạ xuống dưới 2%. Nhà phố tại quận 2 (TP Thủ Đức) có tỷ suất sinh lời từ cho thuê chỉ đạt 1.9% dù đây là khu nhà giàu mới nổi tại TP HCM. Nhà phố tại các quận Tân Phú, quận 9, Bình Thạnh và quận 7 lần lượt ghi nhận tỷ suất sinh lời từ cho thuê dao động trong ngưỡng 2.3 – 2.7%.
Tính đến cuối tháng 6, giá thuê nhà phố mặt tiền, giá thuê phòng trọ đều giảm bình quân 20-30% so với quý đầu năm, có nhiều nơi thậm chí còn giảm đến 50% để hỗ trợ khách thuê mùa dịch.
• Binance Coin (BNB): Cơ chế đốt coin
Binance Coin được hỗ trợ bởi sàn Binance với rất nhiều cặp trao đổi, tính thanh khoản của BNB là rất cao. Đặc biệt, người dùng sử dụng đồng BNB để trả phí sẽ được giảm giá với các mức khác nhau qua từng năm, cụ thể như sau:
– Năm thứ nhất: 0.5%;
– Năm thứ 2: 0.25%;
– Năm thứ 3: 0.125%;
– Năm thứ 4: 0.0675%;
– Năm thứ 5: Không giảm giá.
Binance có kế hoạch đốt đồng BNB vào mỗi quý dựa trên khối lượng giao dịch trên sàn, cho đến khi 50% tổng nguồn cung BNB (100 triệu BNB) bị đốt hết. Tất cả các giao dịch sẽ được ghi lại trên blockchain và cuối cùng, chỉ còn lại 100 triệu BNB sẽ được lưu hành.
Chiến lược tiêu hủy đồng BNB của Binance được cho là cách để hạn chế lạm phát và quan trọng hơn là làm tăng giá nhanh chóng đồng BNB.

5. Câu chuyện đầu tư

• Quỹ đầu tư này có tỷ suất lợi nhuận gấp 2.5x huyền thoại Warren Buffett trong 20 năm qua
Tiger Global
Nếu lấy cổ phiếu Berkshire Hathaway làm thước đo, trong vòng hai mươi năm qua tỷ suất lợi nhuận của Warren Buffett đạt khoảng 10,6%.
Ngược lại, trong vòng 20 năm qua, 2 quỹ của Tiger Global (TG) đạt tỷ suất lợi nhuận lên tới 21% (quỹ Public) và 26% (quỹ Private). Với 25 triệu đô vốn ban đầu, giờ đây TG đã quản lý số tiền lên tới 80 tỷ USD. Cá nhân Chase Coleman, founder của TG hiện có khối tài sản ước tính 10 tỷ đô.
CÂU CHUYỆN DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO? Tại sao lại có sự vượt trội giữa TG vs. Buffett?
Warren Buffett – Berkshire Hathaway: Hầu như không đầu tư vào các công ty công nghệ/Internet,tập trung đầu tư chủ yếu vào các công ty tại Mỹ.
Chase Coleman – TG: Chỉ tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ và Internet, đầu tư trên Toàn cầu, đặc biệt là tập trung đầu tư vào khu vực Châu Á.
Ứng dụng vào đầu tư
1. Việc Warren Buffett không đầu tư vào các công ty công nghệ không có nghĩa là bạn cũng phải máy móc bắt chước. Tùy theo vòng tròn năng lực của mỗi người để lựa chọn lĩnh vực đầu tư.
2. Thế giới ngày càng kết nối, hãy đầu tư với tầm nhìn toàn cầu vì như vậy thì “hòn tuyết” sẽ có quãng đường lăn dài hơn. Tức là doanh nghiệp có thể phát triển lên quy mô lớn hơn.

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0