Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 18.04.2022 – Bất ngờ hai dự án FDI hơn 7 tỷ USD được cấp chứng nhận trong 1 ngày

Nhận định Thị trường hàng ngày 18/04/2022    35927

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/04/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Lạm phát tại Mỹ cao nhất kể từ năm 1981
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo tăng 8,4% từ Dow Jones. Nếu tính CPI lõi và ngoại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI tháng 3 tăng như kỳ vọng 6,5%. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981.
Mức tăng theo tháng đạt 1,2%, nhanh nhất kể từ tháng 9/2005 và cao hơn so với mức 0,8% hồi tháng 2. Tuy nhiên, CPI lõi chỉ tăng 0,3% và ghi nhận mức tăng chậm nhất kể từ tháng 9.
Số liệu lạm phát mới công bố lần đầu tiên tính đến cả tác động kinh tế của chiến sự Nga – Ukraine, ảnh hưởng đến triển vọng toàn cầu và gây lo ngại tăng trưởng giảm tốc khi giá cả gia tăng. Nga là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Cả Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp lớn đối với lúa mì và loại ngũ cốc khác. Số liệu lần này cũng nhấn mạnh tác động của biến động giá hàng hoá, khi giá xăng dầu tăng vọt chiếm hơn 1 nửa mức tăng của CPI tháng 3. Trong năm qua, giá xăng đã tăng 48%, khi tăng tới 18,3% từ tháng 2 đến tháng 3.
Mối lo ngại về việc lạm phát ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế đã khiến Fed trong những tuần gần đây phát tín hiệu sẽ mạnh tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 5, gấp đôi tốc độ hồi tháng 3. Fed dự báo mức tăng lãi suất trong năm nay sẽ ở khoảng 2,4%.

• ‘Kinh tế Nga nguy cơ suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1994’
Ngày 12/4, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Liên bang Nga, cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin dự báo kinh tế nước này đang trên đà suy giảm hơn 10% trong năm 2022, mức suy giảm mạnh nhất của kinh tế Nga kể từ năm 1994.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Chính phủ Nga cho biết Bộ Kinh tế dự báo GDP của nước này sẽ giảm từ 10-15% trong năm nay. Trước đó, Chính phủ Nga dự kiến kinh tế của nước này trong năm 2022 sẽ tăng 3% sau khi tăng 4,7% trong năm 2021. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP của Nga năm 2022 sẽ giảm 11,2%.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Nga đã phải hứng chịu hàng loạt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, trong đó bao gồm đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, cũng như loại một số ngân hàng Nga và Belarus khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. EU cũng thống nhất tước bỏ quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Nga, mở đường cho các mức thuế trừng phạt áp vào hàng hóa của Nga hoặc lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn. Điều đó đã khiến đồng ruble giảm mạnh và lạm phát gia tăng. Kể từ khi xung đột nổ ra, đã có hàng trăm công ty của Mỹ và phương Tây thông báo đình chỉ hoạt động hoặc rút khỏi Nga.
Nga đang trải qua thời kỳ lạm phát cao và chảy vốn, phải xử lý nguy cơ vỡ nợ khi không thể thanh toán do phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt. Nền kinh tế Nga sẽ khó tránh khỏi những tổn hại lớn cả về ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là một ẩn số đối với triển vọng của nền kinh tế Nga trong năm 2022.

• ‘Ác mộng’ cung ứng toàn cầu lặp lại vì cách chống dịch của Trung Quốc
Trong vài tuần qua, Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ đầu của đại dịch hồi năm 2020. Trung Quốc đã phong tỏa hơn 20 thành phố, chiếm khoảng 40% GDP đất nước. Giới quan sát cảnh báo điều này có thể tạo ra “cơn bão hậu cần” như hồi năm 2020 và 2021 do nước nay chiếm hơn 20% nhu cầu thế giới.
Các lệnh phong tỏa tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu từ nhiều góc độ: nhà máy ngừng hoạt động; hoạt động tại cảng gián đoạn và tình trạng thiếu xe tải. Áp lực lạm phát cũng gia tăng với các hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá cước hàng không cũng tăng cao, giá cước vận tải hàng không từ Thượng Hải tới Bắc Âu và ngược lại đã tăng 43% so với mức trước đợt bùng dịch.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 5%, giảm mạnh so với mức 8,1% của năm ngoái và thấp hơn mục tiêu 5,5% của chính phủ. Nếu tiếp tục theo đuổi các chính sách Zero-Covid thì sẽ gây tổn hại hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đồng thời tác động lan tỏa đến phần còn lại của khu vực.
Đợt bùng dịch tại Thượng Hải lần này có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với thế giới, đặc biệt lại diễn ra trong bối cảnh chính trị bất ổn. Một khi mắt xích Trung Quốc bị đứt gãy sẽ tạo hiệu ứng domino. Điều này ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới nên đòi hỏi cũng như cần nhiều chính sách kích thích hơn nữa từ chính phủ.

• Bất ngờ hai dự án FDI hơn 7 tỷ USD được cấp chứng nhận trong 1 ngày
Theo báo cáo ban đầu, trong năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Song trong dự thảo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và tình hình triển khai Kế hoạch năm 2022, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, vốn FDI vào Việt Nam năm 2021 chính xác là 38,85 tỷ USD (tăng 7,7 tỷ USD so với báo cáo trước), tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ trong những ngày ít ỏi còn lại của năm 2021, hai dự án khủng có quy mô tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2021.
Một trong hai dự án là Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị – giai đoạn I (1.500 MW), vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD, là dự án liên doanh của Tập đoàn T&T với nhà đầu tư Hàn Quốc. Mục tiêu của dự án là sản xuất điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và truyền tải vận chuyển điện từ nơi sản xuất đến hệ thống phân phối. Dự án còn lại, trị giá hơn 5 tỷ USD là của một nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tính đến 20/3/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 8,9 tỷ USD, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp nhưng vốn FDI vào Việt Nam tương đối tích cực. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Bước sang năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19. Các ngành liên quan sẽ được hưởng lợi như Bất động sản khu công nghiệp, xây dựng,…..

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Tăng trưởng tín dụng kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng vọt
Lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn ngắn tăng vọt lên trên 2%/năm trong 9 tuần liên tiếp, tăng gấp đôi so với cuối năm 2021 và gấp 5-6 lần so với cùng thời điểm năm 2021. Theo đó, ở các kỳ han dài hơn như 1 tháng, 6 tháng cũng đang tăng dần trở lại.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong quý I tăng 5,04% so với cuối năm 2021 và tương đương với mức tăng 15,9% so với cùng kỳ. Như vậy, quy mô tín dụng đã tăng gần 526.000 tỷ đồng chỉ trong quý I/2022 và hơn 100.000 tỷ đồng chỉ trong 10 ngày cuối tháng.
Thông thường ở nhiều năm trước, quý đầu năm có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá thấp, lượng tiền lớn đổ về sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến thanh khoản ở trạng thái dồi dào và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy vậy, từ đầu năm tới nay, tín dụng bứt tốc mạnh mẽ, thanh khoản ở mức vừa phải, thậm chí một số ngân hàng còn có hiện tượng thiếu hụt cục bộ. Do đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn neo ở mức cao. Dự báo, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ có xu hướng tiếp tục nhích lên trong 6 tháng đầu năm 2022, trước khi thanh khoản bắt đầu ổn định trở lại từ giữa năm do nhu cầu vốn dần hạ nhiệt hơn so với đầu năm.

• Nợ xấu theo nghị định 42 có thể tăng lên 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022
Mới đây nhất, thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã cho biết, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến ngày 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng.
Kết quả xử lý nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ là 148.000 tỷ đồng (chiếm 38,93% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý)
Kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng và VAMC đạt khoảng 77.195 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được xử lý.
Thống đốc cho biết, Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8. Những cơ chế, chính sách thí điểm xử lý nợ xấu nếu không được tiếp tục triển khai có thể dẫn đến kéo dài quá trình xử lý nợ xấu, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng
Theo đó, dự kiến nợ xấu theo Nghị quyết số 42 có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Việc ngân hàng nhà nước tiếp tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 là có thể xảy ra bởi đó là cơ sở pháp lý để xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo Nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch Covid-19.

3. Kênh cổ phiếu

• Cổ phiếu tiêu điểm (CTR, PTB, MWG, VHC)
– CTR công bố kết quả kinh doanh trong quý I/2022
Theo CTR, doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 2.010,6 tỷ đồng (+15% yoy) đạt 23,4% kế hoạch năm đặt ra. LNTT đạt 111,5 tỷ đồng (+23% yoy), đạt 21,5% kế hoạch năm đặt ra. Năm 2021, CTR ghi nhận doanh thu đạt 7.454 tỉ đồng (+17% yoy), lợi nhuận sau thuế đạt 376 tỉ đồng (+37% yoy). Kết quả kinh doanh thuận lợi như vậy là do sự tăng trưởng đến từ 3 mảng hoạt động kinh doanh chính của công ty là (1) Xây lắp đạt mức doanh thu 1.915 tỉ đồng (+19.2% yoy); (2) Vận hành và khai thác đạt 4.186 tỉ đồng (+24.2% yoy); (3) Kinh doanh hạ tầng và cho thuê đạt 201 tỉ đồng (+206% yoy).
CTR có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp, vận hành khai thác hạ tầng viễn thông. Từ năm 2020, CTR mở rộng kinh doanh sang xây lắp và cho thuê hạ tầng viễn thông, đây là động lực tăng trưởng chính của công ty trong tương lai. Điểm nhấn đầu tư của doanh nghiệp bao gồm: (1) Chính phủ đang đẩy mạnh việc áp dụng towerco yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tăng cường chia sẻ hạ tầng; (2) Nhu cầu về đầu tư các trạm BTS (Base Transceiver Station-Trạm thu phát sóng di động) mới để triển khai hàng loạt mạng 5G; (3) Xây dựng dân dụng kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của công ty trong giai đoạn 2022-2025.
CTR là một cổ phiếu phù hợp cho những nhà đầu tư trung và dài hạn. Công ty có mức ROE trung bình 3 năm gần nhất đạt 27.6%, đang giao dịch tại mức P/Efw là 21.1 lần. Trong khi đó, các công ty cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu hiện giao dịch với hệ số P/E 2022 là 25,5 lần.

– FPT – Công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ 2022
HĐQT trình kế hoạch doanh thu hợp nhất 7.250 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện 2021. LNST đạt 632 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện 2021. Năm 2021, doanh thu và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 6.495 tỷ (+159% yoy)và 512 tỷ đồng (42.8% yoy) nhờ: 1) mảng kinh doanh chế biến gỗ đạt 3.437 tỷ đồng (+15% yoy) nhờ xuất khẩu khá tích cực; 2) mảng đá xây dựng, ốp lát chỉ tăng nhẹ đạt 1.446 tỷ đồng doanh thu (+0.7% yoy); 3) khó khăn dịch Covid đã khiến mảng bán và dịch vụ xe ô tô Toyota chỉ đạt 1,011 tỷ đồng, giảm 3,8% cùng kỳ; 4) mảng bất động sản đóng góp mới 521 tỷ đồng từ dự án Phú Tài Residence.
Chúng tôi đánh giá tích cực dành cho PTB nhờ các yếu tố:
+ Mảng xuất khẩu gỗ duy trì sức tăng trưởng 20% trong 2022. Dự án đồ gỗ nội thất tại Phù Cát, Bình Định hoạt động từ quý 2/2021, nâng tổng công suất thiết kế lên 84.050 m3/năm. Trong tương lai, PTB đang tiếp tục đầu tư nhà máy Phù Cát số 3 có thể đi vào hoạt động vào đầu năm 2023 nâng tổng công suất thiết kế lên thêm 21%, đạt 102.050 m3/năm
+ Dự án nhà máy thạch anh mới, công suất 450.000 m3 dự kiến sẽ hoạt động ở mức 80% công suất trong năm 2022, và từ năm 2023 sẽ đạt 100% công suất nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường Mỹ.
+ Sự phục hồi mảng ô tô đi kèm sự phục hồi kinh tế
PTB có mức ROE trung bình 3 năm gần nhất đạt 22.3%, đang giao dịch tại mức P/E fw2022 là 9.5 lần (LNST 2022 dự báo đạt 650 tỷ).

– MWG – Bán 20% vốn Bách Hóa Xanh
MWG chuẩn bị thành lập công ty con có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. MWG sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần mà MWG đang sở hữu trong Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh cho công ty mới thành lập nói trên. Với tổng số cổ phần chuyển nhượng là hơn 1,2 triệu cp, giá trị chuyển nhượng là 12.795 tỷ đồng. Công ty mới thành lập này sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư với tỷ lệ chào bán tối đa là 20%, đối tượng phát hành là những đối tác, nhà đầu tư trong nước, trong khu vực hoặc trên thế giới (ngoại trừ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Việt Nam). Thời gian hoàn tất giao dịch dự kiến là trong năm 2022 – 2023.
Thương vụ thành công sẽ là tin tích cực cho MWG khi có thể đẩy nhanh phát triển BHX hiệu quả trong thời gian tới nhờ:
+ Tăng vốn cho Bách Hóa Xanh để tập trung cho trung tâm phân phối, tài sản cố đinh, công nghệ, kênh bán hàng online cũng như mở rộng chuỗi ra toàn quốc
+ MWG đã gặp khó khăn rất nhiều trong việc giúp BHX có lãi và hành trình này vất vả hơn rất nhiều những gì đã làm được với chuỗi TGDD và DMX, vì vậy công ty có thể có được sự giúp sức từ các đối tác chiến lược để dễ dàng hơn trong việc giúp BHX có lãi trong các năm tới.
MWG có mức ROE trung bình 3 năm gần nhất đạt 30.6%, đang giao dịch tại mức P/E fw2022 là 17.5 lần (LNST 2022 dự báo đạt 6,800 tỷ).

