Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 14.12.2020 – Hơn 99% dòng thuế xuất khẩu sang Anh sẽ được xoá bỏ nhờ FTA Việt Nam – Anh

Nhận định Thị trường hàng ngày 14/12/2020    572

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Thiết bị viễn thông Huawei bị cấm hoàn toàn tại Mỹ

Theo Bloomberg, ban điều hành của Ủy ban Truyền thông Mỹ (FCC) vừa bỏ phiếu và quyết định yêu cầu các nhà mạng trong nước loại bỏ thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất. FCC, Quốc hội Mỹ và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối đầu với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, bao gồm thương mại và đại dịch Covid-19. Cuộc bỏ phiếu ngày 10/12 có sự tham gia của cả FCC và các chính trị gia đảng Dân chủ, cho thấy sự thận trọng với các vấn đề an ninh quốc gia sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm chính quyền vào tháng 1/2021.

Năm ngoái, FCC đã cấm các cơ quan, tổ chức sử dụng tiền trợ cấp của chính phủ Mỹ để mua thiết bị viễn thông từ Huawei và ZTE. Cơ quan này cho rằng cả Huawei và ZTE đều tiềm ẩn rủi ro an ninh quốc gia – cáo buộc mà cả hai công ty Trung Quốc đều bác bỏ. Từ đó đến nay, Quốc hội Mỹ và các cơ quan khác của chính phủ Mỹ đều xem các công ty Trung Quốc mối đe dọa. Theo chủ tịch FCC, đó là lý do cơ quan này quyết định loại bỏ thiết bị của Huawei.

Ông Ajit Pai – Chủ tịch FCC cho biết FCC sẽ lên danh sách các thiết bị bị cấm và xây dựng chương trình hoàn tiền cho các nhà cung cấp để thay thế các thiết bị đáng ngờ. Chương trình này sẽ được triển khai sau khi Quốc hội Mỹ phê duyệt với chi phí ước tính 1,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, FCC cũng đang cân nhắc chấm dứt hoạt động của công ty viễn thông China Telecom tại Mỹ. Chủ tịch FCC cho biết các cơ quan an ninh Mỹ xác định rằng công ty này đã không tuân thủ luật an ninh mạng và quyền riêng tư, tạo cơ hội cho hoạt động gián điệp kinh tế do chính phủ Trung Quốc tài trợ và làm gián đoạn lưu lượng liên lạc của Mỹ.

Bị nhiều chỉ trích, Trung Quốc thu hẹp Vành đai con đường

Trung Quốc đang giảm mạnh chương trình cho nước ngoài vay tiền từ 2 ngân hàng thuộc sáng kiến Vành đai Con đường, sau gần 1 thập kỷ tăng trưởng tham vọng và thách thức cả Ngân hàng Thế giới, Financial Times dẫn nghiên cứu mới cho biết.

Lượng tiền cho vay của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc giảm mạnh từ đỉnh cao 75 tỷ USD năm 2016 xuống 4 tỷ USD trong năm 2019, theo số liệu được các nhà nghiên cứu tại ĐH Boston (Mỹ) tổng hợp. Sự sụt giảm này diễn ra khi Bắc Kinh đang nghĩ lại về sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), một chương trình mang tính dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm rót tiền cho các dự án xây đường bộ, đường sắt, cảng biển và những dự án hạ tầng khác chủ yếu ở các nước đang phát triển.  BRI đang gặp nhiều chỉ trích trên khắp thế giới vì nhiều khía cạnh, như cho các nước thu nhập thấp vay vốn với lãi suất cao, thiếu minh bạch hay đánh giá tác động môi trường và xã hội.

Yu Jie, một nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu ở Anh nói rằng Trung Quốc đang đối mặt với “tổn thất danh tiếng rất lớn” từ BRI. “Bản chất của dự án khiến thế giới cảm thấy báo động và chính phủ Trung Quốc không đưa ra được một kế hoạch minh bạch và giải thích ngoại giao nợ”.

Bà cho biết dư luận Trung Quốc cũng không ủng hộ hoạt động cho vay ở nước ngoài, trong giới làm luật cũng như dư luận trong nước cho rằng Trung Quốc cần đầu tư hơn vào các dịch vụ y tế, sau khi hệ thống này bộc lộ nhiều yếu kém trong đại dịch COVID-19.  Tiền cho vay của Trung Quốc chỉ tập trung vào một nhóm quốc gia, với 10 nước chiếm đến 60% tổng tiền cho vay của Trung Quốc ra bên ngoài, theo phân tích của ĐH Boston. Venezuela là nước vay nhiều nhất, chiếm hơn 12,5%, sau đó là Pakistan, Nga và Angola. Các dự án được cho vay chủ yếu thuộc lĩnh vực vận tải và hạ tầng, khai mỏ và dầu, sản xuất và truyền tải điện.

Trước hạn chót, Anh lên kế hoạch đối mặt với Brexit không thoả thuận

Tờ Sunday Telegraph đưa tin Chính phủ Anh đang lên kế hoạch triển khai gói hỗ trợ trị giá nhiều tỷ bảng dành cho những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ Brexit không thỏa thuận. Các đề xuất bao gồm những thỏa thuận hỗ trợ dành cho những người nông dân chăn nuôi cừu, ngư dân, nhà sản xuất xe hơi và nhà cung cấp hóa chất phải đối mặt với tình trạng gián đoạn về thương mại hoặc chịu ảnh hưởng từ các quy định về thuế quan của Liên minh châu Âu (EU) sau ngày 1/1/2021. Gói cứu trợ trên dự kiến trị giá từ 8 đến 10 tỷ bảng.

