Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 15.11.2021 – Thấy gì từ động thái tích trữ hàng tồn kho của các doanh nghiệp Thép?

Nhận định Thị trường hàng ngày 15/11/2021    22679

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/11/2021

1. Thông tin vĩ mô

• Lạm phát ở Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 1990
Tình trạng lạm phát ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu ngừng gia tăng khi CPI tháng 10 tăng 6.2% so với cùng kỳ 2020 và 0.9% so với tháng 9, vượt kỳ vọng của hầu hết các nhà kinh tế học.
Những nhân tố đóng góp chính vào mức tăng trong những tháng gần đây – chi phí mua nhà, chi phí năng lượng – khó có thể hạ nhiệt trong thời gian ngắn khi nền kinh tế Mỹ đang mở cửa trở lại nhưng gặp trở ngại chuỗi cung ứng tắc nghẽn và thiếu hụt lao động chất lượng.
Fed cũng đã tránh nhắc về lạm phát chỉ là “tạm thời” khi số liệu đang diễn biến trái ngược với tuyên bố. Mức CPI 6.2%, cao nhất trong 30 năm, sẽ gây áp lực cho Fed đẩy nhanh quá trình rút gọn mua lại tài sản cũng như phải cân nhắc từ bỏ lãi suất gần 0%.
Lạm phát càng kéo dài, sức tiêu thụ sẽ càng giảm và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục kinh tế sau COVID-19.
• Theo đuổi chiến lược “zero–COVID”, Trung Quốc mất nhiều hơn được
Trong khi thế giới dần chấp nhận với việc sống chung với COVID-19 và trạng thái “bình thường mới”, Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược “zero–COVID.” Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa xã hội và sản xuất kinh doanh cầm chừng khiến nền kinh tế chưa thể mở cửa được. Tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý III chỉ đạt 4.9%, thấp hơn nhiều so với mức 7.9% của quý II, và dự báo sẽ chỉ đạt 3.5% cho quý IV nếu tình hình kinh tế không được cải thiện.
Việc bảo lưu quan điểm “zero–COVID” trong bối cảnh quốc gia đang đối phó với hàng loạt vấn đề như khủng hoảng năng lượng, lạm phát sản xuất cao, hay bong bóng bất động sản, Trung Quốc đang tự kìm hãm tốc độ hồi phục kinh tế, cũng như gây ảnh hưởng tâm lý quá sợ hãi COVID-19 lên người dân khiến quá trình mở cửa diễn ra chậm hơn.
• Không có khách du lịch Trung Quốc, các nền kinh tế thiệt hại hàng trăm tỷ USD
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), mặc dù khách Trung Quốc vẫn mua sắm nhiều nhất khi du lịch nước ngoài, dịch COVID-19 đã khiến chi tiêu của du khách đại lục giảm từ hơn 260 tỷ USD năm 2019 xuống xấp xỉ 100 tỷ USD vào giữa năm 2021. Các chính sách cách ly nghiêm ngặt với người nhập cảnh và hoạt động bay quốc tế gần như đóng băng khiến số lượng người Trung Quốc đi du lịch sụt giảm.
Ở chiều ngược lại, chi tiêu du lịch của khách Mỹ – quốc gia đứng thứ hai – đang phục hồi lên trên mốc 50 tỷ USD sau nửa đầu năm 2021. Nhờ mở cửa nền kinh tế nhanh chóng, tỷ lệ tiêm vaccine gần 70% và tốc độ triển khai hộ chiếu vaccine, chi tiêu du lịch quốc tế của khách Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Thị trường châu Âu và Mỹ mở cửa cho hoạt động du lịch trở lại thúc đẩy các ngành dịch vụ như hàng không, giải trí, vận tải và ăn uống hồi phục mạnh mẽ trong thời gian tới.
• Số ca nhiễm COVID-19 trong nước đang gia tăng trở lại
Sau 1 tháng chấp nhận trạng thái bình thường mới và sống chung với dịch bệnh, số ca nhiễm COVID-19 trong nước đang gia tăng trở lại, chủ yếu ở các tỉnh thành miền Nam. Việc các dịch vụ xã hội và giải trí mở cửa, các tỉnh thành nới lỏng di chuyển, cũng như một phần tâm lý chủ quan sau khi tiêm vaccine khiến một số địa phương có dấu hiệu tái bùng dịch.
Số ca nhiễm tăng đã được dự báo khi mở cửa trở lại. Tốc độ tiêm vaccine nhanh và tỷ lệ người tiêm cao là yếu tố quan trọng hơn, giúp Việt Nam sớm hồi phục kinh tế và sống với trạng thái bình thường mới.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua USD lần 3 trong năm 2021
Ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua vào đồng USD, từ mức 22.750 VND/USD xuống 22.650 VND/USD khiến tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại giảm mạnh. 11 tháng đầu năm, ngân hàng nhà nước đã 3 lần giảm giá mua USD, với tổng mức giảm là 475 đồng (giảm 150 đồng ngày 8/6 và 225 đồng ngày 10/8). So với cuối năm 2020, tỷ giá USD/VND đã giảm 1,73%.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao khiến nhu cầu nhập lậu vàng tăng cao + nhu cầu USD tăng dần về cuối năm khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh cuối tháng 10.
lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực, cũng như cán cân thương mại quay trở lại xuất siêu trong 10 tháng đầu năm khiến nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong giai đoạn cuối năm và giúp tỷ giá VND/USD duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm.
• Chính phủ lên kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ
Trong bối cảnh cần triển khai thêm các gói kích thích kinh tế khổng lồ để nhanh chóng phục hồi kinh tế, Chính phủ đang có kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước để huy động nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân.
Hiện Việt Nam còn hai khoản vay: 1 tỉ đô la Mỹ phát hành vào năm 2014 và 1 tỉ đô la Mỹ phát hành vào năm 2015, đều ở mức lãi suất 4,8% cho kỳ hạn 10 năm.
Việc huy động ngoại tệ ngay từ lúc này là phù hợp khi mặt bằng lãi suất USD đang ở vùng đáy (từ 2022 Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất cơ bản).
Tuy nhiên nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng sẽ bị co hẹp và do đó các doanh nghiệp khi vay ngoại tệ sẽ đối mặt với khả năng lãi suất tăng lên.

