Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 15.06.2021 Chính thức vượt qua ngưỡng 70 USD/thùng, giá dầu tiếp tục lập đỉnh

Nhận định Thị trường hàng ngày 15/06/2021    14484

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Chính thức vượt qua ngưỡng 70 USD/thùng, giá dầu tiếp tục lập đỉnh
– Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch nhưng vẫn neo trên ngưỡng 70 USD/thùng đối với cả hai loại dầu chuẩn. Cụ thể, giá dầu thô WTI đóng cửa ở mức 71.26 USD, còn giá dầu thô Brent đóng cửa ở 73.12 USD, và đang ở mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Đây là hệ quả của việc lưu lượng xe cộ cũng như các hoạt động vận chuyển và đi lại dần trở lại mức trước đại dịch COVID-19 ở Mỹ và phần lớn châu Âu trong bối cảnh các nước gỡ bỏ những hạn chế về du lịch hay di chuyển trong xã hội.
– Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khuyến nghị trong báo cáo tháng 5 Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cần tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi. Cụ thể, IEA khuyến nghị cần tăng 5.4 triệu thùng/ngày trong năm nay và 3.1 triệu thùng/ngày vào năm 2022, sau khi OPEC và các nước đồng minh giảm sản lượng nhằm đỡ giá dầu khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm mạnh do dịch COVID-19, dẫn đến tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2020 chỉ có 8.6 triệu thùng/ngày.
– Tuần trước, số giàn khoan dầu tại Mỹ đang hoạt động đã tăng thêm sáu giàn – mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện tại, Mỹ đang có 365 giàn khoan dầu đang hoạt động, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, khi các công ty khoan thăm dò muốn hưởng lợi từ nhu cầu đang gia tăng.
– Hiện tại, việc thỏa thuận hạt nhân của Mỹ và Iran vẫn chưa thể được hoàn tất và dự kiến còn kéo dài sang cuối quý II. Nếu thỏa thuận được hoàn tất, Iran sẽ cung cấp thêm cho thị trường toàn cầu 3.8 triệu thùng/ngày, qua đó có thể đẩy giá dầu đi xuống giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19 và nhu cầu dầu thô ngày càng tăng.

• IMF: Tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch đang phân hóa sâu sắc
– Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 13/6 đã cảnh báo về một sự phân hóa sâu sắc đang diễn ra trong tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 khi một số quốc gia đang phải vật lộn để tiếp cận với vaccine, trong khi một số nước đang dư thừa nguồn chế phẩm này.
– Phát biểu với báo giới tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra ở Anh, bà Georgieva nói: “Chúng tôi đã cảnh báo về sự phân hóa nguy hiểm trong tiến trình phục hồi kinh tế. Những dữ liệu mới nhất đã khẳng định xu hướng này không chỉ tiếp tục mà còn ngày càng sâu rộng.”
– Người đứng đầu IMF cho rằng lạm phát tạm thời sẽ tăng, song thế giới không nên coi đó là điều đương nhiên. Bà Georgieva bày tỏ đặc biệt lo ngại về tình hình lạm phát ở các nền kinh tế mới mới nổi.
– Trong khi đó, các nhà lãnh đạo G7 hoan nghênh kế hoạch của IMF phân bổ 650 tỷ USD nhằm giúp các nước đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời hối thúc thực hiện kế hoạch này trước cuối tháng Tám tới.

