Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 18.08.2021 | Quỹ Korea Investment PE Co Ltd sắp rót 200 triệu USD vào Masan Group

Nhận định Thị trường hàng ngày 18/08/2021    38929

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Sản lượng thép của Trung Quốc thấp nhất 15 tháng
– Sản lượng thép của Trung Quốc trong tháng 7 xuống thấp nhất 15 tháng khi nước này thực hiện cam kết kéo sản lượng năm nay dưới mức năm 2020 để hạn chế ô nhiễm môi trường.
– Cụ thể, theo thông tin từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nước này sản xuất 86,8 triệu tấn thép thô trong tháng 7, giảm 7,6% so với tháng 6 và 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thép trung bình hàng ngày đạt 2,8 triệu tấn trong tháng 7, giảm 11% so với mức 3,1 triệu tấn trong tháng 6. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, Trung Quốc tạo ra 649,3 triệu tấn thép, vẫn cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Kể từ hồi tháng 6, Trung Quốc cử các đoàn đến các địa phương, nhà máy để kiểm tra việc cắt giảm công suất và sản lượng thép. Đồng thời, các đoàn cũng yêu cầu đóng cửa các lò lỗi thời và hạn chế sản xuất tại các nhà máy gây ô nhiễm nặng.
– Trong động thái mới nhất để hạn chế sản xuất thép, giảm thải ra môi trường, Trung Quốc đã tăng thuế đối với một số mặt hàng thép từ ngày 1/8. Theo đó, thuế xuất khẩu đối với gang có độ tinh khiết cao sẽ được nâng lên 20%, từ mức 15% trước đó; đối với ferrochrome sẽ tăng lên 40%, từ mức 20%. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ hủy bỏ chính sách hoàn thuế xuất khẩu đối với 23 sản phẩm, bao gồm một số loại thép cán nguội và thép silic có giá trị gia tăng cao hơn so với thép carbon.
– Các chuyên gia đánh giá nhu cầu thép ở Trung Quốc sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay vì các hoạt động xây dựng chậm lại và nguồn cung chất bán dẫn hạn chế đang gây trở ngại cho ngành sản xuất ôtô.
– Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Năm 2019, nước này sản xuất 1,001 tỷ tấn thép, chiếm 53,5% sản lượng toàn cầu. Năm 2020, sản lượng thép ở nước đông dân nhất thế giới là 1,054 tỷ tấn, chiếm 56,5% sản lượng trên thế giới. Tuy nhiên với động thái này của Trung Quốc thì các doanh nghiệp thép của Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.

2. Thông tin Việt Nam

• Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm tăng hơn 23%
– Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 4,02 tỷ trong tháng 7. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 28,54 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm mặt hàng đạt kim ngạch lớn nhất với 1,03 tỷ USD trong tháng 7, tăng 49,6% so với tháng 6, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 7 đầu năm đạt 6,56 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ, chiếm 23% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo là nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,87 tỷ USD trong 7 tháng, giảm 6,28%, chiếm 20,5% tỷ trọng. Xơ, sợi dệt các loại đứng ở vị trí thứ 3, đạt 1,72 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ 2020.
– Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch một số nhóm mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 145,7%; sắt thép các loại tăng 144,8%; cao su tăng 62,7%; hạt điều tăng 80,2%. Các mặt hàng khác tăng như phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 48,1%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 108,9%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 87,4%; chè tăng 60,6%. Ngược lại, kim ngạch một số nhóm giảm như thủy sản giảm 10,7%; dầu thô giảm 20,9%; xăng dầu các loại giảm 62,3%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ giảm 8,63%.
– Tính chung trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Cùng thời gian trên, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 53,9 tỷ USD.
– Nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang khá cao, việc mà các nước trên thế giới nói chung hay Trung Quốc nói riêng mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại sẽ làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

• Ngân hàng cho vay nhiều nhất lĩnh vực nào?
– Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tới cuối tháng 6, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ở mức hơn 9,78 triệu tỷ đồng, tăng 6,44% so với so với cuối năm 2020. Các hoạt động dịch vụ khác là lĩnh vực chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất gần 38% với hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm trước.
– Theo sau, lĩnh vực thương mại chiếm 23% cơ cấu, với gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8%. Số liệu tài chính các ngân hàng trên sàn chứng khoán công bố cũng cho thấy một số đơn vị tăng giải ngân vào lĩnh vực này, như MSB tăng dư nợ thương mại 35%, lên gần 13.790 tỷ đồng, hay VPBank tăng 21% lên 38.676 tỷ đồng. Một số nhà băng khác như MB, VietCapital Bank, TPBank… tăng 6-12%. Lĩnh vực công nghiệp cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu dư nợ với 19%, ở mức 1,9 triệu tỷ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm – đây cũng là nhóm tăng cao nhất trong nửa đầu 2021. Các nhóm tiếp theo lần lượt là xây dựng, nông – lâm nghiệp& thủy sản tỷ trọng 8-9% dư nợ, cuối cùng là vận tải viễn thông với 3%.
– Kết quả từ cuộc khảo sát của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận định, bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tiếp tục là động lực chính tăng trưởng tín dụng của hệ thống trong 6 tháng đầu năm, cả năm nay và năm sau. Năm 2021, dệt may là lĩnh vực xếp thứ tư, thay lĩnh vực xây dựng được đánh giá tại kỳ điều tra trước và tiếp tục được thay thể bởi lĩnh vực sản xuất đồ ăn, thức uống trong năm 2022.
– Theo các TCTD, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2021 và dự báo tiếp tục “tăng” trong 6 tháng cuối năm ở tất cả các đối tượng, loại tiền, kỳ hạn và lĩnh vực, ngoại trừ nhu cầu tín dụng cho “đầu tư, kinh doanh du lịch” “giảm” trong 6 tháng đầu năm 2021 và được dự báo phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• VHM, SAB “đè” thị trường giảm điểm
– Trong phiên giao dịch 17/08, mặc dù có lúc tăng hơn 9 điểm, tuy nhiên áp lực chốt lời tăng mạnh đã khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm gần 8 điểm, đóng cửa ở mức gần thấp nhất trong ngày ở mức 1,363.09. Thanh khoản thị trường giảm còn 24,479 tỷ đồng từ mức hơn 26,000 tỷ đồng ở phiên 16/08 mức giảm tập trung trong phiên chiều khi thị trường lao dốc. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp với giá trị gần 1,420 tỷ đồng, tập trung bán mạnh cổ phiếu bluechip như VHM, VIC, và HPG.
– Tiêu điểm trong phiên ngày hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngành Thép khi hầu như các cổ phiếu trong nhóm này đều tăng giá khá tốt, có thể kể đến như HPG (+1.9%), HSG (+4.5%), NKG (+5.1%). Bên cạnh đó một số cổ phiếu ngân hàng như VCB, MBB, TPB cũng góp đà tăng của chỉ số. Ở chiều ngược lại cổ phiếu VHM, SAB khiến thị trường giảm điểm.
– Thị trường có phiên điều chỉnh kỹ thuật khi chỉ số VN-Index tiếp cận vùng cản 1,380 điểm, mặc dù độ rộng thị trường kém nhưng thanh khoản phiên này thấp hơn so với phiên 16/08 cho thấy áp lực bán không lớn. Bên cạnh đó, việc các thị trường khu vực đồng loạt giảm sâu, cùng yếu tố khối ngoại không ngừng bán ròng đã tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.
– Trong phiên giao dịch 18/08 tới, áp lực chốt lời có thể khiến chỉ số VN-Index giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,355-1,360 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,345-1,350 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở các vùng giá trên và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục trở lại.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• FPT lãi ròng 7 tháng đầu năm đạt 2.233 tỷ đồng, tăng 16,2%
– Theo thông tin từ CTCP FPT (HoSE: FPT), doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 7 tháng đầu năm đạt 19.002 tỷ đồng và 3.428 tỷ đồng, tăng 19% và 19,8% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận trước thuế tăng từ 17,9% lên 18%. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 2.233 tỷ đồng và 2.467 đồng, tăng 16,2% và 15,7%.
– Tính riêng tháng 7, doanh thu đạt 2.733 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng 13,3% lên 492 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 10,3% lên mức 327 tỷ đồng.
– Năm 2021, FPT đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.261 tỷ đồng và sau 7 tháng, doanh nghiệp này đã hoàn thành hơn 65% kế hoạch năm. Trong 7 tháng đầu năm, doanh thu ký mới của mảng công nghệ đạt 13.452 tỷ đồng, tăng 41,7%. Trong đó, doanh thu ký mới của thị trường nước ngoài đạt 9.602 tỷ đồng, tăng 35,5%.
– Doanh thu và lợi nhuận trước thuế dịch vụ CNTT trong nước đạt 2.987 tỷ đồng và 279 tỷ đồng, tăng lần lượt 48,8% và 182%. Doanh thu dịch vụ CNTT nước ngoài tăng 16%, trong đó doanh thu từ thị trường Mỹ tăng 47%. Ngoài ra, thị trường EU cải thiện mức tăng trưởng doanh thu trong tháng 7, tăng lên mức 35%, giúp tăng trưởng lũy kế đạt 9%. Doanh thu chuyển đổi số cũng tăng tốc đạt mức tăng 33% nhờ đà tăng từ các công nghệ AI/phân tích dữ liệu, điện toán đám mây và Low code. Lợi nhuận trước thuế của mảng giáo dục, đầu tư và hoạt động khác giảm do ghi nhận chi phí từ các hoạt động kinh doanh mới, đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu và một số chương trình học không ghi nhận doanh thu trong kỳ nghỉ hè như tháng 7/2020 (thời điểm học sinh học bù).
– Mới đây, FPT thông báo 17/8 là ngày đăng ký cuối cùng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền tỷ lệ 10% và sẽ chi trả vào ngày 1/9.

• Vinhomes sẽ chi trên 5.000 tỷ đồng để trả cổ tức vào cuối tháng 9
– Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu của Vinhomes là 45% gồm 15% bằng tiền mặt, còn lại là cổ phiếu. Thời gian dự kiến chia cổ tức là cuối tháng 9, đầu tháng 10. Theo đó, Vinhomes giữ nguyên tỷ lệ cổ tức chia 45% gồm 15% tiền mặt (1.500 đồng/cp) và 30% cổ phiếu. Tuy nhiên, số tiền chia cổ tức tiền mặt tăng lên thành 5.024 tỷ đồng và số lượng cổ phiếu phát hành thêm tăng lên thành 1 tỷ cổ phiếu.
– Trước đó, ĐHĐCĐ công ty vào tháng 6 đã thông qua việc chia cổ tức 2020 với 15% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu, dự kiến thanh toán 4.934 tỷ đồng và phát hành là gần 987 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, từ ngày 26/7 đến 11/8, Vinhomes đã bán toàn bộ 60 triệu cổ phiếu quỹ, điều này làm tăng lượng cổ phiếu đang lưu hành dẫn tới phải điều chỉnh phương án trả cổ tức.
– Về tình hình kinh doanh, luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng của Vinhomes lần lượt đạt 41.712 tỷ đồng và 15.629 tỷ đồng, tăng 82% và 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

• Quỹ Korea Investment PE Co Ltd sắp rót 200 triệu USD vào Masan Group
– Trong thương vụ thứ hai vào thị trường Việt Nam, Korea Investment PE đã quyết định đầu tư 200 triệu USD vào Masan Group để nắm giữ 2 – 3% cổ phần. Hiện chưa có thông tin về tổng số vốn Masan Group huy động được trong vòng huy động gần nhất.
– Korea Investment PE có tài sản hơn 50 triệu USD là một trong các quỹ đầu tư trực thuộc Korea Investment Holdings. Thương vụ với Masan Group sẽ đánh dấu khoản đầu tư thứ hai vào thị trường Việt Nam. Trước đó, quỹ Hàn Quốc đã hợp tác với IMM Investment Corp rót tổng cộng 300 triệu USD vào Tập đoàn VinGroup vào năm 2019.
– Sau khi hoàn tất, Korea Investment PE này trở thành nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp theo đầu tư vào Masan Group sau Quỹ huy trí Quốc gia (National Pension Service – NPS), SK Group và IMM Investment Corp.
– Năm 2017, Masan thu về tổng cộng 470 triệu USD từ việc bán cổ phiếu quỹ cho hợp tác giữa SK Group, Quỹ hưu trí quốc gia NPS và IMM Investment Corp. Nhóm nhà đầu tư Hàn Quốc nhận về 9,45% cổ phần Masan từ thỏa thuận này, đi kèm quyền chọn yêu cầu Masan mua lại toàn bộ số cổ phiếu này sau 5 năm với mức giá đã đầu tư là 100.000 đồng/cổ phiếu.
– Tháng 12/2019, Masan Group đã mua lại 83,7% cổ phần VinCommerce từ Vingroup, sau đó bán lại 16,3% số cổ phần này cho SK Group với giá 410 triệu USD trong tháng 4 năm nay. Hiện SK Group đang sở hữu 29,2% cổ phần tại VinCommerce.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0