3. Kênh cổ phiếu

• Thấy gì từ động thái tích trữ hàng tồn kho của các doanh nghiệp Thép?
Với diễn biến tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam đã ứng phó bằng cách tăng lượng hàng tồn kho đột biến.
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 10.2021, giá nguyên liệu thép nói chung liên tục giảm, cùng với đó giá thép Trung Quốc đang bắt đầu hạ nhiệt do áp lực từ thị trường nội địa.
Do các doanh nghiệp thép Việt Nam đã tích trữ nguyên liệu giá cao trước đó nên có thể bị tác động tiêu cực. Cụ thể, doanh nghiệp thép có thể phải điều chỉnh giá bán theo mức giảm của nguyên liệu đầu vào. Từ đó có thể làm thu hẹp biên lợi nhuận.
• FPT – Ký kết hợp đồng chuyển đổi số quy mô 40 triệu USD cho chính phủ Singapore
FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2021 với doanh thu ước tính đạt 28.215 tỷ đồng (+19,4% YoY); Lợi nhuận sau thuế 4.323 tỷ đồng (+19,3% YoY).
Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 3.482 tỷ đồng và 3.844 đồng, tăng 19,0% và 18,4%, tương đương 103% kế hoạch.
Đáng chú ý, FPT cho biết lần đầu tiên, sau gần 15 năm mở văn phòng tại Singapore, doanh nghiệp vừa ký kết hợp đồng có quy mô 40 triệu USD trong 2 năm, tập trung vào các dự án chuyển đổi số khối Chính phủ nhằm phát triển mô hình quốc gia số – Smart Nation.
Đây là một dự án quan trọng, không những giúp FPT bứt phá về kết quả kinh doanh mà còn từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