2. Thông tin Việt Nam

• World Bank: Kinh tế vĩ mô Việt Nam phát triển tốt trước bùng phát COVID-19 lần thứ 4, song còn nhiều thách thức nếu không kiểm soát được dịch trong ngắn hạn
– Sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% (so với tháng trước) và 11,2% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù đại dịch Covid-19 gần đây chưa được kiểm soát. Chỉ số PMI đạt mức 53,1 trong tháng 5, cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện so với tháng trước, dù thấp hơn so với mức 54,7 vào tháng 4.
– Tuy nhiên, những con số trung bình này có thể không cho thấy sự khác biệt giữa các địa phương. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tại Bắc Giang giảm 40,9% (so với tháng trước) và 33,3% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 5/2021, trong khi chỉ số sản xuất hàng điện tử giảm 53,6% (so với tháng trước) và 46,9% (so với cùng kỳ năm trước), gây ra rủi ro giảm sản lượng trong những tuần, thậm chí là tháng tới khi chuỗi cung ứng ở Bắc Giang hay Bắc Ninh phải tạm dừng hoạt động.
– Sau sự phục hồi ngắn vào tháng 4, doanh số bán lẻ đã giảm trở lại ở mức 3,1% (so với tháng trước) trong tháng 5 do nhu cầu trong nước yếu đi vì các biện pháp hạn chế hoạt động kinh doanh bán lẻ và giãn cách xã hội, gây tác động không đồng đều giữa các tiểu ngành bán lẻ, vì doanh số của ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, giảm 8,9% so với tháng trước, so với hàng hoá (giảm 1,7% so với tháng trước).
– Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt 6,7% và 9,4% (so với tháng trước) trong tháng 5. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt mức cao nhất mà Việt Nam từng ghi nhận, lần lượt tăng 29,1% và 35,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả đáng chú ý này phản ánh sự tăng trưởng vững chắc trong xuất khẩu máy tính, điện tử và máy móc thiết bị, cũng như nhu cầu phụ hồi mạnh mẽ từ Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản.
– Việt Nam thu hút được 1,7 tỷ USD FDI vào tháng 5/2021, giảm 20% so với tháng trước, thể hiện sự thận trọng của các nhà đầu tư nước ngoài do tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI cam kết đạt 14 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% (so với tháng trước), phản ánh tác động của việc tăng giá hàng hóa toàn cầu đến giá cả trong nước. Do thiếu hụt nguồn cung, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kim loại cũng tăng 4,8% so với tháng trước, làm tăng giá nhà ở và vật liệu xây dựng. So với cùng kỳ năm 2020, CPI tăng 2,9% – thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

• Thị trường bán lẻ Việt Nam thu hút nhà đầu tư ngoại
– Bất chấp COVID-19, báo cáo của Savills cho biết thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện vẫn giữ lợi thế về môi trường đầu tư như ổn định chính trị và chính sách quản lý vốn, tạo thêm sức hấp dẫn đối với cá nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài. Hơn nữa, chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại tham gia đấu giá quỹ đất.
– Về triển vọng, Việt Nam có lợi thế nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Trong quý I, GDP Việt Nam tăng trưởng 4,5%, vốn FDI cam kết trong quý đầu tiên tăng 18,5%, trong khi FDI giải ngân tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy các hoạt động kinh tế nội địa và quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam vẫn diễn ra tích cực.
– Ngoài ra, Việt Nam còn có số lượng dân số tăng đều và chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh. Theo nghiên cứu của World Bank, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% tổng dân số và sẽ đạt 26% vào năm 2026. Tăng trưởng này sẽ tạo ra sự thay đổi lạc quan trong tổng chi tiêu tiêu dùng nội địa. Hơn nữa, việc GDP bình quân đầu người gần chạm mức 3.000 USD cũng đồng thời cho thấy tiềm năng tăng trưởng từ khả năng tiêu dùng của người dân cho ngành bán lẻ tại Việt Nam.
– Số liệu cho thấy, 5 trên tổng số 66 dự án được cấp mới tại Hà Nội trong quý I là trung tâm mua sắm và siêu thị, chiếm 27% vốn FDI đăng ký mới tại Thủ đô. 5 dự án này đều do các nhà đầu tư lớn, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc muốn kinh doanh dài tại Việt Nam.
– Mặc dù vậy, để đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại cần phải giải quyết 2 thách thức lớn. Thứ nhất là việc bán lẻ truyền thống vẫn giữ vai trò chủ đạo. Dẫn thống kê của Nielsen, ông cho biết các cửa hàng tạp hoá và chợ đang chiếm 74% thị phần thị trường bán lẻ. Trong khi đó, bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 26% thị phần, nhưng tăng ở mức cao với 12% một năm so với 1%/năm của kênh truyền thống. Thứ hai, dù có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường vẫn trong tay các doanh nghiệp nội, điển hình như thương vụ M&A giữa Emart và Thaco, hay Auchan và Parkson rút khỏi Việt Nam.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• NHNN chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ lên gần 13,700 tỷ đồng
– Ngân hàng TMCP Phương Đông đã nhận được văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2,739 tỷ đồng của NHNN. Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên 2021 đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cp cho cổ đông. Theo đó, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng từ 10,959 tỷ đồng lên 13,698 tỷ đồng. Số vốn điều lệ tăng thêm từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.
– Bên cạnh đó, ĐHĐCĐ cũng thông qua kế hoạch tiếp tục tăng vốn từ việc phát hành khoảng 5 triệu cp theo chương trình ESOP với mức giá 10,000 đồng/cp và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Vốn điều lệ của OCB sau khi thực hiện các đợt phát hành trên sẽ đạt gần 14,450 tỷ đồng. Với số vốn được bổ sung thêm (gần 3.500 tỷ), ngân hàng dự kiến dùng hơn 2.600 tỷ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; số tiền còn lại dùng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.
– Trước đó, OCB là một trong 4 ngân hàng duy nhất ở Việt Nam được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s xếp hạng tín nhiệm từ ổn định lên tích cực hồi tháng 3 năm nay, và tiếp tục được giữ đánh giá tích cực sau đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 nhờ vào danh mục cho vay phân khúc bán lẻ và khách hàng SME với hiệu suất sinh lời cao, đồng thời tăng trưởng thu phí từ dịch vụ phân phối sản phẩm bảo hiểm. Năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, lợi nhuận trước thuế đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020 và mục tiêu lọt vào top 5 ngân hàng TMCP tư nhân trong nước, kỳ vọng tích cực của ban lãnh đạo cho thấy tiềm năng tăng trưởng của OCB trong thời gian tới.

• Doanh số xuất khẩu tháng 5 của Vĩnh Hoàn giảm, thị trường Mỹ hồi phục mạnh
– Doanh số xuất khẩu Vĩnh Hoàn tháng 5 tăng 35% lên 743 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 7% so với 799 tỷ đồng của tháng trước. Trong đó, thị trường Mỹ duy trì tăng 9% trong khi các thị trường khác giảm từ 5% đến 24%.
 Xét theo cơ cấu sản phẩm, cá tra có sự tăng trưởng mạnh với 46%, các sản phẩm phụ cũng tăng 51%, sản phẩm giá trị gia tăng tăng 16% trong khi sản phẩm chăm sóc sức khỏe giảm 26%.
– Về thị trường, Mỹ tiếp tục ghi nhận phục hồi mạnh 188% đạt 314 tỷ đồng nhờ dịch bệnh được kiểm soát sau khi tiêm vaccine rộng rãi, Trung Quốc cũng tăng 9% lên 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường EU giảm 22% xuống 112 tỷ đồng.
– Lũy kế 5 tháng, doanh số xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt 3.910 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Với công ty con Xuất nhập khẩu Sa Giang (SGC), doanh thu giảm so với tháng trước trong sản phẩm chính là bánh phồng tôm (giảm 15%), sản phẩm từ gạo (giảm 25%) chủ yếu do giá gạo tăng. Về thị trường, doanh thu tăng ở Châu Âu (tăng 8% so tháng trước) và thị trường khác (tăng 106%) cho thấy thị trường xuất khẩu đã được mở rộng. Trong khi đó, doanh thu nội địa giảm 53% so tháng trước.
– Với triển vọng xuất khẩu cá tra và cá basa sang thị trường chính là Mỹ hồi phục ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt sau khi nền kinh tế Mỹ đang mở cửa trở lại và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, VHC được kỳ vọng sẽ bắt đầu chu kỳ tăng trưởng trở lại sau một năm 2020 khó khăn. Tuy nhiên, VHC sẽ gặp cạnh tranh không nhỏ khi các công ty thủy sản khác cũng bắt đầu kinh doanh ổn định trở lại. Hơn nữa, giá cước vận tải đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ trở lại và có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0