Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 16.03.2021 – TRUNG QUỐC ĐẶT LẠI MỤC TIÊU GDP VÀ LỘ TRÌNH KINH TẾ HẬU COVID19

Nhận định Thị trường hàng ngày 16/03/2021    1800

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 16/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Trung Quốc đặt lại mục tiêu GDP và lộ trình kinh tế hậu dịch Covid-19

– Việc mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuất hiện trở lại trong Báo cáo công tác chính phủ của Trung Quốc không đơn thuần chỉ là con số trên 6%, mà còn thể hiện lòng tin của lãnh đạo nước này vào thời kỳ tăng trưởng hậu dịch bệnh, cũng như tham vọng bắt kịp Mỹ về quy mô kinh tế trước năm 2035.

– Các nhà quan sát nhận định rằng việc Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6% trong năm nay cho thấy nước này sẵn sàng áp dụng các biện pháp để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế. Là điểm nhấn nổi bật hàng đầu của kỳ họp “Lưỡng hội” hàng năm (bao gồm Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc – hay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – tức Quốc hội), Báo cáo công tác chính phủ được cho là văn kiện thể hiện rõ ràng nhất thực tế phát triển kinh tế chính trị và xu hướng chính sách tương lai của Trung Quốc.

– Báo cáo năm nay phản ánh việc Trung Quốc cơ bản phục hồi về trạng thái trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 sau hơn một năm nỗ lực chống dịch. Đó là lý do Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách xuống mức 3,2%, không tiếp tục phát hành trái phiếu đặc biệt, và vấn đề này càng được thể hiện rõ nét trong việc thiết lập vùng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

– Trong khi đó, dự đoán của các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc lại tương đối thận trọng. Theo Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc, quy mô nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Liên minh châu Âu vào năm 2027 và vượt Mỹ vào năm 2032. Do đó, động thái xác lập lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 của chính phủ Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng sâu sắc hơn đến quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian tới.

– Năm 2021 là năm đầu tiên Trung Quốc tuyên bố hoàn thành kế hoạch thoát nghèo, đồng thời cũng là năm mở đầu của “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu triển vọng năm 2035”. Có thể thấy, ở thời điểm này, thông điệp mà Trung Quốc đưa ra trong kỳ họp Lưỡng hội năm nay vô cùng quan trọng.

2. Tin tức Việt Nam

Việt Nam xuất siêu 1,64 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm

– Tổng cục Hải quan vừa thông tin tổng kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 2 đạt 10,23 tỷ USD, tăng 2,9% so với những ngày đầu tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt hơn 48,7 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như điện thoại các loại & linh kiện tăng 201 triệu USD, sắt thép các loại tăng 179 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 157 triệu USD.

– Kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 2 của khu vực doanh nghiệp FDI đạt 7,91 tỷ USD, tăng hơn 5% so với những ngày đầu tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2 lên hơn 37 tỷ USD, tăng hơn 32%, chiếm gần 76% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.

– Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nửa cuối tháng 2 đạt gần 11,4 tỷ USD, tăng 23% so với nửa đầu tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt hơn 47,1 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ 2020. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh như máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 299 triệu USD, tiếp đến là chất dẻo nguyên liệu tăng 177 triệu USD, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng thứ 3, đạt 164 triệu USD.

– Kim ngạch nhập khẩu nửa cuối tháng 2 của doanh nghiệp FDI đạt hơn 7,5 tỷ USD, tăng 18% so với nửa đầu tháng, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 2 lên hơn 31,5 tỷ USD, tăng hơn 30%, chiếm gần 67% tổng giá trị nhập khẩu cả nước.

– Nhìn chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa cuối tháng 2 đạt 21,6 tỷ USD, tăng 12,6% so với nửa đầu tháng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 2 lên 95,85 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, cán cân thương mại thặng dư 1,64 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm.

Ninh Thuận hủy thầu dự án điện gió 3.110 tỷ đồng

– Trước đó, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã phát thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhà máy điện gió Bim.
Nhà máy điện gió Bim có tổng mức đầu tư khoảng 3.110 tỷ đồng. Vốn đầu tư sẽ được chuẩn xác sau khi chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó tổng chi phí thực hiện khoảng 3.080 tỷ đồng; chi phí đền bù di dân và tái định cư (tạm tính) khoảng 30 tỷ đồng.
Nhà đầu tư được huy động vốn theo quy định của pháp luật để triển khai thực hiện dự án theo đúng nội dung, tiến độ dự án đã được phê duyệt. Tiến độ hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động trong vòng 12 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 284 ngày 17/2. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày cấp chấp thuận chủ trương đầu tư.

– Tuy nhiên, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo số 741 về thu hồi và hủy bỏ thông báo mời quan tâm số 475 ngày 17/2 của Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đến các nhà đầu tư. Nguyên nhân là dự án nhà máy điện gió Bim không thuộc trường hợp đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo ý kiến của các bộ, ngành trung ương.

3. Kênh tài sản khác

Giá nhiều loại phân bón tăng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long

– Hiện phân DAP xanh Hồng Hà do Trung Quốc sản xuất tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán lẻ từ 840.000-850.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng khoảng từ 240.000-250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020.

– Còn giá bán lẻ phân đạm Cà Mau (urê Cà Mau) tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp đang ở mức từ 500.000-510.000 đồng/bao, tăng hơn 150.000 đồng/bao so với cuối năm trước.

– Giá các loại urê Phú Mỹ, urê Ninh Bình và nhiều loại urê nhập khẩu khác cũng đang có giá khá cao, ở mức từ 480.000-500.000 đồng/bao, thậm chí cao hơn thêm vài chục nghìn đồng/bao khi nông dân mua thiếu nợ tiền đến cuối vụ lúa mới thanh toán.

– Trong khi đó, giá phân bón NPK 20-20-15 Hiệp Thanh có giá 600.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Ðầu Trâu và NPK 20-20-15 Cò Bay ở mức 650.000-660.000 đồng/bao. Riêng phân bón kali do Israel, Canada và Nga sản xuất ổn định ở mức giá khoảng từ 400.000-440.000 đồng/bao, tùy loại, tăng chỉ vào chục nghìn đồng/bao so với cuối năm 2020.

– Theo các đại lý bán vật tư nông nghiệp, giá phân bón tăng mạnh là do ảnh hưởng bởi giá phân bón trên thế giới tăng và các chi phí sản xuất đầu vào, cùng các nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước tăng. Ðồng thời, dịch Covid-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó cũng góp phần đẩy giá nhích lên, nhất là đối với phân bón DAP và urê.

Cảng Cát Lái tăng giá dịch vụ từ 1/4

– Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa thông tin về việc tăng giá dịch vụ, trong đó mức tăng tùy thuộc theo loại container hàng khô hay lạnh. Việc tăng giá dịch vụ nhằm bù đắp các khoản trượt giá và chi phí đầu tư.

– Việc tăng giá dịch vụ tại cảng Cát Lái nằm trong lộ trình thực hiện nghị quyết của HĐND TP HCM quy định mức thu phí mới sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn.

– Theo mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM đã được thông qua tại kỳ họp cuối năm 2020, hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng với container 20ft.

– Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP HCM sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft; 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

4. Câu chuyện đầu tư

VÌ SAO ĐÁM ĐÔNG THƯỜNG THẤT BẠI TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN?