4. Kênh tài sản khác

• Thị trường bất động sản sôi động trở lại sau giãn cách
Theo Batdongsan.com.vn, trong tháng đầu tiên dỡ giãn cách, các trang giao bất động sản online ghi nhận lượng tin đăng tăng rất mạnh.
Lượng tin bán chung cư, đất nền tại TP.HCM tăng hơn 300% lần và gần 400% lần so với tháng 9, trong khi lượng tin bán đất tăng 200%.
Về nhu cầu, mức độ quan tâm của người tiêu dùng với bất động sản chung cư, nhà phố cũng tăng gần gấp đôi so với tháng trước.
Trái lại, ở phân khúc căn hộ biển ghi nhận giao dịch ảm đạm về cả nguồn cung lẫn khả năng hấp thụ.
Diễn biến trên cho thấy nguồn cung bất động sản bị dồn nén mạnh trong thời gian giãn cách và bùng nổ lại sau khi tái mở cửa. Thị trường bất động sản tại các đô thị lớn là điểm hồi phục trước tiên và mạnh hơn cả. Phân khúc bất động sản du lịch chưa thể hồi phục trở lại.
• “ Giá quặng sắt còn giảm trong nhiều năm”
Theo Fitch Soloutions, giá quặng sắt trung bình năm 2022 khoảng 110 USD/tấn sẽ giảm hơn 30% so với 2021.
Về dài hạn, Fitch nhận định giá quặng sắt sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới do 1) nhu cầu quặng giảm khi Trung Quốc áp dụng biện pháp hạn chế sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường 2) thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm 3) nguồn cung quặng tăng trưởng mạnh trở lại.
Giá thép cũng giảm khá mạnh sau khi tạo đỉnh cuối tháng 9/2021 với mức giảm hơn 20%, dự báo tiếp tục giảm thêm.
Giá thép thế giới giảm nhưng giá tại thị trường trong nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm do 1) nhu cầu tăng trưởng từ tháng 10 sau khi dỡ giãn cách 2) chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn và không dễ để hàng nước ngoài vào Việt Nam.
Lâu dài giá thép giảm sẽ không có lợi cho doanh nghiệp thép do 1) giảm giá, biên lợi nhuận giảm 2) không giảm giá, thiếu cạnh tranh mất thị phần.
• Đầu tư trái phiếu cùng dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Trend năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).
Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về NLTT Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện, có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.
Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành các mã trái phiếu với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm, 9 năm phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Khi tham gia trái phiếu doanh nghiệp Trung Nam Group, lãi suất trái phiếu tương đối cao từ 9,3 – 9,7%/năm, Trái phiếu được cam kết mua lại định kỳ, giảm thiểu rủi ro cho trái chủ, tài sản đảm bảo có giá trị lớn, hơn 130% giá trị phát hành là dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á đã hoàn thiện pháp lý ký hợp đồng mua bán điện, vốn đầu tư tối thiểu từ 100 triệu đồng.

5. Câu chuyện đầu tư

• Cơ hội trong khó khăn: Kinh doanh giày
Nhiều năm trước, hai nhân viên kinh doanh được một nhà sản xuất giày ở Anh gửi tới châu Phi để tìm hiểu tiềm năng thị trường và báo cáo lại.
Người thứ nhất cho biết: “Thị trường không có tiềm năng – không ai mang giày cả”.
Người thứ hai cho biết: “Thị trường có tiềm năng to lớn – không ai mang giày cả”.
Người kinh doanh giỏi là người nhìn thấy cơ hội trong khó khăn.
Ứng dụng trong đầu tư:
Một sản phẩm ưu việt khi đưa ra thị trường thường sẽ khó được đón nhận ngay. Quan trọng là (1) tính đột phá, (2) khả năng marketing hiệu quả sẽ giúp cho sản phẩm đó đến tay thị trường nhanh hơn.
Khi có tín hiệu đầu tiên của sản phẩm thành công, đó là lúc mua vào cổ phiếu mạnh mẽ, cho dò có vẻ đắt trong ngắn hạn. Vì câu chuyện lúc đó là có thành công hay không?
Định giá theo quy mô: Nếu một sản phẩm chạy đủ nhanh để chiếm thị phần lớn nhất, chúng ta có thể định giá công ty như sau:
B1: tính quy mô thị trường (ví dụ Việt nam có 60 triệu người trưởng thành, mỗi năm cần đi một đôi giàu..)
B2: Giả định thị phần của doanh nghiệp, biên lợi nhuận  tính ra lợi nhuận sau thuế kỳ vọng trong tương lai
B3: Ước tính PE và tính ra vốn hóa

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0