Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 19.05.2021 Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hưởng lợi từ làn sóng Covid mới tại Ấn Độ

Nhận định Thị trường hàng ngày 19/05/2021    6308

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 19/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Kinh tế thế giới phục hồi, chuỗi cung ứng chịu sức ép

– Một năm trước, khi đại dịch Covid-19 hoành hành tại nhiều quốc gia, người tiêu dùng không dám mua hàng, song hiện nay, kinh tế thế giới trên đà phục hồi và các doanh nghiệp đang tăng cường tích trữ hàng hóa.

– Các chuyên gia nhận định hoạt động mua và tích trữ của doanh nghiệp đang gây sức ép lên chuỗi cung ứng. Tình trạng thiếu hụt, tắc nghẽn giao thông vận tải và giá cả tăng vọt gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ gây ra lạm phát.

– Nhu cầu đang gia tăng đối với nhiều loại hàng hóa từ kim loại (đồng, quặng sắt, thép), thực phẩm (ngô, cà phê, lúa mì, đậu tương) cho đến các nguyên liệu khác như gỗ xẻ, chất bán dẫn, nhựa và bìa cứng. Tom Linebarger, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của nhà sản xuất động cơ và máy phát điện Cummins Inc., cho rằng khách hàng đang cố gắng mua mọi thứ có thể khi nhận thấy nhu cầu tăng cao.

– Ngày càng có nhiều nhà quan sát cảnh báo rằng lạm phát chắc chắn sẽ tăng nhanh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt với những câu hỏi mới về việc khi nào cơ quan này sẽ tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát. Động thái có thể làm đảo lộn các kế hoạch chi tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một số lý do khiến lạm phát khó vượt khỏi tầm kiểm soát. Quan chức Fed, Lael Brainard gần đây cho rằng các quan chức nên kiên nhẫn vượt qua sự gia tăng nhất thời của lạm phát.

– Các đợt tăng giá lớn gần đây của hàng hóa một phần được cho là do so sánh với mức giảm mạnh của một năm trước và đà tăng này cũng trên một mức nền giá thấp. Hơn nữa, doanh số bán lẻ của Mỹ đã đình trệ trong tháng 4 sau khi tăng mạnh trong tháng trước đó và giá hàng hóa gần đây cũng đã rời khỏi mức cao nhất trong nhiều năm. Do đó vẫn còn khá sớm để lo lắng về việc lạm phát sớm trở lại trên toàn cầu.

• Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hưởng lợi từ làn sóng Covid mới tại Ấn Độ

– Theo số liệu của Thống kê thương mại (VASEP) cho thấy kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 2,5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Từ năm 2020 đến tháng 2, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải trải qua nhiều thách thức do gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu trước ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự phục hồi đã diễn ra trong giai đoạn 2 tháng gần đây, xuất khẩu thủy sản tăng lần lượt 17% và 30% so với cùng kỳ 2020 trong tháng 3 và 4.

– Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm được hưởng lợi từ làn sóng Covid-19 tại Ấn Độ – đất nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới. Ấn Độ sản xuất khoảng 650.000-700.000 tấn tôm trong năm 2020, giảm 30% so với 2019. Làn sóng Covid-19 gần đây ở Ấn Độ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, trái ngược với nhiều dự báo về việc sản lượng sản xuất tôm ở Ấn Độ sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021. Do đó, điều này tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh (Ecuador, Indonesia, và Việt Nam) cải thiện thị phần trong các nước nhập khẩu – đặc biệt là ở Mỹ.

– Việt Nam ghi nhận xuất khẩu tôm tăng 41% về sản lượng và tăng 10% về giá trị so với quý I/2020, có cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ. Với tôm nguyên liệu, giá xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức khá cao so với các đối thủ cạnh tranh (do tỷ trọng tôm sú có giá bán bình quân cao hơn). Giá bán bình quân đối với tôm thẻ chân trắng nguyên liệu vẫn khá ổn định (10 USD/kg), giá bán bình quân trong quý I giảm là do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm để giảm tỷ trọng tôm sú với giá cao hơn. Tỷ lệ doanh thu tôm thẻ chân trắng/tômsú thay đổi từ 87/13 quý I/2020 thành 91/9 trong quý I/2021. Điều này là do tôm sú thường được tiêu thụ trong các kênh nhà hàng và khách sạn vẫn đang đóng cửa một phần do dịch Covid-19.

– Dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, trong đó nhu cầu đối với tôm chế biến đã tăng lên đáng kể. Đây luôn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước Ecuador tại thị trường Mỹ và đối với tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới (EU và Nhật Bản ưa chuộng tôm chế biến). Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu giai đoạn vừa rồi tăng mạnh và chi phí logistic cao nên trong thời gian ngắn thì thì chưa được hưởng lợi, nhưng về dài hạn thì đây sẽ là một lợi thế cho các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam

2. Thông tin Việt Nam

• Hiệp hội Dệt may kiến nghị miễn thuế với hàng nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu

– Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan kiến nghị vướng mắc về chính sách thuế và thủ tục Hải quan theo Nghị định 18/2021. Theo Hiệp hội Dệt may, việc nộp thuế nhập khẩu theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ làm tăng thủ tục hành chính cho không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý để theo dõi, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế.

– Hiệp hội Dệt may kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn (FOB) thay vì khuyến khích gia công.

– Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may cho rằng Nghị định cần làm rõ sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu cần nộp thuế có bao gồm sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng được chỉ định hàng hóa giao từ doanh nghiệp chế xuất, khu phi thuế quan không? Trường hợp nếu có thì có được hoàn thuế nhập khẩu không?

– Dệt may là một mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ngành dệt may đang đứng trước những cơ hội rất lớn từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Và nếu như doanh nghiệp dệt may được sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, thì đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may mang ngoại tệ về cho Việt Nam và thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may phát triển

• Doanh nghiệp FDI tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu

– Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 208,25 tỷ USD, tăng 30,7% với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng 29,6%, tương ứng tăng 23,94 tỷ USD và nhập khẩu đạt 103,31 tỷ USD, tăng 31,8%, tương ứng tăng 24,92 tỷ USD. Với kết quả này, trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước tiếp tục xuất siêu 1,63 tỷ USD.

– Đáng chú ý, trong mức tăng trưởng chung, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt với tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt 145,97 tỷ USD, tăng 34,8% (tương ứng tăng 37,67 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 78,35 tỷ USD tăng 35,3%; nhập khẩu đạt 67,61 tỷ USD, tăng 34,2%. Như vậy, sau 4 tháng cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đã có mức thặng dư lên tới 10,74 tỷ USD.

– Trong 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu, đạt 18,19 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,85 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác xếp thứ ba với 12,17 tỷ USD, tăng mạnh 79,4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 5,39 tỷ USD về số tuyệt đối. Dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 22,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2020, bên cạnh đó là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD vào The CrownX

– Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) và nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba (Alibaba) và Baring Private Equity Asia (BPEA) công bố ký thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX (TCX) với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương với 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

– The CrownX là đơn vị sở hữu 83,74% cổ phần của VCM – công ty sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+, VinEco và 85,71% phần vốn góp tại Masan Consumer Holdings (MCH) – công ty quản lý toàn bộ mảng sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng. Theo số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I, Masan Group sở hữu 84,8% cổ phần The CrownX. Tuy nhiên, Masan Group cho biết đã tăng các khoản vay để tăng cổ phần tại The CrownX và VCM.

– Thông qua giao dịch nói trên, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) – thấp hơn so với định giá khoảng 7 tỷ USD khi mua cổ phần từ Vingroup hay 7,2 tỷ USD từ định giá riêng lẻ của MCH và VCM. Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

– Đồng thời, Masan Group đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với những nhà đầu tư khác trị giá từ 300 – 400 triệu USD vào The CrownX. Giao dịch dự kiến hoàn tất trong năm 2021

• GMD: Triển vọng tích cực hơn cho Gemalink.

– Chúng tôi tin rằng Gemalink sẽ thúc đẩy GMD tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2021 bởi (1) Giai đoạn 1 của Gemalink đã hoàn thành quá trình xây dựng và dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào T5/2021, với hiệu suất sử dụng ước tính là 80-110% trong năm 2021-2023, (2) Giai đoạn 2 của Gemalink sẽ bắt đầu xây dựng vào Q4/2021 và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023 giúp tăng thêm 900.000 TEU vào công suất thiết kế của Gemalink (tổng công suất được nâng lên 2.400.000 TEU/năm). Chúng tôi kỳ vọng Gemalink sẽ hoạt động với công suất tối đa là 110% hiệu suất vào năm 2025, đóng góp 734 tỷ đồng LN ròng và chiếm 51,5% LN ròng của GMD (so với 4,4% trong năm 2021).

– GMD sở hữu hệ thống cảng biển trải dọc chiều dài đất nước với năng lực vượt trội cùng với hệ thống logistics của mình, nhờ đó GMD có thể cung cấp cho khách hàng chuỗi dịch vụ cung ứng đầy đủ. Điều này giúp cho GMD nổi bật hơn hẳn so với các DN cùng ngành. Đặc biệt hơn, GMD sở hữu cảng Gemalink, cảng nước sâu hiện đại nhất ViệtNam với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 250.000 DWT, nằm trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và có vị trí thuận lợi để tận dụng dòng chảy thương mại toàn cầu.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