Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 16.09.2021 | Xuất khẩu sắt thép lập kỷ lục 1.5 tỷ USD nhờ thị trường Mỹ và châu Âu

Nhận định Thị trường hàng ngày 16/09/2021    53183

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/09/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Kinh tế Trung Quốc suy yếu, doanh số bán lẻ giảm tốc
– Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu trong tháng 8/2021 khi hàng loạt biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động đi lại ngay mùa cao điểm du lịch. Điều này càng làm triển vọng của Trung Quốc thêm ảm đạm ngay khi các biện pháp kiểm soát bất động sản bắt đầu tác động tiêu cực tới kinh tế.
– Doanh số bán lẻ giảm tốc mạnh, chỉ tăng trưởng 2.5% so với cùng kỳ, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 15/09. Con số này quá thấp so với dự báo tăng 5.8% của các chuyên gia kinh tế. Các khoản đầu tư cho tài sản cố định trong 8 tháng đầu năm vẫn khớp với dự báo, tăng trưởng 8.9%. Tỷ lệ thất nghiệp giữ nguyên ở mức 5.1%.
– Ngay trước khi biến chủng Delta bùng phát từ cuối tháng 7/2021, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu, qua đó chi tiêu tiêu dùng vẫn chưa thể trở lại mức trước dịch. Gần đây hơn, đợt kiểm soát của Chính phủ trên thị trường bất động sản và dịch vụ giáo dục đã đè nặng tâm lý của người tiêu dùng.
– Khi rủi ro kinh tế ngày càng tăng, các nhà quyết sách cũng đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và cam kết tận dụng tốt hơn trái phiếu chính quyền địa phương. Nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong vài tháng tới, sau đợt cắt giảm tháng 7.
– Các biện pháp kiểm soát dịch đã dẫn tới sự suy yếu của doanh số bán và chi tiêu cho dịch vụ trong tháng 8, khi nhiều người ngừng đi nhà hàng và mua sắm, đồng thời cũng hủy các lịch trình nghỉ lễ. Trong tháng 8, lĩnh vực dịch vụ thu hẹp lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020.

• Động thái mới của Trung Quốc tác động đẩy dự báo giá Quặng sắt giảm 30%
– Theo Fast Markets, giá quặng 62% Fe nhập khẩu vào miền Bắc Trung Quốc ở mức 123,8 USD/tấn ngày 13/9 giảm 4,6% so với phiên đóng cửa ngày 10/6. Trong khi đó, quặng sắt tương lai tại Singapore giảm khoảng 45% so với tháng 5 – thời điểm giá quặng cao kỷ lục.
– Với mục tiêu bảo vệ môi trường, Trung Quốc cam kết điều chỉnh sản lượng thép năm nay không cao hơn 2020, trong đó mới nhất là động thái với tỉnh Vân Nam.
– Giá mặt hàng này giảm sau khi chính quyền tỉnh Vân Nam yêu cầu các nhà máy thép phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất để giảm sản lượng. Vân Nam vốn là tỉnh chiếm khoảng 2,3% sản lượng thép thô của Trung Quốc. Cùng với các động thái đối với các công ty thép, Vân Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất nhôm phải giữ sản lượng từ tháng 9 đến tháng 12 bằng hoặc thấp hơn tháng 8. Tỉnh này cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất xi măng giảm 80% so với tháng 8.
– Trước những diễn biến về giá quặng và các chính sách của Trung Quốc, ông Justin Smirk, chuyên gia kinh tế cao cấp của tổ chức tài chính Australia Westpac đánh giá: “Rõ ràng đã có sự thay đổi về lượng trên thị trường khiến chúng tôi phải điều chỉnh dự báo giá cuối năm nay giảm khoảng 30% từ 175 USD/tấn xuống còn 125 USD/tấn “.

2. Thông tin Việt Nam

• Xuất khẩu sắt thép lập kỷ lục 1.5 tỷ USD nhờ thị trường Mỹ và châu Âu
– Trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 1.53 triệu tấn sắt thép với tổng trị giá gần 1.5 tỷ USD, tăng 33.8% về lượng và 35.2% về giá trị so với tháng trước. So với cùng kỳ, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2.5 lần và cũng là tháng cao nhất từ trước đến nay. Đặt lên bàn cân so sánh, xuất khẩu sắt thép trong tháng 8/2021 gần tương đương với 1 quý cao điểm của năm 2020.
– Tính đến hết tháng 8/2021, cả nước xuất khẩu 8.54 triệu tấn sắt thép với trị giá đạt gần 7.1 tỷ USD, tăng 43.4% về lượng và 127% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
– Đà tăng của xuất khẩu sắt thép đến từ sự tăng trưởng vượt trội của thị trường Mỹ và châu Âu. Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1.43 triệu tấn sắt thép sang thị trường EU (tăng 7.5 lần so với cùng kỳ) và 540 ngàn tấn sang thị trường Mỹ (tăng 4 lần so với cùng kỳ).
– Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường khác bị chững lại. Xuất khẩu thép sang ASEAN đạt 2.7 triệu tấn, gần bằng với cùng kỳ, Trung Quốc đạt 1.8 triệu tấn, giảm 13.2%.
– Cũng trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 7.73 tỷ USD sắt thép từ thị trường nước ngoài, trong đó tháng 8 chiếm 0.93 tỷ USD. So với cùng kỳ, nhập khẩu sắt thép 8 tháng đầu năm tăng gần 43%.

