Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 18.11.2021 | Chứng khoán SSI trình phương án tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng

Nhận định Thị trường hàng ngày 18/11/2021    79002

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Lạm phát ở Anh cao nhất 10 năm
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh tháng 10 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 3,9% từ giới phân tích. CPI tháng 9 tăng 3,1%. CPI tháng 10 đang gấp hơn 2 lần so với mục tiêu đặt ra bởi Ngân hàng Anh (BOE) và cao nhất kể từ năm 2011, theo Reuters.
– BOE hồi đầu tháng giữ nguyên lãi suất, dù nhà đầu tư kỳ vọng đây sẽ là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất hậu Covid-19. BOE đang theo dõi hàng loạt số liệu quan trọng trong bối cảnh lạm phát vẫn cao, tăng trưởng chững lại và điều kiện lao động thắt chặt.
– BOE hiện dự báo lạm phát tăng hơn nữa, lên quanh 5% vào mùa xuân 2022 trước khi hạ nhiệt về mục tiêu 2% vào cuối năm 2023, khi ảnh hưởng từ giá dầu và khí đốt cao giảm bớt, lực cầu hàng hóa bình thường trở lại.
– Lạm phát trong eurozone tháng 10 lên đỉnh 13 năm, ở 4,1%, do khối đồng tiền chung này phải chịu giá năng lượng cao.

• Xuất khẩu Nhật Bản tăng trưởng kém nhất 8 tháng
– Xuất khẩu của Nhật Bản tăng 9,4% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản hôm nay, thấp hơn so với dự báo tăng 9,9% từ Reuters và mức tăng kém nhất từ tháng 2. Tăng trưởng xuất khẩu của tháng 9 là 13%.
– Tăng trưởng chững lại cho thấy sự nhạy cảm của Nhật Bản với các nút thắt chuỗi cung ứng, đặc biệt gây gián đoạn cho ngành ôtô và phủ bóng triển vọng thương mại.
– Nhập khẩu của Nhật Bản tăng 26,7% trong tháng 10, thấp hơn dự báo tăng 31,9%, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại 67,4 tỷ yên (586,6 triệu USD).
– Kinh tế Nhật Bản suy giảm nhanh hơn dự báo trong quý III do tiêu dùng giảm, chi tiêu doanh nghiệp và xuất khẩu giảm vì ảnh hưởng từ số ca nhiễm Covid-19 tăng và gián đoạn nguồn cung chip, linh kiện.
– Chính phủ Nhật Bản dự báo công bố gói hỗ trợ tài khóa “vài chục nghìn tỷ yên” vào ngày 19/11 nhằm xoa dịu ảnh hưởng từ Covid-19 và hồi sinh nền kinh tế.