Còn theo tờ Sunday Times, các bộ trưởng trong nội các Anh đã cảnh báo các siêu thị dự trữ thực phẩm, trước nguy cơ Brexit không thỏa thuận, do lo ngại về tình trạng thiếu hụt bởi tiến trình đàm phán giữa London và Brussels vẫn lâm vào thế bế tắc.

Thủ tướng Boris Johnson sẽ nắm quyền chỉ đạo công tác lên kế hoạch nếu London lựa chọn Brexit không thỏa thuận và sẽ đứng đầu ủy ban phụ trách các hoạt động đưa nước Anh rời khỏi EU để chuẩn bị cho công tác ứng phó. Các bộ trưởng trong nội các Anh cũng đã yêu cầu các nhà cung cấp dược phẩm, thiết bị y tế và vắcxin dự trữ lượng hàng hóa đủ dùng trong vòng 6 tuần tại những địa điểm an toàn trên toàn quốc.

Trước đó, một nguồn tin từ Chính phủ Anh xác nhận những cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit tiếp tục diễn ra suốt đêm 12/12 trước thời hạn chót để đưa ra một quyết định về khả năng tiếp tục tiến trình này hay không, song Phố Downing cảnh báo đề nghị của Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được kỳ vọng của London.

2. Vĩ mô Việt Nam

Hơn 99% dòng thuế xuất khẩu sang Anh sẽ được xoá bỏ nhờ FTA Việt Nam – Anh

Ngày 11/12, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh Elizabeth Truss đã chính thức ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh – Việt Nam (UKV FTA). FTA song phương Việt Nam – UK vẫn duy trì các lợi ích trong mối quan hệ thương mại hiện có của hai bên tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU. Thương mại hàng hóa từ dệt may, da giầy cho tới các mặt hàng thủy sản vẫn không bị gián đoạn. Thương mại dịch vụ, cụ thể là dịch vụ tài chính và thương mại điện tử, có thể tiếp tục phát triển.

Các doanh nghiệp có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu và xuất khẩu, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ và bảo hộ các sản phẩm chủ chốt của Việt Nam và UK. Điều này bao gồm 65% số dòng thuế đã được xóa bỏ trong thương mại Việt Nam – UK. Con số nói trên sẽ tăng lên 99% sau khi kết thúc lộ trình cắt giảm thuế quan.

Đến thời điểm cuối lộ trình, Việt Nam sẽ hưởng lợi qua việc tiết kiệm được 114 triệu bảng Anh tiền thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đối với hàng hóa xuất khẩu của UK, con số tương ứng sẽ là 36 triệu bảng Anh. Hiệp định này cũng là một bước tiến quan trọng để UK gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Dệt may khẳng định vị thế, hướng mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS thông tin, mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu ngành dệt may sẽ đạt 55 tỷ USD; trong đó, các sản phẩm chính bao gồm xơ, sợi các loại đạt 4.000 tấn, vải đạt 3.500 triệu m2, sản phẩm may hơn 8.500 sản phẩm. Giá trị thặng dư thương mại đến năm 2025 sẽ phấn đấu đạt 33 tỷ USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 11,6%.

Cơ sở của mục tiêu này xuất phát từ giai đoạn 2016 – 2020 và đặc biệt trong năm 2020, VITAS đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN trong nước, giữa DN trong nước và DN nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…

Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm.

Trong giai đoạn 2020 – 2025, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế và thách thức đan xen, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài từ 1-2 năm tới. Đáng chú ý, khi Việt Nam đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới lại là cơ hội để các nhãn hàng lớn thâm nhập vào thị trường Việt Nam, tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn với sản phẩm dệt may trong nước.

Tiếp tục giảm 30% thuế môi trường đối với nhiên liệu bay

Chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến hết năm 2021. Theo đó, việc giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay xuống còn 2.100 đồng/lít, (từ 3.000 đồng/lít) sẽ tiếp tục được kéo dài tới hết 31/12/2021.

Trước đó, ngày 27/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Trong giai đoạn này, Việc giảm thuế đã làm giảm số thu thuế với nhiên liệu bay khoảng 360-400 tỷ đồng.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trong bối cảnh đại dịch Covid -19 gây thiệt hại nghiêm trọng khi số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh.

Dự kiến năm 2020, doanh thu của Vietnam Airlines giảm trên 40.000 tỷ đồng so với năm 2019 và lỗ hợp nhất lên đến 15.100 tỷ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến thiếu hụt lũy kế khoảng 14.800 tỷ đồng trong năm 2020. Doanh thu dịch vụ vận tải hàng không 9 tháng đầu năm 2020 của Vietjet Air cũng giảm 72% so với năm 2019, dự báo cả năm 2020 lỗ trên 3.000 tỷ đồng. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, góp phần giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, bù đắp chi phí, phục hồi sau khủng hoảng do Covid-19.

Theo dự tính của Chính phủ, nếu tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2021, thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 860-960 tỷ đồng.