Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 17.06.2021 Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018

Nhận định Thị trường hàng ngày 17/06/2021    16380

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 17/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá dầu thô đang ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2018
– Giá dầu thô thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại đà tăng khi tiếp tục vượt lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Trong phiên ngày 16/6, giá dầu Brent đạt 74.3 đô, trong khi giá dầu thô WTI đạt 72.3 đô.
– Giá dầu tăng mạnh trong phiên vừa qua do thông tin sản lượng dầu thô dự trữ ở Mỹ giảm đến 8.5 triệu thùng trong tuần trước, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1 năm nay và cao hơn nhiều so với mức dự báo 3.3 triệu thùng.
– Theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ – EIA, nhu cầu nhiên liệu máy bay ở Mỹ dự kiến đạt 1,47 triệu thùng/ngày trong quý 3, tăng từ 1,13 triệu thùng trong quý 1 và cao hơn 50% so với một năm trước do hàng không Mỹ đã khôi phục nhiều chuyến bay và bước vào mùa hè du lịch cao điểm.
– Hơn nữa, các khu vực ở Mỹ và toàn cầu đang đẩy nhanh tốc độ mở cửa kinh tế trở lại, như 2 bang California và New York đã thông báo mở cửa toàn bộ hoạt động kinh tế trở lại. Tổng GDP của 2 bang trên lên tới 5,100 tỷ USD, tương đương với mức GDP của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tại EU, Pháp và Ý đã gỡ đa số các hạn chế về hoạt động kinh tế và xã hội, với dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trở lại chỉ trong vài tuần tới.
– Để kiềm chế mức tăng quá đà của giá dầu, nhóm OPEC và các nước đồng minh đã dần tăng sản lượng trong thời gian vừa qua, với kế hoạch tăng 350.000 thùng/ngày sản lượng dầu vào tháng Sáu và thêm 450.000 thùng/ngày nữa bắt đầu từ tháng Bảy, trước khi tiếp tục nâng thêm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 8. Tuy nhiên, những nỗ lực tăng sản lượng chưa có dấu hiệu đáp ứng được nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu khi tốc độ phục hồi và mở cửa nền kinh tế ngày càng nhanh.

• EU phát hành đợt trái phiếu trị giá 20 tỷ euro cho quỹ phục hồi hậu COVID-19
– Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã huy động được 20 tỷ euro (khoảng 24 tỷ USD) đầu tiên cho quỹ phục hồi quy mô lớn nhằm giúp các nước thành viên trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho biết số tiền huy động thông qua việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm nhằm tài trợ cho quỹ phục hồi mang tên EU Thế hệ tiếp theo, với lãi suất 0.1%.
– Dự kiến đến cuối năm nay, EU sẽ phát hành 100 tỷ euro trái phiếu và tín phiếu với mục đích tài trợ và cho vay các quốc gia thành viên EU đang phục hồi nền kinh tế sau COVID-19.
– Đối mặt với đại dịch COVID-19 hồi năm ngoái, EU đã đưa ra quyết định lịch sử là gộp nợ chung – được chia sẻ giữa các thành viên EU nhằm giảm chi phí đi vay cho các thành viên yếu hơn – để tài trợ cho gói phục hồi trị giá gần 750 tỷ euro. Trong gói hỗ trợ này, 500 tỷ euro sẽ được chi dưới dạng tài trợ cho các nước và 250 tỷ euro dưới dạng các khoản tín dụng.
– Trong 500 tỷ euro dành cho tài trợ, 310 tỷ euro sẽ được đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi kinh tế số và kinh tế xanh. EU hy vọng khi sản lượng của châu Âu tăng lên sau một năm thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 và phong tỏa, quỹ phục hồi trên sẽ thúc đẩy chi tiêu vào các tòa nhà cách nhiệt, giao thông đường sắt, điểm sạc xe điện và Internet tốc độ cao. Mỗi kế hoạch quốc gia phải phân bổ ít nhất 37% các khoản tài trợ cho các biện pháp cải thiện môi trường hoặc chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, 20% khác trong các khoản tài trợ này sẽ phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế kỹ thuật số, nhằm tạo sự năng động và chuẩn bị đầy đủ cho tương lai sau đại dịch.

2. Thông tin Việt Nam

• Ngành vận tải hàng không không còn nhiều thời gian, Vietnam Airlines đứng bên bờ vực phá sản
– Báo cáo về tình hình phát triển doanh nghiệp trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thị trường vận tải hàng không đang trải qua giai đoạn tồi tệ hơn bao giờ hết.
– Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) ước tính năm 2020 các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Nghiêm trọng hơn, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết khiến doanh thu của ngành giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020 (thời điểm sát Tết năm 2020 dịch chưa bùng phát), khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp cũng suy giảm và tiến tới sát giới hạn mất khả năng thanh toán.
– Các hãng như Bamboo Airways, Vietjet Air, mặc dù đã nỗ lực tối ưu hóa khai thác và chuyển nhượng tài sản, cũng như tận dụng các dự án đầu tư tài chính tích lũy từ trước, đang dần hết nguồn lực về tài chính khi Vietjet mới đây ước tính đang thiếu 10,000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
– Nguy hiểm hơn, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đang đứng bên bờ vực phá sản. Dự thảo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết dự kiến lỗ của quý I của Vietnam Airlines sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
– Nếu không sớm được hỗ trợ, không chỉ Vietnam Airlines mà toàn bộ hãng hàng không ở Việt Nam sẽ phải đối mặt với quyết định tồi tệ nhất của doanh nghiệp. Hiện tại, các doanh nghiệp hàng không đang trông chờ vào cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho vay tín dụng trong năm 2021-2023 như kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh và cầm cự cho đến khi dịch COVID-19 được khống chế hoàn toàn. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

• Qua 5 tháng đầu năm, giải ngân vốn vay ODA cả nước chưa được 2%
– Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 5, số vốn nước ngoài mà các địa phương đã giải ngân chỉ hơn 1.100 tỉ đồng, bằng 1,73% dự toán. Đáng lo ngại hơn, 37 tỉnh, TP chưa giải ngân đồng vốn nào, điển hình như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn…
– Vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng.
– Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các khâu từ nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát đều thực hiện chậm hoặc phải tạm ngưng.
– Ngoài ra, theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, các dự án vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng; chậm thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng. Ngoài ra, một số dự án chậm tiến độ lại phải điều chỉnh dự án, liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện dự án, cơ cấu vốn, vốn dự phòng làm cho quá trình thực hiện dự án kéo dài.
– Dưới góc độ địa phương, thủ đô Hà Nội mới giải ngân vốn ODA của TP 551 tỉ đồng, tương đương 7,03% kế hoạch sau 5 tháng. Đặc biệt, một số gói thầu của dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, dự án Nhà máy Nước thải Yên Xá có thiết bị phải nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản đều chưa thể hoàn thành do dịch COVID-19.
– Giải ngân vốn vay nước ngoài chậm vốn là nhược điểm nhiều năm qua, song năm nay càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng bởi đại dịch. Chính phủ cần sớm xem xét đưa ra chính sách cho phép các chuyên gia nước ngoài liên quan đến các dự án trong nước được nhập cảnh với các điều kiện phòng chống dịch chặt chẽ kèm theo, đồng thời cần thảo luận với các nhà tài trợ để xem xét một số chính sách cấp vốn đặc thù để triển khai dự án và đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Gilimex: Xác định chuỗi khu công nghiệp là chiến lược từ năm 2021, tiếp tục rót 180 tỷ đồng cho dự án tại Vĩnh Long
– CTCP SXKD XNK Bình Thạnh Gilimex thông qua nghị quyết góp vốn vào Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long với tổng số cổ phần sở hữu 18 triệu đơn vị, tương đương 180 tỷ đồng (chiếm 30% vốn điều lệ).
– Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long được thành lập vào tháng 4/2021, vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập gồm CTCP KCN Gilimex (sở hữu 65% vốn với 39 triệu cổ phần), Gilimex (nắm 30% vốn), CTCP XNK và Đầu tư Thừa Thiên Huế sở hữu 5% còn lại.
– Chuỗi khu công nghiệp là một trong những chiến lược của GIL và dự kiến ghi nhận từ năm 2021. Theo kế hoạch Công ty công bố, Gilimex sẽ làm ít nhất 5 khu công nghiệp, với kế hoạch mới nhất là dự án Khu công nghiệp Gilimex Quảng Ngãi trên diện tích 730 ha.
– Trước đó, công ty Gilimex cũng tham gia thành lập CTCP Khu công nghiệp Gilimex vào tháng 11/2019, vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó công ty là cổ đông sáng lập và sở hữu lớn nhất với 51%. Dự kiến, công ty sẽ thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Phú Bài 4 tại Thừa Thiên – Huế với quy mô 461 ha và tổng mức đầu tư 2,600 tỷ đồng.
– Mới đây, Gilimex thông qua tờ trình phát hành riêng lẻ 16,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, tương đương mức tăng vốn 168 tỷ đồng, nhưng chỉ ở mức 35,000 đồng/cổ phiếu, mức giá rất thấp so với thị giá của cổ phiếu GIL trên thị trường. Mặc dù là một trong số ít doanh nghiệp dệt may ghi nhận tăng trưởng năm 2020 nhờ mặt hàng xuất khẩu cho đối tác Amazon và IKEA, 2 đơn vị lớn trên thế giới với doanh thu chủ yếu từ bán hàng trực tuyến, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ gần đây của Gilimex là một điểm cần chú ý khi có thể gây rủi ro lợi ích cho nhà đầu tư.

• ĐHCĐ PVT: Trình lại phương án thoái vốn nhà nước, giữ quan điểm giảm về 36%
– Tổng công ty Vận tải Dầu khí PV Trans đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2021 qua phương thức trực tuyến. Năm 2020, PVTrans gặp nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19 và giá dầu biến động mạnh. Tuy nhiên doanh thu vẫn ghi nhận 7.730 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế thu về 830 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019 nhưng vượt 92% kế hoạch năm. Với kết quả trên, PV Trans sẽ chia cổ tức tiền mặt 10%, tương đương với số tiền gần 324 tỷ đồng.
– Sang năm 2021, tổng công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 6.000 tỷ, giảm hơn 22% so với năm ngoái. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 404 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ (năm ngoái kế hoạch 433 tỷ đồng). Tỷ lệ chi trả cổ tức cho năm 2021 dự kiến cũng giảm về mức 5%. PV Trans cũng đang trình lại với Chính phủ phương án giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước về 36%. Hiện tại, 45% cổ phần của PV Trans đang được nắm giữ bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN.
– Báo cáo tại đại hội, Tổng giám đốc Phạm Việt Anh cho biết thời gian tới còn nhiều biến động, đặc biệt là Covid-19 và biến động giá dầu. Doanh nghiệp cũng có các cơ hội để đầu tư với mục tiêu đổi mới đội tàu lên 34 chiếc.
– Kết quả kinh doanh ước 6 tháng ước đạt 3.500 tỷ đồng doanh thu, thực hiện 60% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước tính đến nay ước đat 420 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ và thực hiện 84% kế hoạch năm. CEO Phạm Việt Anh tin tưởng kết quả này sẽ tạo đà tăng trưởng 10 năm liên tiếp cho tổng công ty.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0