Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 18.01.2022 | Dự trữ khí đốt của Châu Âu giảm xuống dưới 50%

Nhận định Thị trường hàng ngày 18/01/2022    94353

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 18/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Dự trữ khí đốt của Châu Âu giảm xuống dưới 50%
– Theo Hiệp hội Công nghiệp cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, dự trữ khí đốt của châu Âu đã giảm xuống 49,3% tính đến ngày 12/1, trong khi năm 2021, mức này là 63,5%.
– Tuy nhiên, theo Bloomberg, không có gì nguy hiểm khi các bồn chứa sẽ hết sạch vào cuối mùa Đông và người châu Âu sẽ không còn gì. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng khí đốt đang được xoa dịu ở châu Âu nhờ thời tiết tương đối ôn hòa. Có nhiều lo ngại dự trữ dưới mức 50% sẽ vào dịp Năm mới, nhưng thời tiết ấm áp của mùa Xuân đã giúp ngăn chặn viễn cảnh này. Dự kiến, các đợt băng giá sẽ không đến châu Âu trong những tuần tới.
– Tập đoàn chuyên cung cấp khí đốt tự nhiên Gazprom của Nga, cho biết: “Theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, hơn một nửa lượng khí đốt được giao cho các cơ sở dự trữ của châu Âu trong năm ngoái đã được tiêu thụ hết.”
– Điều cần lưu ý rằng lượng lấp đầy các bể chứa ngầm trong năm ngoái chưa bao giờ đạt trên 80%, cao nhất là vào thời điểm tháng 10 và tháng 11/2021 đạt khoảng 77%. Theo Gazprom, dự trữ khí đốt trong các cơ sở của châu Âu hiện đang thấp nhất trong mùa kể từ khi được thống kê.

• Sản lượng thép thô năm 2021 của Trung Quốc giảm 3% từ mức cao kỷ lục do hạn chế xuất nghiêm ngặt
– Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng thép Trung Quốc đã sản xuất năm 2021 là 1,03 tỷ tấn thép thô, giảm 3% so với sản lượng 1,065 tỷ tấn vào năm 2020. Nguyên nhân đến từ việc Bắc Kinh hạn chế ngành công nghiệp sản xuất thép kể từ đầu năm 2021 nhằm duy trì sản lượng thép cả năm không nhiều hơn mức của năm trước để giảm ô nhiễm và phát thải khí nhà kính với mục tiêu sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2030.
– Kể từ tháng 7, việc chính phủ Trung Quốc thắt chặt các biện pháp kiểm soát môi trường cùng với tình trạng thiếu điện bất ngờ đã thúc đẩy giá nguyên liệu thô và khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản, đồng thời gây giảm nhu cầu đối với sắt thép, thu hẹp lại sản lượng sản xuất thép. Trong nửa cuối năm 2021, Trung Quốc sản xuất 470,86 triệu tấn thép thô, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
– Cục thống kê Trung Quốc cho biết, sản lượng thép trong tháng 12 ở mức 86,19 triệu tấn, tăng so với sản lượng 69,31 triệu tấn của tháng 11, nhưng vẫn thấp hơn 6,8% so với tháng 12/2020.
– Các nhà phân tích kỳ vọng, Tết Nguyên đán sắp tới và Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây áp lực lên sản xuất, trước khi tiêu dùng dần tăng lên sau kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó, dự báo cho nhu cầu thép của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ trong năm nay và sản lượng thép thô sẽ giảm khoảng 0,7% so với năm 2021.

2. Thông tin Việt Nam

• Bộ tài chính lấy ý kiến về dự thảo giảm thuế VAT về 8% từ đầu tháng 2/2022
– Vào ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết chính sách miễn, giảm thuế, theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội nêu trên theo quy trình.
– Thứ nhất, về các mặt hàng, Nghị định sẽ giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) kể từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành, bắt đầu từ ngày 1/2/2022, đến hết ngày 31/12/2022, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ như: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
– Về mức giảm, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 8%. Còn cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Viettel Construction (CTR) ước lãi 472 tỷ đồng, tăng trưởng 37% và hoàn thành vượt 34% kế hoạch năm 2021
– Tổng CTCP Công trình Viettel – Viettel Construction (HOSE: CTR) công bố báo cáo kinh doanh ước tính năm 2021 với doanh thu đạt 7.454 tỷ đồng, tăng 17% và lợi nhuận trước thuế đạt 471,7 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty đã vượt 13% chỉ tiêu doanh thu và vượt 34% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
– Trước đó trong 9 tháng đầu năm, Viettel Construction đạt doanh thu 5.464 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 311,8 tỷ đồng. Như vậy trong quý 4, Viettel Construction ước đạt doanh thu 1.990 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 160 tỷ đồng, quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp.
– Với lĩnh vực Vận hành khai thác: Viettel Construction đảm bảo công tác vận hành mạng cáp Tập đoàn Viettel, đối tác CMC, MobiFone (trong nước) và các đối tác tại thị trường nước ngoài. Ngoài ra, công ty mở rộng địa bàn triển khai với Casper, Ferroli, TH True Milk, Ariston, Goldsun.
– Với lĩnh vực Xây dựng: doanh nghiệp ký hợp đồng dự án Phát điện thu hồi nhiệt dư 22 MW Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam dây chuyền 3 (31,9 tỷ đồng); Đàm phán thành công dự án KĐT phía Nam Bắc Giang (CĐT Tuấn Mai, giá trị 255,3 tỷ đồng); Dự án xây dựng trụ sở Quận 1, TP HCM (100 tỷ đồng); Dự án 52 căn liền kề Đất Xanh (90,8 tỷ đồng); Thống nhất với Viettel Post về việc triển khai dự án xây dựng kho logistics.
– Với lĩnh vực Đầu tư hạ tầng cho thuê: Viettel Construction đã triển khai hoàn thành đồng bộ hạ tầng 1.470 trạm BTS năm 2021. Ngoài ra, công ty đã ký hợp đồng với nhà mạng thứ 2 tại 44/93 vị trí.
– Với lĩnh vực Giải pháp tích hợp: Viettel Construction tiếp tục phối hợp với các quỹ SkyX, Cmes tiếp xúc các chủ mái, cụm/khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng điện mặt trời theo cơ chế DPPA (Trong tháng đã tiếp xúc 327 khách hàng).
– Về kế hoạch Sản xuất kinh doanh năm 2022, Viettel Construction đặt mục tiêu doanh thu 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 517,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 10% so với thực hiện năm trước. Với việc Việt Nam sẽ triển khai mạng 5G trong tương lai, CTR sẽ là doanh nghiệp tiên phong được hưởng lợi khi làn sóng 5G được phủ nhờ mảng cho thuê hạ tầng towerco đầy hấp dẫn và tiềm năng.

• POW – lỗ 116 tỷ đồng trong quý IV do sự cố kéo dài tại Nhiệt điện Vũng Áng 1
– Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – Mã: POW), cho thấy tổng sản lượng điện toàn tổng công ty đạt hơn 14,7 triệu kWh, đạt 79% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng điện tại Nhà máy điện Vũng Áng 1 và Nhà máy điện Cà Mau 1&2 chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 5.5 triệu KWh và 4,3 triệu KWh, lần lượt hoàn thành 87% và 67% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng điện chưa đạt kế hoạch là nhu cầu phụ tải trên hệ thống tiếp tục giảm mạnh do tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát trên khắp cả nước năm 2021 vừa qua.
– Doanh thu năm 2021 của POW ước đạt 25.625 tỷ đồng, giảm gần 14% so với năm 2020 và thực hiện 90% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế toàn tổng công ty năm 2021 ước đạt 1.917 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước đó nhưng vẫn vượt 45% kế hoạch năm.
– Như vậy, tính riêng quý IV/2021, Tổng công ty ước đạt 4.658 tỷ đồng doanh thu, giảm 41% so với cùng kỳ. PV Power ghi nhận lỗ sau thuế 116 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 19/9/2021, tổ máy S1 của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố tuabin máy phát trong quá trình khởi động. Hiện tại, các công việc khắc phục và xử lý sự cố vẫn đang được thực hiện nhằm nhằm đưa tổ máy S1 trở lại vận hành trong thời gian sớm nhất.
– Năm 2022, ban lãnh đạo PV Power đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 24.242 tỷ đồng và 743 tỷ đồng, giảm tương ứng 3,4% và 61% so với ước tính năm 2021 do kế hoạch sửa chữa Vũng Áng 1 lâu hơn dự kiến là quý III/2022 trong khi kế hoạch của Bộ Công thương là quý I/2022.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index trong phiên sáng có diễn biến đi ngang và ít biến động, chỉ số dành phần lớn thời gian giao dịch quanh mức tham chiếu và kết thúc phiên sáng với mức giảm nhẹ chỉ 3.44 điểm. Tuy nhiên, thị trường lao dốc phiên chiều khi áp lực bán gia tăng dồn dập, khiến VN-Index ngập tràn trong các mã giảm sàn. Nhiều nhóm ngành từ xanh chuyển sang đỏ chỉ trong một thời gian ngắn, và các cổ phiếu ngành ngân hàng hay dầu khí vốn giao dịch tích cực buổi sáng cũng không tránh khỏi áp lực giảm của thị trường. Khi các cổ phiếu vốn hóa lớn không thể đóng vai trò làm trụ đỡ trong bối cảnh nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục lao dốc và nỗ lực bắt đáy không đủ mạnh, VN-Index đã đánh mất 43.18 điểm, kết phiên giảm sâu về mức 1,452.84 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VHM, GVR, VPB, VIC và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index, khi kéo thị trường giảm đi tổng cộng hơn 11 điểm.
– Về nhóm ngành, nhóm chứng khoán có mức giảm mạnh nhất trong phiên ngày 17/01/2022 khi thông tin tiêu cực liên quan đến việc hoạt động cho vay ký quỹ ở các nhóm cổ phiếu đầu cơ gây ra áp lực bán dữ dội. Ngành xây dựng theo ở ngay sau, với mức giảm trung bình của ngành hơn 6%.
– Khối ngoại phiên giao dịch ngày 17/1 đã mua ròng trên sàn HOSE với giá trị hơn 201 tỷ đồng, bán ròng trên sàn HNX với giá trị gần 42 tỷ đồng.
– VN-Index có phiên giảm mạnh hơn 40 điểm, toàn bộ các nhóm ngành đều đồng loạt đỏ lửa, đặc biệt với việc thanh khoản gia tăng rất mạnh phiên chiều cho thấy áp lực bán đang chiếm ưu thế hoàn toàn trên thị trường. Hiện tượng mất thanh khoản trở nên ngày càng phổ biến rộng rãi trong phiên ngày hôm nay ở các cổ phiếu đầu cơ nóng. Điều này đang phản ánh việc thị trường điều chỉnh lại kỳ vọng khi mặt bằng giá cổ phiếu ở mức cao sau đợt tăng giá mạnh trong thời gian dài, và lượng vay ký quỹ trên thị trường cao, dẫn đến khả năng áp lực call margin tăng mạnh. Nếu xu hướng giảm tiếp tục kéo dài sang những phiên tiếp theo, ngưỡng hỗ trợ sắp tới sẽ là vùng 1,400-1,420 điểm (đỉnh cũ tháng 07/2021). Nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong giai đoạn biến động mạnh, khi rủi ro vẫn chưa kết thúc, và cần kiên nhẫn cho đến khi mặt bằng giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn trở lại.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall