Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 16.07.2020 – Dư địa của chính sách tiền tệ tại Việt Nam hiện tại là thấp nếu không muốn nói là không có

Nhận định Thị trường hàng ngày 16/07/2020    1147

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Dư địa của chính sách tiền tệ tại Việt Nam hiện tại là thấp nếu không muốn nói là không có

1. Vĩ mô quốc tế và các thông tin đáng chú ý

Một cuộc thăm dò với 200 công ty của Mỹ có chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy, 95% đang có dự định thay đổi nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc.

Julien Brun, đối tác quản lý của CEL Consulting tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, cho biết các công ty lớn như Apple, Samsung và Nintendo đã đẩy mạnh việc chuyển năng lực sản xuất lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam, một nước khống chế tốt đại dịch COVID-19 và có một sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng những động thái như vậy là thách thức hơn đối với các công ty nhỏ hơn, đặc biệt là vào thời điểm này. Nhiều công ty muốn chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam nhưng có thể sẽ phải mất nhiều thời gian trong việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và tìm kiếm nhân lực.

Một số khảo sát cho thấy, thời điểm này, các doanh nghiệp Mỹ đã trở nên mệt mỏi về thuế quan và việc gián đoạn hoạt động của họ. Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải cũng báo cáo trong một khảo sát, 74,9% thành viên cho biết việc tăng thuế đối với cả hai bên đang có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp của họ.

Giá thực phẩm ở Trung Quốc đã tăng 11,1% trong tháng 6 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái. Lũ lụt làm trầm trọng thêm vấn đề giá thực phẩm, vốn đã rất nghiêm trọng kể từ đại dịch tả lợn châu Phi và Covid-19.

Các chuyên gia cho rằng giá lương thực tăng sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lũ lụt sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất thịt lợn, vốn là bài toán khó của Trung Quốc kể từ đợt dịch năm ngoái. Giá thịt lợn đã tăng hơn gấp đôi trong 18 tháng qua do tả lợi châu Phi gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng. Trong tháng 6, thịt lợn vẫn tăng 81,6% so với cùng kỳ năm trước.

2. Tin vĩ mô trong nước và triển vọng kinh doanh

Dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam thấp

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, dư địa của chính sách tiền tệ tại Việt Nam hiện tại là thấp nếu không muốn nói là không có.

Không nên nhầm dư địa tiền tệ là lãi suất của ta cao trong khi lãi suất của các nước thấp. Dư địa tiền tệ là khoảng chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát của chính nước ta; khoảng chênh lệch này càng lớn thì dư địa càng cao.

6 tháng qua, nhu cầu vay vốn của nền kinh tế rất thấp do doanh nghiệp khó khăn. Nhu cầu vay ít thì các ngân hàng trở nên thừa vốn. Áp lực thừa vốn khiến lãi suất giảm, trung bình giảm được 1 điểm phần trăm. Việc lãi suất giảm khiến chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát bị thu hẹp, đồng nghĩa là dư địa chính sách tiền tệ của chính phủ đang hẹp đi.

Muốn tiếp tục giảm lãi suất thì bắt buôc phải hạ được lạm phát. Nếu chính phủ cố ép lãi suất xuống ngang lạm phát hoặc thấp hơn lạm phát, tiền sẽ chảy ra các kênh tài sản. Và thời gian qua hiện tượng này đã bắt đầu xảy ra rồi. Bong bóng giá tài sản nếu xảy ra sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế, khiến quá trình hồi phục trở nên khó khăn đồng thời gây ảnh hưởng xấu trực tiếp tới nhóm người có thu nhập trung bình và thấp trong xã hội.

Tín dụng tăng nhưng lãi suất sẽ giảm tiếp trong quý II

Chính sách nới lỏng tiền tệ để tạo nguồn vốn giá rẻ đang thể hiện rõ kết quả, không chỉ hạ lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ra hệ thống khoảng 150.000 tỷ đồng thông qua việc mua về tín phiếu đến hạn.

Lãnh đạo các ngân hàng tiếp tục dự báo thanh khoản thị trường VND liên ngân hàng trong quý III sẽ duy trì ổn định. Thậm chí, mặt bằng lãi suất VND bình quân dự báo có xu hướng duy trì ở mức thấp, với mức bình quân khoảng 0,3 – 0,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần và khoảng 1,8 – 2,0% đối với kỳ hạn 3 tháng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế dự báo: “Trong 6 tháng cuối năm, lãi suất tiếp tục ổn định hoặc có thể giảm nhẹ 25 điểm phần trăm nhờ NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm duy trì thanh khoản cho hệ thống, mặc dù, dư địa tiếp tục giảm lãi suất vẫn còn, song không nhiều trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức cao và áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng dù có khả năng phục hồi, song mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn với dự kiến 9 – 10% và tỷ giá duy trì xu hướng ổn định”.

Thị trường bất động sản Việt Nam lọt vào nhóm ‘bán minh bạch’

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, nhận định: “Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đã chuyển mình từ đất nước ’kém minh bạch’ sang ‘bán minh bạch’ trong bảng xếp hạng chỉ số minh bạch mới nhất của chúng tôi. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Việt Nam sẽ cần tiếp tục cải thiện tăng thứ hạng nếu muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài”.

3. Các kênh đầu tư

Làn sóng hạ lãi suất tiết kiệm có thể khiến dòng vốn chuyển hướng sang kênh đầu tư khác

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ thống ngân hàng “thừa vốn, không cho vay được” là nguyên nhân khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) phải hạ lãi suất huy động. Số liệu từ tổng cục thống kế đến thời điểm 19/6, huy động vốn của TCTD tăng 4,35%, trong khi tín dụng chỉ tăng 2,45%.

“Hạ lãi suất đầu vào cũng là cơ sở để ngân hàng hạ lãi suất cho vay theo chủ trương của NHNN năm nay”, Vụ trưởng Tín dụng nói.

Người đứng đầu Vụ Tín dụng cũng cho biết cần kiểm soát không để dòng tiền của người dân chuyển nhiều sang các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản.