Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 15.03.2022 – Ngành vận tải biển toàn cầu tiếp tục chịu nhiều áp lực từ xung đột Nga-Ukraine

Nhận định Thị trường hàng ngày 15/03/2022    39293

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 15/03/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Ngân hàng Nga tăng lãi suất tối đa cho nhân dân tệ để thay thế USD và euro
– Ngân hàng VTB, tổ chức cho vay lớn thứ hai của Nga, đã áp dụng lãi suất tối đa 8% cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, và cho phép khách hàng mở tài khoản tiền gửi trực tuyến với số tiền tối thiểu 100 nhân dân tệ. Tại các chi nhánh của VTB, họ có thể gửi tối thiểu 500 nhân dân tệ.
– Lãi suất hàng năm đối với khoản tiền gửi USD kỳ hạn ba tháng là 8% và với khoản tiền gửi euro là 7%. Trong khi đó, khoản tiền gửi bằng đồng ruble kỳ hạn 6 tháng hiện có lãi suất hàng năm là 21%. VTB cho biết trong tuần qua, khách hàng đã đầu tư hơn một nghìn tỷ ruble vào các sản phẩm tiết kiệm truyền thống. Do tỷ giá hối đoái đồng USD và euro tăng, người dân Nga quan tâm đến đầu tư vào các loại tiền tệ khác như đồng nhân dân tệ.
– Các tổ chức tài chính- ngân hàng của Nga phải quay sang Trung Quốc để bắt đầu sử dụng hệ thống UnionPay dành cho thẻ tín dụng sau khi Visa và Mastercard thông báo ngừng hoạt động tại nước này.
– Trước đó, Mỹ đã cấm xuất khẩu, xuất khẩu lại, bán hoặc cung cấp dù là trực tiếp hay gián tiếp tiền USD từ Mỹ cho chính phủ Nga hoặc người ở Nga để tăng cường sức ép kinh tế, khi hầu hết hợp đồng dầu của Nga được thanh toán bằng đồng tiền của Mỹ.
– Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 28 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Nga có thể phải chịu mức thuế cao hơn nếu Quốc hội Mỹ thông qua bãi bỏ quy chế “Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” với Nga.
– Hiện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay. Tuy nhiên, ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định Nga sẽ vượt qua khủng hoảng và sẽ mạnh mẽ hơn. Moskva đã lường trước và có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những biện pháp trừng phạt của phương Tây.

• Ngành vận tải biển toàn cầu tiếp tục chịu nhiều áp lực từ xung đột Nga-Ukraine
– Đầu năm 2022, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên toàn cầu được dự phóng sẽ hạ nhiệt, vỏ container dồi dào hơn và cước vận tải biển sẽ giảm dần, nhưng xung đột Nga – Ukraine xảy ra khiến cho triển vọng này trở nên mờ nhạt.
– Theo Freightwaves, trước khi Nga chính thức đưa quân vào Ukraine, giá nhiên liệu đã ở mức cao, và chiến tranh nổ ra đã khiến mức giá cho mặt hàng quan trọng này tiếp tục lập đỉnh mới.
– Theo Ship & Bunker, giá trung bình của VLSFO (dầu có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp, loại nhiên liệu được sử dụng chủ yếu cho các tàu biển) tại 20 cảng hàng đầu thế giới đạt 882,5 đô la Mỹ/tấn vào ngày 3-3-2022, tăng vọt 130 đô la Mỹ so với thời điểm trước khi xảy ra xung đột, và tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Tại cảng Fujairah (Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất), một trong những trung tâm cung cấp nhiên liệu lớn nhất thế giới, giá VLSFO đã tăng lên 922,50 đô la Mỹ/tấn, mức kỷ lục trong lịch sử.
– Trước diễn biến giá nhiên liệu tăng, các hãng tàu container sẽ thu phụ phí nhiên liệu từ các chủ hàng để bù đắp chi phí phát sinh, khiến phụ phí trở thành một trong những nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao.
– Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container của Nga ở mức 2-3% tổng sản lượng vận chuyển container toàn cầu. Con số này tuy không quá lớn, nhưng do các nước ra lệnh trừng phạt và do chiến sự tại vùng biển Ukraine, lượng hàng nhập khẩu vào Nga và Ukraine sẽ không được vận chuyển đến cảng đích mà được các hãng tàu dỡ xuống một số cảng lân cận tại Bulgaria, Romania, Hy Lạp, Đức và cảng ở khu vực kênh đào Suez, hoặc nằm lại trên tàu và sẽ được đưa về nước xuất khẩu.
– Việc phải điều chỉnh lại các tuyến dịch vụ và xử lý các lô hàng liên quan đến Nga và Ukraine sẽ khiến các hãng tăng chi phí hoạt động. Các container chứa hàng xuất nhập khẩu của Nga sẽ phải nằm lại ở các cảng một thời gian và không được rút hàng sẽ giảm lượng vỏ container trên thị trường, làm cho tình trạng thiếu vỏ container tại một số quốc gia mạnh về xuất khẩu khó có thể sớm được khắc phục.
– Cước vận tải biển đang bắt đầu có xu hướng tăng trở lại, và thậm chí nếu tình hình tắc nghẽn chuỗi cung ứng và thiếu container không được cải thiện hoặc chiến sự diễn biến phức tạp hơn sẽ đẩy giá cước container tiếp tục tăng mạnh.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Nhiều đơn hàng bị hủy, giá phân bón trong nước đồng loạt tăng cao
– Nửa đầu tháng 3/2022, giá phân bón (Urê, DAP, Kali) trong nước đã tăng thêm 300 – 700 đồng/kg và đây là đợt tăng giá lần thứ 3 từ đầu năm. So với cuối năm 2021, giá phân bón đã tăng hơn 20% và cao nhất từ trước tới nay, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng mạnh khi chiến tranh Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
– Nga sản xuất phân bón chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung toàn thế giới và cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ chiến tranh giữa Nga – Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới biến động mạnh.
– Mặt khác, các lệnh hạn chế, cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ khiến nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là Kali và DAP sẽ giảm nghiêm trọng trong thời gian tới. Các nhà cung cấp ở Trung Đông đã hủy bỏ các bản chào giá phân Urê mức 540-560 USD/tấn để chờ tăng giá.
– Các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam mới chỉ nhận được 3 tàu chở phân bón từ tháng 2/2022 đến nay, hiện còn khoảng 30.000 – 40.000 tấn phân bón đã ký hợp đồng đặt hàng từ Trung Đông, nhưng đã bị đối tác hủy giao dịch.
– Đối với phân bón Kali, Belarus và Nga chiếm 40% nguồn cung toàn cầu. Với tình hình hiện tại, giá Kali sẽ có sự tăng giá mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là Kali miểng.
– Khi Kali nhập khẩu về Việt Nam thời gian tới sẽ vắng bóng hàng từ Nga và Belarus, các nhà cung cấp từ Israel hay Canada đã cảnh báo sẽ sớm đưa ra mức giá 800 – 850 USD/tấn cho hạt bột và 1.000 USD/tấn cho hạt miểng từ nửa sau tháng 6/2022, thậm chí sẽ lên tới 1.200 – 1.300 USD/tấn vào thời điểm cuối năm 2022. Tại thị trường Việt Nam, so với tháng 2, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%.
– Theo Agromonitor, giá Kali ở Việt Nam đang tăng mạnh do lo ngại nguồn cung Kali trên thế giới bị thắt chặt bởi các lệnh trừng phạt lên Nga và Belarus. Agromonitor dự báo trong thời gian tới, giá Kali sẽ sớm cán mức 15 – 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18 – 20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng.
– Thậm chí nếu giá Kali nhập khẩu cán mức 1.000 – 1.2000 USD/tấn thì Kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 – 25 triệu đồng/tấn. Kali, DAP, Urê tăng giá, sẽ kéo theo giá NPK lên theo. Với loại phân bón DAP, dự dự tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 64% trong quý II năm 2022 và khả năng giá trong nước sẽ lên 25 triệu đồng/tấn.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông công bố Lợi nhuận 2021 tăng 25% so với 2020.
– Theo báo cáo, tổng tài sản của OCB tính đến 31/12/2021 đạt 184.491 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Huy động vốn trên thị trường 1 (bao gồm ủy thác đầu tư) đạt 126.430 tỷ đồng tăng 17%. Dư nợ cho vay trên thị trường 1 (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 103.595 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020.
– Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 5.519 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước nhờ nguồn thu chính của OCB tăng trưởng 14% so với năm trước, thu về hơn 5.686 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt gần 63% tính từ năm 2016-2021. Hệ số CAR kết thúc năm thuộc top đầu ngành, duy trì ở mức 12,3%.
– Ngân hàng tiếp tục duy trì tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên tài sản cao, lần lượt đạt 2,59% và 22%. Chất lượng tài sản được cải thiện đáng kể, tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3 – nhóm 5) của ngân hàng giảm về mức 0,97% từ mức 1,42% năm 2020, tỷ lệ nợ quá hạn (nhóm 2 – nhóm 5) giảm về mức 2,65% từ mức 3,97% năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện từ mức 62,1% năm 2020 lên mức 82,7% năm 2021.
– Kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 của OCB dự kiến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25% – 30%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt trên 20%; duy trì mức cổ tức từ 20% – 25% cho cổ đông. Tuy nhiên, các mục tiêu này vẫn đang được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình cổ đông trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 23/04/2022.
– Trong năm 2021, OCB đã thực hiện tăng vốn từ 10.959 tỷ đồng lên 13.699 tỷ đồng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Và phương án chào bán 5 triệu cp ưu đãi cho cán bộ nhân viên (ESOP) với giá 10,000 đồng/cổ phiếu cũng đã được thông qua.
– Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu OCB hiện đang giao dịch quanh mức 25.600 đồng/cổ phiếu (kết phiên 14/03/2022). Tính riêng trong năm 2021, cổ phiếu OCB đã được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng liên tiếp từ tháng 1 – 6/2021, lũy kế giá trị đạt 737 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong ngành và nằm trong top 10 mua ròng toàn thị trường trong 2021.

• CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT vừa công bố báo cáo với lợi nhuận tăng vọt.
– Năm 2021, FPT Retail (HoSE: FRT) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 22.495 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ năm 2020 và gấp 1,4 lần kế hoạch doanh thu năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần so với năm 2020 và gấp 4,6 lần kế hoạch lợi nhuận năm 2021 nhờ mảng kinh doanh chính tăng mạnh.
– Doanh thu của FRT tăng gấp đôi do Apple mở bán thành công iPhone 13 và Macbook Pro 2021, với nhu cầu phục vụ học tập và làm việc ở nhà tăng mạnh. Bên cạnh đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu có doanh thu tăng 3,3 lần cùng kỳ, đạt 3.977 tỷ đồng, chiếm 18% tổng doanh thu.
– Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của FRT đạt 10.786 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Trong đó, tăng mạnh nhất là hàng tồn kho, tăng gấp 2,7 lần năm trước lên 4.930 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền cũng tăng 57,6%, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 2,3 lần, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 24,6%.
– Tuy vậy, nợ phải trả của công ty cũng tăng 2,2 lần lên 9.106 tỷ đồng cao gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là nợ ngắn hạn.
– Trên thị trường, thị giá cổ phiếu FRT đã tăng mạnh trong 1 tháng qua, từ mức 94.100 đồng/cổ phiếu ngày 16/2 lên mức 128.700 tỷ đồng phiên cuối tuần qua, tăng 36,7%.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch 14/03/2022, VNINDEX đã chịu áp lực bán ngay từ đầu phiên và duy trì cho đến tận cuối phiên chiều, chỉ số đã giảm 20,29 điểm và đóng cửa ở mức 1.446,25 (-1,38%). Giá trị giao dịch của VNINDEX trong phiên 10/03/2022 đạt hơn 27,120 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về bên bán với 349 mã giảm, chiếm trung bình khoảng gần 80% số mã trên sàn HSX.
– Về mức độ ảnh hưởng, GAS, HPG, MSN là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VNINDEX, đóng góp tổng -7,394 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, VJC, SHB, VCB là những cổ phiếu tích cực nhưng chỉ đóng góp tổng cộng 1,937 điểm cho chỉ số .
– Về nhóm ngành, 10/10 nhóm ngành đều giảm điểm. Nhóm ngành giảm mạnh nhất là Năng lượng và Nguyên vật liệu với mức giảm lần lượt là 4,52% và 3,72%, nhờ hầu hết cổ phiếu trụ của hai nhóm ngành này đều giảm mạnh: GAS (-6,1%), PLX (-3,6%), HPG (-3,8%), NKG (-6,5%). Ngành phân bón tiêu biểu là DCM và DPM phiên giao dịch ngày hôm nay đều giảm sàn (-7%) sau chuỗi ngày tăng nóng trước đó.
– Nhóm ngành Tài chính và Bất động sản giảm điểm nhẹ lần lượt 0,57% và 0,67% với điểm tích cực đến từ những cổ phiếu: HDC (+5%), CEO (+4,2%), KLB (+15%), SHB (+3,8%), EIB (+3,4%)… Nhóm ngành Tiêu dùng thiết yếu giảm nhẹ 2,38% chủ yếu do cổ phiếu vốn hóa lớn MSN giảm 4,5%.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch 14/03/2022 đã bán ròng 728,26 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, họ bán ròng nhiều nhất 4 cổ phiếu: HPG (-113 tỷ đồng), MSN (-154 tỷ đồng), NVL (-150 tỷ đồng) và DXG (-128 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, họ mua ròng nhiều nhất: STB (72,6 tỷ đồng), VCB (46,6 tỷ đồng) và VRE (45,6 tỷ đồng). Như vậy, khối ngoại đã bán ròng 6 phiên liên tiếp, tuy phiên thứ 6 tuần trước có sự sụt giảm về giá trị bán nhưng đến phiên hôm nay lại tăng nhẹ lại.
– VNINDEX đã có lúc giảm thấp nhất ở 1439,19 điểm nhưng đã có sự hồi phục lại với số điểm kết phiên ở 1446,25 điểm, cho thấy bên mua đã có sự tham gia rõ rệt hơn nhưng bên bán vẫn còn khá mạnh dẫn đến việc chỉ số giảm 20,29 điểm so với phiên trước đó. Giá trị giao dịch trên HSX giảm nhẹ 1.66% so với phiên trước thể hiện nguồn cung đang có tín hiệu giảm dần.
– Hiện tại, mốc hỗ trợ 1424 – 1430 điểm sẽ là vùng hỗ trợ quan trọng của chỉ số, theo đó, nếu VNINDEX không giữ được vùng hỗ trợ này thì khả năng xu hướng giảm mới trong ngắn hạn có thể xảy ra. Trong bối cảnh hiện tại, nhà giao dịch ngắn hạn tiếp tục theo dõi diễn biến của giá, chỉ nắm giữ những cổ phiếu tích cực, cân nhắc giảm tỷ trọng hoặc dừng lỗ với những cổ phiếu có tín hiệu suy yếu. Nhà đầu tư trung và dài hạn duy trì quan sát các cơ hội đến từ các nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng trong chu kỳ 2022 – 2024 và có thể mở vị thế hoặc gia tăng tỷ trọng nếu được chiết khấu về mức giá hợp lý.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0