2. Thông tin Việt Nam

• Sản xuất và tiêu thụ thép tăng trưởng nhờ “lực kéo” từ đầu năm
– Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa công bố báo cáo về hình thị trường thép Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2021. Theo đó, trong tháng 10/2021, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,87 triệu, tăng 19,36% so với tháng 9/2021 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, sản xuất thép thành phẩm đạt hơn 27,7 triệu tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2020.
– Về tiêu thụ thép các loại, trong tháng 10/2021 đạt 2,67 triệu tấn, tăng 20,55% so với tháng trước và tăng 36,4% so với tháng 10/2020. Lũy kế 10 tháng năm 2021, tiêu thụ thép các loại đạt gần 24,6 triệu tấn, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
– Theo đánh giá của VSA, tính chung 10 tháng năm 2021, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021.
– Về tình hình xuất khẩu thép, trong tháng 9/2021 đạt 1,356 triệu tấn, giảm 11,74% so với tháng trước nhưng tăng 30,71% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt hơn 1,404 tỷ USD tăng hơn 1,58 lần so với cùng kỳ năm 2020.
– Ở chiều ngược lại, trong tháng 9/2021 nhập khẩu thép về Việt Nam đạt xấp xỉ 814 nghìn tấn với kim ngạch khoảng 934 triệu USD, giảm 3,23% về lượng nhưng tương đương trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước giảm 19,55% về lượng nhưng tăng 48,2% về giá trị.
– Theo nhận định của VSA, mặc dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép ống, tôn mạ) của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa, nhưng nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa…), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu.
– Do đó, thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường thế giới và nội địa.
• Kim ngạch thương mại Việt – Mỹ năm nay có thể cán mốc 100 tỷ USD, tăng 200 lần so với năm 1995
– Mới đây nhất, tại diễn đàn thúc đẩy giao thương Việt – Mỹ trong hoàn cảnh mới, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong 25 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng hàng trăm lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên 90,8 tỷ USD năm 2020.
– 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ đạt 73 tỷ USD. Dự báo cả năm nay, kim ngạch này sẽ cán mốc 100 tỷ USD, tăng hơn 200 lần so với thời điểm 1995.
– Năm năm gần nhất, trung bình mỗi năm hàng Việt xuất sang Mỹ tăng 230%, từ Mỹ vào Việt Nam tăng 175%. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ, trong khi nước này cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
– Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid 19, Mỹ có xu hướng đẩy mạnh đàm phán để đầu tư vào các dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: chế tạo chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm.
– Ngoài ra, các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống sang Mỹ, gỗ, da giày, dệt may,… là những ngành ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh những năm qua.
– Theo ông Phạm Quang Vinh – Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ có khả năng cần xem xét thêm một FTA song phương giữa hai nước trên cơ sở hợp nhất những thoả thuận, cam kết đã có. Hai bên cũng cần đẩy mạnh tham vấn trong khuôn khổ hợp tác, đặc biệt là Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để tháo gỡ, giải quyết khúc mắc, tăng cường hợp tác, tiếp cận thị trường của nhau.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Sau phiên giảm điểm phiên hôm trước, nhà đầu tư bước vào phiên sáng ngày 17/11 tương đối rụt rè. Thị trường giao dịch tăng giảm liên tục nhưng chỉ quanh mốc điểm tham chiếu trong nửa đầu phiên sáng. Sau đó VN-Index đã tăng điểm trở lại nhờ vào đà tăng của những cổ phiếu chứng khoán. Nối tiếp đà tăng từ phiên sáng, VN-Index nới rộng lên thêm gần 2 điểm nữa để kết phiên giao dịch ngày với 9,40 điểm tăng, đạt mức 1.475,85 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VIC, PLX, BID và VCB là những mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index, tổng cộng đóng góp hơn 4 điểm tăng. Trong khi đó, HPG cùng với MSN là bộ đôi có tác động tiêu cực nhất lên thị trường.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 213 tỷ đồng. Khối ngoại trên HoSE bán ròng mạnh nhất mã VPB với 112 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng 108 tỷ đồng. VND và NLG đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 93 tỷ đồng và 52 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM đứng đầu danh sách mua ròng với 148 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND tiếp tục được mua ròng 139 tỷ đồng.
– Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là động lực chính giúp thị trường tăng điểm trong phiên chiều nay với hầu hết mã tăng tốt. Cổ phiếu VND tăng hết biên độ, SSI, VCI, SHS hay MBS cũng tăng nhẹ quanh mức 1%.
– Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng nhẹ trong phiên hôm nay, trong đó BID tăng gần 2%, các cổ phiếu khác như VCB, TCB, MBB, ACB, VIB cũng đóng cửa trong sắc xanh nhẹ.
– Nhóm cổ phiếu thép vẫn chịu áp lực bán mạnh trong phiên hôm nay, trong đó HPG giảm 1,15%,và nếu xét cho cả tháng, giá cổ phiếu HPG đã giảm hơn 10%. Các cổ phiếu thép khác như POM, NKG cũng giảm khoảng quanh mức 2%.
– Thị trường tăng điểm trở lại trong phiên 17/11 nhưng thanh khoản lại có sự suy giảm và hiện ở mức dưới trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền đang có sự thận trọng nhất định ở vùng giá hiện tại. Việc thanh khoản suy giảm cho thấy dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự quay trở lại, một phần vì quan ngại sự xuất hiện của một nhịp điều chỉnh giảm, nhất là khi mà nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ đã ghi nhận mức tăng rất lớn trong thời gian ngắn vừa qua.
– Dưới góc nhìn kỹ thuật, vùng giá 1.450–1.460 tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số. Cần lưu ý là phiên giao dịch 18/11 cũng là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30F2111 nên biến động mạnh là có thể xảy ra, nhất là khoảng thời gian cuối phiên.
– Diễn biến hiện tại của thị trường vẫn là khá tích cực và nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại dòng tiền đang luân chuyển khá nhanh giữa các nhóm ngành nên rủi ro ngắn hạn cũng đang lớn dần. Do đó nhà đầu tư nên hạn chế mua mới tại thời điểm này, đồng thời có thể bắt đầu canh chốt lời một phần các cổ phiếu đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Chứng khoán SSI trình phương án tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng
– Chứng khoán SSI dự kiến chào bán xấp xỉ 497,4 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiệu hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 2:1, giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tối đa đạt xấp xỉ 4.974 tỷ đồng. Cổ đông hiện hữu có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu của mình cho người khác trong thời gian quy định.
– Trước đó, tháng 9/2021, công ty đã phát hành gần 218,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán hơn 109,55 triệu cổ phiếu thực hiện quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó vốn điều lệ của SSI tăng lên xấp xỉ 9.848 tỷ đồng, hiện là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường. Đứng thứ 2 về vốn điều lệ trong nhóm công ty chứng khoán là Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) với 5.455,5 tỷ đồng, Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) đứng thứ ba với 4.349,4 tỷ đồng.
– Nếu hoàn tất phát hành toàn bộ số cổ phiếu trên, vốn điều lệ của SSI sẽ đạt gần 15.000 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị thế là công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam. Trong khi CTCK đứng sau là VNDirect với mức vốn điều lệ dự kiến đạt 12.178,5 tỷ đồng sau khi tăng vốn.
– Theo đại diện SSI, việc tăng vốn điều lệ này nhằm bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ. Trong thời gian chưa sử dụng cho vay giao dịch ký quỹ, nguồn tiền sẽ được sử dụng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi để đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
– Quý III, SSI ghi nhận 1.748 tỷ đồng doanh thu hoạt động hợp nhất, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 848,4 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu hoạt động đạt 5.019,8 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.112 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ và vượt 13% kế hoạch cả năm. Hiện SSI cũng là công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường về mảng cho vay ký quỹ, với dư nợ cuối quý III đạt mức kỷ lục 18.100 tỷ đồng.

• Digiworld đặt kế hoạch lãi 177 tỷ đồng trong quý 4/2021
– Theo kết quả từ cuộc họp trực tuyến từ Thế giới Số (DGW), thị phần cao hơn của Xiaomi, đóng góp cả năm từ Apple và nhu cầu laptop tăng cao do làm việc/học tập từ xa đã giúp doanh thu tăng 53% so với cùng kỳ trong 9 tháng vừa qua.
– Các chuyên gia ước tính, doanh thu từ Xiaomi (chiếm khoảng 70% doanh thu từ mảng điện thoai di động của DGW) tăng khoảng 13% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 dù đã giảm hơn 40% so với cùng kỳ tính riêng trong quý 3/2021 do tình trạng gián đoạn liên quan đến dịch COVID-19.
– Theo DGW, thị phần điện thoại di động của Xiaomi đã tăng từ 12%-13% vào đầu năm 2021 lên 17%. Trong khi đó, doanh thu từ iPhone của DGW tăng mạnh hơn 600% so với cùng kỳ và đóng góp 15% vào tổng doanh thu của công ty
– Ban lãnh đạo đặt kế hoạch cho quý 4/2021 với doanh thu đạt 6 nghìn tỷ đồng tăng 49% so với cùng kỳ và Lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng – tăng 79% so với cùng kỳ trong quý 4/2021. Các mục tiêu này tương ứng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 lần lượt đạt 19 nghìn tỷ đồng tăng 52% so với cùng kỳ và 507 tỷ đồng- gấp đôi so với cùng kỳ.
– Ban lãnh đạo cho biết DGW đã ghi nhận doanh thu đạt 2,6 nghìn tỷ đồng vào tháng 10/2021, cho thấy công ty có khả năng hoàn thành hoặc thậm chí vượt kế hoạch doanh thu đã đặt ra cho quý 4/2021.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall