Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 17.11.2021 | ECB không tăng lãi suất vào năm tới bất chấp lạm phát “leo thang”

Nhận định Thị trường hàng ngày 17/11/2021    78357

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 17/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• ECB không tăng lãi suất vào năm tới bất chấp lạm phát “leo thang”
– Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 15/11 đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sẽ không tăng lãi suất từ mức thấp hiện tại vào năm tới, bất chấp tình trạng lạm phát liên tục gia tăng.
– Phát biểu tại phiên điều trần thường kỳ của Ủy ban châu Âu về các vấn đề kinh tế và tiền tệ thuộc Nghị viện châu Âu theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết các điều kiện để kích hoạt việc tăng lãi suất “rất khó có thể được thỏa mãn trong năm tới.”
– Ngân hàng này đã quyết định rằng, việc tăng lãi suất phải phụ thuộc vào các điều kiện của lạm phát. Nếu lạm phát không đạt đến mức 2% trước thời hạn mà ECB đặt ra và duy trì cho tới thời hạn đó, và diễn biến lạm phát cơ bản phù hợp với mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2% trong trung hạn thì ECB sẽ không nâng lãi suất. Bà Lagarde cho biết thêm, triển vọng lạm phát cao trong trung hạn vẫn còn mờ nhạt, do đó khả năng tăng lãi suất là điều không chắc chắn.
– Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện vẫn ở mức cao, đạt 4,1% trong tháng 10/2021. Tuy nhiên, bà Lagarde vẫn bám sát vào nhận định của ECB rằng tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và giá năng lượng tăng cao sẽ giảm bớt vào năm 2022, khiến áp lực tăng giá được cân bằng hơn. Chủ tịch ECB cũng bác bỏ lo ngại về nguy cơ tự hình thành một vòng xoáy lạm phát do mức lương cao hơn và giá cả tăng mạnh.
– Củng cố cho sự lạc quan của bà Lagarde là đà tăng trưởng kinh tế vững chắc trong Eurozone, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này trong quý 3/2021 tăng 2,2% so với quý 2 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

2. Thông tin Việt Nam

• VITAS: Xuất khẩu dệt may hướng tới mục tiêu 43 tỷ USD năm 2022
– Theo thông tin từ buổi họp báo chiều 15/11 về Cotton Day Vietnam 2021, dù TP HCM và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 kéo dài, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả nước trong 10 tháng đầu năm nay vẫn tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 32 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, may mặc đạt hơn 23,8 tỷ USD, vải đạt hơn 2 tỷ USD… Với kết quả trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dự báo trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD/tháng, nâng tổng kim ngạch đạt khoảng 38 tỷ USD trong năm nay. Năm 2020, con số đạt được là 35 tỷ USD.
– VITAS cho rằng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022 và đạt con số 43 tỷ USD. Để thành công với mục tiêu đề ra, theo VITAS, ngành cần bắt kịp xu hướng tiêu dùng trên thế giới. Bên cạnh đó, ngành cũng cần tập trung vào các thị trường quan trọng như Mỹ, khối CPTPP…. Để tiếp tục tận dụng lợi thế từ các thị trường này, việc sử dụng bông và các nguyên liệu đầu vào cần tiếp tục đẩy mạnh.

• Giá cao su xuất khẩu tăng 29%, kim ngạch xuất khẩu tăng 46,5% trong 10 tháng năm 2021
– Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su 10 tháng của năm 2021 đạt 1,49 triệu tấn, đem về 2,47 tỷ USD; tăng 13,9% về khối lượng và tăng 46,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
– Nhìn về thị trường xuất khẩu cao su năm nay, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm thì xuất khẩu sang một số thị trường tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hoà Séc, Canada… Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 68,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
– Dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 12/2021. Tuy cũng là nước trồng cao su lớn, nhưng quốc gia này vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn mủ cao su để bù đắp mức thiếu hụt trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022. Đây được xem là yếu tố giúp giá xuất khẩu cao su Việt Nam duy trì mức cao trong thời gian tới.
– Thông tin từ Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho hay, khai thác cao su thiên nhiên trên toàn thế giới năm 2021 dự kiến là 13,86 triệu tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ dự kiến là 14,166 triệu tấn. Như vậy, số liệu cho thấy thế giới sẽ thiếu hụt 240.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá cao su tăng rất mạnh trong năm nay. Ngoài ra do nguồn cung thiếu hụt, giá dầu đi lên cũng kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp.
– Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam cũng có sự chuyển biến cùng chiều với thị trường thế giới. Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su được hưởng lợi. Cụ thể giá cao su xuất khẩu trong 3 quý đầu năm bình quân đạt 1.669 USD/tấn, tăng hơn 29% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản lượng mủ cao su thu hoạch suy giảm nhưng giá bán ở mức cao đã giúp các doanh nghiệp cao su ghi nhận biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Ngay thời điểm mở cửa phiên giao dịch ngày 16/11/2021 thì áp lực chốt lời đã xuất hiện khiến chỉ số VN-Index giảm sâu hơn 10 điểm. Sau đó chỉ số này nhiều lần hồi về tham chiếu, tuy nhiên lực hồi là chưa đủ để giúp chỉ số tăng điểm. Áp lực bán lần nữa quay trở lại, VN-Index bất ngờ lao dốc và giảm mạnh hơn 17 điểm. Lực cầu bắt đáy ở vùng giá thấp xuất hiện, chỉ số đảo chiều mạnh mẽ trước khi kết phiên sáng. Sang phiên chiều, VN-Index tiếp tục lình xình dưới tham chiếu và tiếp tục có nhịp giảm mạnh về cuối phiên. Kết thúc giao dịch, VN-Index mất hơn 10 điểm, xuống còn 1.466,45 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, HPG, GVR, VHM, GAS là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index. Riêng HPG đã lấy đi gần 2 điểm của chỉ số này. Trong khi đó, BVH, BCM, HVN là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị gần gấp đôi phiên trước và ở mức 211 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND với 266 tỷ đồng. MSN và KBC đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 117 tỷ đồng và 95 tỷ đồng. Trong khi đó, NLG bị bán ròng mạnh nhất với 104 tỷ đồng. HDB và VIC bị bán ròng lần lượt 82 tỷ đồng và 71 tỷ đồng.
– Về nhóm ngành có tín hiệu tích cực nhất trong phiên là nhóm Cảng biển-logistics, trong đó HAH đóng cửa ở mức giá trần, các cổ phiếu khác như GMD tăng 4,2%, TCL tăng hơn 3%, DVP tăng hơn 5%.
– Nhóm vật liệu xây dựng là một trong những ngành giảm điểm mạnh nhất. Trong đó, các cổ phiếu ngành thép như HPG sụt giảm mạnh gần 3%, NKG, HSG cùng giảm trên 1%.
– Phiên giao dịch hôm nay tiếp tục có điểm trừ khá lớn khi lực bán tiếp tục tăng so với phiên hôm qua. Nhóm bị bán mạnh tất nhiên là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vốn đã tăng quá mạnh trong thời gian vừa qua.
– Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu trụ, mà ở đây là nhóm ngân hàng gần như chưa tăng giá trong giai đoạn thị trường vượt đỉnh đã không giảm giá thêm, đóng vai trò làm trụ đỡ cho thị trường. Bên cạnh nhóm ngân hàng có thêm nhóm bảo hiểm. Tuy nhiên, nỗ lực của nhóm ngân hàng là không đủ khi số mã giảm điểm toàn thị trường quá lớn, đặc biệt là 2 nhóm dẫn sóng trước đó là thép và chứng khoán đang yếu dần. Riêng nhóm thép chưa có tín hiệu phục hồi khi giảm giá liên tục các phiên vừa qua.
– Nhịp chỉnh của VN-Index đang được hỗ trợ tại 1.460 điểm và vùng 1.450-1.460 điểm đang đóng vai trò quan trọng cho trạng thái của chỉ số. Diễn biến phân hóa và luân chuyển khá năng động của dòng tiền khiến thị trường hình thành các nhịp trồi sụt nhanh và mạnh trong phiên. Điều này cho thấy, khả năng chỉ số sẽ còn phải trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co trước khi tạo một nền giá ổn định hơn. Do vậy, nhà đầu tư nên chậm lại và đánh giá trạng thái thị trường. Đối với các cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao và đã tăng nhanh, nên đẩy mạnh chốt lời để giảm thiểu rủi ro cho danh mục.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• VND: VNDirect sắp họp Đại hội bất thường bàn kế hoạch tăng vốn khủng trong tháng 12
– CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/12. Theo tài liệu, HĐQT VND sẽ trình cổ đông thông qua phương án chào bán 434,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng với tỷ lệ phát hành 100%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có 1 quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 và/hoặc năm 2022, sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
– Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phiếu sẽ được VND sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động như: cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán (40%); đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường (20%); bảo lãnh phát hành chứng khoán (20%); phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm (20%). Bên cạnh đó, HĐQT VND sẽ trình cổ đông phương án phát hành 347,9 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền dự kiến là 80%. HĐQT có thể điều chỉnh tăng tỷ lệ này nếu nguồn vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm thực hiện cho phép phát hành với tỷ lệ cao hơn. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 và/hoặc năm 2022.
– Ngoài ra, VND còn lên phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán bằng 2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm thông qua Nghị quyết của ĐHĐCĐ. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2021 đến năm 2023.
– Vào đầu quý 3/2021, VND đã hoàn tất đợt phát hành 214,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó vốn điều lệ tăng gấp đôi lên mức 4.349 tỷ đồng. Thương vụ này giúp VND thu về hơn 3.100 tỷ đồng.

• Dệt may TNG lãi tháng 10 tăng 39%, lũy kế 10 tháng vượt kế hoạch năm
– Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) công bố doanh thu tháng 10 đạt 462 tỷ đồng, tăng 27%. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong 6 tháng gần đây và rơi xuống dưới mốc 500 tỷ đồng. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp còn tăng 8,5% lên 67 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống 14,6%.
– Doanh thu tài chính tăng từ 3 tỷ đồng lên 9,6 tỷ đồng, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý cùng giảm. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế tăng 39% lên 24,2 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng, doanh nghiệp dệt may ghi nhận doanh thu tăng 16,7% lên 4.543 tỷ đồng; lợi nhuận ròng tăng 32% lên 193 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, đơn vị thực hiện được 95% chỉ tiêu doanh thu và vượt 10% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
– Dệt may TNG ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 10 tháng qua bất chấp diễn biến dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát mạnh, đặc biệt là khu vực phía Nam khiến ngành dệt may gặp khó. Nguyên nhận là nhờ nhà máy TNG đặt tại tỉnh Thái Nguyên, địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh giúp hoạt động sản xuất duy trì bình thường và có khả năng được hưởng lợi đơn hàng dịch chuyển từ khu vực phía Nam. Đồng thời, doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng nhờ định hướng tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm). Cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam, doanh nghiệp xác định rõ dòng hành mục tiêu là các dòng sản phẩm kỹ thuật, cao cấp.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall