Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 17.08.2021 | Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán kéo VN-Index chạm mốc 1.370 điểm

Nhận định Thị trường hàng ngày 17/08/2021    35828

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 17/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm tốc
– Theo số liệu chính thức được công bố ngày 16/8, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng thấp hơn nhiều so với dự đoán trong tháng 7 trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu áp lực ngày càng gia tăng.
– Tháng 7, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,3% trong tháng 6 và mức dự đoán 7,8% mà giới chuyên gia đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
– Doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 8,5% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự đoán 11,5%. So với mức tăng 12,1% trong tháng 6 , đà tăng trưởng của tháng 7 giảm tốc đáng kể.
– Đầu tư tài sản cố định tăng 10,3% trong giai đoạn tháng 1-7 so với cùng kỳ năm ngoái, vẫn thấp hơn mức tăng dự đoán 11,3%. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc tăng 12,6%.
– Kinh tế Trung Quốc phục hồi về các mức như thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, đà tăng này đang dần giảm tốc, giữa lúc các doanh nghiệp nước này đang gặp khó khăn với giá nguyên vật liệu thô tăng cao và tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, sự bùng phát của biến thể Delta đang đe dọa đà hồi phục chung của kinh tế Trung Quốc khi hàng loạt các chuyến bay bị hủy và các hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngưng do giãn cách xã hội.

2. Thông tin Việt Nam

• Hàng không tạm thời “ngủ đông”, các hãng muốn được hỗ trợ công bằng
– Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam trong tháng 7 cho thấy số lượng chuyến bay của các hãng giảm kỷ lục so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Như Vietnam Airlines trong giai đoạn từ 19-6 đến 18-7 có số chuyến bay giảm hơn 82% so với cùng kỳ; Vietjet giảm 91,9%; Jetstar Pacific giảm 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tân binh Vietravel Airlines chỉ thực hiện 3 chuyến bay, đếm trên đầu ngón tay so với những tháng trước đó.
– Hàng không và du lịch chịu thiệt hại nặng nề, trực tiếp từ đại dịch Covid-19 kéo dài từ năm ngoái đến nay. Thời điểm này, tất cả các hãng hàng không đều đang chờ gói cứu trợ từ ngân sách để có thể duy trì hoạt động của hãng trong giai đoạn khó khăn này.
– Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, kiến nghị nhà nước cần nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ cho toàn bộ các doanh nghiệp hàng không, nhằm tạo sự công bằng cũng như duy trì sức cạnh tranh. Hiện Vietravel Airlines và Vietjet Air đã xin đề nghị được ưu đãi lãi suất thấp để sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại sau giai đoạn dịch Covid-19. Đến nay, mới chỉ có Vietnam Airlines được giải ngân 4.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại, nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỉ đồng.
– Số liệu cho thấy chỉ riêng tháng 5 và tháng 6 năm 2021, doanh thu ngành hàng không Việt Nam giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 100% so với năm 2019. Trong khi để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày. Tính tới tháng 6-2021, nợ ngắn hạn của 3 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways) ước tính lên tới 36.000 tỉ đồng, cho thấy viễn cảnh xấu nhất với các hãng hàng không ngày một trở nên khó tránh khỏi nếu như không có các cơ chế hỗ trợ sớm được đưa ra.

• ‘Sức mạnh’ gói mỳ thời đại dịch: Năm 2020, người Việt tiêu thụ hơn 7 tỷ gói mỳ ăn liền, đứng thứ 3 thế giới
– Theo số liệu của Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới (WINA), năm 2020, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 7,03 tỷ gói mì ăn liền, đứng thứ 3 sau Trung Quốc/Hong Kong và Indonesia. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ mỳ ăn liền cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ lại không cao như Việt Nam.
– Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ mỳ gói của người dân trên toàn thế giới tăng mạnh. Nhu cầu dùng loại thực phẩm này năm 2020 đã tăng 14,79% so với năm 2019. Đáng chú ý, theo thống kê của WINA, sức tiêu thụ mỳ gói tập trung chủ yếu ở thị trường châu Á, nhất là khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Khu vực này hiện đang chiếm 56,45% tổng tiêu thụ mỳ ăn liền toàn cầu năm 2020. Bên cạnh đó, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia là 5 thị trường tiêu thụ chính, khiến Đông Nam Á chiếm 25,24% nhu cầu mỳ ăn liền.
– Philippines là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ mỳ ăn liền cao trong khối ASEAN, khoảng 16,10%, do người dân thường mua dự trữ thực phẩm dễ dàng nấu chín bởi thường xuyên đối mặt với thiên tai.
– Doanh thu của mỳ ăn liền này dự kiến tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026. Trong giai đoạn 2021-2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm có thể đạt 6%/năm.
– Ngoại trừ Việt Nam, mặc dù là thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng nhu cầu hàng năm tại châu Á vẫn tương đối khiêm tốn, dưới 17%. Báo cáo nhận định, dự kiến châu Âu là thị trường có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cao nhất giai đoạn 2022-2026, từ 15-50%.
– Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, tỷ lệ tiêu thụ mỳ ăn liền nội địa đã tăng 67%. Hiện Việt Nam đang có khoảng 50 công ty sản xuất mỳ ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán kéo VN-Index chạm mốc 1.370 điểm
– Nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng trần cùng sự nhập cuộc của dòng bank đã giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 1.370 điểm, cùng thanh khoản tăng vọt, vượt 27,5 nghìn tỷ đồng chỉ tính trên sàn HOSE. Dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường ngày càng mạnh mẽ là động lực giúp chỉ số có nhiều cơ hội để retest lại đỉnh cũ trong thời gian tới.
– Ngày hôm nay các mã trụ trở lại vị thế tích cực hơn, đặc biệt là dòng cổ phiếu ngân hàng nếu như trong tuần trước vẫn còn được nhận định là “khá yếu, phục hồi chậm hơn thi trường” thì hôm nay đã có mức tăng giá khá tốt có thể kể đến các mã như TCB, MBB, VPB. Ở chiều ngược lại thì cổ phiếu VHM bị chốt lời khá mạnh sau thông tin VIC đăng ký bán ra cổ phiếu này. Bên cạnh đó các cổ phiếu Midcap cũng có dấu hiệu bị chốt lời ngắn hạn trong phiên hôm nay.
– Sự trở lại của cổ phiếu nhóm trụ một mặt giúp VN-Index chinh phục được ngưỡng 1.370 điểm là đỉnh của đợt sóng hồi 3 tuần qua, đồng thời mở ra hy vọng chỉ số này sẽ sớm trở lại đỉnh mọi thời đại ở ngưỡng 1.420 điểm. Mốc điểm được tạo ra nửa đầu năm bởi chính nhóm cổ phiếu trụ dẫn dắt thị trường.
– Mặc dù vùng 1.370-1.380 điểm vẫn đang là vùng cản đối với VN-Index, nhưng với dấu hiệu dòng tiền khá mạnh mẽ, chúng ta có thể kỳ vọng nhịp tăng của thị trường sẽ nhanh chóng được nới rộng sau ít thời gian rung lắc tại vùng này. Do vậy, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục và nương theo nhịp tăng của thị trường. Đồng thời tiếp tục xem xét tham gia mua ngắn hạn tại các cổ phiếu có tín hiệu tích cực và nền giá tốt, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển dịch sang nhóm này.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• MWG giảm cổ tức năm 2020 bằng tiền xuống 5% để đảm bảo dòng tiền kinh doanh
– Nghị quyết HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa thông qua thay đổi tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền thành 5%, tương đương 1 cổ phiếu nhận được 500 đồng. Dự kiến, MWG sẽ chi trả hơn 237 tỷ đồng để thanh toán cổ tức cho cổ đông.
– Việc giảm tỷ lệ cổ tức bằng tiền nhằm ưu tiên đảm bảo dòng tiền kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài và phúc tạp. Tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt mới giảm so với mức 10% được thông qua hồi tháng 7. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, cổ đông doanh nghiệp đã thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ tối đa 15%, tỷ lệ cụ thể do HĐQT quyết định và cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 50%.
– Công ty vẫn giữ nguyên phương án cổ tức bằng cổ phiếu qua việc phát hành gần 237,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 50%. Vốn điều lệ doanh nghiệp dự kiến tăng lên 7.131 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2020 là ngày 31/8, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 30/8. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền dự kiến là 13/9.
– 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần công ty tăng 12% lên 62.487 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 2.551 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, nhà bán lẻ thực hiện 50,4% chỉ tiêu doanh thu và 53,7% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
– Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) đóng góp lớn nhất với tỷ trọng 53%; theo sau là chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) với 25%; chuỗi Bách Hóa Xanh mang về hơn 21% tổng doanh thu. Nguồn thu từ chuỗi Bluetronics tăng mạnh nhất 281% nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 0,3% trên tổng doanh thu.
– Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp đã phải tạm đóng cửa gần 2.000 cửa hàng TGDĐ/ĐMX vào thời điểm cuối tháng 7 nên kết quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng thời gian tới.

