Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.06.2020 – ADB dự báo kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/06/2020    1881

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “ADB dự báo kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á”

1. Tin vĩ mô thế giới

Kinh tế Mỹ sẽ cần thêm hỗ trợ

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 17/6 cho biết nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu hồi phục sau giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, theo ông Powell, với khoảng 25 triệu người dân Mỹ mất việc làm và dịch bệnh tiếp tục diễn biến đáng quan ngại, nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm sự hỗ trợ.

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ, ông Powell nhấn mạnh Fed cần tiếp tục hỗ trợ cho đến khi nền kinh tế Mỹ chắc chắn vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trước khả năng quá trình thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế có thể cần không ít thời gian, ông Powell nói rằng lãi suất có thể sẽ ở mức gần 0% trong một giai đoạn kéo dài và Fed sẽ tiếp tục mua trái phiếu để giảm chi phí đi vay dài hơn.

Anh muốn gia nhập CPTPP

Anh thông báo sẽ theo đuổi việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). “Hôm nay, chúng tôi thông báo ý định theo đuổi gia nhập CPTPP – một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới”, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cho biết.

Chính phủ Anh cho biết việc gia nhập CPTPP sẽ giúp nước này vượt qua các thách thức do đại dịch gây ra, đa dạng hóa mạng lưới thương mại và đảm bảo lợi ích, duy trì vị thế quốc tế trong tương lai. “Vai trò thành viên CPTPP sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Anh, tăng cường thương mại và đầu tư trên nền tảng quan hệ vững chắc mà chúng ta đang có với các nước CPTPP”, thông báo của Chính phủ Anh cho biết.

Chính phủ Ấn Độ cân nhắc các biện pháp kinh tế chống Trung Quốc

Theo báo Business Standard ngày 18/6, Bộ Công Thương Ấn Độ đang đẩy nhanh các biện pháp nhằm cắt giảm hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và sẽ sớm gửi báo cáo lên Văn phòng Thủ tướng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang cân nhắc các biện pháp kinh tế chống Trung Quốc tiếp sau vụ đụng độ đẫm máu trên biên giới, trong đó có hạn chế Trung Quốc tiếp cận thị trường rộng lớn của quốc gia Nam Á này.

Báo trên dẫn các nguồn tin chính quyền cho hay Chính phủ Ấn Độ đang chuẩn bị sẵn sàng siết chặt hạn chế việc nhập khẩu 371 mặt hàng, từ đồ chơi, đồ nhựa đến đồ thể thao và đồ nội thất với tổng trị giá 127 tỷ USD.

Một quan chức cấp cao nhấn mạnh, một phần lớn trong số này có nguồn gốc từ Trung Quốc và đối với những hàng hóa đó, Ấn Độ sẽ tìm kiếm các mặt hàng nhập khẩu thay thế. Danh sách còn bao gồm các mặt hàng điện tử, dược phẩm, may mặc và tiêu dùng.

Ngoài ra, Ấn Độ sẽ tăng cường giám sát và có thể sẽ cấm các đầu tư từ Trung Quốc, như việc các công ty nước này tham gia các dự án lớn và quan trọng ở Ấn Độ như thị trường mạng 5G.

2. Tin vĩ mô trong nước

ADB dự báo kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất ĐNA

Báo cáo của ADB cho hay hoạt động kinh tế ở khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ giảm 2,7% trong năm nay, trước khi bật tăng lên 5,2% vào năm 2021.

Các nền kinh tế quan trọng tại khu vực Đông Nam Á đa số đều bị dự báo giảm vì các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng và đầu tư trong nước.

Trong số đó, Indonesia được dự báo giảm 1%, Philippines giảm 3,8% và Thái Lan giảm 6,5%.

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng 4,1% trong năm 2020. Mặc dù thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với ước tính được ADB đưa ra hồi tháng Tư nhưng báo cáo cho biết đây là mức tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Việt Nam nên thận trọng, tránh trở thành “sân sau” của Trung Quốc, Hàn Quốc để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay dễ chịu các tác động lớn, tổn thương. Việt Nam là nền kinh tế mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài lớn và tham gia vào hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương (FTAs). Chính vì vậy với nền kinh tế mới mở cửa, quá độ nên rất dễ chịu tổn thương của chính sách từ các nước lớn, các xung đột khu vực và toàn cầu.

Xu hướng chuyển giá trị đầu tư từ các khu vực chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hay giữa Hàn Quốc với Nhật Bản đã tác động nhiều đến sự phân cực của kinh tế thế giới. Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đang tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại, cụ thể là chuyển khỏi Trung Quốc, Hàn Quốc để sang nước thứ 3 nhằm tránh tác động không mong muốn về trừng phạt thương mại.

3. Các kênh đầu tư

Đồng USD suy yếu là cơ hội với thị trường chứng khoán châu Á

Rob Marshall-Lee, Giám đốc quản lý quỹ Newton Investment Management với quy mô 53 tỷ USD cho biết, sự yếu kém của đồng USD trong những năm tới cũng là mặt tích cực đối với thị trường chứng khoán châu Á ngoài những rủi ro kể trên.

Theo ông, các gói kích thích tiền tệ chưa từng có từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể khiến đồng USD suy yếu và thị trường châu Á sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất trong những năm tới.

“Hành động của Fed có thể làm chấm dứt xu hướng tăng giá kéo dài của đồng USD trong nhiều năm qua. Nhân khẩu học và gánh nặng nợ cao sẽ tạo áp lực cho đồng USD. Theo đó, sự tăng trưởng sẽ ở lại với châu Á, hiện tại là Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ và Indonesia”, Rob Marshall-Lee cho biết.

Tỷ phú đầu tư Leon Cooperman cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân đang đầu cơ vào cổ phiếu thông qua các nền tảng như Robinhood sẽ không có kết thúc tốt đẹp

Những người chỉ trích, như tỷ phú Cooperman, cho rằng sự thiếu hụt các hoạt động khác giải trí, do lệnh phong tỏa để ngăn Covid-19 lây lan, và tình trạng thất nghiệp tạo ra môi trường hoàn hảo cho thế hệ nhà đầu tư giao dịch trong ngày (day trader) xuất hiện, “tàn phá” Phố Wall.

“Các sòng bạc đều đóng cửa và Fed hứa sẽ trao tiền miễn phí cho người dân trong hai năm tới, vì vậy, hãy cứ để họ tiếp tục đầu cơ. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, kiểu hành động này sẽ kết thúc trong nước mắt”, Cooperman nói.