Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 17.03.2021 – Bài học đầu tư từ huyền thoại Bill Miller

Nhận định Thị trường hàng ngày 17/03/2021    2039

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 17/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Chính quyền Biden dự định thực hiện đợt tăng thuế lớn nhất kể từ 1993

– Không giống như gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD, sáng kiến mới – mà được dự kiến sẽ là còn lớn hơn thế – sẽ được tài trợ bằng những nguồn khác chứ không chỉ phụ thuộc duy nhất vào nợ chính phủ. Mặc dù tăng thuế rõ ràng là 1 con đường, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết ít nhất thì một phần gói cứu trợ mới sẽ được chi trả bằng cách tăng thuế. Những cố vấn chủ chốt đang chuẩn bị đề xuất một loạt biện pháp bao gồm tăng cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với những người có thu nhập cao.
– Dưới đây là một số chi tiết đang được xem xét:
+ Tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%
+ Giảm ưu đãi thuế cho nhóm doanh nghiệp pass-through (tạm dịch là những doanh nghiệp mà thu nhập của doanh nghiệp sẽ chảy vào túi nhà đầu tư và chủ sở hữu, do đó thu nhập của DN cũng được coi là thu nhập của nhà đầu tư và chủ sở hữu), ví dụ như các công ty trách nhiệm hữu hạn.
+ Tăng thuế đánh vào các cá nhân có thu nhập hơn 400.000 USD
+ Mở rộng phạm vi đánh thuế bất động sản
+ Nâng thuế thặng dư vốn đối với các cá nhân có thu nhập ít nhất 1 triệu USD/năm.
– Đảng Dân chủ sẽ cần đến ít nhất 10 nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ kế hoạch mới để có thể được Thượng viện thông qua. Tuy nhiên các thành viên đảng Cộng hòa đang phát tín hiệu họ đang chuẩn bị “chiến đấu” chống lại kế hoạch này. Nghị sĩ Kevin Brady gọi dự định nâng thuế thặng dư vốn là 1 “sai lầm khủng khiếp về mặt kinh tế”.

Eurozone chủ trương không siết chặt chi tiêu để bảo vệ đà phục hồi

– Bộ trưởng Tài chính các nước khu vực đồng Euro (Eurozone) chủ trương sẽ không siết chặt chi tiêu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp diễn tại châu lục này, đồng thời nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các nước trong khu vực là giải quyết vấn đề nợ công tăng cao. Trong cuộc họp trực tuyến ngày 16/3, bộ trưởng tài chính 19 nước Eurozone nhất trí cho rằng việc giảm chi tiêu quá sớm có thể kiềm chế khả năng phục hồi kinh tế.
– Người đứng đầu Eurogroup, kiêm Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho rằng các nước cần đoàn kết và hợp tác trong nỗ lực chung bảo vệ thị trường việc làm, doanh nghiệp và công dân trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Giống như nhiều nơi trên thế giới, châu Âu đang trải qua thời kỳ suy thoái lịch sử do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Châu lục này cũng đang nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng vốn gặp nhiều khó khăn do hạn chế nguồn cung. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Tài chính Eurogroup tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ kinh tế của các nước bằng sự hỗ trợ tài chính ở mức cần thiết.

2. Tin tức Việt Nam

Xuất khẩu thép tăng kéo theo nhiều kiện tụng

– Tổng cục Hải quan vừa thông tin tổng kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 2 đạt 10,23 tỷ USD, tăng 2,9% so với những ngày đầu tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt hơn 48,7 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như điện thoại các loại & linh kiện tăng 201 triệu USD, sắt thép các loại tăng 179 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 157 triệu USD.

– Kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 2 của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 7,91 tỷ USD, tăng hơn 5% so với những ngày đầu tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2 lên hơn 37 tỷ USD, tăng hơn 32%, chiếm gần 76% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.

– Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nửa cuối tháng 2 đạt gần 11,4 tỷ USD, tăng 23% so với nửa đầu tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt hơn 47,1 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ 2020. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 299 triệu USD, tiếp đến là chất dẻo nguyên liệu tăng 177 triệu USD, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng thứ 3, đạt 164 triệu USD.