Đặc thù của TTCK là thị trường của đám đông, nhưng có một nghịch lý trên thị trường là đám đông thường không bao giờ chiến thắng.
Có thể trong 1 giai đoạn thị trường tăng hay bạn đang nắm giữ một số mã cổ phiếu mang lại lợi nhuận nên sẽ rất khó cảm nhận được điều đó, nhưng về dài hạn với những người từng lăn lộn trên thị trường chứng khoán nhiều năm, họ lại rất hiểu về quy luật “tàn khốc” và “khắc nghiệt” này.
Nhưng, vì sao lại như vậy?
– Nhà đầu tư chỉ tập trung vào tìm kiếm cơ hội thay vì phát triển bản thân
Khi được hỏi về nên đầu tư cái gì và như thế nào. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng nói: Hãy đầu tư vào bản thân và đầu tư vào bản thân là sự đầu tư tốt nhất. Vì suy cho cùng, con người làm ra tiền bạc, chứ tiền bạc không làm ra con người.
Trên thị trường, người ta cứ mải mê đi tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhưng lại ít khi tìm kiếm các cơ hội để học tập và nâng cao kiến thức.
Chứng khoán là một thị trường “mua bán rủi ro”, nên rủi ro trên thị trường chứng khoán là điều không bao giờ tránh được, và chúng ta chỉ có thể hạn chế bớt rủi ro cho mỗi quyết định đầu tư của mình bằng cách nâng cao năng lực của bản thân.
Nếu vì lý do gì mà TỔNG TÀI SẢN của bạn lớn hơn kiến thức của bạn thì sớm hay muộn nó cũng sẽ trở lại vị trí ban đầu vốn có của nó.
Nếu là nhà đầu tư mới tham gia thị trường, hãy tập trung phát triển bản thân, nâng cao kiến thức, kỹ năng, trong thời gian đó nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư những loại tài sản ít rủi ro nhưng vẫn đem lại nguồn lợi nhuân như tria phiếu, hoạc đầu tư vào các quỹ đầu tư, thông qua đó cũng là một cách học từ các chuyên gia về phương pháp đầu tư trên thị trường. Tại VNDIRECT có Chứng chỉ Quỹ VNDAF cho nhà đầu tư quan tâm
– Nhìn bảng điện, nghe ngóng thông tin thay vì tập trung nghiên cứu
Mỗi quyết định mua bán trên thị trường đều chỉ tốn có chưa đầy 1 phút, nhập lệnh và enter, tuy nhiên đằng sau 1 phút đặt lệnh đó nó là cả một khối lượng công việc nghiên cứu khổng lồ.
Trong cuộc sống đời thường, nhiều khi người ta có thể cò kè, mặc cả từng đồng từng hào, nhưng lên thị trường hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng được ra quyết định một cách vội vàng.
80% thời gian của những nhà đầu tư cá nhân, những người lướt sóng và trading là theo dõi bảng điện, đọc tin và hóng hớt các diễn đàn, group chát… trong khi đó có khi chưa đến 20% thời gian là nghiên cứu về doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Nhiều người sợ mất cơ hội lao vào mua cổ phiếu, đến khi cổ phiếu bắt đầu giảm mới bắt đầu quay sang đọc báo cáo tài chính, và lục lại lịch sử doanh nghiệp…
Và với nhiều người, họ chỉ thực sự nghiên cứu khi cổ phiếu giảm và lỗ.
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp họ dành phần lớn thời gian vào nghiên cứu doanh nghiệp, khảo sát và thực tế doanh nghiệp, sản phẩm, đối thủ, thị trường… của công ty mà họ đầu tư, chứ không phải là ngồi hàng giờ trước bảng điện tử và “hy vọng” cổ phiếu tăng giá
– Mua bán theo giá cả, không theo giá trị
Số đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua bán cổ phiếu thường chỉ quan tâm giá cổ phiếu đang bao nhiêu? Và so sánh giữa cột giá của các mã để cho rằng cổ phiếu này đắt hơn hay rẻ hơn cổ phiếu kia.
Giá cao không phải là đắt và ngược lại giá thấp không phải là rẻ, nên nhiều người không hiểu được giá trị nội tại của doanh nghiệp, của “món hàng” mà họ đang mua bán dẫn đến việc bỏ qua các cổ phiếu giá trị cao (thị giá trông có vẻ đắt), và mua vào những cổ phiếu giá trị thấp (thị giá trông có vẻ rẻ), hoặc bán non những cổ phiếu mới tăng và mua vào những cổ phiếu trông có vẻ đã giảm khá nhiều.
– Tâm lý chốt non
Nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường thường có tâm lý dễ giao động, khi mua vào cổ phiếu thì ai cũng kỳ vọng tăng, nhưng khi cổ phiếu tăng và lãi mới được một “mẩu” thì nhấp nhổm không yên vì tâm lý sợ mất cái đang có, nên dễ bán non cổ phiếu mới tăng.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.