– VHC – Công bố kết quả kinh doanh quý I.2022
Q1.2022, VHC ghi nhận 3.273 tỷ đồng doanh thu, (+83% yoy), đạt 35% mục tiêu doanh thu năm. Trong tháng 3, doanh thu đạt 1.373 tỷ đồng, tăng 96% svck năm trước và tăng 28% so với tháng trước. Năm 2022, VHC sẽ tiếp tục tăng trưởng đến từ việc xuất khẩu các mặt hàng sang các thị trường lớn. Minh chứng bằng việc thị trường Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với 161% lên 651 tỷ đồng, Trung Quốc tăng 71%, châu Âu tăng 27%. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, năm 2022, VHC đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 13,000 tỷ (+43% yoy) và 1,500 tỷ (+35% yoy).
Năm 2022, chúng tôi đánh giá VHC có triển vọng tích cực do (1) VHC là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam với thị phần lên đến 14% toàn ngành. Thị trường xuất khẩu: Mỹ (47% tổng giá trị xuất khẩu), Trung Quốc (12.3%) và châu Âu (12%). (2) Biên LNG thuộc mức cao nhất ngành ở mức 15% – 20%. (3) Chiến lược đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, giảm phụ thuộc vào cá tra. (4) VHC và ANV được áp thuế 0 USD/kg. Những nhà xuất khẩu cá tra khác của Việt Nam đang chịu mức thuế chống bán phá giá chung 2.39 USD/kg
Với việc đã đạt 35% kế hoạch doanh thu trong riêng quý I này, dự báo VHC sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm nay. Dự báo LNST 2022 đạt 1,700 tỷ đồng (+54% yoy), tương đương với P/E fw là 11.2 lần.

4. Kênh tài sản khác

• Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng cao
Chiều 12/04, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, những ngày qua giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng với mức dao động từ 31.000-33.000 đồng/kg (tùy loại).
Ngoài ra, tình hình giá thức ăn, thuốc thủy sản, vật tư đầu vào… đều tăng mạnh sẽ kéo chi phí giá thành nuôi cá tra tăng lên. Do đó, các doanh nghiệp và người nuôi cá cần nhanh chóng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác… nhằm giảm chi phí giá thành, giảm tỷ lệ hao hụt, tăng chất lượng để tăng sức cạnh tranh; đồng thời đáp ứng đa dạng thị trường xuất khẩu trên thế giới, nhất là các thị trường khó tính.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra của cả nước ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Theo dự báo của Bộ NN-PTNT, trong năm 2022, ngành cá tra lên kế hoạch sản xuất với sản lượng cá thương phẩm đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.
Nhu cầu cá tra trên thế giới phục hồi mạnh mẽ giúp doanh số xuất khẩu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Thêm vào đó, các hộ nuôi nhỏ lẻ ngày càng thu hẹp khiến cá tra nguyên liệu tăng cao. Các doanh nghiệp tự chủ được nhiều nguồn cung nguyên liệu cá tra sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ từ xu hướng này.

• Động lực nào cho ngành thép năm 2022?
Ngành thép trong những tháng đầu năm 2022 đã có những chuyển biến tích cực. Giá thép từ thời điểm cuối năm 2021 đến nay đã quay trở lại ở mức cao.
Bên cạnh đó, thép các loại trong nước cũng liên tục tăng giá và dự kiến sẽ vẫn tiếp tục giữ ở mức cao, cho thấy triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2022 vẫn rất tích cực.
Năng lực sản xuất thép trong nước liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2021. Sản xuất thép thành phẩm các loại năm 2021 đạt 33,29 triệu tấn, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt 29,42 triệu tấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2020.
Các doanh nghiệp trong nước đều đạt kết quả kinh doanh tích cực khi cùng có mức tăng trưởng lớn ở kết quả kinh doanh trong năm 2021 so với cùng kỳ. Dự kiến quá trình này sẽ còn tiếp tục trong năm 2022.
Năng lực sản xuất đang tăng cao cùng với sản lượng xuất khẩu thép liên tục tăng trưởng qua các năm sẽ là động lực giúp ngành thép tiếp tục đi lên trong năm 2022.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0