– Kim ngạch nhập khẩu nửa cuối tháng 2 của doanh nghiệp FDI đạt hơn 7,5 tỷ USD, tăng 18% so với nửa đầu tháng, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 2 lên hơn 31,5 tỷ USD, tăng hơn 30%, chiếm gần 67% tổng giá trị nhập khẩu cả nước.

– Nhìn chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa cuối tháng 2 đạt 21,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với nửa đầu tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2 lên 95,85 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, cán cân thương mại thặng dư 1,64 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm.

Xem xét ngừng xuất khẩu để tăng nguồn cung phân bón phục vụ trong nước

– Trước tình hình giá phân bón tăng mạnh trong 3 tháng qua, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất ngừng xuất khẩu phân bón trong cuộc họp với Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam và lãnh đạo 3 doanh nghiệp sản xuất phân bón DAP, MAP vừa diễn ra tại Hà Nội.
– Ông Trung đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tăng tối đa công suất sản xuất phân bón DAP, MAP và cho biết sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ xem xét tạm dừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước với giá bán hợp lý nhất.
– Ông Trung cho biết thêm: để thực hiện đúng các quy định quản lý nhà nước, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục cùng với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì thuế tự vệ đối với phân bón. Thực tế hiện nay giá sản xuất phân bón DAP, MAP trong nước đang rẻ hơn so với phân bón nhập khẩu rất nhiều.
– “Chúng ta nhìn thấy rõ lợi ích của thuế tự vệ này mang lại là cơ hội để nâng cao năng lực của các nhà máy sản xuất phân bón của Việt Nam, qua đó giúp chủ động nguồn cung phân bón, một mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất trong nước” – ông Trung khẳng định

3. Câu chuyện đầu tư

Bài học đầu tư từ huyền thoại Bill Miller (kỳ 1)

Sự kết hợp phong cách đầu tư từ Ben Graham, Warren Buffett, John Williams và Charlie Munger tạo nên nhà đầu tư xuất chúng mang tên Bill Miller.

Giống như nhà đầu tư giá trị thuần túy Benjamin Graham, Miller ngó lơ sự thay đổi thất thường của ‘Ngài thị trường’. Hay như huyền thoại đầu tư giá trị Warren Buffett, Miller tìm kiếm lợi thế cạnh tranh đặc biệt của một doanh nghiệp (franchise value) và đó cũng là lý do ông rót vốn vào Amazon. Giống với John Burr Williams, Miller sẵn sàng dự đoán khi tính toán các con số, nhưng cũng tin rằng những con số không nói cho bạn biết tất cả mọi thứ cần thiết trước khi mua cổ phiếu. Tương tự với Charlie Munger, Miller tìm kiếm ý tưởng đầu tư ở khắp mọi nơi”.

Đó là cách Janet Lowe miêu tả về huyền thoại đầu tư giá trị Bill Miller trong cuốn sách “The Man Who Beats the S&P”

Bill Miller là nhà đầu tư duy nhất đánh bại S&P 500 trong 15 năm liên tiếp và sẽ đi vào lịch sử như một trong những nhà đầu tư giá trị vĩ đại nhất.

Trong năm 2019, quỹ Miller Value Partners – do Bill Miller vận hành – là một trong những quỹ đầu cơ đạt hiệu suất cao nhất trong lịch sử với 119.5%. Bạn không nhìn nhầm đâu và dĩ nhiên, hiệu suất này đánh bại mọi chỉ số.

Bài viết này sẽ đào sâu vào chiến lược của Bill Miller, cách thức ông xem xét các ý tưởng mới, cũng như những suy nghĩ của ông về biên an toàn và giá trị nội tại của doanh nghiệp. Ngoài ra, bài viết cũng đề cập tới những nguyên tắc giúp Miller trở thành một trong những học viên sắc bén nhất của trường phái đầu tư giá trị.

5 nguyên tắc cơ bản hình thành cách tiếp cận của Bill Miller

Quy trình đầu tư của Bill Miller tập trung vào 5 nguyên tắc cơ bản:

  1. Định giá
  2. Time Arbitrage
  3. Đi ngược với đám đông
  4. Theo hướng phi truyền thống
  5. Linh hoạt

Trong đó, hai nguyên tắc cuối (phi truyền thống và linh hoạt) mang lại sự đặc trưng trong phong cách đầu tư của Bill Miller.

Phi truyền thống: “Trí tò mò, tư duy thích ứng và sáng tạo là những mảnh ghép quan trọng trong quy trình đầu tư của chúng tôi. Đội ngũ chúng tôi sử dụng nhiều nguồn lực phi truyền thống, chẳng hạn như các tạp chí học thuật và khoa học… Việc kết hợp các yếu tố đầu vào phi truyền thống trong quá trình đầu tư và nghiên cứu cho phép chúng tôi xem xét các doanh nghiệp và tình huống từ những góc nhìn mà những người khác không có”.

Linh hoạt: “Các giới hạn, về định nghĩa, luôn luôn gây cản trở tới quá trình đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Chiến lược của chúng tôi mang đặc trưng là không bị gò bó vào khuôn khổ, mỗi chiến lược đều cố gắng tối đa hóa tỷ suất sinh lời dài hạn (đã điều chỉnh rủi ro) cho nhà đầu tư”.

Dòng tiền tự do mới là yếu tố quan trọng hơn hết thảy

Trong cuộc phỏng vấn với Motley Fool vào năm 2016, Miller trình bày ngắn gọn quan điểm của bản thân về định giá như sau:

“Giá trị của khoản đầu tư là giá trị hiện tại của dòng tiền mặt tương lai, vì vậy đó là yếu tố quan trọng nhất đối với chúng tôi. Hãy lưu ý tăng trưởng không phải lúc nào cũng tạo ra giá trị. Một công ty có thể tăng trưởng, nhưng nếu không thể thu về nhiều hơn chi phí sử dụng vốn thì tăng trưởng sẽ hủy hoại giá trị. Để tăng trưởng tạo ra giá trị, một công ty phải thu nhiều hơn chi phí sử dụng vốn”.

Theo ông Miller, tỷ suất dòng tiền tự do (free cash flow yield) là thước đo hữu hiệu nhất trong quá trình định giá:

Tỷ suất dòng tiền tự do = dòng tiền tự do/vốn hóa thị trường (FCF/market cap)

Chúng tôi cố gắng tìm ra giá trị nội tại của bất kỳ doanh nghiệp nào, tức giá trị hiện tại của dòng tiền tự do tương lai. Bên cạnh sử dụng tất cả thước đo định giá dựa trên kế toán truyền thống như P/E, dòng tiền mặt, giá trị sổ sách…, chúng tôi còn đi xa hơn thế bằng cách cố gắng đánh giá tiềm năng tạo dòng tiền tự do trong dài hạn của một doanh nghiệp thông qua phân tích những thứ như mô hình kinh tế dài hạn, chất lượng tài sản, ban quản lý và lịch sử phân bổ vốn của một doanh nghiệp. Chúng tôi cũng xem xét nhiều kịch bản khác nhau.

Nhìn chung, tỷ suất dòng tiền mặt tự do (FCF/Market Cap) là thước đo hữu hiệu nhất với chúng tôi. Nếu một công ty thu về nhiều hơn chi phí sử dụng vốn, tỷ suất dòng tiền tự do cộng với tăng trưởng sẽ đại diện khá tốt cho tỷ suất sinh lợi kỳ vọng hàng năm.

Theo Miller, tỷ suất dòng tiền tự do cộng với tăng trưởng là một đại diện tốt về tỷ suất sinh lợi kỳ vọng của một cổ phiếu. Một công ty với dòng tiền mặt dương và giá cổ phiếu bị giảm mạnh sẽ có tỷ suất dòng tiền tự do cao (FCF/Market Cap). Vì giá cổ phiếu đã giảm mạnh, tỷ suất sinh lợi hàng năm (nếu công ty vẫn duy trì dòng tiền tự do dương) sẽ bằng tỷ suất dòng tiền tự do cộng với tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh.

Vậy, điều này áp dụng ra sao trong quá trình đầu tư? Ông Bill Miller sẽ lọc ra các công ty có tỷ suất dòng tiền tự do ít nhất 6% và đây là điểm khởi đầu để ông xem xét các yếu tố khác.

Xét cho cùng, mục tiêu của ông Bill Miller khá đơn giản: Tìm kiếm những công ty có tỷ suất dòng tiền tự do có thể vượt ngưỡng 6-8% của thị trường và cứ nắm giữ miễn là những nhận định của bạn về công ty đó vẫn đúng.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.