Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 18.06.2021 Thay đổi lập trường của Fed ảnh hưởng thế nào đến các nước châu Á?

Nhận định Thị trường hàng ngày 18/06/2021    18273

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Thay đổi lập trường của Fed ảnh hưởng thế nào đến các nước châu Á?
– Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 15 – 16/6, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 – 0,25% như dự đoán trên thị trường.
– Fed giảm lãi suất về 0 – 0,25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ ám chỉ có thể tăng lãi suất sớm nhất vào năm 2023. Biểu đồ “dot plot” – gồm các dấu chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên FOMC về lãi suất tại một thời điểm nào đó – cho thấy 11 trong số 18 quan chức Fed cảm thấy cần tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm ít nhất hai lần trong năm 2023. Hồi tháng 3, Fed nhận định không tăng lãi suất ít nhất cho đến năm 2024.
– Dự kiến mới về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế ở châu Á. Một mặt, thay đổi này sẽ làm dịu áp lực đối với một số ngân hàng trung ương lớn trong khu vực, nhưng mặt khác lại đặt ra thách thức đối với những ngân hàng trung ương còn lại.
– Kỳ vọng lãi suất tăng ở Mỹ thường có khuynh hướng hút các dòng vốn khỏi châu Á, khiến các đồng tiền trong mất giá và đẩy lãi suất trong khu vực lên cao hơn. Điều này có thể là tin vui đối với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), bởi hai nước này đang ứng phó với sự tăng giá mạnh không được chờ đợi của đồng nội tệ. Trái lại, ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Indonesia có thể phải đương đầu với một thực tế là không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế từ Covid.
– “Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á sẽ chịu sức ép lớn”, nhà quản lý danh mục Teresa Kong thuộc Matthews International Capital Management LLC nhận định. “Tôi cho rằng tuyên bố ngày hôm nay của Fed đặt ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi vào một vị thế chính sách kém linh hoạt hơn. Họ buộc phải dịch chuyển sang khả năng phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, cho dù nền kinh tế của họ có thể hưởng lợi từ việc giữ lãi suất thấp trong thời gian dài hơn”.
– Phiên bán tháo ngày 16/6 trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ cũng gây áp lực mạnh lên thị trường trái phiếu một số nước ở châu Á-Thái Bình Dương phiên ngày 17/6. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của New Zealand và Australia bị bán mạnh, khiến lợi suất bật tăng.
– Phần lớn các quan chức trong Uỷ ban Thị trường mở (FOMC) của Fed dự báo lãi suất bắt đầu tăng từ năm 2023. Tuy nhiên, thị trường đang tính đến khả năng Fed có thể nâng lãi suất ngay trong năm 2022. Trên cơ sở này, giới đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương New Zealand sẽ phải nâng lãi suất tổng cộng khoảng 0,5 điểm phần trăm trong năm 2022, thay vì mức dự báo nâng 0,32 điểm phần trăm đưa ra trước đó.
– “Các ngân hàng trung ương ở châu Á đang ở trong một cuộc thảo luận về việc nước nào sẽ phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, và trong số đó nước nào sẽ phải hành động trước Fed”, nhà quản lý danh mục Stephen Chang thuộc Pacific Investment Management ở Hồng Kông nói với Bloomberg. Ông Chang cho rằng Hàn Quốc và Australia là hai “ứng cử viên” cho việc tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
– Đối với Ngân hàng trung ương Nhật Bản, sự dịch chuyển của Fed có thể mang lại một số lợi ích. Fed đang gửi đi một luồng gió thuận cho BOJ, bằng cách tạo áp lực cho đồng Yên suy yếu. Tất cả những gì mà BOJ cần phải làm là duy trì chính sách bấy lâu nay để đạt tới mục tiêu lạm phát còn rất xa của họ, một chuyên gia cho biết.
– Đối với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, sự dịch chuyển của Fed cũng có thể là một điều đáng mừng, bởi Bắc Kinh đang chật vật ứng phó với sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ, dòng vốn chảy mạnh vào nước này, và giá hàng hoá cơ bản leo thang. PBOC gần đây đã đưa ra nhiều cảnh báo về kỳ vọng tiếp diễn vào sự tăng giá của Nhân dân tệ. Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng tới 0,8% trong phiên ngày 17/6, trở thành một trong những chỉ số tăng tốt nhất khu vực phiên này.

2. Thông tin Việt Nam

• Tập trung cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp quy mô lớn
– Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 05 tháng đầu năm 2021, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể, các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong 05 tháng đầu năm đều thực hiện trong năm 2020.
– Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong 05 tháng đầu năm 2021, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 03 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty là 151 tỷ đồng.
– Về thoái vốn, lũy kế 05 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 03 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng; thoái vốn tại 09 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng. Số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn trong 05 tháng đầu năm 2021 nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 228 tỷ đồng.
– Theo kế hoạch, số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
– Trong đó, về cổ phần hóa, cần tập trung hoàn thành việc IPO một số doanh nghiệp lớn trong năm 2021 như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Agribank (dự kiến thu 19.847 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ); Công ty mẹ Tập đoàn VNPT (dự kiến thu 30.759 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ); MobiFone (dự kiến thu 9.255 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ).
– Về thoái vốn, Cục Tài chính doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước trong năm 2021 tập trung thực hiện thoái vốn tại Sabeco (dự kiến thu khoảng 40.169 tỷ đồng), Tập đoàn FPT (dự kiến thu về 1.982 tỷ đồng) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (dự kiến thu về 776 tỷ đồng).

• Bộ Công Thương: Giá phân bón tiếp tục leo cao từ giờ đến cuối năm
– Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều nay (17/6), ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, cho biết sau quá trình điều tra, Việt Nam đã áp thuế tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu từ 2017. Việc tăng giá của mặt hàng này ghi nhận kể từ những tháng đầu năm nay. Sau khi thường xuyên theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thấy rằng giá phân bón DAP, MAP tăng phần lớn là do yếu tố bên ngoài. Cụ thể, nguyên liệu sản xuất phân bón và chi phí vận tải đều tăng. Đáng nói, nguyên liệu chính để sản xuất DAP và MAP là lưu huỳnh về đến nhà máy sản xuất (S) tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn lên 280 USD/tấn. Tương tự, giá amoniac (NH3) tăng 31,4%, tương đương mức tăng 102 USD/tấn. Đồng thời, giá vận chuyển cũng tăng 3-5 lần.
– Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá tình hình cung cầu thì thấy rằng riêng nguồn cung mặt hàng MAP và DAP đều đáp ứng đủ cầu. Ví dụ như giá mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu tăng khoảng 150% trong khi đó mặt hàng sản xuất trong nước tăng 130% và cầu không có biến động quá lớn so với những năm trước đây.
– Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn thấy rằng khi hoạt động sản xuất trong nước đối trọng với việc nhập khẩu, mức tăng giá MAP và DAP do trong nước sản xuất thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu. Hiện giá DAP và MAP trong nước được bán với giá 9,5-10,5 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá nhập khẩu là khoảng 14-15 triệu đồng/tấn
– Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình và kiến nghị những giải pháp phù hợp với diễn biến thị trường.
– Đồng thời, tại thời điểm hiện nay, Trung Quốc cũng đang đánh thuế xuất khẩu khá cao với phân ure, ở mức 30% nhằm siết chặt hơn việc xuất khẩu ra nước ngoài vào thời điểm nhu cầu trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung ure từ Đông Nam Á có sản lượng rất thấp do đang trong thời kỳ bảo trì, bảo dưỡng máy móc đã đẩy giá ure trên thị trường thế giới lên mức rất cao. Điều này cũng tạo áp lực nên giá phân ure trong nước. Ngoài ra, “việc sản xuất ure tại Việt Nam chủ yếu bằng hai nguồn là than và khí mà giá hai nguyên liệu này đều đang ở mức cao vì vậy giá phân bón vẫn sẽ leo cao trong thời gian tới

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• PHR trả cổ tức năm 2020 tỷ lệ 45%
– Kế hoạch kinh doanh 2021, PHR dự kiến tiêu thụ 34,000 tấn sản lượng trong năm nay, tăng 7% so với 2020. Giá bán bình quân tăng 13% lên mức 37.62 triệu đồng/tấn. Về phân phối lợi nhuận, PHR dự kiến chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 45%/mệnh giá, đây là mức chia cổ tức cao nhất từ khi niêm yết đến nay của đơn vị này. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 sẽ không thấp hơn 40%.
– Kết thúc quý 1, tình hình kinh doanh chưa có tín hiệu khả quan khi PHR mới đem về 248 tỷ doanh thu Công ty mẹ, giảm 26% so cùng kỳ và chưa tới 12% kế hoạch cả năm. Lãi trước thuế ở mức 26.5 tỷ đồng, giảm 85% so cùng kỳ và bằng 3% kế hoạch năm. Theo đó, PHR lên kế hoạch quý 2/2021 đạt tổng doanh thu Công ty mẹ 282.5 tỷ đồng tương đương hơn 13% kế hoạch năm 2021. Mức lãi trước thuế theo đó kỳ vọng đạt 30 tỷ đồng.
– PHR hiện đang tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý của các dự án với các sở ban ngành tỉnh Bình Dương để sớm đưa và quy hoạch và triển khai đầu tư. Trong đó, dự án Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình mở rộng và dự án KCN DV đô thị Bình Mỹ và Hội Nghĩa đang trình UBND Bình Dương đưa và quy hoạch phát triển KCN tỉnh giai đoạn 2021-2025. Dự án CTCP Thành phố nội thất đã trình UBND tỉnh hồ sơ pháp lý để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương.
– Khoản bồi thường nhận được từ việc chuyển đổi đất cao su sẽ dẫn dắt lợi nhuận năm 2021. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng PHR sẽ ghi nhận 691 tỷ đồng thu nhập bồi thường từ việc chuyển đổi đất cao su sang KCN VSIP III vào năm 2021, tương ứng 80% mục tiêu LNTT mà PHR đề ra cho công ty mẹ.
– Đại hội lần này cũng bầu ông Mai Hữu Tín làm thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2018-2023. Ông Mai Hữu Tín đang đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF), đơn vị chuyên về kinh doanh gỗ nội thất.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0