• 10 DN xuất khẩu cá tra không bị áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ
– Theo tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 17 (POR17) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2019 đến ngày 31/7/2020 đối với cá tra, basa của Việt Nam.
– Trong 63 doanh nghiệp dự kiến được rà soát ban đầu, DOC đã hủy bỏ rà soát với 28 công ty vì nhiều lý do khác nhau. Như vậy, hiện nay có khoảng 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ, trong đó có một số doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Cổ phần Nam Việt, Công ty Cổ phần Thủy sản Nha Trang…
– Tiếp theo việc ban hành kết luận sơ bộ, DOC thông báo các bên liên quan có thể gửi ý kiến hoặc đề nghị tổ chức phiên điều trần trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng công báo kết luận sơ bộ. Kết luận cuối cùng dự kiến được DOC ban hành trong tháng 1/2022.
– Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và phía Hoa Kỳ để xử lý các vấn đề liên quan nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam trong vụ việc.
– Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, sản lượng xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt khoảng 83.159 tấn, tương ứng kim ngạch khoảng 228,79 triệu USD. Sản phẩm cá tra, basa Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2003 và hằng năm mức thuế áp dụng đều được rà soát lại.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index giao dịch khá giằng co trong phiên sáng, tuy nhiên trong phiên chiều thị trường bắt đầu sôi động hơn với sự dẫn dắt bởi nhóm ngành khai khoáng và vật liệu xây dựng. Kết thúc phiên giao dịch chỉ số VN-Index tăng 6.13 điểm, đạt mức 1,345.83 điểm. Khối lượng giao dịch được duy trì ở mức cao, dù có sự giảm nhẹ so với phiên trước. Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng lên thành 14 phiên liên tiếp nhưng giá trị bán ròng giảm đi khá nhiều so với các phiên trước đó chỉ còn gần 14 tỷ đồng.
– Mặc dù thị trường tăng điểm nhưng thanh khoản vẫn suy giảm, chủ yếu là do nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch kém sôi động. Đặc biệt, dòng tiền vẫn tập trung nhiều ở nhóm midcaps nhưng đang có xu hướng giảm dần trở lại khi giá trị thanh khoản giao dịch gần đây đang giảm dần.
– Trong phiên 15/09/2021, MSN, HPG, GAS và VHM là 4 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index, với tổng cộng gần 7 điểm tăng. Ngược lại, thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi HVN và VCB, khi cả hai đóng góp hơn 2 điểm giảm cho VN-Index.
– Điểm nhấn trong phiên giao dịch hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngành Thép. Bất chấp tình hình dịch bệnh, ngành thép Việt Nam đã đón nhận những kết quả hết sức tích cực. Trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu 1.53 triệu tấn sắt thép với tổng trị giá gần 1.5 tỷ USD, tăng 33.8% về lượng và 35.2% về giá trị so với tháng trước. So với cùng kỳ, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2.5 lần và cũng là tháng cao nhất từ trước đến nay. Đặt lên bàn cân so sánh, xuất khẩu sắt thép trong tháng 8/2021 gần tương đương với 1 quý cao điểm của năm 2020. Với thông tin hỗ trợ tốt, các cổ phiếu liên quan tới thép đồng loạt giao dịch rất tích cực. HPG tăng gần 3%, HSG có mức tăng gần như kịch trần, ở mức 6.86%. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn như NKG và POM kết thúc giao dịch ngày trong sắc tím.
– Mặc dù thị trường tăng điểm trở lại nhưng nhìn chung chỉ số vẫn đang giao dịch trong biên độ giá từ 1,330-1,350 điểm và chưa có tín hiệu bứt phá qua vùng này. Phiên giao dịch 16/09 là ngày đáo hạn của VN30F2109 nên thị trường có thể có những diễn biến bất ngờ. Điểm tích cực là có nhiều các nhóm ngành đang giao dịch ngày càng sôi động và một vài nhóm ngành lớn đã xác nhận tiếp diễn xu hướng tăng giá, đây là điểm tựa để có thể kỳ vọng thị trường sớm vượt qua vùng kháng cự trên. Tuy nhiên để duy trì được đà tăng bền vững thì cần yếu tố thanh khoản gia tăng trở lại và đặc biệt là nhóm cổ phiếu Ngân hàng sớm trở lại nhịp tăng giá.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Dệt may Thành Công lần đầu báo lỗ 6,4 tỷ đồng trong tháng 8
– Dệt may Thành Công (mã chứng khoán TCM) thông báo doanh thu tháng 8 đạt 10,5 triệu USD (238 tỷ đồng), giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế 282.425 USD ( tương đương 6,4 tỷ đồng), cùng kỳ năm trước lãi 1 triệu USD (22,7 tỷ đồng). Đây là tháng đầu tiên doanh nghiệp lỗ kể từ khi công khai lợi nhuận tháng.
– Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch. Trong khi đó, chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và lỗ sau thuế.
– Lũy kế 8 tháng, doanh thu đạt 106 triệu USD (2.406 tỷ đồng), cao hơn 4% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 59% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 5,48 triệu USD (124 tỷ đồng), giảm 24,4% và thực hiện 44,4% kế hoạch năm.
– Dệt may Thành Công đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý I/2022. Mặc dù doanh nghiệp tổ chức làm việc theo phương thức “3 tại chỗ” nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Đơn vị đã và đang xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để chuẩn bị phục vụ sản xuất những đơn hàng của năm 2022, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận tương lai.
– Theo báo cáo của Dệt may Thành Công, trong những tháng cuối năm 2021, ngành dệt may phải đối mặt với nhiều thách thức. Dịch Covid-19 đang bùng phát ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng. Ngoài ra, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may với khoảng 50% nhà máy đặt tại miền Nam. Hiện nay, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 35% do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ”


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0