• SSI chốt quyền thưởng và chào bán cho cổ đông gần 329 triệu cổ phiếu
– CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) thông báo sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2021 vào ngày 9/9.
– Theo đó, phương án thưởng cổ phiếu thực hiện theo tỷ lệ 6:2 (cổ đông sở hữu 6 cổ phiếu được nhận 2 cổ phiếu mới). Tổng khối lượng dự kiến phát hành tối đa là hơn 219 triệu cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm 2021.
– Phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu được thực hiện theo tỷ lệ 6:1 (cổ đông sở hữu 6 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu mới). Khối lượng phát hành tối đa là gần 109,6 triệu cổ phiếu, thời gian thực hiện trong năm 2021. Giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị vốn huy động gần 1.096 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được sẽ bổ sung vốn kinh doanh nhằm nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ. Thời gian nhận đăng ký mua từ 17/9 đến 7/10. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ 17/9 đến 7/10.
– Như vậy, công ty dự kiến phát hành tối đa gần 329 triệu cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến được nâng từ hơn 6.573 tỷ đồng lên thành gần 9.860 tỷ đồng.
– Bên cạnh đó, kế hoạch của SSI còn có việc chào bán riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu với giá chào bán không thấp hơn bình quân giá đóng cửa 10 phiên liền trước ngày HĐQT quyết định phê duyệt phương án phát hành chi tiết, với mục tiêu tăng cường năng lực tài chính cho công ty để đáp ứng mục đích sử dụng vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang tăng trưởng nóng và nhu cầu cho vay ký quỹ ngày một cao.

• KKR đăng ký bán gần 32 triệu cổ phiếu VHM, không còn là cổ đông lớn của Vinhomes
– Viking Asia Holdings II PTE. LTD, tổ chức liên quan tới KKR vừa ra thông báo đăng ký bán 31,96 triệu cổ phiếu Vinhomes (VHM). Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 19/8 đến 17/9/2021 thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thị giá VHM hiện khoảng 120.000 đồng/cp, ước tính quy mô bán ra hơn 3.800 tỷ đồng.
– Hiện tại, KKR đang nắm giữ 185,84 triệu cổ phiếu VHM, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,5% vốn điều lệ VHM. Nếu giao dịch diễn ra thành công, KKR sẽ chỉ còn nắm giữ 153,88 triệu cổ phiếu VHM, tương ứng tỷ lệ 4,6% và không còn là cổ đông lớn. Trước đó, KKR đã mua vào 185,84 triệu cổ phiếu VHM vào ngày 15/6/2020.
– Cũng trong ngày 16/8, Tập đoàn VinGroup đã đăng ký bán ra gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes, tương ứng 3% vốn điều lệ trong khoảng thời gian dự kiến từ 19/8 đến 17/9/2021. Tính theo giá hiện tại, VinGroup sẽ thu về khoảng gần 12.000 tỷ đồng từ giao dịch trên.
– Gần đây, Vinhomes đã hoàn tất bán ra 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ, giao dịch diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 26/7 đến 11/8. Giá giao dịch bình quân 108.637 đồng/cp, như vậy ước tính Vinhomes thu về khoảng 6.518 tỷ đồng sau giao dịch trên; lãi hơn 970 tỷ đồng so với mức giá mua vào hồi cuối năm 2019.
– Về tình hình hoạt động, quý 2/2021, VHM ghi nhận doanh thu 28.725 tỷ đồng, tăng 75%; lãi ròng đạt 10.232 tỷ đồng, tăng tới 198% so với cùng kỳ 2020 – mức lợi nhuận theo quý quý xếp thứ 2 trong lịch sử của VHM, sau kỷ lục ghi nhận hồi quý 4/2020. VHM vẫn đang đi đúng kế hoạch và nhiều khả năng sẽ tiếp tục một năm 2021 kinh doanh ấn tượng.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0