Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 17.11.2020 – Hồi phục sau COVID-19, GDP Nhật Bản tăng trưởng mạnh nhất hơn 50 năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 17/11/2020    569

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 17/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Hồi phục sau COVID-19, GDP Nhật Bản tăng trưởng mạnh nhất hơn 50 năm

Theo báo cáo vừa được công bố sáng ngày 16.11, GDP quý III của Nhật Bản tăng trưởng 21,4% so với quý trước, mạnh nhất kể từ năm 1968. Trước đó các chuyên gia kinh tế chỉ dự báo mức tăng trưởng 18,9%. Đà tăng trưởng mạnh nhất trong hơn một nửa thế kỷ cho thấy kinh tế Nhật Bản đang bước vào con đường phục hồi sau 3 quý suy giảm liên tiếp. Trước cả khi làn sóng Covid-19 thứ nhất ập đến, GDP Nhật Bản đã suy giảm vì tăng thuế doanh thu.

Sự hồi phục chủ yếu được dẫn dắt bởi hoạt động thương mại với Mỹ và Trung Quốc được cải thiện, ngành ô tô khởi sắc và chi tiêu của các hộ gia đình tăng lên do chính phủ quyết định mở cửa nền kinh tế trở lại sau 5 tuần áp dụng tình trạng khẩn cấp. Chính phủ Nhật cũng có chính sách kích cầu du lịch nội địa.

Điểm trừ của quý III là đầu tư của khối doanh nghiệp sụt giảm 3,4%, cao hơn con số dự báo 2,9% được đưa ra trước đó.

Zambia vỡ nợ nước ngoài

Zambia đang chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ đầy khó khăn với các trái chủ nước ngoài sau khi cho biết không thể trả lãi đối với một số trái phiếu châu Âu mà họ đã phát hành. Điều này khiến Zambia trở quốc gia châu Phi đầu tiên bị vỡ nợ nước ngoài kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến.

Việc trái chủ từ chối giảm hoặc hoãn nợ cho chính quyền Zambia đã phủ bóng đen lên cuộc đàm phán tái cấu trúc nợ với hàng loạt chủ nợ của Zambia, từ quỹ hưu trí ở châu Âu cho tới các ngân hàng Nhà nước Trung Quốc. Hiện tại Zambia nợ gần 12 tỷ USD. Những người nắm giữ trái phiếu châu Âu do Zambia phát hành với tổng trị giá 3 tỷ USD đã từ chối yêu cầu hoãn trả lãi trong 6 tháng và giai đoạn ân hạn đối với khoản thanh toán lãi coupon quá hạn 42.5 triệu USD đã chấm dứt trong ngày 13/11, từ đó châm ngòi cho một vụ vỡ nợ.

Zambia đã đưa ra yêu cầu đóng băng phần thanh toán lãi vay như là một phần Sáng kiến tạm hoãn trả nợ của G20 – một thỏa thuận giữa các quốc gia giàu có để tạm hoãn các khoản thanh toán lãi vay đối với các quốc gia nghèo. Chính phủ cho biết họ đang kêu gọi tất cả các chủ nợ nước ngoài, bao gồm cả những người cho vay tư nhân, gia hạn nợ cho Zambia.

2. Vĩ mô Việt Nam

Việt Nam thu về 4.14 tỷ USD từ thị trường Anh trong 10 tháng đầu năm

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Anh đạt 477,25 triệu USD, tăng 1,3% so với tháng 9/2020. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng nhanh chóng.

Trong tháng 10, Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Anh bao gồm: sản phẩm từ sắt thép, tăng 328,63% ở mức 10,09 triệu USD; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 176,61%, đạt 3,96 triệu USD; hàng rau quả tăng 105,19% lên đến 1,5 triệu USD; cao su tăng 234,34%, đạt 234,78 nghìn USD.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, Việt Nam thu về 4,14 tỷ USD từ thị trường Anh, giảm 14,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Điện thoại và linh kiện là các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất (29,82%) trong tổng kim ngạch cả nước, đạt  mức 1,23 tỷ USD, giảm 27,28% so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam sắp xây dựng Kho dữ liệu thương mại quốc gia

Trong khuôn khổ các hoạt động bên lề của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Quốc vụ Khanh Bộ Thương mại quốc tế Anh Greg Hands đã có cuộc họp trực tuyến để trao đổi về việc phối hợp xây dựng kho dữ liệu thương mại quốc gia của Việt Nam.

Cụ thể, kho dữ liệu dự kiến sẽ bao gồm các nội dung chính như: biểu thuế quan, thuế suất tối huệ quốc, thuế suất ưu đãi theo hiệp định ATIGA và các hiệp định khác của ASEAN, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, luật lệ và quy định thương mại, hải quan của các quốc gia, danh sách các doanh nghiệp ưu tiên trong thương mại…

Đáng chú ý, sau khi hoàn thiện, kho dữ liệu sẽ tạo thuận lợi cho thương mại tự do và thị trưởng mở của Việt Nam thông qua tập hợp, cập nhật đẩy đủ thông tin liên quan đến việc xuất nhập khẩu. Ngoài ra, kho còn hỗ trợ doanh nghiệp quốc tế tiếp cận, tra cứu dễ dàng hơn các quy định và luật lệ liên quan đến kinh doanh tại Việt Nam.

Chương trình Thương mại toàn cầu là một trong số các chương trình phát triển quốc tế của chính phủ Anh với tổng ngân sách 150 triệu bảng, được triển khai tại 10 quốc gia đang phát triển với mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại tự do, giảm thiểu tác động của các rào cản thương mại phi thuế quan, từ đó góp phần tăng cường thịnh vượng cho các nước đối tác.

Quốc hội giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% năm 2021

Quốc hội thông qua Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 với những con số cụ thể như sau: mục tiêu GDP năm 2021 tăng trưởng 6%, GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD, CPI khoảng 4%.

Trước đó, một số đại biểu cho rằng, mức tăng trưởng GDP năm tới khoảng 6% là khá cao khi Covid-19 chưa được kiểm soát và đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc 5,5-6%. Có ý kiến khác băn khoăn, tăng trưởng khó đạt mục tiêu 6% nếu Chính phủ tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa khống chế dịch, vừa phục hồi kinh tế. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm tới được xây dựng trên cơ sở ước thực hiện năm nay, đã tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như bối cảnh, tình hình năm tới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá mức tăng trưởng 6% năm tới “còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước”, một phần bởi xuất phát từ mức thấp của năm 2020. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp, cùng với những căng thẳng, diễn biến chính trị khó lường, lãnh đạo Chính phủ cho biết đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau.

Bộ Công Thương đề xuất gia hạn giá FIT điện gió đến hết năm 2023

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các Bộ ngành lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư các dự án điện gió, đề xuất kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió đến hết năm 2023.

Bộ nêu ra các nguyên nhân cụ thể: Sau thời điểm Quyết định 39 có hiệu lực (1/11/2018), hoạt động đăng kí đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất bị ngừng trệ hơn một năm do chưa có các hướng dẫn thực hiện. Nhiều dự án đã được bổ sung quy hoạch vào tháng 12/2019 với công suất 7.000 MW (Nghị quyết 110 của Chính phủ ngày 2/12/2019) cần thời gian triển khai khoảng 2-3 năm trong khi thời hạn hiệu lực còn lại của cơ chế giá điện cố định theo quy định tại Quyết định 39 không đủ để nhà đầu tư triển khai các hoạt động, chuẩn bị và thực hiện xây dựng dự án điện gió.

Việc gia hạn sẽ tác động đối với chi phí huy động điện toàn hệ thống như giảm chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ 1.03 – 1.35 triệu USD/năm trong giai đoạn 2020-2030; phát triển thị trường thiết bị, dịch vụ và vốn đầu tư nước ngoài cũng như thay thế một phần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường.